Ngày xuân vãn cảnh chùa Linh Sơn

Đầu xuân năm mới, còn gì ý nghĩa và thú vị hơn khi được đắm chìm vào không khí thanh tịnh, vừa là để cầu mong mọi điều tốt lành đến với gia đình, bạn bè tại những ngôi chùa, vừa là thưởng ngoạn cảnh sắc cổ kính nơi đây.

Đà Lạt không chỉ nổi tiếng với những đồi thơ mơ mộng, cảnh hoa tiên sắc, thành phố sương mù quyến rũ mà còn sở hữu nhiều ngôi chùa cổ kính linh thiêng và tuyệt đẹp, trong đó phải kể đến chùa Linh Sơn.

Tọa lạc số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, thành phố Đà Lạt, trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố 700m về phía Tây Bắc, khuôn viên chùa Linh Sơn như một cõi riêng, nơi chỉ nghe thông reo và tiếng chuông mõ đều đều vọng lại.

Chùa Linh Sơn - Đà Lạt

Linh Sơn được xây dựng vào năm 1938, ngày nay đây còn là Trường Đào tạo Phật học Cơ bản và nơi đặt Văn phòng của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng (120 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Lạt). Quy mô và kiến trúc của Linh Sơn khá khiêm tốn, giản dị, không bề thế, thơ mộng.

Kiến trúc chùa Linh Sơn mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông, đường nét giản dị và hài hòa. Với kết cấu cổ điển tường gạch mái ngói, từ xa khách có thể thấy rõ kiểu nóc đặc trưng của đình chùa Việt Nam: đôi rồng uốn khúc nằm đối xứng ở hai đầu hồi, trong khi bốn mái riềm xuôi cong về phía dưới với những đường nét hoa văn riêng biệt.

Con đường vào chùa rợp bóng hàng thông và cây sao cao vút - ngay trước sân chùa, khách đến tham quan đã nhìn thấy tượng Quan Thế Âm đứng trên đài sen, bên trái chùa có ngôi bảo tháp cao ba tầng hình bát giác, còn bên phải chùa có những hòn giả sơn và bonsai tạo dáng thật đẹp. Nơi đây còn có một hồ nước nổi bật giữa đám cỏ xanh với những bông súng khoe sắc màu, những chú cá vàng bơi nhởn nhơ trông thật vui mắt.

Thông thường cổng chùa thường xây cổng tam quan. Song cổng chùa Linh Sơn chỉ xây hai vách cao 4m, cách nhau 5m có mái lợp, bậc cấp được xây bằng đá, cửa cổng có thể hiến cho du khách một chỗ tạm nghỉ chân mà không sợ mưa nắng.

Từ dưới đường bước lên chục bậc thang là sân chùa, hai bên có mấy trụ gạch khảm bằng sứ những lời của Đức Phật.

Cổng chùa Linh Sơn - Đà Lạt

Trước tiền đường, trên các cột có treo nhiều cặp câu đối đượm ngát Thiền vị, như:

“Lâm Viên tại xứ tác Kỳ viên, Thái tử thọ, trưởng giả kim. Đương Niệm hiện thành, cổ kim như thị.

Đà Lạt bổn lai chân cực lạc, thất trùng lâu, bát đức thủy. Duy tâm nhược ngộ, bỉ thử hà phân.”

(Lâm viên ngay đấy chính Kỳ viên, thái tử dâng cây, trưởng giả hiến vàng. Một niệm tựu thành, xưa nay như thị.

Đà Lạt xưa nay là cực lạc, lâu đài bẩy lớp, nước báu tám đức. Riêng tâm tỏ ngộ, đây đó chẳng hai.)

Và cặp câu đối:

“Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện

Tùng thanh tĩnh thính khách đàm thiền.”

(Màu núi nhạt theo người vào viện

Tiếng tùng im nghe khách bàn thiền)

Chính điện bao gồm hai ngôi nhà nối liền nhau, được bài trí trang nghiêm với tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen đúc bằng đồng từ năm 1952, cao 1,7 mét, nặng 1,25 tấn. Bên trái chính điện là Tổ đường - nơi thờ Ðạt Ma Sư Tổ, ngoài cái trống lớn có đường kính 0,75 mét thì đây cũng là nơi đặt bài vị các nhà sư đã viên tịch và những người đã khuất mà thân nhân họ đưa vào chùa với niềm tin “để linh hồn được hưởng hương khói và nghe kinh mỗi ngày”. Bên phải chính điện là tượng Hộ pháp Di đà, gần đó đặt khung gỗ quý treo Ðại Hồng Chung” nặng 450 ký. Lầu chuông và lầu trống được bố trí cách nhau 12m trước Phật đường. Quả chuông đúc vào năm 1950, cao 1m80 cân nặng 40 ký do các nghệ nhân “Phường Đúc Huế” tạo thành. Phía trái là ngôi tháp ba tầng đứng trên một nền cao 14m, hình bát giác góp phần vẻ tôn nghiêm, mỹ thuật cho chùa. 

Một góc chùa Linh Sơn

Trong chùa Linh Sơn còn có nhà vãng sinh (nơi quản thi hài Phật tử mà gia quyến họ muốn cử hành tang lễ tại chùa) và phòng phát hành kinh bổn... Ngoài ra chùa Linh Sơn còn có một giảng đường khá lớn, được xây dựng năm 1972, nay là Trường Cơ bản Phật học của tỉnh Lâm Ðồng.

Trở ra ngoài sân, du khách thưởng ngoạn những hòn non bộ xây dựng rất công phu - nhiều cái thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Gần đó dưới bóng thông reo là tòa bảo tháp 3 tầng hình bát giác, nơi thờ kính xá lỵ của các vị cao tăng đã sáng lập chùa.

Là một danh lam thắng cảnh Đà Lạt cổ kính, hằng năm, chùa đón tiếp hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái. Những ngày này, khi hương xuân đã tràn ngập đất trời thì dường như người ta lại mong muốn tìm về một khung cảnh, một không gian gợi mở tâm hồn, như một dịp để nhìn lại chính mình trong thời gian qua, để chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, để hướng về những giá trị của tâm linh.

Hoài Nam

Top