Ma Thoan - Nghệ nhân tạc tượng nhà mồ

Đôi tay của ông đã tạc nên hàng nghìn bức tượng nhà mồ, canh giữ chốn linh thiêng cho người đã khuất giữa đại ngàn để lưu giữ nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình… Ông là nghệ nhân tạc tượng nhà mồ Ma Thoan. Với đôi bàn tay khéo léo, dụng cụ đơn sơ chỉ có cái rìu, cái rựa, lưỡi dao ba, dao bảy ông đã tạc được những hình tượng phong phú, thổi cả linh hồn vào từng khúc gỗ vô tri, vô giác.

Nếu ai đó có dịp về các huyện miền núi tỉnh Phú Yên, đi qua những quả đồi hình bát úp hay một bãi đất hoang cỏ dại và men theo triền núi, chúng ta bắt gặp những ngôi nhà mồ mái lợp tranh, nhà lợp ngói, trước nhà mồ có cây nêu cao vút, còn bốn góc ngôi nhà mồ có những tượng người, tượng vật. Tục lễ bỏ mả, cùng với tục làm nhà mồ dựng nêu, đẽo tượng là một lễ hội thể hiện tính cộng đồng lớn nhất của các dân tộc Êđê, Chăm Hờ Roi, Ba Na...

Tượng nhà mồ chất liệu chính là gỗ, được đẽo, phạt bằng rựa, rìu, dao... đường nét những tượng mồ thô sơ, mộc mạc, sự tạo hình mang tính nền điêu khắc dân gian, rất phong phú, trí tưởng tượng của các nghệ nhân dân tộc thiểu số rất tuyệt vời. Họ đẽo tượng có thể là một người thiếu nữ địu con sau lưng, một cụ già đôi mắt đăm chiêu nhìn về những dãy núi xa xa, hoặc một chàng trai vươn vai phóng lao diệt trừ ác thú. Tượng nhà mồ là một tác phẩm nghệ thuật văn hoá dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Phú Yên giáp ranh với các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, xuất phát từ lễ hội bỏ mả, đây là lễ chia của cho người đã qua đời. Quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, Chăm Hơ Roi, Ba Na... người còn sống là ở về ban ngày, còn người chết họ ở về ban đêm, nên phải chia tài sản cho họ để có mà làm ăn sinh tồn.

Đến xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên), hỏi Ma Thoan ai cũng biết, bởi ông không lúc nào vắng mặt mỗi khi trong các buôn làng có tổ chức lễ bỏ mả cho người đã qua đời. Bà con mời ông vì tài nghệ đẽo tượng nhà mồ. Hầu như gia đình nào ở đây tổ chức lễ bỏ mả cho người khuất núi đều rước Ma Thoan đến để giúp cho việc hệ trọng này.

Tên đầy đủ của Ma Thoan (dân tộc Ê Đê) là Ra H’Lan Y Rin.  12 tuổi, ông đã học đẽo tượng nhà mồ do Oi Rí ở buôn Lé và Oi Sanh ở buôn Thu truyền nghề. Miệt mài gần một mùa lúa rẫy mới đẽo được tượng hình người phụ nữ giã gạo và đẽo trang trí các trụ nhà mồ. Chung quanh nhà mồ thường có tượng con khỉ, con voi, con chim, người phụ nữ địu con sau lưng… đẽo bằng gỗ dầu, gỗ hương. Còn đẽo trụ nhà mồ thì bằng cây blang. Khi lấy cây này chủ nhà phải cúng một con gà, một ché rượu và mấy chén cơm. Dụng cụ đẽo tượng nhà mồ chỉ có rựa và rìu.

Hiện trong xã chỉ có Ma Thoan làm tượng nhà mồ là thành thạo nhất, lớp trẻ thì có Y Thanh, Y Reo được Ma Thoan hướng dẫn, truyền nghề vài năm nay. Ma Thoan đã góp phần gìn giữ một nét văn hóa mỹ thuật đậm tính đặc thù của người dân miền núi. Nó khá nguyên bản, đa hình và đa sắc, thể hiện ở hình tượng người múa trống, phụ nữ địu con, các tượng người già, tượng động vật, ché rượu cần… Những mô típ trang trí trên trụ cột nhà mồ thường là khắc nổi hình con chim, con voi, cung tên, chiếc gùi… phản ánh tư duy phong phú, đa dạng của nghệ nhân Ma Thoan. Ma Thoan đã gìn giữ một dòng văn hóa mỹ thuật đẽo tượng trang trí nhà mồ mang đậm tính đặc thù khá nguyên bản, đa hình, đa sắc, thể hiện ở nét điêu khắc tài hoa trên tượng nhà mồ. Những hình tượng người múa trống, phụ nữ địu con, tượng người già, tượng động vật, ché rượu cần... dưới bàn tay Ma Thoan hiện lên hết sức sống động, gần gũi nhưng không kém phần bí ẩn, trầm mặc.

Bằng bàn tay khéo léo ông đã tạo ra những pho tượng vô cùng sinh động mang đậm nét bản sắc văn hoá. Ông đã có thâm niên trên 40 năm đẽo tượng nhà mồ và là một trong những nghệ nhân sống vì nghề lâu nhất hiện nay cho biết, đẽo tượng nhà mồ tuy không phải là một nghề để kiếm sống, nhưng ông cứ say mê mày mò, đục đẽo mà không hề biết chán. Một bộ tượng gỗ nhà mồ phải mất hàng chục ngày công, từ lúc lên rừng lấy gỗ đến khi hoàn thành. Nhà nào thơm thảo lắm thì cũng chỉ trả công cho người đẽo tượng bằng bữa mời cơm gà, ché rượu. Thù lao đơn giản vậy, nhưng bù lại, nghệ nhân đẽo tượng lại cảm thấy vui vì được chung tay chia sẻ với gia đình vừa có người mất.

Ma Thoan rất tâm huyết với nghề đẽo tượng trang trí nhà mồ. Ông đã thầm lặng đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, chính quyền địa phương luôn động viên ông hoàn thành tốt công việc, nhất là dạy lại nghề cho các cháu thanh niên ở các buôn làng. Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, UBND huyện Sơn Hòa đã tặng Giấy khen cho Ma Thoan về thành tích này.

 

Top