Nhớ về một ngày mùa thu Tháng Tám

Nói về cuộc cách mạng mùa Thu tháng Tám, chúng ta không thể không nói đến ngày đầu tiên Bác Hồ làm việc tại ngôi nhà nơi Bác viết Tuyên ngôn Độc lập giữa lòng Hà Nội.

Sách Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử có ghi: Ngày 25-8-1945, Bác từ thôn Phú Gia (trước kia gọi là Làng Gạ), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, về nội thành Hà Nội. Thực ra, đó là ngày làm việc đầu tiên của Bác tại nhà số 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm. Người đã về đây từ chiều tối ngày hôm trước, chiều ngày 24-8. Đây là kết quả của nhiều lần hội thảo, xác minh các nhân chứng, đặc biệt là cuộc tọa đàm do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Thủ đô, năm 2004. Tại cuộc tọa đàm này, người con trai của ông bà Trịnh Văn Bô, chủ căn nhà 48 Hàng Ngang, nguyên là Đội trưởng đội Thiếu niên tiền phong nói: Khoảng 17 giờ ngày 24-8-1945, Bác về 48 Hàng Ngang bằng xe của gia đình chúng tôi đến đón... Vì trước ngày đó, ngày 21-8, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đến ở tại 48 Hàng Ngang để chuẩn bị đón Bác về. Tuy nhiên, cho đến trước ngày 2-9-1945 gia đình cũng như mọi người dân phố khác không ai biết là Bác.

Ngày 19/8/1945 hàng vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường biểu tình, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Cờ đỏ sao vàng ngập tràn trên các tuyến phố. Ảnh: internet

Do đó, ngày 25-8 là một ngày lịch sử, ngày đầu tiên Bác Hồ làm việc giữa lòng Thủ đô sau cuộc hành trình kéo dài hơn 30 năm, từ đây Thủ đô bắt đầu mang dấu ấn của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Chỉ sau một ngày về nội thành, ngày 26-8, Bác đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Bác cùng Thường vụ Trung ương thảo luận và nhất trí chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít tinh ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng sẽ là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 27-8, Bác triệu tập cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Người đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia, bao gồm cả đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sỹ không đảng phái, có danh vọng. Đề nghị của Bác được tán thành. Nhiều Ủy viên Việt Minh tự nguyện xin rút lui để nhường chỗ cho những người thuộc các đảng phái khác. Tại cuộc họp, Bác được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời.

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về đến Hà Nội. Hai hôm sau, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ảnh: internet

Nhiều công việc, nhưng việc quan trọng nhất là việc thảo Tuyên ngôn Độc lập để công bố vào ngày 2-9-1945. Bác Hồ được giao nhiệm vụ gấp rút và quan trọng nhất này. Gần mười thế kỷ, từ Nam quốc sơn hà thế kỷ XI đời Lý, Bình Ngô đại cáo thế kỷ XV đời Lê, nay đến Tuyên ngôn Độc lập. Trong những ngày cuối tháng Tám đó, Bác viết Văn bản cực kỳ quan trọng này.

Bác đã viết nhiều nhưng Người nói những ngày viết Tuyên ngôn Độc lập là những ngày sung sướng nhất. Từ bản Yêu sách của nhân dân An Nam Bác viết ở Pari, Thủ đô của nước Pháp. Chương trình Việt Minh Bác viết ở Cao Bằng, nơi biên giới Việt - Trung. Đến hôm nay Tuyên ngôn Độc lập Bác viết giữa lòng Thủ đô Hà Nội là cả một chặng đường dài đấu tranh gian khổ và hy sinh của biết bao đồng bào, đồng chí.

Theo hồi ký của đồng chí thư ký Bác Hồ, từ ngày 28 - 8 năm 1945, tức là ngày 21 tháng 7 năm Ất Dậu, Bác tập trung vào soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Trong căn phòng rộng ở gác hai của nhà số 48 phố Hàng Ngang, nơi Bác thường làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, ở cuối căn phòng có một chiếc bàn tròn, nơi Bác cùng các đồng chí giúp việc dùng bữa sáng. Một chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong, vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ Người mang từ chiến khu về. Trong không gian yên tĩnh của Hà Nội, nơi chỉ cách đó hơn một tuần còn là một thành phố bảo hộ với mật thám, thế mà giờ đây cờ đỏ tung bay khắp các đường phố, Bác ngồi viết Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó thật sự là một điều kỳ diệu.

Ngày 28/8/1945, Đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Ảnh: internet

Trong những ngày từ 28 đến 31-8-1945, Bác chủ yếu làm việc tại 48 Hàng Ngang khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập. Bác cho mời một số đồng chí đến, trực tiếp đọc bản thảo cho các đồng chí đó nghe, trao đổi và hỏi ý kiến họ. Bác nói: Trong đời Người đã viết nhiều nhưng đến bây giờ mới viết được bản Tuyên ngôn như vây. Ngày 30 và 31 tháng 8, Bác bổ sung một số điểm vào Tuyên ngôn Độc lập; Người hỏi về tình hình chuẩn bị tổ chức cuộc mít tinh lớn vào ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình, nhắc nhở Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo để cuộc mít tinh trọng đại của dân tộc diễn ra đúng với tầm vóc to lớn của buổi lễ Độc lập. Người nghĩ đến mấy ngày nữa, với cương vị là Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người sẽ thay mặt cho đồng bào trịnh trọng tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập…

Ngày 29-8 tại 48 Hàng Ngang, Bác tiếp Thiếu tá Mỹ A.Patti, Trưởng nhóm OSS (The ofice of Strategic Service), cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ, cũng là đại diện của Đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật. Đây cũng là những người ngoại quốc đầu tiên có mặt tại Việt Nam chứng kiến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và ngày tuyên bố Độc lập của Việt Nam. Người muốn biểu thị cho người Mỹ và các nước Đồng minh biết lòng tin tưởng và quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam để tự giải phóng mình thoát khỏi mọi sự cai trị của bên ngoài, dù cho đó là của Pháp, Nhật, Trung Quốc hay bất kỳ ai. Người cũng nói để  cho người Mỹ hiểu rằng người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là Đảng Cộng sản và những người đảng viên của Đảng trước hết là những người yêu nước, sau đó mới là đảng viên của Đảng. Tại các cuộc tiếp này, Bác nói với A.Patti về kế hoạch hoạt động của Chính phủ lâm thời trong những ngày sắp tới, trong đó có việc tổ chức ngày lễ Độc lập vào ngày 2-9. Trong buổi lễ đó sẽ công bố các thành viên của Chính phủ và Chương trình hoạt động của Chính phủ cho quốc dân biết. Đặc biệt, trong buổi tiếp này, Bác đã cho mời phiên dịch của A.Patti đến, trực tiếp đọc để người đó dịch cho Patti nghe bản Dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Patti đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy Bác Hồ đã đưa vào đó một số câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ nhưng đã đảo trật tự và thay thế một số từ. Chúng ta biết rằng, từ quan trọng nhất Bác đã thay đổi đó là “all men”, tức là “tất cả mọi người đàn ông” trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, sang Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam thành từ “all peoples”, tức là “Tất cả mọi người” đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: internet

“Đồng bào có nghe rõ tiếng tôi không?”. Rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Cả biển người đáp lại tiếng vang như sấm “Có!”.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập. Và sự thật đã thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy”. Cả quảng trường đón nghe từng lời của Bác như tiếng gọi của hồn thiêng sông núi từ nghìn xưa.

Tuyên ngôn Độc lập là một mốc son chói lọi trên con đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, văn bản này cũng đánh dấu mốc quan trọng của phong trào giải phóng dân tộc. Đó là lời tuyên bố về sự cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời là sự mở đầu một thời đại mới, thời đại trỗi dậy của các dân tộc nhỏ yếu đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang1 đã đi vào lịch sử như là một địa chỉ thiêng liêng; nơi ghi dấu ngày đầu tiên Bác làm việc tại đất linh thiêng Thăng Long - Hà Nội; nơi Bác viết Tuyên ngôn Độc lập, đánh dấu sự ra đời của thời đại Hồ Chí Minh.

TS Nguyễn Thị Tình

Top