Giữ lửa nghề và nhóm “lửa” đam mê

Về xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - một trong những cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống những ngày giáp Tết mới cảm nhận rõ guồng chạy cuối năm bận rộn. Tiếng đục đẽo lẫn tiếng xe chở hàng nhộn nhịp cả góc phố. Nghệ nhân, doanh nhân, cựu chiến binh Phan Trọng Điền - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đúc đồng Nam Thiên chia sẻ với chúng tôi, năm nay ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên nhịp điệu làm việc đã lắng xuống nhiều, tuy vậy, xưởng nhà ông vẫn luôn đỏ lửa, quan trọng hơn, “muốn gìn giữ nghề truyền thống của ông cha, mình phải luôn nhóm lửa đam mê”.

Người cựu chiến binh đam mê nghệ thuật

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 30km về phía Bắc, làng nghề đúc đồng xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển hàng trăm năm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, làng nghề vẫn giữ được cái nghiệp cha ông để lại, đồng thời phát huy và lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí vượt biên giới ra nước bạn.

Hơn 30 năm về trước, ông Phan Trọng Điền vốn là bộ đội phục viên làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Thượng Lào. Từ năm 1987, khi phục viên trở về, ông Điền bắt đầu sự nghiệp giữa cái nôi của nghề đúc đồng. Ông “cắp sách” đi học hai nghệ nhân gạo cội nổi tiếng trong làng nghề đúc đồng Thiên Lao - Xuân Trường là nghệ nhân Lê Văn Việt - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Tiến và nghệ nhân Lê Văn Chiểu. Vừa học hỏi nghệ nhân, ông Điền vừa mày mò, khám phá, tìm hiểu thật kĩ các công đoạn đúc đồng sao cho thật “chín”, thật chuẩn. Trời không phụ lòng người, từ những kỹ thuật đơn giản như sản xuất đồ gia dụng mâm, bát, nồi xoong… ông đã dần nhóm lên ngọn lửa đam mê nghề, phát triển lên đúc đỉnh, lư, hạc kích thước to hơn, khó hơn xưa. Rồi đúc chuông, đúc tượng danh nhân… theo xu hướng bây giờ. Các sản phẩm của gia đình ông vừa có nét hiện đại, vừa kết hợp với các nét cổ xưa, vừa tinh tế, vừa mang cái hồn của nghệ nhân. 

Nghệ nhân Phan Trọng Điền tại Lễ khánh thành đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh chào mừng 130 năm ngày sinh của Người, tại núi Chung Sơn, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ngày 15-5-2020

Ông Phan Trọng Điền được biết đến là một nghệ nhân đúc đồng “khó tính” trong làng, mỗi sản phẩm với ông là một tác phẩm nghệ thuật. Ông Điền yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật, đồ đồng nào ra đời cũng phải cân nhắc kĩ càng, hoàn thiện chỉn chu và không có lỗi lầm. Điều đó yêu cầu một người thợ đam mê công việc, không tính toán thời gian, cần mẫn, chịu khó, thậm chí đến giờ ăn rồi mà tác phẩm chưa xong cũng không biết đói. “Phải thổi hồn của mình vào pho tượng thì pho tượng đó mới có hồn, có thần. Nghệ nhân phải tỉ mỉ, cần cù, chịu khó và luôn luôn tìm tòi những cái mới” - ông Điền chia sẻ.

Năm 2010, khi cái duyên với nghề đủ lớn, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, ông Phan Trọng Điền đứng ra thành lập Công ty TNHH Một thành viên Đúc đồng Nam Thiên. Sự kiện quan trọng ấy càng nhân lên niềm vui khi được Thượng tọa Thích Tâm Vượng - Viện chủ tổ đình chùa Cổ Lễ đích thân đặt tên cho công ty ông là “Nam Thiên” - tên của Tổ sư Đức Thánh tổ dạy và truyền nghề đúc đồng của làng nghề đúc đồng Việt Nam, ngoài ra ngài còn mang tên là Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không.

Đưa đồ đồng đi khắp cả nước

Từ những chiếc chuông, khánh và những sản phẩm đồ thờ, theo thời cuộc, khắp cả nước diễn ra nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, việc đúc các vị anh hùng giải phóng dân tộc đặt ở chùa hay các công trình công cộng phát triển, ông Điền cùng gia đình nhanh chóng “vào guồng”, vừa trau dồi tay nghề vừa học hỏi, tìm hiểu nhân vật lịch sử như Quang Trung, Nguyễn Huệ… để từ hình ảnh trắng đen ngày xưa, gia đình ông đúc hàng trăm bức tượng có hồn, được nhiều giáo sư, nhà sử học, các thầy chùa… tin tưởng đặt hàng. Điều mà công ty đúc đồng Nam Thiên quan tâm nhất, đó là thần thái và cái hồn của các sản phẩm đồng.

Chục năm gần đây, công nghệ dát vàng, mạ vàng được ưa chuộng, nhiều khách hàng muốn đồ đồng được dát vàng, nghệ nhân Phan Trọng Điền lại tiếp tục học hỏi để bắt kịp xu hướng, bắt kịp thị hiếu. Công ty ông nỗ lực học hỏi, đưa công nghệ dát vàng tinh tế vào các sản phẩm của gia đình, tạo nên nét đẹp khó nhầm lẫn với các sản phẩm của các gia đình khác. Mọi thành viên trong gia đình đều luôn tâm niệm, phải giữ nghề cha ông, đưa các sản phẩm đồ đồng gia truyền tinh xảo, đặc sắc đến nhiều khách hàng hơn nữa.   

Công trình thi công đền Chung Sơn, thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiều năm qua, Công ty Đúc đồng Nam Thiên của nghệ nhân Phan Trọng Điền đã được chọn đúc đồng và thi công các công trình trọng đại, chủ chốt của quốc gia, trong đó phải kể đến: Tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông, khánh đồng ở Ngọa Vân Yên Tử; Tượng đồng Hồ Chủ tịch, chuông đồng và một số hạng mục quan trọng ở nhà thờ Gia tiên Hồ Chủ tịch - Đền Trung Sơn, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; Chiếc chuông đồng 3.500 kg, cao hơn 3m và trống đồng nặng hơn 11 tấn ở Đền thờ họ Đặng Việt Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập và công nhận là Trống đồng lớn nhất Việt Nam và khu vực; rồi phải kể đến 32 pho tượng danh nhân và các bậc Tiên hiền của họ Đặng Việt Nam. Công ty Nam Thiên cũng là đơn vị phục chế và tu bổ rất nhiều hạng mục ở chùa Cổ Lễ - Nam Định, ngôi chùa nổi tiếng mang đậm kiến trúc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam, là “Di tích lịch sử văn hóa”, “Danh lam thắng cảnh quốc gia”, đồng thời là Trụ sở Phật giáo huyện Trực Ninh và là cơ sở trường hạ Phật giáo tỉnh Nam Định. Dấu ấn của đồ đồng Nam Thiên in dấu trong tượng đồng Phật Di lặc, tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông, chuông đồng, vạc đồng… Rất nhiều chuông đồng, khánh đồng ở đền chùa khắp mọi miền Tổ quốc được ông Điền gửi gắm tất cả tay nghề, kinh nghiệm cũng như tâm hồn vào tác phẩm như chuông đồng, khánh đồng ở chùa Trúc Lâm - đảo Cô Tô, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; đồ đồng ở đền Đại Vương Xã Tắc - phường Ka Long, TP. Móng Cái; tượng đồng Vua An Dương Vương tại đền Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội…

Vừa giữ nghề truyền thống, vừa tạo công ăn việc làm cho hơn 100 công nhân lao động, phần lớn là con em địa phương, cựu chiến binh xuất ngũ trở về, ông Phan Trọng Điền trở thành doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Nam Định; ông là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thanh tra Hội Doanh nhân Cựu chiến binh huyện Xuân Trường; Ủy viên Thường trực Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Nam Định. Ở cương vị nào, ông Điền cũng hết mình với công việc.

Bằng những cống hiến không mệt mỏi của mình, nghệ nhân Phan Trọng Điền vinh dự nhận Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang; Huân chương Hữu nghị Việt Lào, Bằng khen của Bộ Quốc phòng; Bằng khen và Kỷ niệm chương của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; được phong tặng Nghệ nhân làng nghề Việt Nam của Hội làng nghề Việt Nam; Nghệ nhân bàn tay vàng Quốc gia của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam… và rất nhiều Bằng khen của các cấp chính quyền.

Ông Điền tâm sự, hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến công việc đúc đồng gặp ít nhiều khó khăn, người làm nghề đúc đồng ở xã Xuân Ninh rất cần được sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp chính quyền để mở rộng quy mô mặt bằng sản xuất hơn nữa để phát triển công ty cũng như tạo công ăn việc làm ổn định cho công nhân lao động địa phương. Hi vọng dịch bệnh qua đi, ông Điền và tất cả nghệ nhân trong làng sẽ ổn định công việc, ông sẽ phát huy sự tín nhiệm của khách hàng, xây dựng nhiều sản phẩm độc đáo hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa, vì không thể để nghề truyền thống bị mai một…

                                                                                      Bài và ảnh: Trần An

 

Top