Đúc đồng Đào Viên

Theo lịch sử, khoảng năm 1428-1527 (Triều Lê), Đào Viên đã cùng 4 làng Đông Mai, Điện Tiền, Châu Mỹ, Long Thượng (Hưng Yên) vốn có nghề đúc đồng được Triều đình gọi về Thăng Long lập trường đúc tiền và đồ thờ. Tại đây, họ sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng làng mới lấy tên là Ngũ Xã, để ghi nhớ quê gốc của mình. Về sau làng tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã (nay là phố Ngũ Xã, thuộc quận Ba Đình-Hà Nội). Đến nay, cả Đào Viên và Ngũ Xã đều thờ chung ông Tổ nghề là Nguyễn Minh Không, tên tự là Lý Triều Quốc Sư...

Qua các văn bia và niên hiệu năm tháng được khắc trên những quả chuông cổ, khoảng năm 1915, Đào Viên còn có nghệ nhân đúc đồng giỏi được Nhà vua triệu vào Huế đúc các đồ thờ và cánh cửa triều đình. Hay cụ Đỗ Văn Tài, đúc đồng rất giỏi được Triều đình ban tặng danh hiệu Hàn lâm, ngày sau con cháu thường gọi cụ là Hàn Tài.

Làng nghề Đào Viên trước năm 1954 là nơi kinh tế phồn thịnh, giao lưu buôn bán với các khu vực: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định...

Tại làng quê, hiện còn thờ 2 pho tượng Thành hoàng làng, 2 quả chuông to khoảng 200kg và các đồ thờ khác tại đình, chùa đều do chính tay các nghệ nhân của thôn sáng tác... Đây là giai đoạn cực thịnh của làng nghề đúc đồng Đào Viên với những thế hệ nghệ nhân nức tiếng về tài đúc đồng liền khối.

Thời kỳ hưng thịnh, làng nghề nổi tiếng khắp nơi. Sản phẩm của làng nghề khi đó rất phong phú, từ những thứ gia dụng thường ngày như nồi, mâm đồng, đồ thờ cúng đến những sản phẩm lớn, cần kỹ thuật đúc cao như tượng, chuông đồng ở các đình chùa. Thợ đúc đồng Đào Viên có tiếng tài giỏi, nhiều người đã tham gia làm chuông, tượng đồng lớn cho các chùa nổi tiếng trong khu vực như: Đỗ Văn Hiếu, Đỗ Văn Tuỳ, Ngô Thị Đam  đúc tượng Đại Di Đà chùa Ngũ Xã cao 10m, nặng 17 tấn; cụ Cửu Chính đúc 3 pho tượng lớn ở chùa Hàm Long ngày nay vẫn còn lưu giữ…

Sản phẩm đồ thờ hoàn thiện của làng nghề đúc đồng Đào Viên.

Vào triều Lê, Đào Viên đã cùng 4 làng nghề đúc đồng Đông Mai, Điện Tiền, Châu Mỹ, Long Thượng (Hưng Yên) được Triều đình gọi về Thăng Long lập trường đúc tiền và đồ thờ. Sau khu vực này phát triển thành làng nghề chuyên đúc đồng lấy tên là Ngũ Xã, nay thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) và cũng thờ ông Tổ nghề là Nguyễn Minh Không.

Mặc dù có thời gian dài phát triển mạnh mẽ nhưng nghề đúc đồng ở Đào Viên cũng có thời kỳ đứt quãng. Các hộ làm nghề vẫn lác đác, gắng gượng. Nghề truyền thống sáng giá của cha ông bị mai một, nhiều con cháu từ mảnh đất thuần nông này phải đi tứ xứ, mưu sinh bằng nghề khác.

Những tưởng nghề đúc đồng ở Đào Viên chỉ còn lại trong tiềm thức những người cao niên, nhưng bằng tâm huyết và quyết tâm của nhiều người, nghề truyền thống của cha ông đã được khôi phục và phát triển theo hướng tích cực. Từ khi tỉnh Bắc Ninh triển khai đề án tập trung mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn thì vấn đề đã trở nên sáng sủa. Tỉnh và huyện rất coi trọng việc khôi phục lại làng nghề truyền thống tại các địa phương. Huyện Thuận Thành thành lập Ban Chỉ đạo khôi phục và phát triển các làng nghề, và làng nghề đúc đồng Đào Viên là một trọng điểm. UBND huyện Thuận Thành, Ban Chỉ đạo của xã Nguyệt Đức, Trường Trung cấp Nghề kinh tế, kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống đã cùng mở Hội nghị và ký cam kết thực hiện chương trình phối hợp khôi phục phát triển làng nghề. Từ đó, Đảng ủy và chính quyền xã đã tìm được tiếng nói đồng thuận của cả ba trăm hộ trong thôn, ra quyết sách để huy động các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và con em quê hương xây dựng quy hoạch làng nghề cùng cơ sở hạ tầng. Thách thức lớn đặt ra là vốn và nguồn nhân lực. Lãnh đạo cùng bà con xã Nguyệt Đức ghi nhận thầy trò Trường Trung cấp Nghề kinh tế, kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống đã góp công lớn cho việc này. Trường kiên trì tìm các nghệ nhân đúc đồng giỏi ở các tỉnh về Đào Viên truyền nghề. Trường tổ chức liền hai lớp đào tạo nghề đúc dát đồng tại làng Đào Viên. Các nghệ nhân cùng giáo viên nhà trường truyền đạt những kiến thức cơ bản của nghề, kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống của làng với khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới của nghề đúc dát đồng.

Sản phẩm đồ thờ hoàn thiện của làng nghề đúc đồng Đào Viên.

Sau hai khóa đào tạo, làng Đào Viên đã có thêm hàng trăm thợ đúc dát đồng. Các học viên xuất sắc như Nguyễn Tài Anh, Đỗ Văn Cường, Dương Văn Hoàn, Nguyễn Đình Thái, Nguyễn Văn Hùng... đã tự mở lò mới. Hàng trăm lao động của làng đi làm ăn xa được bà con vận động về học nghề, chung vốn kinh doanh. Nghề đúc đồng của Đào Viên từ đó phát triển trở lại, với các sản phẩm truyền thống có uy tín như đúc tượng, chuông, khánh, đỉnh, chân nến, hạc... Do sản phẩm có chất lượng cao mà bao nhiêu sản phẩm của Đào Viên ra lò là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu hết. Đặc biệt, làng nghề Đào Viên đang mở hướng phát triển sản phẩm đúc chân dung. Với loại sản phẩm mỹ nghệ độc đáo này, nhiều thợ giỏi của Đào Viên luôn phải từ chối đơn đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Từ 27 hộ làm nghề vài năm trước, nay Đào Viên đã có 125 hộ làm nghề. Đó là một con số rất đáng trân trọng, bởi nó không chỉ cho thấy sức sống của một làng nghề, mà còn cho thấy sản phẩm văn hóa truyền thống của làng đã nhanh chóng thích ứng sự phát triển của nhu cầu hiện đại.

Trong chiến lược đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Thuận Thành, đúc đồng Đào Viên cũng là một trong những làng nghề cần khôi phục giá trị truyền thống. Xã Nguyệt Đức cũng đã có chủ trương cho việc phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, theo đó sẽ phối hợp với các cấp, ngành và các hộ đang sản xuất đào tạo nghề cho người lao động; liên hệ với các tổ chức ngân hàng, tín dụng đề nghị cho các hộ sản xuất vay vốn. Tin rằng, khi được quan tâm đúng mức làng nghề sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được thương hiệu như những làng nghề truyền thống ở các địa phương khác.

Thanh Huyền

Top