Một số đổi mới trong trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Tháng 10-2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (BTPNVN) khánh thành hệ thống trưng bày cố định mới, một trưng bày được đánh giá cao cả về nội dung và thiết kế. Để có một bước tiến ấy, BTPN VN đã mất gần 5 năm vật lộn gian khổ để thay đổi chính mình. Trên bước đường đó, BTPNVN luôn được sự tư vấn, giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia giàu nhiệt huyết và kinh nghiệm ở cả trong và ngoài nước.

Từ nhận thức đến thực tế - một quãng đường dài đầy khó khăn

Từ năm 2005, BTPNVN đã nhận thấy cần phải cải tạo hệ thống trưng bày thường xuyên do không còn sức hấp dẫn thu hút khách tham quan. Kết quả trưng cầu ý kiến khách tham quan Bảo tàng và các nhà chuyên môn đã cho thấy việc chỉnh lý hệ thống trưng bày là điều bức thiết.

Tuy nhiên, cải tạo như thế nào thì lại là vấn đề không đơn giản. BTPNVN khánh thành năm 1995 thì đến năm 2000, Bảo tàng đã tổ chức chỉnh lý trưng bày chủ đề về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhưng cái gọi là chỉnh lý ấy thật ra chỉ là thêm bớt một vài tài liệu, hiện vật, thay đổi chú thích, làm lại ánh sáng và sơn sửa đai vách mà thôi. Cách thức trưng bày vẫn thế. Nội dung chủ đạo vẫn là trình bày về sự phát triển của tổ chức Hội qua các thời kỳ cùng với các phong trào của Hội, tập trung vào Lãnh đạo Hội, một số gương mặt phụ nữ tiêu biểu… Nội dung trưng bày đó không khác các báo cáo trong các kỳ đại hội phụ nữ là mấy.

Thế nên, trong lần chỉnh lý trưng bày mới (2006-2012), BTPNVN đã quyết tâm thay đổi. Tuy nhiên, cho dù quyết tâm, nhưng Bảo tàng lại rất lúng túng trong việc lựa chọn hướng đi. Thay đổi như thế nào đây? Thay đổi từ đâu? Đi theo hướng nào? Bao cuộc thảo luận về nội dung trưng bày mới được tổ chức. Xây dựng, lấy ý kiến khách tham quan, lấy ý kiến góp ý của các nhà chuyên môn bên ngoài, rồi lại thảo luận… Nhưng cuối cùng, các chủ đề trưng bày được đưa ra phần lớn vẫn là cũ, có chăng chỉ thay đổi một chút câu chữ. Có khi một chủ đề mới được đưa ra, nhưng vẫn chưa biết sẽ thể hiện nó theo cách nào cho hay. Cách tiếp cận vẫn chưa thoát khỏi sự khô cứng, một chiều là giới thiệu theo biên niên, thiên về chiến tranh và cách mạng, nặng về báo cáo thành tích. Xây dựng nội dung trưng bày vẫn theo cách cổ điển: làm nội dung trước, tìm hiện vật sau. Những người làm nội dung vẫn thích đưa ra quan niệm một chiều, theo kiểu tuyên truyền chính trị mà thiếu cái nhìn dưới góc độ văn hóa.

Trong bối cảnh đó, BTPNVN nhận thấy cần phải mở rộng cánh cửa hơn nữa để tiếp cận gần hơn với xu hướng hoạt động mới của các bảo tàng trên thế giới, hiểu rõ hơn về cách làm, cách tổ chức từng hoạt động cụ thể, thông qua đó định hướng cho hoạt động của Bảo tàng đúng hơn. Bảo tàng cũng nhận thấy, điều quan trọng nhất là cần phải thay đổi nhận thức, cách tiếp cận, và phương pháp thực hiện từ mỗi con người, từ lãnh đạo, đến nhân viên. Có nhận thức đúng thì mới hành động đúng, tức là mới thực hành tốt, có chất lượng các hoạt động của bảo tàng: từ xác định các chủ đề trưng bày, nghiên cứu, phỏng vấn, sưu tầm hiện vật đến lựa chọn hiện vật...

Để thực hiện điều này, Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhiều cán bộ chuyên môn và cả lãnh đạo của Bảo tàng đã được gửi đi tập huấn, đặc biệt Bảo tàng đã không ngần ngại mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến Bảo tàng để trao đổi kinh nghiệm và trực tiếp tư vấn cho Bảo tàng. Nhiều cuộc trao đổi trực tiếp của các chuyên gia đã có tác dụng thiết thực trong việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của Bảo tàng. Tháng 7-2007, PGS.TS Nguyễn Văn Huy lần đầu tiên trình bày ở BTPNVN “Một số ý kiến đóng góp Đề cương chỉnh lý, nâng cấp trưng bày Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”. Tại buổi thuyết trình này, một số quan điểm định hướng tương lại cho BTPNVN đã được đề xuất: “Để Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hấp dẫn và thể hiện được mục tiêu của mình có lẽ quan điểm chỉ đạo nên tập trung vào 2 cách tiếp cận: tiếp cận lịch sử và tiếp cận dân tộc học/nhân học văn hóa và nhân học xã hội. Cần có quan niệm vững chắc nhưng uyển chuyển về sự kết hợp giữa hai quan điểm này và xác định rõ những tiêu điểm của từng tiếp cận và các giao điểm của hai cách tiếp cận.

Ảnh: TL

Về quan điểm lịch sử, cần có sự tái nhận thức không coi rằng lịch sử là chuỗi các sự kiện tuyến tính hoặc đơn tuyến. Nên tìm cách lồng các khía cạnh lịch sử vào từng tiêu điểm nhất định, có chọn lọc và cân nhắc ưu tiên, không nên trình bày lịch sử theo lối sự kiện theo lịch đại. Không nên lấy các sự kiện lịch sử làm trọng tâm mà ngược lại, cần lấy trải nghiệm cuộc đời của những người phụ nữ tiêu biểu và bình thường làm trọng tâm để từ đó nói lên ý nghĩa của các sự kiện lịch sử.

Quan điểm dân tộc học/nhân học chính là chú trọng đến đời sống của dân chúng bình dân trong thời đương đại. Một mặt không nên chỉ nêu cao những tấm gương tiêu biểu của những người phụ nữ nổi tiếng, có tên tuổi trong lịch sử mà cần kể những câu chuyện bình dị của đời sống hàng ngày sao cho mỗi một người xem là người Việt Nam có thể liên hệ trải nghiệm của bản thân mình hoặc mẹ, vợ, chị em và bạn gái của mình trong đó. Mặt khác, trưng bày cần nhấn mạnh tính đương đại – những gì đang diễn ra ở cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 – phải toát lên được hơi thở và nhịp sống của thời đại. Mặc dù là trưng bày thường xuyên, cũng cần tìm cách cho thấy được sự vận động và biến đổi không ngừng của đời sống xã hội, sự giao thoa và giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế, cũng như những xu hướng hoặc kỳ vọng tương lai.

Cần có những tư duy sáng tạo lồng ghép một cách nhuần nhuyễn hai quan điểm trên ở những giao điểm trưng bày. Chẳng hạn, một gian trưng bày hoặc một tủ kính hiện vật có thể đồng thời chuyển tải một số nội dung đương đại và có chiều sâu lịch sử. Với 2 cách tiếp cận này trong trưng bày chắc chắn sẽ mang lại cho BTPNVN một bản sắc riêng và vượt trội so với các bảo tàng khác, từ đó mới có thể thu hút được công chúng trong nước và quốc tế”.

Với các chuyên gia ngoài nước, BTPNVN cũng nhận được những đóng góp khác đáng quý.  Ngày 13-8-2008, Giáo sư lịch sử Đại học Havard, Mỹ, bà Hồ Huệ Tâm thuyết trình về vấn đề tiếp cận Giới và Giới trong Bảo tàng thì đó là cơ hội để Bảo tàng  xem xét lại đề cương trưng bày của mình có nên đưa ra nội dung trưng bày “Hình tượng Mẹ trong huyền thoại và truyền thuyết” như một chủ đề lớn nữa hay không. Bà Hồ Huệ Tâm nói: “Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nên nói đến những phụ nữ có thật trong lịch sử và cả trong hiện thời chứ không nên đi quá sâu vào những chuyện huyền thoại, văn chương. Bảo tàng nên giới thiệu đời sống thật của người phụ nữ qua các thời đại hơn là hình ảnh/biểu tượng này, hình ảnh/biểu tượng kia. Tại vì nhiều khi những hình ảnh, biểu tượng, huyền thoại nó chỉ củng cố thành kiến của mình đối với phụ nữ, đối với Giới. Trong khi đó vai trò của phụ nữ, những đóng góp của phụ nữ rất thay đổi. Nếu nói người mẹ luôn luôn là như thế này thì nó sẽ trái ngược với chiều thay đổi trong đời sống. Cuộc sống luôn phát triển và bảo tàng muốn theo kịp thời đại thì cũng phải phát triển theo. Phát triển theo đúng cách”. Hay qua các buổi làm việc với  bà Christine Hemmet, Chuyên gia nhân học ở Bảo tàng Quai Brandly, Pháp, là sự thay đổi về quan niệm trong khi chuẩn bị nội dung cho chủ đề  “Phụ nữ trong gia đình”. Sự thay đổi này chính là đi từ cách tiếp cận lấy người Việt làm trung tâm, giới thiệu các loại hình gia đình từ mẫu hệ đến phụ hệ như sơ đồ tiến hóa đơn tuyến, đến cách tiếp cận tiến hóa đa tuyến. Quá trình thay đổi nhận thức này diễn ra dần dần làm cho chủ đề trưng bày này được thể hiện ở tầm cao hơn nhờ tiếp cận được với những vấn đề lý thuyết mới. Đó là: trưng bày phải thể hiện quan điểm về văn hóa của gia đình người Việt và các dân tộc khác trong sự bình đẳng; giới thiệu các loại hình gia đình mẫu hệ, phụ hệ, song hệ như một sự đa dạng văn hóa, không có thứ  bậc nào cao hơn hay thấp hơn. Đồng thời Bảo tàng đã đứng vững trên quan điểm thể hiện trong trưng bày là chỉ giới thiệu thông tin, có tính gợi mở, không bình luận, phê phán hay ngợi khen.

Một thay đổi quan trọng nữa trong cách tiếp cận của bảo tàng đó là sự thay đổi quan niệm về cách tiếp cận Con người. Chẳng hạn trưng bày đã chuyển từ việc giới thiệu đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước) theo cách báo cáo thành tích, đề cao một số cá nhân tiêu biểu, đến việc kể những câu chuyện của cộng đồng, của mọi tầng lớp phụ nữ, kể về cuộc sống của những người anh hùng và cả những người bình thường, những mối quan tâm của họ, tình yêu của họ, bối cảnh lịch sử, xã hội, gia đình đã tác động đến họ như thế nào. BTPNVN đã từ bỏ cách thể hiện trưng bày khô cứng, đơn điệu chỉ chú trọng đơn thuần là thành tích chiến đấu với huân huy chương. Kết quả được thể hiện rõ rệt ở chính nội dung trưng bày thường xuyên và các trưng bày nhất thời đã và đang thực hiện ở BTPNVN như trưng bày về phụ nữ bán hàng rong, phụ nữ đơn thân, về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thay đổi từ những bài học  cụ thể

Thay đổi về cách tiếp cận là sự thay đổi quan trọng nhất mà BTPNVN đã làm được. Sự thay đổi này cũng đồng thời sẽ làm Bảo tàng thay đổi quan điểm về cách lựa chọn ý tưởng và xây dựng các chủ đề trưng bày. Từ tư duy lựa chọn chủ đề cho các trưng bày thiên về ca ngợi đơn thuần, đến việc quan tâm nhiều hơn tới những mối quan tâm của những người đương thời trong các vấn đề xã hội, vấn đề thời sự. Từ chỗ Bảo tàng chỉ thực hiện những nghiên cứu mang tính “lịch sử một chiều” đến chỗ Bảo tàng cũng cần phải tham gia phản biện xã hội. Từ sự thay đổi về quan điểm tiếp cận này đã dẫn đến sự thay đổi về những vấn đề khác, mang tính cụ thể hơn. Đây là một số bài học được rút ra (không đề cập đến các vấn đề về lộ trình, kỹ thuật trưng bày và đồ họa, ánh sáng) trong quá trình đổi mới trưng bày ở BTPNVN mà chúng tôi cho là cốt yếu nhất.

Ảnh: TL

Một là, Phát triển ý tưởng và nội dung trưng bày trên cơ sở tài liệu hiện vật đã có.

Một bài học hết sức quan trọng mà các chuyên gia tư vấn đã chỉ ra cho các nghiên cứu viên (curator) của BTPNVN ngay từ những buổi làm việc đầu tiên, đó là: Phải có thống kê danh mục tài liệu hiện vật (kèm ảnh) thì mới phát triển được ý tưởng trưng bày. Việc này lúc đầu đã khiến cho các nghiên cứu viên gặp không ít khó khăn. Khó khăn vì đây là công việc chưa từng làm bao giờ. Trước đây cách làm của Bảo tàng là: đề cương trưng bày, nội dung trưng bày cứ chuẩn bị trước, được nghĩ trước. Việc thảo luận thống nhất nội dung trưng bày hoàn toàn không liên quan đến việc những nội dung đó đã có hiện vật trong kho của Bảo tàng hay chưa. Có thì tốt mà không thì sẽ sưu tầm hiện vật sau. Không sưu tầm được hiện vật thì dùng các thủ pháp nghệ thuật để minh họa lấp chỗ trống. Bài học về cách làm mới là chỉ được phép phát triển ý tưởng trưng bày trên cơ sở hiện vật đã có khiến cho tính khả thi của trưng bày cao hơn và đặc biệt là đã nâng cao được kỹ năng nghiên cứu hiện vật của các nghiên cứu viên. Họ phải tiếp cận hiện vật, tìm hiểu thông tin về hiện vật, câu chuyện xung quanh hiện vật đó, tức là phải hiểu hiện vật một cách chi tiết. Chính sự am hiểu ấy sẽ giúp họ phát triển ý tưởng trưng bày hay hơn, sinh động hơn.

Hai là, Không tiêu biểu, không điển hình, không đặc trưng trong trưng bày.

Đây cũng là một vấn đề không dễ gì thay đổi ngày một ngày hai. Quan niệm về việc phải giới thiệu những đóng góp của phụ nữ từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, với sự đầy đủ vùng miền, dân tộc, hơn nữa những gì giới thiệu ở bảo tàng đều phải mang tính tiêu biểu, đặc sắc, đã từ lâu thấm sâu trong nhận thức của các cán bộ bảo tàng. Nội dung nào cũng phải cố gắng tìm ra một hai gương mặt có tính tiêu biểu mà ai cũng phải thừa nhận. Cũng bởi vậy mà trưng bày trước của BTPNVN mới buồn tẻ, đơn điệu không khác gì kết cấu của một bản báo cáo thành tích. Trong quá trình chuẩn bị nội dung trưng bày mới, quan niệm này vẫn chủ đạo dẫn dắt tư duy trưng bày. Nó thể hiện ở việc bản đề cương đưa ra thảo luận vẫn lấy người Việt làm trung tâm trong nội dung “Phụ nữ trong gia đình”; giới thiệu những tập thể, cá nhân anh hùng trong “Phụ nữ Việt Nam trong bảo vệ Tổ Quốc” và “phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước”; và giới thiệu y phục của 54 dân tộc trong “Phụ nữ và cái đẹp”. Trong quá trình thảo luận chuẩn bị trưng bày, dần dần nội dung trưng bày trong BTPNVN ngày càng được sáng tỏ, cố gắng nhìn nhận được tương đối đầy đủ các khía cạnh, các vấn đề khác nhau về phụ nữ, về giới. Cách tiếp cận trưng bày là phản ánh được sự đa dạng văn hóa của đất nước đa dân tộc, trên quan điểm bình đẳng giữa các dân tộc và tính năng động của văn hóa. Chính vì thế sau nhiều lần thảo luận, bảo tàng đã quyết định thay đổi tên gọi của chủ đề từ  “Trang phục truyền thống” sang “Phụ nữ và cái đẹp”, cuối cùng là “Thời trang nữ: truyền thống và hiện đại”. Sự thay đổi này kéo theo sự thay đổi nội dung, đề cao tính thời trang của phụ nữ trong xã hội đương đại và sự thay đổi của các bộ y phục mang tính thời trang này.

Tương tự như vậy, tên gọi “Phụ nữ trong lịch sử” của Chủ đề 2 cũng phải qua bao lần thay đổi. Từ chỗ là 2 chủ đề riêng biệt: “Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” và “Phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước”, đến “Phụ nữ và xã hội”, cuối cùng mới là “Phụ nữ trong lịch sử”. Mỗi lần tên gọi chủ đề thay đổi cũng là một lần những nội dung bên trong tiến gần hơn với những tư duy bảo tàng mới: gắn bó với cuộc sống hơn, giàu tính nhân văn hơn và cũng mang đậm tính nhân học lịch sử hơn. Trong trưng bày hiện tại, không gian “Chân dung phụ nữ đương đại” tuy hẹp nhưng phản ánh khá đầy đủ và rõ nét những quan niệm mới của BTPNVN khi giới thiệu đa dạng những gương mặt đời thường của phụ nữ ngày hôm nay với nhiều khía cạnh xã hội, nghề nghiệp, hoàn cảnh khác nhau. Đó các câu chuyện tự kể của chị Nguyễn Thị Hương, một nông dân vươn lên để thoát khỏi cái nghèo, chị Vương Thị Ngọc Lan, một người tâm huyết với nghề, trách nhiệm và tình thương với bệnh nhân, chị Nguyễn Thị Bích Lan bị tật nguyền bẩm sinh đã rèn luyện để trở thành một dịch giả nổi tiếng, chị Nguyễn Thị Kim Chi, người đã quyết tâm phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc mình (Chăm) thành một doanh nghiệp thành đạt…

Đặc biệt, ở chủ đề đầu tiên “Phụ nữ trong gia đình”, mặc dù chỉ có một lần đổi tên: từ “Phụ nữ và gia đình” đến “Phụ nữ trong gia đình” nhưng cũng thể hiện sự thay đổi nhận thức của những người làm nội dung vô cùng lớn. Ở tên gọi đầu tiên, những người làm nội dung muốn nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ, họ muốn phụ nữ và gia đình là hai vế ngang bằng, muốn khẳng định vị trí độc tôn của người phụ nữ với vai trò “nội tướng”. Cũng chính vì quan niệm ấy, trong nội dung cụ thể nhiều ý kiến muốn lấy hình thái gia đình Mẫu hệ làm điểm nhấn then chốt, đồng thời nhấn mạnh vai trò dưỡng dục của người mẹ với con cái trong gia đình. Ý kiến tham vấn của Giáo sư Hồ Huệ Tâm cho rằng: như thế có phải đang cố bó buộc người phụ nữ theo quan niệm cũ không? Chẳng phải phụ nữ Việt Nam trong bao năm qua đang đấu tranh vì quyền bình đẳng giới đấy thôi. Vậy tại sao BTPNVN lại muốn thể hiện sự không bình đẳng ngay trong trưng bày của mình? Cùng nhiều sự góp ý, trao đổi khác, cuối cùng tên gọi của chủ đề đã thay đổi, và đương nhiên, nội dung cụ thể bên trong nó cũng thay đổi theo. Và hiện tại, không gian trưng bày chủ đề “Phụ nữ trong gia đình” thật sự là một không gian sống động, với những nét văn hóa đa dạng trong cưới xin, sinh đẻ và tổ chức cuộc sống gia đình.

Ba là, Hiện vật trưng bày phải gắn với giọng nói của chủ thể và bối cảnh của nó

Quá trình nghiên cứu, sưu tầm ở Bảo tàng PNVN trước đây mặc dù đã quan tâm đến các câu chuyện liên quan đến hiện vật nhưng lại không để ý đến bối cảnh, không gắn kết thời điểm xảy ra sự kiện với thời điểm trước và sau đó, với bối cảnh văn hóa-xã hội của nhân vật, nhất là với toàn bộ cuộc đời của một con người. Chính vì thế những câu hỏi hết sức cụ thể của các chuyên gia bảo tàng đưa ra trong những buổi làm việc để phát triển ý tưởng trưng bày cho BT PNVN đã  khiến cho các nghiên cứu viên hết sức lúng túng. Những câu trả lời về một hiện vật cụ thể của họ đôi khi lại mâu thuẫn nhau bởi trong quá trình sưu tầm, phỏng vấn họ không những chỉ ghi chép một cách đơn giản mà còn không sử dụng các thiết bị tối thiểu như ghi âm, không quay video. Ghi chép mỗi người lại hiểu theo nhận thức riêng của từng người vì vậy các thông tin đưa lại nhiều khi bị sai lệch. Một bài học được rút ra ngay từ khiếm khuyết của trưng bày thường xuyên để bổ khuyết cho việc chuẩn bị trưng bày về “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm, Đẹp, Vui” (2009-2012) là: phải nghiên cứu tổng thể, gắn kết nhân vật, câu chuyện với bối cảnh của nó; chủ thể là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Khi nghiên cứu điền dã phải chụp ảnh, ghi âm hay quay video làm tư liệu trong quá trình gặp gỡ, phỏng vấn các nhân vật. Có như vậy thì các tài liệu hiện vật khi đưa ra trưng bày mới có câu chuyện chính xác, trưng bày mới có hồn. Điều này cũng giải thích tại sao trên trưng bày của BTPNVN hiện nay, sau các trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, thường sử dụng giọng nói của chính chủ thể văn hóa. Giọng nói đó được Bảo tàng thể hiện qua các thước phim tư liệu, qua phần trích dẫn phỏng vấn và qua chính những câu chuyện kể hiện vật. Sự thay đổi này là một bước tiến quan trọng của BTPNVN, nó làm các cuộc trưng bày sinh động và chân thực hơn, gần gũi với người xem hơn.

Bốn là, Trưng bày cả những hiện vật đời thường nhất

Quan niệm này đã bắt đầu được thử  nghiệm từ  việc tổ chức nghiên cứu sưu tầm hiện vật cho trưng bày “Gánh hàng rong” (2009). Ở trưng bày này, những hiện vật nhóm nghiên cứu-sưu tầm mang về hoàn toàn không phải những hiện vật “quý hiếm”, những “hiện vật mang dấu ấn của một thời điểm/sự kiện lịch sử nào đó”, mà chỉ là những hiện vật hết sức bình thường được những người bán hàng rong sử dụng hàng ngày: đôi quang gánh, cái cân, cái thúng , mẹt, con dao… thậm chí là cả những tấm biển quảng cáo được viết nguệch ngoặc lên một miếng bìa được cắt xén một cách cẩu thả hay mấy cuốn sổ ghi chép hàng hóa nhập, bán hàng được trình bày theo kiểu chỉ có chủ nhân của nó mới hiểu được… Nhiều loại hiện vật này cũng thiếu phẩm chất mà quan niệm cũ đòi hỏi là phải được “bảo quản được lâu dài”. Nhưng tất cả những hiện vật rất đỗi bình thường ấy lại kể được một cách chân thực nhất, nóng hổi nhất hơi thở cuộc sống của một nhóm xã hội còn chịu nhiều thành kiến trong thời điểm hiện nay. Quan niệm: những hiện vật bình thường của thời kỳ đương đại bây giờ cũng sẽ trở thành quý hiếm qua thời gian đã dần ngấm vào những người quản lý bảo tàng, các bảo tàng viên. Điều đó thể hiện hết sức rõ nét trong việc lựa chọn hiện vật cho hệ thống trưng bày thường xuyên hiện nay. Có thể đơn cử đó là những tấm thiếp mời ở các thời kỳ trong nội dung trưng bày về Cưới xin; những cái thẻ đeo tay cho sản phụ và trẻ sơ sinh trong nội dung sinh đẻ; xe gốm bán rong trong trưng bày về phụ nữ đương đại…Đặc biệt những hiện vật đời thường buổi lễ lên đồng, những đồ mã, trang phục của các giá  đồng trong trưng bày: “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm, Đẹp, Vui” đã gây sự hấp dẫn, từ ngỡ ngàng đến xúc động với nhiều khách thăm quan. Rõ ràng bằng cách tiếp cận nhân học, BTPNVN đã có nhiều cơ hội hơn để quan tâm và phản ánh những vấn đề đời sống đương đại, làm cho bảo tàng gần gũi cuộc sống hơn.

Năm là, Cần chú trọng đưa thông tin lên trưng bày

Xây dựng các câu chuyện hiện vật để phục vụ cho trưng bày cũng là một vấn đề không đơn giản. Theo quan niệm truyền thống, một chú thích hiện vật càng ngắn càng tốt. Cũng như nhiều bảo tàng khác, các thông tin hiện vật trong trưng bày cũ của BTPNVN thường chỉ dừng lại là: cái gì, của ai, ở đâu, khi nào, và dùng để làm gì. Hơn nữa nhiều khi những tiêu chí thông tin này cũng không đầy đủ. Đặc biệt các câu chuyện xung quanh hiện vật đó như thế nào hầu như không được giới thiệu cho khách tham quan mặc dù có thể trong hồ sơ về hiện vật có đầy đủ. Tóm tắt nội dung mỗi chủ đề trưng bày, thông điệp chính của nó là gì cũng không được đưa đến cho khách tham quan. Với quan niệm mới, các trưng bày thường xuyên cũng như nhất thời ở BTPNVN nay đã có một bộ mặt mới, mọi việc đã hoàn toàn khác. Yêu cầu của bất cứ cuộc trưng bày nào cũng đòi hỏi việc xác định cấp độ, số lượng, nội dung từng bài viết, từng câu trích, từng chú thích hiện vật. Điều này đã giúp bảo tàng hoàn thiện thêm kỹ năng trưng bày và thay đổi hẳn quan niệm “tự hiện vật đã nói lên tất cả” như những người bày đồ cổ vẫn đeo bám những người làm trưng bày bảo tàng ở nước ta trước đây.

Sáu là, Đa dạng hóa các loại hình tài liệu hiện vật trong trưng bày

Việc đa dạng hóa các loại hình tài liệu hiện vật trong trưng bày, nhưng không sử dụng các thủ pháp nghệ thuật minh họa như: tranh, phù điêu... đã được BTPN VN thực hiện rất tốt. Đây là một bước phát triển mới trong việc thể hiện trưng bày trong bảo tàng ở Việt Nam. Dưới sự tư vấn về nội dung và thiết kế trưng bày, các loại hình tài liệu hiện vật như: ảnh, tư liệu phỏng vấn, băng hình, hiện vật, bài viết... đã được các cán bộ nghiên cứu, sưu tầm-trưng bày kết hợp khá nhuần nhuyễn. Lần đầu tiên, một nội dung trưng bày được thể hiện hoàn toàn bằng phim tư liệu: trưng bày giới thiệu về những người phụ nữ đương đại. Sáu bộ phim không có lời bình mà được dựng hoàn toàn bằng lời của chính những chủ thể văn hóa. Phim trong trưng bày không còn được coi là tư liệu bổ trợ, phụ trợ hay minh họa như  trước đây thường quan niệm nữa.

Trong toàn bộ hệ thống trưng bày thường xuyên cũng không sử dụng bất kỳ một thủ pháp nghệ thuật nào để minh họa cho những nội dung trưng bày không có tài liệu hiện vật. Nếu như trước đây, để giới thiệu về những người phụ nữ trong lịch sử như Hai Bà Trưng, Bảo tàng đã dựng một bức phù điêu thể hiện nội dung này. Nhưng với trưng bày mới, Bảo tàng đã giới thiệu những nhân vật lịch sử ấy qua một bộ phim tư liệu giới thiệu những thờ cúng họ, những trích đoạn các tác phẩm nghệ thuật truyền thống: tuồng, chèo... kể về cuộc đời và công tích của họ. Điều này đã nâng tầm của bảo tàng lên, đồng thời cũng thu hút sức chú ý của công chúng hơn.

Bảo tàng cũng đã sử dụng một khối ảnh tư liệu hết sức đa dạng trong trưng bày. Bên cạnh những bức ảnh tư liệu do chính cán bộ Bảo tàng chụp, còn có rất nhiều ảnh tư liệu được khai thác từ các cơ quan lưu trữ, các nhà nhiếp ảnh. Điều đáng nói ở đây là tất cả các ảnh tư liệu được sử dụng trên hệ thống trưng bày đều được Bảo tàng ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, tác giả. Điều này thể hiện cách nhìn nhận mới của BTPNVN không chỉ về vấn đề bản quyền nói chung mà còn là sự tôn trọng công chúng đến với bảo tàng.

Rõ ràng, nếu các nhà nghiên cứu biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu nhân học với các công cụ đa dạng được sử dụng trong bảo tàng như chụp ảnh, phỏng vấn, ghi âm, quay tư liệu, hiện vật, xây dựng bài viết …cùng với thiết kế trưng bày mang tính chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ có những trưng bày có giá trị cao mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và dĩ nhiên điều đó cũng là lực hút mạnh mẽ công chúng đến với bảo tàng.

Ảnh: TL

Những vấn đề lớn còn bỏ ngỏ 

Sự đổi mới của BTPNVN đã đi được một bước khá dài. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề để tiến tới quá trình hoàn thiện.

Việc đầu tiên là trưng bày thường xuyên bộc lộ một thiếu sót lớn. Rất nhiều người xem thắc mắc tại sao phần “Phụ nữ trong lịch sử” lại bắt đầu ngay từ mốc thời gian 1930? Chẳng lẽ lịch sử phụ nữ chỉ bắt đầu từ khi có Đảng? Mặc dù trước khi bước vào phần này công chúng đã được xem một cuốn phim 10 phút giới thiệu những gương mặt phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, những hoạt động của phụ nữ trong các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội như  sản xuất, hay văn học, nghệ thuật. Nhưng phim không thể thay thế được các hiện vật bảo tàng. Sự thực là trước đây BTPNVN tập trung chủ yếu vào thời kỳ từ 1930 trở về sau, không chú ý nghiên cứu, sưu tầm những hoạt động của phụ nữ trước 1930, cho nên trong kho của Bảo tàng không có hiện vật để tổ chức trưng bày. Có lẽ trong thời gian tới BTPNVN nên định hướng nghiên cứu sưu tầm gấp về cuộc sống và phong trào phụ nữ đầu thế kỷ 20 để có được những trưng bày dần dần khỏa lấp được những điểm trống của lịch sử còn bỏ ngỏ.

Điều thứ hai, marketing bảo tàng là hết sức quan trọng. Thực tế, việc trang bị kiến thức về vấn đề marketing đã được lãnh đạo Bảo tàng quan tâm ngay từ khi bắt tay vào xây dựng lại hệ thống trưng bày. Bà Helka Kotenen, Chuyên viên văn hóa của Văn phòng UNESCO Hà Nội, một người bạn thân thiết của BTPNVN đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để trao đổi kinh nghiệm về marketing bảo tàng với các bảo tàng viên (2006-2008). Các nội dung bà đưa ra hết sức thiết thực và cụ thể như: Làm thế nào để khách tham quan đến với bảo tàng của bạn? Bạn phải tìm hiểu công chúng ra sao? Làm thế nào để lập một kế hoạch marketing bảo tàng mang tính chiến lược? Các cách thu hút khách tham quan đến bảo tàng thông qua việc thỏa mãn nhu cầu của các nhóm công chúng khác nhau (nhóm gia đình: cần chỗ cho họ nghỉ ngơi, ăn uống, có chỗ cho trẻ em chơi, chạy nhảy... ). Chương trình hoạt động cho các ngày chủ nhật, ngày lễ, các buổi tối như thế nào? Các xuất bản phẩm? Các bộ tài liệu hướng dẫn thông tin bảo tàng cho các đối tượng khác nhau; Cách xây dựng thương hiệu; Các bước chuẩn bị cho ngày khai trương bảo tàng mới… Tiếp đó các tư vấn của Bảo tàng trong dự án của Quỹ Ford đã giúp Bảo tàng mở nhiều khóa tập huấn và thực hành về chương trình giáo dục và tiếp thị bảo tàng trước khi khai trương trưng bày thường xuyên và trưng bày về đạo Mẫu.  Rất tiếc, vấn đề này mới dừng lại ở lý thuyết mà chưa được thực hành một cách có hiệu quả tại BTPNVN. Cán bộ tiếp thị bảo tàng không chuyên, còn nhiều lúng túng trong việc triển khai, xác định đúng hướng tiếp thị. Chẳng hạn hiện nay vẫn chưa thực sự hướng đến công chúng tại chỗ, người dân Hà Nội, nhất là cư dân sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà, quận Ba Đình... nên thiếu biện pháp hữu hiệu đưa họ đến Bảo tàng. Với khách du lịch nước ngoài cũng chưa tìm được tiếng nói chung, hợp tác với các công ty lữ hành. Có lẽ vì thế mà sau ngày khánh thành trưng bày mới ở BTPNVN và cả trưng bày về đạo Mẫu không khí ở Bảo tàng khá lặng lẽ, và cho đến nay lượng khách tham quan đến với bảo tàng vẫn chưa có sự cải thiện nào thật sự đáng kể so với trước, chưa có bước nhẩy vọt, mặc dù, Bảo tàng đang sở hữu một hệ thống trưng bày có nội dung phong phú và hiện đại ngang tầm khu vực, có hệ thống sân vườn đầy hấp dẫn. Chắc rằng Bảo tàng cần dành một phòng riêng ở tầng dưới cho hoạt động trải nghiệm và thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm vào cuối tuần để tạo ra nhiều cơ hội thu hút khách.

Điều thứ ba chúng tôi muốn nói đến đó là các chương trình giáo dục ở bảo tàng. Bảo tàng đã khai trương một phòng khám phá đẹp, một số hoạt động tốt nhưng tiếc rằng nội dung cơ bản của Phòng này còn nghèo nàn, đôi khi chưa đi đúng hướng, chưa gắn với nội dung, các hoạt động của bảo tàng. Cho đến nay, BTPNVN cũng chưa có thêm một chương trình giáo dục nào khác cho công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Chính vì vậy có rất nhiều trường học ở xung quanh Bảo tàng nhưng Bảo tàng chưa thiết lập được những chương trình hợp tác để nhà trường thường xuyên đưa học sinh đến.

Hy vọng rằng, trong tương lai gần, BTPNVN có những chương trình phối hợp mới để hoàn thiện những vấn đề còn bỏ ngỏ, giúp bảo tàng phát huy được hết tiềm năng vốn có của mình.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - ThS Phạm Kim Ngân

Top