Nghệ nhân Chamaléa Âu với cây đàn Chapi

“Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo một nhà sàn yên vui... Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi, khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai...”. Âm vang của ca khúc Giấc mơ Chapi chảy tràn trong lòng người nghe lấy âm hưởng từ cuộc sống thực tại nên thơ, hoang dại trên vùng đất Ma Nới, vùng đất nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, nơi đây 100% là đồng bào dân tộc Raglai.

Chamelaau, nghệ nhân duy nhất biết chế tác và biểu diễn nhạc cụ Chapi

Ở Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận), Chamalé Âu được ví như kho từ điển của núi rừng. Ông đọc thông viết thạo tiếng Kinh, am tường, hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán dân tộc mình. Chamelaau cũng là  nghệ nhân duy nhất ở xã Ma Nới biết chế tác và biểu diễn nhạc cụ Chapi một cách tài hoa.

Nhà của nghệ nhân Chamaléa Âu nằm sau lưng trường tiểu học. Ngôi nhà bé nhỏ, đơn sơ, chẳng có gì đáng giá tiền triệu, có chăng là những cây đàn Chapi do chính tay Chamaléa Âu tự chế mà lắm người tìm đến hỏi mua với gợi ý trả giá cao nhưng ông nhất định không bán. Ấy vậy ông lại sẵn sàng cho, sẵn sàng tặng cây đàn ấy cho những ai thật sự yêu Chapi nhưng khiêm nhường, ý nhị, chứ không mang dáng dấp của phường con buôn, hợm hĩnh nghĩ mình có tiền sẽ mua được mọi thứ.

Thời trẻ, Chamaléa Âu đã từng là Bộ đội Cụ Hồ đánh giặc bảo vệ bản làng trên vùng chiến khu Anh Dũng. Khi đất nước thanh bình, ông phục viên trở về với núi rừng Ma Nới làm rẫy nuôi con. Sống giữa vùng nương rẫy mênh mông, nhìn thấy cây bắp trổ cờ, cây lúa đơm bông, lòng ông da diết nhớ tiếng đàn Chapi. Hồi nhỏ, ông được người cậu ruột là Chamaléa Lư hướng dẫn làm đàn và đánh đàn Chapi. Tiếng đàn Chapi đã từng theo ông suốt thời gian dài trong kháng chiến, cho đến ngày giải phóng rồi trở về làng quyết tâm khôi phục nhạc cụ Chapi.

Chamaléa Âu cho biết kỹ thuật làm đàn tuy không khó nhưng đòi hỏi nghệ nhân phải hết lòng đam mê và chịu khó với công việc. Người làm đàn Chapi phải lên núi cao tìm được cây tre già không tì vết, đường kính phải đạt khoảng 7-8 cm, mỗi lóng tre phải dài 40 cm. Cây tre để trong bóng râm mát khoảng hai tháng cho thiệt khô mới đưa ra làm đàn. Nghệ nhân dùng cây mác thiệt nhọn khoét vào cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái khoét rảnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt có nhiệm vụ giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai mắc tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi cây đàn nên hình nên dáng thì nghệ nhân phải biết cân chỉnh cho tiếng đàn Chapi có hồn. Khi đánh lên thì “lời ăn tiếng nói” của nó mới đi qua tai rồi ở lại mãi với lòng người.

Nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai: Chapi, mã la, khèn bầu, tù và. Nhưng tiếng đàn Chapi độc đáo của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người thưởng ngoạn. Bàn tay sần sùi của ông lướt khoan thai trên bốn phím đàn, người nghe tưởng chừng có tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau; tiếng thác đổ mưa nguồn; tiếng các loài chim reo vang giữa núi đồi; lời mời chào thân mật của bản làng trong những mùa lễ ăn đầu lúa…

Nghệ nhân Chamléa Âu đã từng “xuống núi” mang theo đàn Chapi ra tận Thủ đô Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất, tháng 5-2010. Trong dịp mừng xuân Tân Mão- 2011, ông được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời ra Hà Nội tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian. Tiếng đàn Chapi của đồng bào Raglai Ninh Thuận được công chúng Thủ đô nhiệt liệt đón nhận. Nghệ nhân Chamaléa Âu được nhận giấy khen thưởng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

 

Khắc khoải nỗi lo mai một

Chamleau kể: “Đàn Chapi là của đồng bào Raglai chúng tôi. Từ thời khai thiên lập địa, ở mảnh đất này, bản làng dựa vào rừng mà sống và yêu nhau. Những mùa lên rẫy trồng tỉa, trai gái hò hẹn sau mỗi đêm trăng đều nối nhịp bằng tiếng đàn Chapi. Từ ngọn đồi này đến ngọn đồi kia, họ gọi nhau bằng tiếng đàn. Mỗi tiếng ứng với một khẩu hiệu được quy ước trước. Tình yêu bắt đầu lãng mạn, da diết cũng chính từ điệu Chapi ấy. Trai muốn bắt vợ thì phải xem cô ấy có đàn giỏi hát hay. Gái muốn bắt chồng phải chọn anh nào có sức khỏe vạm vỡ, đi rừng săn thú giỏi. Cuộc tình hò hẹn trên nương trai gái chụm đầu vào nhau, ngửa mặt lên trời mà nghe Chapi gọi gió, gọi mây về chứng giám tình yêu của chúng ta. Mỗi đêm trăng dưới liếp tranh nhà sàn, vây quanh ngọn đuốc sáng rực, những cuộc trò chuyện, ca hát, nhảy múa như muốn nổ tung cái bản nghèo này. Tiếc thay, tiếng đàn Chapi nay đã mai một đi nhiều rồi thậm chí thế hệ con cháu bây giờ còn không biết đánh Chapi nữa.

Được biết, toàn xã Ma Nới hơn 4.000 người giờ đây chỉ còn Chamaléa Âu biết khảy đàn Chapi. Chamaléa Âu thở dài: “Ai muốn chơi đàn Chapi phải yêu, phải thích thì mới toàn tâm toàn ý học được. Không yêu không thích thì cố mấy cũng chẳng được kết quả đâu”. Chamalé Âu có 9 người con và hơn 30 cháu nội ngoại nhưng buồn làm sao, chẳng con cháu nào nối được cái nghiệp giữ hồn cha ông như ông. Người trong nhà còn chẳng thể truyền lửa được, hỏi làm sao ông thắp lửa đam mê cho người ngoài. Thương tiếng đàn dân dã một thời đang đứng trước nguy cơ lụi tàn trên chính quê hương của nó, bao mùa rẫy qua, nghệ nhân Chamaléa Âu đã dày công, gắng gượng thổi lửa truyền hồn thanh âm ngàn xưa cho lớp người trẻ. Chamaléa Âu chọn giải pháp chiều chiều, ông mang cây đàn Chapi - cây đàn mà một thuở “ai nghèo cũng có”, cây đàn mà khi rung lên, từng sợi dây đong đầy tình người Raglai, ra giữa làng vừa khảy vừa nhún nhảy với hy vọng biết đâu có đứa trẻ nào đó thấy thích thấy quý và năn nỉ ông truyền lửa. Chamaléa Âu đã làm cái việc kỳ lạ rất đỗi dễ thương ấy từ nhiều mùa rẫy qua.

Được biết, Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất với tỉnh những phương án để bảo tồn, phát huy loại nhạc cụ truyền thống này của đồng bào Raglai. Để thực hiện có hiệu quả, còn phải trải qua một quá trình lâu dài, hy vọng rằng, với quyết tâm và nỗ lực của mình, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Ninh Thuận sẽ khôi phục lại những giá trị truyền thống của cây đàn Chapi. Như thế, chapi sẽ không còn là một “giấc mơ” mà sẽ luôn hiện hữu, phổ biến trong đời sống hằng ngày của cộng đồng dân tộc người Raglai.

Nguyễn Hà

 

Top