Nghi lễ và trò chơi kéo co trong lễ hội mùa xuân
Nghi lễ và trò chơi kéo co được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa lâu đời, tín ngưỡng, tập quán quan trọng trong cộng đồng. Trong các lễ hội cổ truyền, kéo co thường có trọng phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.
Kéo co là một nghi thức và trò chơi phổ biến ở Việt Nam
Kéo co có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. Hai đội sẽ cùng nắm chắc vào một sợi dây thừng hoặc song tre, ở điểm giữa của dây/ song tre được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây/ song tre, đội nào kéo được điểm đánh dấu về phía mình là đội đó thắng cuộc.
Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 keo, đội nào thắng liên tiếp 2 keo thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu keo thứ 3. Mỗi hiệp thường chỉ kéo dài vài phút, thời lượng do ban tổ chức quy định, do vậy đòi hỏi các thành viên của mỗi đội chơi phải rất cố gắng. Có nơi người ta lấy tay người, sức người để trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn người sau ôm bụng người trước mà kéo. Giữa cuộc thi, bên nào bị đứt người là thua cuộc.
Trong các lễ hội, bất kỳ khi nào trò kéo co diễn ra, không khí sẽ trở nên vô cùng náo nhiệt, tạo thành tâm điểm của sự chú ý. Từ những người trực tiếp kéo co đến những người phục vụ đội kéo co và cả người dân đến dự, đều náo nức tham gia, cổ vũ vô tư, không vụ lợi hay mang tâm lý thắng thua.
Trò chơi kéo co trong một lễ hội tại vùng núi phía Bắc Việt Nam
Người xem đứng thành vòng tròn bên ngoài hò reo, cổ vũ cho các đội chơi, thậm chí có nơi còn dùng trống, chiêng đánh dồn để cổ vũ làm cho không khí thêm phần sôi động. Kéo co là môn thể thao dễ chơi và ai cũng có thể tham gia vì không phải đầu tư nhiều cho dụng cụ và rất phù hợp với các lễ hội vui xuân. Trò chơi này ngoài sức khỏe, sự dẻo dai thì đòi hỏi người chơi cần có sự khéo léo, kỹ thuật, chiến thuật tốt cùng sự phối hợp ăn ý với đồng đội để có thể giành được chiến thắng.
Ở một số nơi, kéo co không đơn thuần là trò diễn dân gian mà nó còn phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, nhân sinh quan và thế giới quan của cư dân trồng lúa nước về ước vọng cầu mùa, thể hiện mong muốn của cộng đồng. Đội nào thắng cuộc sẽ mang lại điều may mắn cho cộng đồng của mình, được thần linh che chở, cho nên trò chơi dân gian trong lễ hội, ngoài việc thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí, còn mang ý nghĩa phong tục, tâm linh không thể thiếu.
Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được kiểm kê tại các quốc gia: Hàn Quốc (1969), Việt Nam (2013), Philippines (2013) và Campuchia (2013). Ở Hàn Quốc, hầu hết các thị trấn ở các vùng nông nghiệp đều tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co. Thực hành nghi lễ và trò chơi này đặc biệt phổ biến ở các vùng đồng bằng rộng và bằng phẳng, ví dụ ở các khu vực phía Tây Nam của bán đảo Hàn Quốc. Các địa bàn nổi tiếng về nghi lễ và trò chơi kéo co gồm có: các khu vực nông nghiệp của Dangjin, Namhae, Milyang, và Uiryeong, Changnyeong cũng như các khu vực bán nông nghiệp và ngư nghiệp ở Samcheok.
Nghi lễ trò chơi kéo co ở Hàn Quốc
Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng Trung du, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước, với trung tâm là các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Ngoài ra, di sản còn được thực hành thường xuyên bởi các tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam như người Tày (tỉnh Tuyên Quang), người Thái (tỉnh Lai Châu) và người Giáy (tỉnh Lào Cai), vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Ở Philippines, Hungduan là một thành phố của Ifugao, có ranh giới phía Tây Bắc là tỉnh Mountain và phía Tây Nam là Benguet. Ở 9 barangays (đơn vị hành chính nhỏ nhất của Philippines) tạo nên thị trấn Hungduan, chỉ có Hapao Proper, Nungulunan và Baang thực hành kéo co. Ba barangays này nằm ở trung tâm của Hungduan và nổi bật với những ruộng bậc thang rộng bạt ngàn, ngăn cách bởi các vỉa đá. Ở Campuchia, di sản được thực hành thường xuyên bởi các cộng đồng trồng lúa nằm xung quanh Hồ lớn của Biển Hồ Tonle Sap và khu vực phía Bắc Angkor.
Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Ngày 2-12-2015, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và Campuchia đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thành công của việc xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia và được UNESCO vinh danh của Hàn Quốc, Việt Nam, Philipines, Campuchia không chỉ góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc mà còn góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực, thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của quốc tế đối với cách tiếp cận mới của các quốc gia về di sản có chung đặc trưng cũng như sự chung tay bảo vệ di sản của các quốc gia thành viên đệ trình hồ sơ đa quốc gia này.
Thu Hà