Làng nghề mộc An Tường

An Tường(huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng bởi có hai làng nghề mộc truyền thống là Thủ Độ và Bích Chu. Hai làng nghề của xã đã có cách đây trên 400 năm, hiện vẫn lưu giữ được 2 ngôi đình làng cổ và 1 ngôi đền thờ tổ nghề mộc. Người làm mộc An Tường thường xuyên đi khắp nơi làm đình, chùa, đồ tế tự, thờ cúng, đồ mộc dân dụng. Sản phẩm của làng nghề đã có mặt khắp nơi trong cả nước.

Đi khắp trong Nam ngoài Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược ở đâu cũng thấy “dấu ấn người An Tường” in đậm trong những công trình văn hóa. Các công trình do người thợ An Tường làm ra không những mang đậm nét văn hoá Việt Nam mà còn thể hiện được dấu ấn riêng ở nơi đã sinh ra những người thợ tài hoa này. Để làm được các kiểu kiến trúc, người thợ An Tường có kiến thức hình học, năng khiếu hội hoạ khá phong phú và bàn tay cực kỳ khéo léo.

An Tường(huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng bởi có hai làng nghề mộc truyền thống là Thủ Độ và Bích Chu. (Ảnh:TL)

Xã An Tường có hai làng nghề mộc nhưng mỗi làng nghề lại có thế mạnh riêng. Nằm ở vùng đất bên sông Hồng, từ rất lâu, Bích Chu nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ tinh xảo như bàn ghế, sập gụ, tủ chè, đồ thờ cúng hay nội thất. Tay nghề của họ có thể sánh với thợ Hà Tây, Nam Định hay những hàng mộc ở Đồng Kị - những địa phương có tiếng về nghề mộc. Theo sử sách ghi lại và thông qua những lời kể của các nghệ nhân cao niên, làng mộc Bích Chu thuộc xã An Tường đã có từ mấy trăm năm trước. Hằng năm cứ đến ngày mồng 6 mồng 7 tháng Giêng Âm lịch, cả làng lại tưng bừng mở hội tại nhà thờ Ông tổ mộc. Mấy trăm năm nay, người làng Bích Chu đều sống bằng nghề mộc. Sản phẩm mộc qua đôi tay khéo léo và óc sáng tạo của người thợ đã trở thành những vật dụng độc đáo, quý giá. Nhiều hiện vật còn lưu giữ trong các đình, chùa như cột kèo, kiệu. Sản phẩm mộc của làng không chỉ được bán cho những vùng lân cận mà giờ đây đã được rải đi khắp mọi miền Tổ quốc và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Có được thành quả ấy, đồ gỗ Bích Chu phải trải qua bao sóng gió, đặc biệt trong thời buổi kinh tế thị trường, sản phẩm nhập từ nước ngoài vào với mẫu mã đẹp mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều, gỗ Bích Chu không cạnh tranh được. Người dân trong vùng phải chuyển sang làm các nghề khác để kiếm sống. Làng mộc tưởng như bị mai một, những người thợ trong làng phải vác cưa, đục bôn ba đi khắp các địa phương trong cả nước để kiếm sống. Song không vì thế người dân ở đây bỏ cuộc, trong làng vẫn còn những người bám trụ nghề, cố giữ lấy cái nghề truyền thống của cha ông để lại. Họ tìm mọi cách để cho làng nghề phát triển trở lại như xưa. Trời không phụ công người, mấy năm gần đây xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng đồ trang trí nội thất làm từ gỗ. Những sản phẩm của làng làm ra luôn được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Hiện nay sản phẩm của làng có mặt khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng. Tay nghề của người thợ làng gỗ Bích Chu không chỉ nổi tiếng trong cách tạo ra những sản phẩm dùng để trang trí nội thất trong gia đình mà còn rất khéo léo trong việc phục chế những đồ cổ, kiến trúc đình chùa cổ xưa.

Tay nghề của người thợ làng gỗ Bích Chu nổi tiếng trong cách tạo ra những sản phẩm dùng để trang trí nội thất trong gia đình. (Ảnh:TL)

Nếu như làng mộc Bích Chu nổi tiếng với việc khôi phục và tôn tạo các công trình văn hoá cổ như đình, chùa, miếu và sản xuất các loại tủ, đồ thờ, án gian, câu đối, hoành phi, cuốn thư... thì làng nghề Thủ Độ lại nổi danh trong việc sáng tạo ra nhiều mặt hàng đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ trang trí nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ, đồ khảm, bàn ghế sa lôngthu hút được đông đảo khách hàng. Tuy không có tiếng bằng một số làng mộc khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng những năm gần đây làng nghề luôn đứng đầu về doanh thu, thị trường tiêu thụ. Đạt được kết quả này là nhờ làng nghề đã nhạy bén trong cơ chế thị trưởng, đa dạng hoá sản phẩm, sản xuất những cái thị trường cần, luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhiều mặt hàng như đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ trang trí nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ, đồ khảm, bàn ghế sa lông, các loại tủ, đồ thờ, câu đối, hoành phi, cuốn thư... được sản xuất đạt trình độ tinh xảo nên đã thu hút được đông đảo khách hàng. Sản phẩm của làng mộc Thủ Độ không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài, mỗi năm giá trị sản xuất đạt hàng trăm tỷ đồng. Toàn làng Thủ Độ có trên 1.000 hộ dân, thì có tới 70% số hộ làm nghề mộc, trong đó có tới 1/3 số hộ làm nghề mộc chuyên nghiệp. Doanh thu hàng năm của làng nghề chiếm 60% tổng thu nhập của cả xã, số hộ khá giầu chiếm trên 70%.

Hiện nay, hai làng nghề mộc Thủ Độ và Bích Chu của xã An Tường đã có khoảng 20 doanh nghiệp mộc xây dựng với tổng nguồn vốn hàng chục tỷ đồng. (Ảnh:TL)

Hiện nay, hai làng nghề mộc Thủ Độ và Bích Chu của xã An Tường đã có khoảng 20 doanh nghiệp mộc xây dựng với tổng nguồn vốn hàng chục tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực và chế biến nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng gỗ dân dụng, mỹ nghề phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.Từ hai làng nghề này đã có khoảng 710 hộ thu hút 1.400 lao động làm nghề mộc, trong đó trên 900 lao động có tay nghề cao với nhiều lĩnh vực trong nghề mộc. Tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, sản phẩm mộc của An Tường đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen và cúp vàng, cúp bạc, huy chương vàng, bạc... của tỉnh và Trung ương. 

Gần đây, với thực trạng cạn kiệt tài nguyên, sự thay đổi của cơ chế thị trường, sản phẩm Bích Chu và Thủ Độ đang phải đối mặt với những khó khăn về vật liệu, về tiêu thụ. Tuy nhiên, bằng khả năng sẵn có như kỹ thuật ghép mộng, đánh bóng, đường nét tuyệt mỹ trong tạo dáng và hoa văn trang trí tồn tại cùng năm tháng, đồ gỗ An Tường sẽ khẳng định là sản phẩm mến mộ của khách trong nước và quốc tế, đóng góp vào sự khởi sắc của công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Tường.

P.V (Tổng hợp)

Top