Không chỉ là cái bánh ít…

Từ khi còn làm việc ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tôi đã quan tâm đến việc giới thiệu các món ăn truyền thống của Việt Nam cho du khách quốc tế và giới trẻ. Ở một nơi tưởng chừng không liên quan gì đến chuyện nấu nướng, ăn uống, vậy mà chúng tôi đã từng tổ chức một buổi giao lưu “Ẩm thực thời kháng chiến” năm 2011. Trong đó chúng tôi đã giới thiệu những món ăn Việt Nam đã gắn liền với một thời đạn bom, khói lửa: cơm nắm, khoai lang, khoai mì, bánh tét. Du khách và các bạn trẻ đã nhiệt tình nếm thử và lắng nghe những câu chuyện xúc động gắn liền với mỗi món ăn. Nhiều du khách ngạc nhiên, chia sẻ: “Tôi cứ tưởng trong chiến tranh người Việt Nam được viện trợ đồ hộp từ Liên Xô, Trung Quốc... Ai ngờ những món “ăn nhanh” của các bạn thật là độc đáo và lành mạnh! Lại được gói bằng lá, rất thân thiện với môi trường!”

Về cộng tác với Bảo tàng Áo dài tôi lập tức bị mê hoặc bởi những câu chuyện, những con người của vùng đất ngoại ô Sài Gòn, Vùng Bưng Sáu Xã một thời chiến tranh ác liệt. Và cả những món ăn dân dã mà độc đáo ở vùng này. Bánh ít hầu như có mặt ở nhiều nơi Trung Bộ, Nam Bộ. Nhưng ở đây những người dân quê mộc mạc đã có một số bí quyết để làm bánh ít khiến ai đã từng nếm thử khó mà quên được! Họ dùng nước cốt trái thơm (khóm) để nhào bột nếp, nhờ vậy vỏ bánh có màu vàng, trong trẻo, dẻo thơm mà không cần đến hóa chất. Nhân bánh dù là đậu xanh hay cơm dừa nạo cũng được nêm vừa phải khiến người ăn không quá ngán vì ngọt. Lá chuối để gói bánh phải phơi một nắng để lá dẻo dai, mềm mại trước khi gói... Hầu như gia đình nào cũng gói bánh ít trong những dịp lễ tết, giỗ chạp, vừa cúng ông bà, vừa làm quà cho khách. Nhưng cũng có những gia đình suốt 4 thế hệ đã sinh sống bằng chính cái nghề làm bánh ít bán ở các chợ quê...

Dù rất hồi hộp, căng thẳng chúng tôi vẫn quyết tâm dùng bánh ít Quận 9 làm quà cho đại biểu, quan khách đến tham dự buổi giao lưu “Lời ru của mẹ” nhân mùa Vu Lan năm 2018. Bên cạnh nghệ nhân Minh Hiền - người hát ru bằng 5 thứ tiếng của các dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã mời bà Nguyễn Thị Sậu, một nữ nông dân, cựu tù chính trị Quận 9 đến vừa hát ru, vừa tặng bánh ít cho khách. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé với gánh bánh ít trên vai đã gợi nhớ về những người bà, người mẹ, người chị tảo tần trên khắp đất nước Việt Nam. Khách tham dự chưa kịp khô nước mắt sau những làn điệu hát ru mượt mà, đầy ắp tình mẫu tử đã cười vui rộn rã khi đón nhận món quà quê mộc mạc từ một phụ nữ mang bóng dáng của những bà mẹ Việt Nam. Chiều hôm ấy và cả những hôm sau chúng tôi liên tục nhận được điện thoại từ khách mời, đồng nghiệp. Ai cũng xúc động trước “Lời ru của mẹ” và ngạc nhiên trước món quà quê thơm ngon lạ lùng!

Tháng 10-2018, khi tổ chức “Trái tim người lính” thông báo sẽ đưa một đoàn du khách gồm các cựu chiến binh Mỹ và thân nhân của họ đến tham quan và ăn tối tại Bảo tàng Áo dài chúng tôi quyết tâm “thể nghiệm” dạy họ gói bánh ít. Họ là những cựu chiến binh đang phải chịu đựng PTSD - Hội chứng trầm cảm sau sang chấn chiến tranh nên có tâm lý nặng nề, vui buồn thất thường. Vậy mà khi được những cựu chiến binh, cựu tù chính trị vốn dĩ là những người nông dân chân chất ở ngoại ô Sài Gòn dạy gói bánh ít họ vô cùng ngạc nhiên, thích thú. Hình ảnh những bàn tay của những “kẻ thù cũ” giờ cùng nâng niu cái bánh bé nhỏ, xanh mướt màu lá, thận trọng đặt vào trong xửng hấp vô cùng ý nghĩa! Ánh mắt long lanh của họ cùng hướng vào bếp lửa, hồi hộp mong đợi bánh chín khiến ai cũng mủi lòng… Chiến tranh đã qua rồi, thực sự đã qua rồi! Bây giờ họ đã là bạn bè, đang ngồi bên nhau chờ cùng ăn bánh ít. Những cựu chiến binh Mỹ đã hơn 40 năm vật vã với bệnh tật, ác mộng, ám ảnh, hối hận giờ đã khóc, đã cười và khoe với tôi: “Chưa có ngày nào đáng nhớ như vậy!” Cả với những cô chú nông dân đến giúp Bảo tàng đón tiếp khách, dạy họ làm bánh ít thì buổi gặp gỡ chiều tà hôm ấy cũng trở thành một kỷ niệm khó phai: đối thủ đã trở thành bạn bè sau một buổi học kỳ lạ!

Hướng dẫn du khách gói bánh ít

Trong Ngày hội Văn hóa - Hòa bình TP.HCM lần thứ I ngày 13-10-2018 Bảo tàng Áo dài đã tham gia hoạt động của không gian “Đa dạng văn hóa” và “Hòa bình với thiên nhiên và môi trường”. Chúng tôi lại tổ chức cho du khách quốc tế và các bạn trẻ Việt Nam trải nghiệm gói bánh ít ngay trong sân Dinh Độc lập. Bên cạnh “chỉ huy trưởng” là “Cô Gái Hai”- nữ cựu tù chính trị Mai Thị Hạnh, chúng tôi đã “huấn luyện” được một đội ngũ trẻ gồm nhân viên Bảo tàng, sinh viên tình nguyện hướng dẫn cho khách. Cùng với kỹ năng khéo léo của đôi tay, khách quốc tế lẫn các bạn trẻ đều thích thú nhận ra bánh ít là một loại thức ăn nhanh (fast food) của Việt Nam rất lành mạnh: không dầu mỡ, ít đường, muối, ăn chỉ vừa no... Bánh ít lại rất thân thiện với môi trường vì gói bằng lá chuối, không phải bằng bao bì nhựa. Chỉ trong một buổi sáng mà khách đã “tiêu thụ” sạch hàng trăm chiếc bánh đã hấp chín lẫn bánh sống chưa hấp! Khách nài nỉ xin mang về làm kỷ niệm! Sau hai lần thể nghiệm ở Bảo tàng tỉnh Bình Phước và The Garden Mall (Q5. TP HCM) trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi chúng tôi đã quyết tâm đưa vào dịch vụ chính thức của Bảo tàng Áo dài: hoạt động hướng dẫn khách làm bánh ít. Cùng với áo dài, Bảo tàng sẽ góp phần gìn giữ một món ăn truyền thống của dân tộc, của một vùng ngoại ô Sài Gòn...

Không khỏi ngần ngại vì chẳng mấy khi các cơ quan, đơn vị tặng quà... bánh ít cho nhau, nhưng chúng tôi đã quá yêu món ăn mộc mạc mà đậm đà tình nghĩa này nên  thử dùng làm quà tặng các đơn vị bạn: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bệnh viện Nhân dân 115, Câu lạc bộ Quan họ... Thật bất ngờ và xúc động khi nhận được “hồi âm” từ bạn bè, đồng nghiệp: “Bánh tên là “ít” nhưng rất nhiều tình cảm”; “Bánh rất ngon, hợp vệ sinh vì gói kỹ rồi mới nấu chín”; “Sành ăn như chúng tôi mà còn ngạc nhiên hết sức!”; “Sau này nhà tôi có giỗ chạp Bảo tàng đặt làm giúp nha?” Thay cho những lẵng hoa, quà tặng đắt giá nhưng không thực tế, món quà mộc mạc ấy đã được các đơn vị tíu tít chia nhau từ thủ trưởng đến nhân viên, được đem về tận gia đình để thưởng thức. Những cú điện thoại nửa đêm, sáng sớm, giữa trưa để cảm ơn, để “trách yêu” vì bánh ngon quá mà không đủ để chia khiến tôi vừa buồn cười vừa cảm động.

Tháng 12-2018 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM cùng Ban Tổ chức cuộc thi “Vườn sinh thái đẹp TP. HCM” lần thứ VI đã bất ngờ trao giải Nhất cho Bảo tàng Áo dài và mời chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì biết nhiều khu vườn khác đẹp và công phu hơn Bảo tàng Áo dài! Nhưng Ban Tổ chức và cả Hội nghị đã “tâm phục khẩu phục” khi Bảo tàng thu hút được những người nông dân chất phác xung quanh Quận 9, những cựu chiến binh, cựu tù tham gia giới thiệu với khách quốc tế và lớp trẻ vọng cổ, hát ru, những câu chuyện bánh ít, đồ chơi làm bằng lá dừa bên cạnh câu chuyện áo dài... Các cô chú cộng tác viên giờ đây đã thực sự gắn bó, yêu mến Bảo tàng, sẵn sàng góp sức để phục vụ khách bằng chính những kiến thức, bí quyết gia truyền của mình. Nhân viên Bảo tàng ngày càng tháo vát, giỏi giang hơn khi bên cạnh kỹ năng ngoại ngữ, vi tính các em còn biết gói bánh ít truyền thống, làm đồ chơi lá dừa, biết hát ru con...

Bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ quá khứ. Bảo tàng vẫn đang sống và thở cùng thời đại. Bánh ít không chỉ là sản phẩm của quá khứ, của những vùng quê xa xôi nào đó. Bánh ít vẫn đang còn sống bên cạnh mỗi người, nhắc nhở về quê hương, về tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình của người dân Việt...

Huỳnh Ngọc Vân - Lương Hồng Nhung

 

 

Có thể bạn quan tâm

Top