Nghệ thuật trang trí lên y phục của người Xá Phó ở Lào Cai

Người Xá Phó là một trong những tộc người thiểu số của tỉnh Lào Cai, họ cư trú chủ yếu ở các huyện Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Văn hóa truyền thống của người Xá Phó đa dạng và phong phú cả về nội dung lẫn loại hình, trong đó đặc biệt là nghệ thuật trang trí trên y phục. Với sự tinh tế của khối óc và đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ, họ đã thêu dệt nên những bộ y phục đẹp một cách hoàn mỹ làm tôn dáng vẻ của người mặc. Điều đó đã chứng tỏ tư duy thẩm mĩ của các chị em phụ nữ Xá Phó đạt đỉnh cao của nghệ thuật trang trí, tạo hình và bố cục hoa văn trên y phục.

Phụ nữ Xá Phó sử dụng chủ yếu các màu là đỏ, xanh, vàng, trắng…để nhuộm chỉ thêu hoa văn trên các bộ trang phục và các phụ kiện kèm theo như khăn, túi đeo... Trong trang trí hoa văn, chị em phụ nữ Xá Phó ưu thích các gam màu nóng, như màu đỏ để làm cho những bộ váy áo của họ nổi bật giữa bao la của đại ngàn.

1. Nghệ thuật trang trí trên y phục Xá Phó:

- Y  phục nữ Xá Phó:

Bộ y phục nữ Xá Phó gồm có: Khăn, áo, váy, thắt lưng đều được làm thủ công bằng tay, với chất liệu là vải bông do họ tự dệt, tự thêu và tự nhuộm màu. Phụ nữ mặc áo lửng (vạt ngắn ngang bụng) và váy dài chấm gót, cả áo và váy được thêu hoa văn. Áo nữ dân tộc Xá Phó là kiểu áo chui đầu, không mở vạt, cổ áo vuông, cả thân trước và thân sau giống nhau, đều ghép ngang vải ở giữa lưng và dưới ngực. Vai liền, nối ở ống tay áo, gấu bằng.

Hoa văn trên áo được chia thành hai phần rõ rệt: Từ cổ xuống dưới ngực (12 cm) thêu thưa, đính dọc 4 đường hạt cườm trắng, thêu vặn thừng đường diềm, đường thẳng song song bằng các chỉ màu sặc sỡ với gam màu nóng trên chất liệu nền vải màu chàm đen, các chất liệu bằng chỉ màu xanh, đỏ, trắng kết hợp màu sắc của nền vải tạo ra sự tinh tế trong sử dụng màu sắc, khéo léo và công phu trong kỹ thuật thêu hoa văn. Phần dưới của thân áo thêu dày, hoa văn đối xứng nhau với các loại hoa văn hình học là các ô vuông, hình tam giác, hình quả trám. Phần tay áo không có hoa văn, chỉ thêu hoa văn ở gần cổ tay với họa tiết vặn thừng, hình học biểu tượng của sức mạnh, hình mắt chim, mắt gà lôi, hình lá cây dương xỉ, hình tam giác, hình chữ nhật.... Tất cả đều được phối kết hợp màu sắc hài hoà nhưng màu đỏ sậm là màu chủ đạo trên y phục nữ giới người Xá Phó.

Váy của phụ nữ Xá Phó được may với cạp chiết nhỏ, thân váy chắp lại từ hai mảnh vải nhuộm chàm và được trang trí hoa văn cầu kỳ dọc theo chiều dài của váy. Mảng hoa văn gần cạp váy được thêu bằng các hình thoi nối dài nhau, xen kẽ nhau bằng các màu thêu rực rỡ. Chân váy được thêu bằng những hình cây thông nối tiếp nhau, bên dưới là hình sóng nước hoặc hình răng cưa, quả trám và các hình tam giác xếp chéo nhau.

Giữa váy và áo của người Xá Phó được ngăn cách bởi chiếc thắt lưng làm bằng vải trắng có tua nhiều màu ở cuối. Chiếc khăn trở thành điểm nhấn và tạo cảm giác làm hài hòa những sắc màu sặc sỡ càng làm cho trang phục của phụ nữ Xá Phó thêm hấp dẫn.

Những thiếu nữ Xá Phó (Ảnh: TL)

Váy Xá Phó có độ dài trung bình là 80cm, rộng gấu 65cm, cạp cắt rời sau mới ghép vào thân váy, cạp cao 8 cm, vòng cạp rộng 104cm, vòng cạp làm thu nhỏ hơn so với thân váy. Váy để trơn từ cạp xuống 12cm, phần còn lại thêu hoa văn theo chiều ngang của váy, tính từ trên xuống có thể chia thành 03 vòng hoa văn:

+ Vòng 1 (rộng 11cm) hoa văn hình quả núi, quả trám, đường diềm, ô vuông tam giác, xương cá, đường thẳng song song với các loại màu sắc sặc sỡ, thêu dày. Kết thúc vòng thêu này cũng là nơi nối ghép váy theo chiều ngang.

+ Vòng 2 (rộng 27cm) hoa văn thêu thưa và đều nhau, hoa văn hình cây thông, đường diềm, hình học bằng các gam màu xanh, đỏ, trắng.

+ Vòng 3 (rộng 24cm) thêu hoa văn dày đặc trên toàn bộ phần dưới với hoa văn màu trắng, đỏ, xanh hình thoi, hình đường diềm, quả trám, tam giác, cây thông.

- Thắt lưng dài 164cm, rộng 68cm làm từ vải phin trắng hoặc vải mộc làm bằng chất liệu bông, viền mép làm cẩn thận để tránh tua vải. Khi dùng gập khăn làm 4 theo chiều dài khăn và buộc cuốn ra phía ngoài cạp váy, tùy theo bụng to hay nhỏ của từng người mà buộc cho phù hợp.

- Khăn đội đầu thường là những chiếc khăn vuông bằng sợi bông được mua từ bên ngoài về, không phải do họ tự làm ra. Khăn không được trang trí hoa văn, mà nó là chiếc khăn sợi len màu sắc sặc sỡ, xanh, đỏ, vàng...

- Túi đeo dùng đựng các đồ dùng cần thiết, và sử dụng ở mọi lúc mọi nơi, trong đám cưới cô dâu dùng đựng đồ kim chỉ, thóc giống... Túi làm bằng chất liệu vải màu chàm đen tự dệt bằng bông, dài cả quai là 52cm, rộng 34cm. Đáy liền không ghép vải, miệng bằng. Quai túi được kéo dài từ cạnh bên (theo chiều từ đáy lên) với khổ vải rộng 14cm sang cạnh bên kia (ghép thân). Trang trí hoa văn trên thân túi là hình hoa văn hình cây thông, đường thắng song song ở hai bên miệng túi (7cm), 3 đường diềm và 3 điểm hạt cườm (4 cánh) màu đỏ, trắng và màu xanh. Hai bên thân túi (phần kéo liền lên quai túi) cũng được trang trí họa tiết hình cây thông, đường diềm, hạt cườm rất sặc sỡ, tỉ mỉ.

- Đi kèm với bộ y phục là đồ trang sức như vòng cổ bạc, vòng tai, vòng tay đeo trên mình tạo dáng cho người mặc. Ngày lễ, tết, hội hay đám cưới trong làng tràn ngập sắc hoa (mỗi người phụ nữ mặc trang phục truyền thống đều trông rất đẹp).

+ Bộ y phục nữ dân tộc Xá Phó được dùng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn mặc của người dân, nó còn thể hiện được trình độ thêu dệt với kỹ thuật cao. Trang phục được trang trí hoa văn sặc sỡ, chủ yếu là gam màu nóng, vượt khỏi sắc màu thiên nhiên, phản ánh thẩm mỹ và tính mỹ thuật rất cao, cho thấy được khát vọng sống mãnh liệt, được người dân bộc lộ, thể hiện thông qua bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Họa tiết trên trang phục người Xá Phó (Ảnh: TL)

- Y  phục nam Xá Phó:

 Bộ y phục nam Xá Phó gồm có: Khăn, áo, quần, thắt lưng đều được làm thủ công bằng tay, với chất liệu là vải bông tự dệt, tự thêu có nhuộm chàm đen. Trên áo có dấu tích đặc biệt là thân áo xẻ từ 2 bên, cách 10cm từ gấu áo lên có khâu chỉ màu (đỏ, vàng, đỏ)

- Áo dài 70cm, đây là loại áo cánh 4 thân, vai liền, nối ở ống tay áo. Thân sau được ghép bằng hai mảnh vải (mỗi mảnh rộng 27cm), khâu vắt lại thành một đường ở sống lưng. Thân trước là hai mảnh dùng mở cúc ở hai vạt với 6 hàng cúc vải, đó là những đường vải được khâu thành dây nhỏ, một đầu tạo nút, một đầu lại thành hình tròn khóa đầu tạo nút. Cổ áo được tạo liền từ các thân áo, viền vải phin đỏ xung quanh.

Áo xẻ tà đối xứng 2 bên hông và phần sống lưng áo (13cm), trang trí thêu hoa văn bằng chỉ đỏ, trắng đính từng đôi hạt cườm trắng, ở viền xẻ tà và gấu áo, dọc sống lưng áo. Phần ống tay nối dài 35cm, ống tay khâu tròn rộng 12cm, trên gấu áo ống tay thêu hoa văn vặn thừng 4,5cm theo chiều ngang ống.

- Quần: Quần đàn ông Xá Phó là kiểu quần chân què, chiều dài thông thường là 110cm (một số người cao thì quần sẽ dài hơn), được may theo kiểu quần đũng chéo, kéo từ cạp xuống hai bên tạo thành ống quần. Cạp rời 8cm cắt ở phía ngoài sau đó mới ghép vào thân quần. Từ cạp đến đũng là 35cm, cạp không luồn chun nên khi mặc phải dồn về một phía và giắt sang một bên sau đó buộc dải rút. Ống quần rộng 29cm, mép ống được gấp vào trong bằng một đường nẹp nhỏ.

- Khăn: Được làm bằng nột mảnh vải đen có chiều dài 140cm, rộng 12cm, khi quấn gấp đôi theo chiều dọc của khăn và quấn như kiểu khăn xếp của người Kinh.

- Áo chỉ có một kiểu độc nhất là nền áo màu chàm đen, xẻ ngực không cài cúc, xẻ tà hai bên sườn và được trang trí hoa văn. Áo có chiều dài từ 55 - 60cm, rộng từ 40 - 45cm, ống tay dài từ 35 - 38cm, ống tay rộng 28cm. Phần vạt áo của chú rể không được thêu hoa văn nhiều như vạt áo của cô dâu, mà chủ yếu nó được ghép bằng các hàng hạt cườm trắng và gấu áo cũng được ghép hạt cườm theo kiểu hoa văn hình quả núi, phần xẻ ở nách cũng được trang trí bằng các hàng hạt cườm chạy dọc phần xẻ và các bông hoa bằng hạt cườm bốn cánh kép. Lưng áo được đính hạt cườm kép theo hình chữ “thập”. Cổ tay áo cũng được trang trí hoa văn với các hoa văn hình cây cỏ, hình chữ Vương và các đường viền được khâu hết sức cẩn thận, viền tay áo được nẹp thêm một viền vải màu khác với màu nền của áo để cho các sợi áo không bị bung ra khi lao động. Thân áo không có cổ bẻ hay tròn cao như một số dân tộc khác mà nó được khoét hơi hơi sâu xuống một ít và được viền bằng một viền vải hoa nhỏ và được khâu cẩn thận bằng các mũi khâu đột cẩn thận, đều đặn.

(Ảnh: TL)

2. Giá trị nghệ thuật trang trí trên y phục Xá Phó

Y phục đẹp cầu kỳ thể hiện được phẩm chất khéo léo ở người phụ nữ, người phụ nữ Xá Phó đã làm nên kỳ tích tạo ra bộ y phục truyền thống đẹp và hấp dẫn, khác lạ so với nhiều dân tộc khác, họ sử dụng rất nhiều biện pháp để trang trí như cách phối hợp màu sắc, cách thêu tạo hình hoa văn, sử dụng hạt cườm trắng đính trên áo...

Ấn tượng sâu sắc khi tiếp xúc với y phục nữ Xá Phó là sự bài trí các mảng màu trong bố cục màu sắc và họa tiết được nhắc lại theo nhịp điệu riêng tạo ra nhiều mô típ hoa văn. Bằng hình thức thêu, liên kết các sợi chỉ màu, kết cườm, người phụ nữ đã phác họa và biểu đạt lên đó những suy nghĩ, tình cảm của mình trên mặt vải....Có thể nói, bằng tâm huyết họ đã tạo ra linh hồn cho những bộ y phục thường ngày, nâng chúng thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ, trường tồn với thời gian.

Các hoa văn trang trí kết hợp với màu sắc và bố cục hài hòa đã trở thành hình tượng, biểu tượng đã thể hiện yếu tố thẩm mỹ cao của người tạo ra nó. Ở vùng người Xá Phó, Sa Pa, trên thân váy có hình tượng cây Sa mu đứng thẳng giữa đất trời là biểu tượng sự trường tồn của người Xá Phó, đó là nét văn hóa đặc trưng độc đáo mà không phải dân tộc nào cũng có được. Các mô típ hoa văn này có sự liên hệ đồng nhất với một số mảng hoa văn trên áo, váy để tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh mang tính liên hoàn.

Gam màu chủ đạo trên y phục Xá Phó là màu chàm đen, bố cục hoa văn trang trí lại sử dụng sợi chỉ màu đỏ là màu chủ đạo, để trang trí thêu tạo hình trên áo, váy. Với cách thức sử dụng các sợi chỉ màu tạo gam màu ấm góp phần làm cho bố cục mảng đồ án thêm chặt chẽ. Độ gia giảm của màu cho ta thấy người làm ra nó phải cân nhắc, tính toán rất chi tiết từ khi đặt mũi kim, sợi chỉ đầu tiên cho đến khi kết thúc. Sự nỗ lực, tính kiên trì và óc thẩm mĩ đã tạo nên kết cấu hoa văn đặc trưng, cách gia giảm màu sắc trên y phục làm nên giá trị truyền thống của người Xá Phó.

Mảng đồ án trang trí trên áo không dàn đều như trên khăn mà được phân chia tỉ lệ, cách bài trí hoa văn, kỹ thuật thêu cho từng bộ phận trên áo, khi phối hợp chúng thống nhất trong một chỉnh thể đã định bởi tính tộc người. Các hoa văn được bài trí thành diềm chạy một băng vòng tròn quanh khăn, áo, váy. Mảng trang trí trên khăn thường lặp lại ít nhất một lần trên y phục nhưng nếu đã trang trí ở áo thì không dùng lại ở váy và ngược lại tùy ngẫu hứng của nghệ nhân làm ra sản phẩm. Những mảng được lặp lại là phần trang trí chiếm vị trí tương đối lớn trên thân áo, thân váy hoặc gấu váy.

Trang trí áo có quy định chặt chẽ, dựa trên bố cục tổng thể của chiếc áo thì mảng hoa văn trang trí từ cổ áo xuống đến ngực là mảng chính, phần thân đến gấu và tay là phụ. Nhưng nếu tách biệt, chỉ mảng trang trí thân áo cũng có thể đứng độc lập. Trong bố cục hoa văn phần thân áo hình chữ nhật có phần chính chiếm 2/3 đồ án, còn lại là phần phụ (diềm gấu). Họa tiết sử dụng trong mảng trang trí ở thân áo gồm hoa văn hình vai bừa, được sắp đặt hai hình lồng vào nhau tạo thành hình chữ nhật, bên ngoài đươc viền bởi hoa văn đường đi làm cho bố cục hoa văn hình chữ nhật trở nên khép kín hay còn gọi cả mảng trang trí này là hoa văn hình sao. Chỉ một họa tiết hoa văn đơn giản, nhưng các nghệ nhân đã khéo léo sắp xếp bố cục là các hình hơi dàn trải, cộng với kỹ thuật thêu ganh nổi hoặc để trống tạo hiệu quả cho phần bề mặt lõm xuống, các thành cạnh nổi nên mang lại sự thay đổi của không gian trên mặt phẳng của vải. Nhờ sự cải biên màu sắc và cách xử lý, cách biến hình thể tạo thành các hình thoi, hình tam giác, các đường đan chéo, đường thẳng và đường ngang rất sinh động, không còn thấy sự khô cứng của các đường kỷ hà trong hình học.

(Ảnh: TL)

Ngoài mô típ hình vai bừa, mảng hoa văn dưới thân áo còn sử dụng các mô típ hình chân thằn lằn, hình đồi núi nhưng tùy cách bài trí màu sắc hay hình thể tạo nên bố cục tổng thể của hình các hình thoi đồng tâm và hình vuông đều nhau. Mỗi bố cục trang trí ấy lại biểu trưng cho một hình thể mang tính biểu tượng được cộng đồng chấp nhận đó là hình da rắn, trăn, hình tia chớp, hình sao... Đây là những mô típ hoa văn đặc trưng của cộng đồng người Xá Phó ở Lào Cai. Các mô típ này thường hoán đổi vị trí trang trí trên một bộ y phục, nếu đã trang trí tên khăn, thân áo thì không trang trí trên thân váy hay trang trí trên khăn, váy thì không thấy xuất hiện trên áo.

Có thể nói, nghệ thuật trang trí hoa văn trên y phục của người Xá Phó là một loại hình nghệ thuật dân gian rất đa dạng, mang nhiều dấu ấn trong văn hóa tín ngưỡng. Trang trí trên y phục của đồng bào thể hiện sự yêu mến thiên nhiên, sống hòa lẫn với thiên nhiên tạo sự gần gũi thân thuộc và giao hòa giữa con người với vũ trụ, với vạn vật. 

Nguyễn Ngọc Thanh

Tài liệu tham khảo: Hoàng Đào- Tạp chí Văn hóa Dân gian số 3 năm 2011

Top