Đời dớn

Ngay hôm chúng tôi định lên đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang), gió bấc hồ hởi đổ về. Lỡ hứa với người dân địa phương theo chân họ lúc 4 giờ sáng để xem đổ dớn, tôi đành chịu đựng cơn gió buốt da, mắt nhắm mắt mở khởi hành từ Long Xuyên. Đến nơi, mới 3 giờ 30 phút. Co ro trong ngày gió trở mình, người dân xung quanh ngạc nhiên: “Đúng là 3-4 giờ bà con thường đi đổ dớn ở khu vực biên giới. Nhưng cả năm nay, dịch bệnh ảnh hưởng, muốn đi cũng phải chờ trời sáng mới được nha!”.

 

Nói thật, tôi đại diện cho thế hệ thanh niên ít gắn bó với ruộng đồng, với con nước, nên cái gì cũng thấy lạ, cũng chẳng rành. Cất vó, đặt dớn, đặt lờ… là những “thuật ngữ” tuy quen, nhưng tôi khó mường tượng ra. Bởi vậy, dẫu giờ giấc tác nghiệp không suôn sẻ như mong muốn, tôi vẫn háo hức chờ đợi. Đến khi bước xuống xuồng, nghe gió bên sông phả ràn rạt vào mặt, tôi xem mình như khách thương hồ, chìm vào cuộc sống chòng chành, bám lấy mùa nước mà tìm kế sinh nhai.

Hình ảnh đặt dớn quen thuộc ở miền Tây

Sớm, mà chẳng vắng. Chiếc ghe dọc theo đường kênh ngoằn ngoèo ở xã Phú Hội (huyện An Phú), cách một khoảng lại thấy bóng người cần mẫn đối diện với mặt nước, kiểm tra lượng cá “tề tựu” sau đêm dài. Sống cùng nghề “bà cậu” đã lâu, họ biết giấu niềm khấp khởi khi cá nặng lú, che nỗi thất vọng khi nước rào rạt chảy qua mắt lưới trống rỗng. Đã ăn chén cơm của thiên nhiên, thì được chăng hay chớ, phó thác hên xui!

6 giờ. Nắng hấp háy ở chân trời, khiến gương mặt anh Võ Văn Hợi (sinh năm 1997) càng thêm sạm, già dặn hơn tuổi thật. Anh cởi trần, nước sông nhấp nhô ngang ngực, tiếng nói ấm ách theo từng hơi thở, cuốn cuộc trò chuyện với chúng tôi theo chiều dài của đường dớn. Đúng là “cuốn” theo nghĩa đen, bởi anh thoăn thoắt sửa dớn, di chuyển liên tục, buộc xuồng máy của chúng tôi chấp chới theo sau.

Lần đầu tiên, tôi nghe có người bảo làm nghề này vì… mê, vì yêu, chứ không phải mục đích duy nhất là kiếm tiền. Anh Hợi kể, từ nhỏ xíu, anh đã gắn bó với sông nước, xem việc ngụp lặn ở dòng sông, ở cánh đồng ngập nước là chuyện hiển nhiên. Anh nhìn ba đặt dớn nuôi bầy con trưởng thành. Mỗi mắt lưới, mỗi khúc sông in vào tiềm thức anh, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Anh “học việc” từ những hôm lẽo đẽo theo ba dập dờn trên nước, biết cảm nhận sức nặng của cá tương quan với sức nặng của tiền. Lớn lên, anh cứ thế mà theo nghề. Theo một lần là cả chục năm, chưa từng nghĩ sang lối rẽ khác.

Cá linh được thu mua tại chỗ

Bởi anh có lý do riêng của mình. Con nước vô chừng, có khi kéo dài nửa năm, có khi mới mấp mé 2-3 tháng đã vội rút đi. Thời gian dừng lại trên đồng càng ngắn, thì người dân càng ít cơ hội đón nhận “lộc” của thiên nhiên. “Bấp bênh, cực khổ lắm, khi này khi khác. Tới mùa nước giựt, kiếm hoài chẳng thấy cá lên, thu nhập mấy chục ngàn chua chát. Nhưng tôi ham mùa cá chạy! Nước lên, gặp luồng cá chạy mấy chục ký, đổ dớn bán được bạc triệu. Biết nghề bấp bênh lắm chứ! Mà nghĩ đi nghĩ lại, nhiều người không có đất ruộng, không nghề ổn định, họ chọn đi làm ăn xa. Đợt dịch vừa rồi, họ lại quay trở về quê sinh sống. Tôi có nghề, đâu cần rời đi! Khó cỡ nào cũng xoay trở được, dù sao đây là quê mình, sống dễ dàng hơn” - anh bày tỏ.

Những chiếc dớn cắt xẻ đoạn sông, khoảnh đồng, nhô cao để báo hiệu chướng ngại cho phương tiện thủy. Nghĩ mà phục ông cha ngày trước! Họ phải am hiểu con cá, dòng nước, quy luật tự nhiên đến mức nào, mới có thể tỉ mẩn tạo ra chiếc bẫy công phu, bắt cá số lượng lớn mà chẳng mất nhiều công sức canh chừng? Đó là cuộc đấu trí giữa con người và thiên nhiên, chất chứa khát khao lao động và thu hoạch thành quả. Sức người bé nhỏ, nhưng trí óc lại rộng lớn vô cùng…

Theo lời anh Hợi, đầu tư cho dớn cũng bộn tiền, cả chục triệu đồng chứ ít ỏi gì. Để tiết kiệm chi phí, nhà anh tự may dớn, thay vì thuê cơ sở chuyên nghiệp may. Việc đặt dớn cũng chẳng theo quy cách cố định nào, mỗi người đặt theo ý thích, kinh nghiệm cá nhân, không ai giống ai. Từ ngữ chuyên dụng cũng khó hiểu với người ngoài, chỉ cần dân trong nghề hiểu là được. Anh không quen giải thích, nên sau 5 lần lặp đi lặp lại, chúng tôi mới tạm nắm được ý của anh: kinh nghiệm của gia đình anh là tạo đường trường dài 150m, càng dài càng dễ thu hút cá. Bầy cá chạy tung tăng men theo đường trường, ngờ nghệch chui vào bầu ép, lẩn quẩn hai bên lưới cánh, tiến thẳng vào lú, hết biết đường ra. Rồi anh cứ thủng thỉnh chờ lúc thuận tiện bơi ra, đổ dớn.

Điều thú vị là, hầu như chủ đất rộng rãi, cho người khác đặt dớn thoải mái vào mùa nước, hổng lấy đồng bạc nào. Nhưng với điều kiện: phải coi sóc đất, dọn dẹp sạch sẽ để khi nước rút, chủ đất quay lại canh tác thuận tiện. Nhiều hôm lục bình, rác rưới tấp vào ruộng nhiều, chủ đất nóng nảy đòi nhổ dớn. Bởi vậy, người đặt dớn cứ chộn rộn ra cánh đồng, ngó nghiêng đám dớn của mình thế nào. Hễ phát hiện đoạn dớn hư, sập, cây ngả nghiêng, phải nhanh chóng sửa lại. Đặt dớn tuy nhàn, nhưng bỏ thí, bỏ liều thì cá dễ gì chạy! Còn về chi phí sửa chữa, cũng hổng chừng hổng đỗi. Có khi mới xài được 1 vụ phải thay, do vỏ lãi, xuồng máy chạy ngang, chém hư, chủ dớn tiếc đứt ruột. Có khi, xài năm này qua năm nọ, dớn vẫn chặn cá ào ào…

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tâm mưu sinh bằng nghề dớn

Trước khi trò chuyện với tôi, anh Hợi đã ngâm mình trong nước gần 2 giờ đồng hồ, trong cơn gió bấc đầu mùa. Anh bảo, làm gì quen đó, anh không còn biết lạnh nữa. Nói yêu nghề, nhưng anh cười thật buồn khi chúng tôi hỏi, có muốn cho con cái theo nghề? “Chắc là không. Tôi mong con mình sau này được học hành, làm kỹ sư này nọ. Tôi không nỡ thấy con làm nghề lạnh lẽo, mệt nhọc như mình. Nghề này khổ!” - anh vuốt mặt, nước theo kẽ tay chảy xuống, xua đi chút bần thần.

Rong ruổi trên cánh đồng Phú Hội hôm ấy, chúng tôi gặp rất nhiều người bám đời mình vào dớn. Như ông Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1978), người cố cựu ở xã này. Đám lục bình tấp vào dớn, khiến vợ chồng ông vất vả cập xuồng, đẩy chúng ra chỗ khác trước khi kéo lú dưới sông lên. Gió cuốn lời chuyện trò của chúng tôi đi xa, chỉ còn đọng lại tâm tình của ông: “Hồi trước khi có dịch bệnh, vợ chồng tôi đặt dớn gần biên giới, 3-4 giờ đã tất tả kiếm cá. Khúc sông này nhộn nhịp người mua kẻ bán. Ai đặt dớn trúng luồng cá chạy, cầm chắc trúng mánh. Tôi chỉ đặt dớn theo từng khúm nhỏ, nên cá ít xịu. Có nhiêu ăn nhiêu thôi!”.

Mùa nước năm nay, tận dụng thời gian nhàn rỗi việc nông, cả nhà bà Nguyễn Thu Phương (sinh năm 1973) chất lên xuồng ba lá, chia việc để làm. Nhìn người ta làm thì dễ, mà tới lượt mình thì loay hoay, lóng ngóng trước đám lưới, dớn. Được vài hôm, tay chân quen thuộc hơn, họ cảm nhận được niềm vui tự tay kéo cá dưới sông. Chồng bà phụ trách chèo chống chiếc xuồng nhích tới lui. Cậu con trai 25 tuổi dùng sức kéo lú khỏi mặt nước, lắc cho nhẹ nước rồi đổ cá sang chiếc giỏ bà Phương đang chờ sẵn. Đổ hết dớn rồi, họ túc tắc trở về, đem cá bán cho thương lái. Trong lúc rảnh tay, bà vui vẻ kể về hai đứa con nhỏ đang ở nhà học trực tuyến, về ước mong sớm “đón dâu”, về kế sinh nhai mà nửa đời người họ mới bắt đầu làm…

Mười năm nay, anh Thanh Điền (sinh năm 1992, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) có thể được xem là người gắn bó với dớn một cách gián tiếp. Chiếc ghe của anh cặp gần đó, chờ người đổ dớn đến bán cá. Anh cho biết: “Nước nổi, tôi chỉ mua duy nhất cá linh. Nhu cầu tiêu thụ thì nhiều, mà lượng cá chỉ còn khoảng 3 phần so với trước. Từ 8-9 giờ đến trưa, chắt mót từ nhiều nông dân, tôi gom chừng 100kg mỗi ngày, chớ nào dám mơ số lượng cả tấn nữa”. Con cá linh mỏng manh, phải nâng niu từng chút để đến tay “mối” đủ trọng lượng, đủ ngon, đủ nhanh. Bởi vậy, thấy bụng ghe nằng nặng, anh bắt đầu xuôi về TP. Long Xuyên. Ngày qua ngày, hành trình lặp đi lặp lại, đến khi con nước cạn mới dừng…

Ở góc độ tập quán canh tác, lao động, như nhiều phương thức đánh bắt thủy sản khác, dớn trở thành hình tượng phổ biến của quê hương miền Tây mùa nước nổi, vẽ nên ký ức thân thuộc của người dân. Nhưng rồi sẽ có ngày, dớn trở thành quá khứ. Bởi, thiên nhiên dần keo kiệt với con người, chẳng còn gì để “cung phụng” cho lòng tham vô đáy của con người. Lúc ấy, người ta lại thở dài, buông bỏ dớn ra khỏi đời mình, nhớ mong những ngày xưa cũ…

Bài và ảnh: GIA KHÁNH

Top