Người Khmer và nghề đóng giường tre

Về làng nghề đóng giường tre Hàm Giang (Trà Cú, Trà Vinh), điều ấn tượng đối với khách là không khí lao động sản xuất thật sôi động. Đâu đâu cũng nghe thấy âm thanh của những tiếng đục đẽo, rồi tiếng mác vót liếm trên thịt tre, tiếng cưa được phát ra từ công việc đóng giường tre.

Những đôi chân vạn dặm

Gọi là làng nghề Ham Giang nhưng “thủ phủ” của làng nghề đóng thang, giường tre là 2 ấp Trà Tro A và Trà Tro B - nơi có hơn 70% dân số là người dân tộc Khmer. Do điều kiện đất đai ở đây phần nhiều là giồng cát cao, chỉ có tre mới có thể sống trụi lá trơ cành chịu đựng qua những tháng mùa khô khắc nghiệt. Không đất, thiếu đất sản xuất, sẵn có nguồn nguyên liệu tre làng, một số người khéo tay đã tạo kế sinh nhai bằng cách lấy tre làm giường, làm thang, làm chõng... đem bán. Buổi đầu chỉ vài hộ làm, dần dần người biết chỉ người chưa biết, theo thời gian hình thành nên cả làng nghề, tính đến nay đã được trên 50 năm.

Làng nghề đóng giường tre ở Trà Tro A và Trà Tro B - Trà Vinh.

Theo nhiều người sản xuất, chế biến loại hàng này, yếu tố quan trọng đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu (tre gai) để đảm bảo độ bóng, bền; sử dụng được từ 10 - 29 năm. Tre già có màu đen xanh đậm, xanh đỏ… Để đánh giá độ tuổi của tre, người chọn nguyên liệu căn cứ vào các bụt măng. Đốn tre là khâu khá vất vả và phụ thuộc vào hợp đồng giữa người bán - người mua.

Tại làng nghề truyền thống này, phần lớn đàn ông đảm nhiệm các khâu: Đốn và vận chuyển tre nguyên liệu về nhà, cắt đoạn tre, đi bán lẻ trên xe đẩy “đặc chủng”. Các công đoạn còn lại (phơi tre, cạo vỏ, làm bóng, vô thanh…) do phụ nữ và trẻ em đảm nhận. Có thể nói, nghề này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động theo kiểu “cha truyền con nối”. Sản phẩm của làng nghề tiêu thụ tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Làng nghề đóng thang, giường tre ấp Trà Tro B có khoảng 20 chiếc xe bán hàng lưu động. Mỗi chuyến đi bán kéo dài từ 7 - 10 ngày. Người đi bán mang theo quần áo, dụng cụ sinh hoạt cá nhân, ăn quán, ngủ đình… Để tương trợ, giúp nhau vượt qua những dốc cầu cao hay đau ốm bất thường, họ thường tổ chức đi bán theo nhóm. Mỗi chuyến đi, mỗi xe lời bình quân 2 - 3 triệu đồng - khá khiêm tốn so với nỗi nhọc nhằn của những “đôi chân vạn dặm” có mặt trên khắp nẻo đường…

Sức sống mới

Một nghệ nhân miệt màn đo đạc, thiết kế bàn ghế tre, giường tre ở làng nghề Hàm Giang.

Câu chuyện về vốn vẫn là vấn đề nan giải ở rất nhiều làng nghề, trong đó có Ham Giang. Năm 2010, UBND xã Hàm Giang chủ trương vận động các hộ làm nghề thành lập Tổ hợp tác đóng giường tre để vừa tương trợ nhau trong sản xuất, đầu ra sản phẩm, vừa có điều kiện thuận lợi để vay vốn ưu đãi của ngân hàng.

Sản phẩm bàn ghế tre, giường tre của làng nghề Hàm Giang bây giờ không chỉ bán cho vùng nuôi tôm sú mà nó đã len lỏi lên phố thị ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả TP. Hồ Chí Minh, góp phần giúp nghề đóng giường tre xã Hàm Giang ngày càng phát triển. Bình quân mỗi tháng làng nghề cung cấp ra thị trường từ 500 - 700 sản phẩm giường tre, bàn ghế tre các loại.

Những năm 1990, đóng một cái giường tre đem bán cả tuần mới được. Cuộc sống gia đình của hầu hết người thợ lúc đó rất khó khăn. Tuy vậy, không ai nỡ bỏ nghề, vừa làm cầm chừng vừa tìm phương kế sinh nhai khác để sống. Nhờ vậy, làng nghề vẫn đứng vững cho đến khi những sản phẩm bàn ghế tre, giường tre “giành lại” được thị trường của riêng mình.

Nếu như trước đây, việc tiêu thụ giường tre chỉ quanh quẩn trong nội tỉnh, thì giờ đây sản phẩm giường tre của người dân ấp Trà Tro B đã vươn xa ra các tỉnh bạn như Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp.

Làng nghề đóng giường tre Hàm Giang.

Được biết, hiện nay cả ấp Trà Tro B có 23 hộ làm nghề đóng giường tre, giải quyết cho hơn 100 lao động tại địa phương có việc làm thường xuyên. Từ cái nghề đóng giường tre, ba năm nay, một vùng đất khó toàn đất cát giồng, đất cát pha Trà Tro B có tỷ lệ hộ người Khmer sinh sống chiếm trên 97,6% đã có một sự khởi sắc rất đáng kể; trong các năm qua tỷ lệ hộ nghèo của ấp Trà Tro B luôn được kéo giảm từ 8 đến 10 hộ mỗi năm; thành tựu về công tác xóa đói giảm nghèo này, bên cạnh sự nỗ lực của nhà nước thì phần lớn đều xuất phát từ nghề đóng giường tre. Cái giường tre đã đổi gạo, đổi bò, đổi đất, cất nhà tường cho hằng trăm hộ dân tộc đặc biệt khó khăn ở ấp Trà Tro B.

Làng nghề đóng giường tre Hàm Giang không thể phát triển với cái vòng quẩn quanh làm ra những sản phẩm bàn ghế tre, giường tre rồi mạnh ai nấy tìm thị trường tiêu thụ. Những người thợ của làng nghề đang tìm cách đưa sản phẩm của làng nghề hướng đến hàng thủ  công vươn tới thị trường xuất khẩu.

Đây cũng là một hướng đi đúng đắn, đang được nhiều người hưởng ứng nhằm hướng làng nghề tới sự phát triển bền vững, góp phần đưa cuộc sống người dân làng nghề nơi đây trở nên sung túc hơn.

Nguyễn Minh Ngọc

Top