Nghề dệt vải lanh ở một số dân tộc thiểu số

Bất cứ người phụ nữ Mông, Dao nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh thành sợi để dệt vải phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Việc biết dệt vải lanh còn là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm chất của người phụ nữ. Dùng sợi lanh dệt vải được coi là một nghề có những nét đẹp riêng của phụ nữ dân tộc Mông.

Ở Sơn La, dân tộc Mông cư trú chủ yếu ở vùng núi cao thuộc các huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu và Sông Mã. Bên cạnh việc làm nương rẫy, ruộng nước, chăn nuôi... họ có một số nghề thủ công truyền thống đạt kỹ thuật cao, mà đặc sắc hơn cả là nghề dùng sợi lanh để dệt vải.

Nghề dệt vải lanh đã hình thành từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết xe lanh thành sợi để dệt vải phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Họ quan niệm rằng, sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên về đầu thai lại với con cháu. Việc dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của chị em phụ nữ.

Phương pháp đạp lanh như thế này sẽ giúp cho sợi lanh trở nên mềm mại hơn khi dệt thành vải a

Vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Bước tiếp theo, người ta mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn. Sau đó đem cuộn sợi này luộc trong nước tro. Khi giặt sạch nước tro thì sợi lanh có màu trắng. Khi sợi đã chuẩn bị sợi xong, việc dệt vải sẽ được bắt đầu. Đồng bào dân tộc Mông dệt vải trên khung cửi đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ tiết diện tích 12 cm x 12 cm, dài 60 cm đặt cách xa nhau khoảng 50 cm. Giữa hai thanh gỗ đó có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, con thoi để dệt khá to. Khi dệt người ta buộc chúng dựa vào cột nhà, người dệt ngồi trên ghế đẩu. Để tạo được những hoa văn in trên tấm vải, người Mông đã nghĩ ra cách dùng sáp ong để vẽ. Sáp ong vẽ lên vải trắng tạo những đường hoa văn theo một mô típ của khối những hình thoi, hình vuông đói xứng. Khi hoàn thiện các hình vẽ, tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm. Những đường nét có sáp ong, chàm không ngấm vào được sẽ tạo ra những nét hoa văn chìm trông khá đẹp mắt. Cùng với các đường nét hoa văn vẽ bằng sáp ong, chiếc váy của đồng bào dân tộc Mông được tô điểm bằng những đường thêu với các màu pha trộn khá tinh tế, màu trội hơn thường thiên về màu đỏ và vàng, tạo lên màu rự rỡ của chiếc váy.

Trong khi dệt vải những sợi lanh bị tơi sẽ được cắt đi tránh cho việc vải bị sờn.

Khắp các bản vùng cao dù là ngành Mông si, Mông đơ, hay Mông hoa, nghề se lanh dệt vải đều gắn với người phụ nữ. Ngày nay nghề dệt vải lanh có giảm bớt, bởi sự có mặt của các loại vải sợi được sản xuất có giá rẻ hơn và phong phú về mẫu mã. Nhưng đa phần phụ nữ Mông vẫn dùng vải lanh để làm váy chuẩn bị cho những ngày chơi tết. Những ngày xuân, ngày hội ở vùng cao, khi chúng ta đến đều cảm nhận thấy cảnh sắc của con người, thiên nhiên như hoà quyện bởi sắc màu rực rỡ của những bộ váy áo của phụ nữ vùng cao. Trong sắc phục đó có sự ẩn chứa của một nghề truyền thống se lanh dệt vải vẫn được gìn giữ cho đến tận hôm nay.

Ở Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, đồng bào Sán Chỉ chiếm số đông trong các dân tộc ở địa phương, sinh sống ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp, họ có một số nghề thủ công truyền thống đạt kỹ thuật cao, mang đậm chất truyền thống, đặc sắc hơn cả là nghề dùng sợi lanh để dệt vải.

Người Sán Chỉ ở Pác Nặm rất ưa chuộng vải lanh, bởi nó có độ bền hơn hẳn các loại vải được dệt từ bông hay các loại vải khác. Việc dệt vải lanh không chỉ đơn thuần là tạo nên những tấm vải, những bộ váy đẹp mà qua đó còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ của người phụ nữ trong đời sống sinh hoạt của người Sán Chỉ. Trước đây, để tạo nên những sợi lanh thẳng phục vụ cho việc dệt vải, chị em phải tước vỏ cây lanh ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Bước tiếp theo, người ta mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn. Sau đó đem cuộn lại, luộc trong nước tro. Khi giặt sạch nước tro thì sợi lanh có màu trắng. Sau khi đã chuẩn bị sợi xong, việc dệt vải sẽ được bắt đầu. Khi dệt được vải rồi, đồng bào đem nhuộm chàm. Với người phụ nữ Sán Chỉ, trang phục của họ chủ yếu là váy màu chàm, cùng với đó chị em tạo các viền màu đỏ trên váy, để tạo nên một bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình mà không giống bất cứ trang phục của những dân tộc khác. Bên cạnh những trang phục trên, họ dùng vải lanh để may chăn, màn, khăn... Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, nghề dệt vải lanh được xem là kỳ công, tốn nhiều thời gian, nên phần đa chị em phụ nữ Sán Chỉ ở địa phương chọn giải pháp mua sợi lanh xe sẵn, được bày bán tại các phiên chợ của xã, huyện về để dệt váy, áo và các đồ dùng khác trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Phụ nữ Mông dệt vải lanh bằng khung dệt do họ tự tạo ra

Theo những người làm nghề dệt thổ cẩm lâu năm ở huyện Ba Bể thì ngày xưa hầu như nhà nào cũng có một khung cửi dệt, mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt. Để làm ra được một tấm vải phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt mới làm ra được sản phẩm thô. Bông thu hoạch về được phơi qua mấy nắng rồi đem cán để tách riêng phần hạt và phần bông. Sau khi bông đã được cán thì đem bật và kéo thành những cuộn sợi nhỏ, tiếp đó là hồ sợi, sau đó cuối cùng mới được đưa lên khung cửi để dệt ra những tấm vải. Muốn tạo được độ bền đẹp và chắc cho sản phẩm thì những người phụ nữ cũng cần phải kỳ công và có những bí quyết riêng.

Ngày xưa nghề dệt vải là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng cao. Những tấm vải được dệt thể hiện sự khéo léo tài hoa của người phụ nữ, là nơi gửi gắm ước mơ, khát vọng, cũng là nơi dệt nỗi nhớ thương, là linh hồn, là nét văn hoá vô cùng đặc sắc, thế nhưng ngày nay rất ít người còn lưu giữ được nghề này. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Bể chỉ còn 2 xã Nam Mẫu và Khang Ninh còn lưu giữ được nghề dệt truyền thống, tuy nhiên cũng chỉ rải rác ở một số gia đình và chủ yếu là được gìn giữ trong lớp người cao tuổi.

Nằm ở miền địa đầu Tổ quốc xa xôi Hà Giang, các nghệ nhân làng dệt thổ cẩm từ sợi cây lanh ở thôn Lùng Tiến, huyện Quản Bạ đã đem đến Festival nghề truyền thống Huế 2013 nhiều nét lạ lẫm về kỹ thuật dệt thô sơ từ một loài cây độc đáo. Cây lanh được trồng ở ruộng, sau mỗi vụ lúa, người Mông trồng cây lanh để thu hoạch vỏ, tước lấy sợi dệt vải. Mùa tháng 4 là mùa chuẩn bị thu hoạch lanh. Với trên 30 công đoạn từ lấy cây lanh về, tuốt sợi, quay khung xe để lấy thành bó sợi, dệt bó sợi trên khung dệt thô sơ được đạp bằng chân và điều khiển bằng tay, vẽ sáp trên nền vải trước khi cho vào nhuộm… Cây lanh qua kỹ thuật của người dân tộc Mông nhìn tưởng mỏng manh, nhưng lại trở nên cực kỳ chắc chắn. Loại vải lanh khi thành hình sẽ được dệt với các hoa văn màu đẹp. Nhưng công dụng của vải theo lời của các nghệ nhân thì y như công dụng của nhà rường Huế, “mùa hè mặc vào thì mát, mùa đông thì ấm”.

Những cô gái Mông tham dự cuộc thi dệt vải lanh

Những năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa du nhập vào đời sống của người dân, nhất là sự âu hóa trang phục của các dân tộc, tạo nên sự cạnh tranh giữa sản phẩm địa phương và các sản phẩm công nghiệp nên nghề dệt thổ cẩm không còn được thế hệ trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, đa số phụ nữ một số dân tộc thiểu số vẫn dùng vải lanh để may váy, áo, xà cạp và mỗi người về với tổ tiên cần phải có một bộ quần lanh vì họ quan niệm nếu không có quần áo lạnh khi về trời tổ tiên sẽ không nhận ra mình.

Hoài Nam

Top