Tráo đổi câu đối trong đền ở Hoài Đức
Đến với Linh Tiên Quán hôm nay, quả thật, du khách thập phương và những người chiêm bái không còn quá choáng ngợp với quy mô, cảnh quan của ngôi đền/ chùa này, bởi quá trình đô thị hóa với tốc độ phi mã của địa phương, khiến bị lút đi do nhà cửa và đường xá dân sinh cao đẹp, to rộng của làng xóm, nhưng sức sống và hơi thở của nó trong cộng đồng vẫn còn nguyên giá trị giống như thuở mới khai sinh.
Chùa Linh Tiên (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức)
Chỉ lấy một số ví dụ nhỏ thôi, khi Đoàn giám định do Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Di sản Văn hóa và các chuyên gia đến di tích, nhân có sự cố dân làng khởi kiện việc 3 câu đối cổ của ngôi đền bị tráo đổi, mới thấy hết được tâm huyết của người dân với di tích. Họ lao vào đối thoại với chính quyền thôn, xã và đề nghị phải minh bạch câu chuyện tráo đổi ấy thuộc về ai, đồng thời kiến nghị các chuyên gia giám định phải làm rõ sự thật, không bao che, để đưa những người có tội ra trước vành móng ngựa. Chính quyền địa phương, công an huyện đối thoại với dân, chân tình và cởi mở, theo đó, họ đã tự giải tán và ra đứng hai bên đường làng, chờ kết quả. Kết quả giám định đúng như sự việc người dân khởi kiện, thông tin được lan ra và khi Đoàn giám định trên đường trở về UBND xã, những người dân đứng hai bên đường hoan hô chính quyền và Đoàn giám định như là những cứu tinh, cứu dỗi tâm hồn họ để đặt lòng tin vào những người thực thi luật pháp.
Ba đôi câu đối đều có niên đại trên dưới trăm năm, đều đã được Công an huyện Hoài Đức thu hồi lại được từ tay một người sưu tầm ở huyện Đan Phượng. Nội dung của ba đôi câu đối đều ca ngợi cảnh thần tiên của ngôi đền với vẻ đẹp cảnh quan và sự linh thiêng của thần linh ngôi đền. Cả ba, trên dòng lạc khoản, đều ghi rõ họ, tên người cung tiến khoản mà rất nhiều cháu, chắt dòng họ ấy hiện còn đang sinh sống trong thôn. Từ ba câu đối cổ, so sánh với ba câu đối đã bị tráo đổi, chúng hoàn toàn khác nhau về kích thước, màu sắc sơn thếp và thư pháp, khiến không khó nhận ra sự giả thật để có thể kết luận. Tìm hiểu kỹ sự việc, mới hay, sư trụ trì, không hiểu vô tình hay hữu ý đã đưa ba đôi câu đối ấy đến một cơ sở sơn thếp ở xã Sơn Đồng - một làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội, để sơn thếp lại với mong muốn chúng tương thích với những đồ thờ tự trong đền. Thế nhưng, khi nhận về, cũng không hiểu, do hữu ý hay vô tình lại nhận 3 câu đối mới được sao chép từ 3 đôi câu đối cũ, rất ngô nghê về thư pháp và chênh lệch nhau về kích thước, màu sắc, mà với những người trần như người dân thôn Cao Xá cũng có thể nhận ra sự khác biệt ấy. Họ khẳng quyết, nhà sư biết đích xác sự tráo đổi!
Ngôi chùa Linh Tiên bỗng dưng xáo trộn khi ba đôi câu đối cổ tại đây bị đánh tráo khiến người dân thôn Cao Xá, xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) rất bức xúc
Người nhận việc của nhà sư đặt làm, lấy 3 đôi câu đối cổ của đền bán cho một người sưu tầm ở huyện Đan Phượng. Và, khi sự việc đã bị phanh phui do dân làng Cao Xá, ba câu đối cổ đã được thu hồi với sự nỗ lực, quyết tâm của Công an huyện Hoài Đức đã truy tìm một quãng đường vòng, tuy không dài, nhưng cũng chẳng ngắn chút nào, nếu không có nghiệp vụ và nhiệt huyết điều tra.
Sự việc như vậy đã quá rõ. Thế nhưng, để khởi tố vụ án, cần phải định giá được ba đôi câu đối ấy. Lãnh đạo huyện Hoài Đức đã quyết tâm làm đến cùng, theo đó, ngày 11 tháng 5 năm 2019, dưới sự chủ tọa của đồng chí Phó Chủ tịch huyện và các phòng, ban chức năng, đã thành lập Hội đồng định giá cho ba món cổ vật nêu trên. Định giá cho cổ vật đâu chỉ có giá trị vật thể. Chúng còn có những giá trị phi vật thể đi kèm. Đó là cổ vật trong một di tích nổi tiếng, cấp quốc gia. Đó là hồn cốt của những dòng họ có truyền thống, nhiều thế hệ đã thành danh được ghi khắc trên ba đôi câu đối ấy. Đó là những lời hay, ý đẹp của những vị túc nho dành tâm huyết để ngợi ca truyền thống và vẻ đẹp của di tích. Đó là sự lưu giữ và truyền đời qua hàng trăm năm của những cổ vật được thờ tự. Tính tất cả, ba đôi câu đối ấy phải là vô giá. Tuy nhiên, chỉ riêng giá trị tự thân, Hội đồng cũng đã đi đến sự thống nhất, để có thể đưa vụ án này ra pháp luật với tội danh lạm dụng chức quyền, chiếm đoạt tài sản. Làm được như Hoài Đức, thiết nghĩ, đã là một quyết tâm cao của chính quyền từ thôn, xã, đến huyện, để tạo nên một thái độ ứng xử với di sản có trách nhiệm hơn, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Vụ án hiện vẫn đang triển khai, theo đó, những tên người, tên dòng họ, nội dung và niên đại các triều vua trên từng đôi câu đối, cũng như những bức ảnh về chúng, tôi xin được miễn công bố như một quy định của quá trình điều tra, mong bạn đọc cảm thông và chia sẻ. Vì quá phấn khích với tinh thần bảo vệ di sản của nhân dân và chính quyền huyện Hoài Đức nên mạn phép được sơ bộ nêu vụ việc trên Tạp chí Thế giới Di sản, với thông điệp trọng yếu là, giúp quần chúng ngày một giác ngộ hơn trong sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản đất nước, thiết tưởng sẽ không bị quở trách là đã quá vội vàng để “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Ngọc Trân