Thắng tích Chùa Am với Hoàng Hậu Bạch Ngọc và các công chúa

Chùa Am - tên chữ là Diên Quang Tự, xây dựng trên sườn cao phía Nam núi Am Sơn, trước đây thuộc xã Phụng Công, tổng Đồng Công, phủ Đức Thọ, nay là xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Chùa Am do Hoàng hậu Bạch Ngọc khởi dựng từ nửa đầu thế kỷ 15 làm nơi tu hành cùng con gái là Công chúa Huy Chân và cháu ngoại là Công chúa Trang Từ. Theo các tài liệu thư tịch cũ chép thì Hoàng hậu Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào, người làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng (nay là xã Hòa Hải, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh) được Vua Trần Duệ Tông (1373-1377) tuyển làm Cung phi và sinh hạ Công chúa Trần Thị Ngọc Hiên, tước vị Huy Chân Công chúa.

Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, quân Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” kéo quân xâm lược nước ta. Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng gia nhân, tôi tớ gồm 572 người bỏ trốn khỏi Kinh thành tìm về quê hương bản quán ẩn náu, lập nghiệp. Họ chọn vùng Cốc Sơn, Trà Sơn để định cư, chiêu dụ dân chúng đến đây khai hoang lập làng, phát triển sản xuất. Sau nhiều năm kiên trì làm lụng vất vả, một trang trại rộng tới 3.965 mẫu được khai phá với khoảng 3.000 người chia làm 4 điểm gồm Lại Sơn, Ngũ Khê, Hằng Nga và Tùng Chinh là những đơn vị hành chính tương đương một vùng địa dư rộng lớn nay thuộc huyện Vũ Quang, Đức Thọ và Can Lộc. Hoàng hậu còn dựng vợ gả chồng cho các gia nhân và cung nữ rồi lấy tên hai cặp vợ chồng đặt tên cho hai làng Kính - Kỵ và Trung - Phạm đến nay vẫn giữ nguyên những địa danh ấy.

Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa và kéo quân vào lập căn cứ Đỗ Gia ở huyện Hương Sơn, nghĩa quân tình cờ phát hiện trang trại của Hoàng hậu Bạch Ngọc. Biết rõ sự tình, tướng Bùi Bị liền dẫn Hoàng hậu và Công chúa Huy Chân yết kiến chủ tướng. Hoàng hậu xin hiến tất cả lương thực, tiền của, nhân lực và trang trại xây dựng trong nhiều năm cho nghĩa quân Lam Sơn góp phần giúp nghĩa quân liên tục đánh thắng quân Minh trong nhiều trận ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lê Lợi lấy Huy Chân làm cung phi sinh ra Lê Thị Ngọc Châu, tước vị Trang Từ Công chúa.

Sau đại thắng Chi Lăng - Xương Giang tiêu diệt toàn bộ quân Minh xâm lược, Lê Lợi lên ngôi vua mở đầu Triều Lê Sơ. Hoàng hậu Bạch Ngọc xin Nhà vua cho lập chùa Am để tu hành với cả Công chúa Huy Chân. Công chúa Trang Từ lấy tướng Bùi Ban là con trai tướng Bùi Bị, ông tử trận khi tiến đánh Chiêm Thành. Công chúa Trang Từ bèn xin về tu hành tại chùa Am cùng mẹ và bà ngoại, theo tập tục lúc bấy giờ những người không có con trai thừa tự khi chồng mất họ đều xuất gia tu hành thờ Phật.

Chùa Am do Hoàng hậu Bạch Ngọc khởi dựng từ nửa đầu thế kỷ 15 làm nơi tu hành cùng con gái là Công chúa Huy Chân và cháu ngoại là Công chúa Trang Từ. Ảnh: internet

Như vậy, chùa Am là nơi chứng kiến và ghi dấu nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng của triều Lê Sơ. Ngoài giá trị lịch sử tiêu biểu, chùa Am còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hiếm hoi còn lại của thời Lê ở Hà Tĩnh.

Trải qua nhiều năm tồn tại, ngôi chùa đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhiều chi tiết kiến trúc đã thay đổi không còn nguyên bản. Tuy vậy, hình hài và phong cách kiến trúc ngôi chùa vẫn lưu giữ đậm nét kiến trúc thời Lê, đó là lối kiến trúc bố trí nội thất theo chiều dọc hình chữ “công” (I). Toàn bộ ngôi chùa dài 18,50m, rộng 8,50m gồm 8 vì kèo cho 7 gian chính, 2 gian hồi được tạo bởi hệ thống cột hiên phía trước và sau. Toàn bộ ngôi chùa có tất cả có 60 cột gỗ bằng mít với 12 mái kiểu chồng diêm. Mỗi vì kèo gồm 2 cột cái cao 3,85m, đường kính 0,33m, 2 cột quân cao 2,90m, đường kính 0,30m và 2 cột hiên cao 2,20m, đường kính 0,22m. Kết cấu vì kèo theo kiểu nhà kẻ, hệ thống cột, kèo, xà ngang, xà dọc, hoành tải, cầu phong đều làm bằng gỗ mít và gắn kết liên hoàn, giằng giữ nhau tạo nên một bộ khung cực kỳ vững chắc.

Phần mái cấu trúc phức tạp hơn vì ngôi chùa được tạo bởi 12 mái kiểu chồng diêm, có mái dọc, mái ngang được thiết kế hợp lý nên nhìn vào ngôi chùa từ hướng nào cũng tưởng chừng đó là mặt chính. Hai tầng mái chính (8 mái) chồng nhau tại đỉnh dãy cột quân. Đường tàu mái tầng trên đặt trên đuôi những xà nách từ dãy cột cái đâm thẳng ra tạo sự vững chắc cho hệ thống mái vừa dài vừa rộng của ngôi chùa. 4 mái phụ được xử lý khéo léo khi cắt các mái chính chạy dọc bằng hệ thống sườn mái khép kín không bị ảnh hưởng khi có mưa bão lớn và sự xâm thực của nước mưa.

Nhìn tổng thể, kết cấu toàn bộ khung gỗ và hệ thống mái của ngôi chùa gây cảm giác vừa đồ sộ, thoáng rộng vừa vững chắc kiên cố mà uyển chuyển, mềm mại. Các công trình phụ trợ của ngoại thất cũng góp phần tăng thêm giá trị kiến trúc công trình này, đó là dãy hành lang và sân chùa được khép kín với dãy lan can tường bao xây ô thấp, đắp hình hoa thị đồng nhất với các họa tiết trang trí ở các cửa thông thoáng của ngôi chùa. Do địa thế dốc thoải của sườn đồi, đường lên xuống sân chùa được tạo 2 lối đi cách biệt ở hai bên tả, hữu, mỗi bên gồm 15 bậc đá, có lan can xây chỉn chu, nghiêm túc. Giữa 2 lối đi, xây “Bàn mát” để Hoàng hậu ngồi ngắm cảnh hồ sen ở mặt trước phía dưới; phía trên - sau lưng, xây tắc môn đặt trước sân chùa. Các công trình này quy mô không lớn nhưng rất hợp lý và đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt công thức xây dựng các công trình tâm linh, tín ngưỡng, nhất là việc bố trí mặt bằng và sử dụng phép đối xứng phổ biến thời Lê.

Cùng với hệ thống kiến trúc độc đáo của ngôi chùa, việc bố trí nội thất cũng được quan tâm đặc biệt. Trong 7 gian chính đưa vào sử dụng thì 4 gian phía ngoài dành cho phật tử thực hiện các nghi thức tín ngưỡng khi làm lễ cầu siêu hoặc các lễ chính của nhà chùa và là nơi hằng ngày các sư sãi làm lễ cầu kinh, niệm phật. Ba gian phía trong cao hơn một bậc cấp là hệ thống các bàn thờ Phật: trên cao là bộ tượng Tam thế Phật; ở giữa đặt thờ các tượng Quan âm Phật và bậc dưới cùng thờ Phật Thích Ca, Thiên Thủ Thiên Nhỡn, Nam Tào, Bắc Đẩu. Bên trái đặt thờ tượng các tăng ni phật và bên phải đặt thờ tượng Hoàng hậu Bạch Ngọc bằng đồng trong khảm gỗ lớn chạm trổ tinh vi và sơn son thếp vàng. Hiện tại chùa Am lưu giữ 16 pho tượng gỗ cổ sơn son thếp vàng và một số tượng phật mới tạo tác. Các pho tượng cổ đáng chú ý là bộ Tam thế Phật và Quan âm Phật ngồi trên tòa sen, mặt đẹp thanh tú với các tư thế ngồi thiền định. Các pho tượng khác cũng có giá trị không kém, được tạo bằng gỗ mít sơn son thếp vàng cẩn trọng và công phu thể hiện một trình độ cao về nghệ thuật tạo hình cũng như kỹ thuật chạm khắc, trang trí gắn với tín ngưỡng tâm linh của các nghệ nhân.

Cảnh quan chùa Am đẹp và thanh bình bởi ngôi chùa đặt trên đồi cao, nhấp nhô nhiều phiến đá tự nhiên như những phật tử đang bái lạy gọi là Bái Phật tăng. Chùa ngoảnh hướng Nam, xa tít mờ ảo phía trước là dãy Khai Trướng như bức màn giăng của hệ thống Trường Sơn hùng vĩ, lưng chùa dựa vào vách núi Am sơn tạo thế bền vững trường tồn. Bốn hướng khu chùa là dân cư, làng mạc đông đúc, trù phú trải dài vô tận... Trong khu chùa, các công trình kiến trúc cổ như hệ thống am tháp, điện thờ Mẫu, nhà thờ Tổ... vẫn giữ nguyên vẹn nằm dưới tán lá của rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Chùa Am xứng danh là một thắng tích, vừa mang giá trị lịch sử - văn hóa lớn lao, giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, vừa là một danh thắng tiêu biểu của non nước Hồng Lam.

Chùa Am còn ẩn chứa biết bao kỳ tích và huyền thoại của hơn 600 năm tồn tại và biến đổi cùng tiến trình lịch sử đất nước. Vùng đất này giờ đây đang ngày càng đổi mới và phát triển; Chùa Am cũng đang cựa mình hồi sinh và ngày càng khởi sắc như chính khai sinh của nó: Diên Quang Tự. Chùa Am đã có các nhà sư trụ trì cùng một ban quản lý đủ sức quản lý và phục vụ Phật điện. Đạo hữu, thiện nam tín nữ và du khách thập phương tìm về chùa Am ngày càng đông thành tâm cúng dường đức Phật nguyện cầu cho mọi người một cuộc sống an lạc, thái bình và thịnh vượng.

Ngày 13 tháng 12 năm 1995, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định xếp hạng Chùa Am là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa Am đang mong đợi sự quan tâm và giúp đỡ hiệu quả của các ngành, các giới để mãi mãi xứng đáng là một viên ngọc quý, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Trần Hồng Dần

Top