Cơm chay ngày Rằm

Cơm chùa rất đơn giản khác hẳn những bữa ăn thịnh soạn đời thường. Tất cả đều là món chay được làm từ rau, củ, quả, lá, cành, bộ phận của thực vật. Đặc biệt thường có những món từ sen, mướp, bầu bí, dền, đay.... và các loại rau dại mọc vườn chùa. Cơm là gạo lức không say chỉ đập tách vỏ. Canh là canh rau nấu hoặc luộc vớt ráo chấm tương, xì dầu. Một số món khác là dưa chua, đậu phụ, lạc rang và muối vừng.

Vào ngày lễ lớn trong chùa cũng có thêm một số món ăn do khách thập phương tiến cúng, cũng là đồ chay nhưng được làm đẹp với tên gọi hấp dẫn mang biểu trưng độc đáo của nhà Phật thể hiện tấm lòng thành kính của Phật tử cúng yang, và để giúp tăng ni cải thiện thêm dinh dưỡng mà vẫn đúng theo tôn chỉ, lời răn dạy của Đức Phật.

Khác với các món ăn thông thường, cơm chay ăn theo những nghi lễ của người tu hành, trong môi trường đặc biệt, đó là nơi thanh sạch, có thể không rải bàn ghế mà đặt hẳn khay cơm trên sàn nhưng mà là sàn được quét dọn sạch sẽ, cũng có khi là ăn trong điện thờ, nhà trù hoặc ngoài sân vườn - miễn chỗ nào có bóng mát, hương thơm tự nhiên là được.

Người ăn ngồi ở thế hoa sen không nói chuyện và ăn theo một thứ tự nhất định, trước khi ăn bao giờ cũng niệm Phật. Rồi mời những người khác cùng thưởng thức, sau đó mới dùng một cách thong thả, chủ yếu là để nhường nhịn cho mỗi người đều có cái ăn, cùng được chia sẻ hương vị thực thiền. Ai nấy đều chỉ ăn một số lượng thức ăn chính xác cần nuôi sống cơ thể, tức là không được để đói cũng không ăn quá no mà phạm vào tội tham ăn tục uống. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi thức ăn đã dọn ra, phải ăn bằng hết, không được bỏ sót hoặc vương vãi vì như vậy là không tiết kiệm, không tôn trọng lối sống tu hành.

Sau khi ăn cơm, nhiều người thường qua nhà khách dùng một tuần trà, và công đức một chút tiền để tu bổ thiền viện và giúp nhà chùa có kinh phí tổ chức các bữa cơm mời quan khách vào những dịp đặc biệt.

Trong bộn bề cuộc sống, nhiều pha tạp, trái với truyền thống, thì ở các làng quê,  chùa là một nơi hàng ngày thực hành nhiều món chay đặc sắc nhất. Do môi trường sẵn những nguyên liệu thực vật, phần lớn không cần đi đâu xa, mà lấy ngay tại vườn,… và với lối sống nồng hậu, không vướng bận toan tính nên các nhà sư đã nghĩ ra nhiều món ăn đơn giản, dễ làm mà vẫn giàu dinh dưỡng và mang đậm chất dân tộc. Dưới tài khéo léo của các bậc tôn sư trưởng lão, cơm chay cũng ngon và hấp dẫn không kém đồ mặn. Vừa đủ chất, vừa đẹp  mắt và đa dạng, hơn thế nhờ sự phối ngẫu tinh tế, đa sắc, đa vị các loại ngũ cốc, hoa, củ, quả nhiều bữa cơm chay còn có khi trở thành một tác nghệ thuật độc đáo.

Tùy điều kiện ngày thường hay lễ mà mâm cơm chay có ít hay nhiều món. Bữa cơm chùa thanh đạm thường nhật chỉ có cơm gạo đỏ, canh rau gộp, dưa cải, khoai sắn, đậu rán hoặc luộc, muối vừng, lạc rang.

Ngày lễ, bữa chay thường đa dạng hơn, có thể như một mâm cỗ. Về món lương, có cháo chay, cơm cháy, xôi vò, bánh đúc, bánh khoai, bánh chuối... Về món thịt do thực vật làm thay có sườn xào chua ngọt, giò chả, nem cuốn, nem chạo... Về món cá, tôm có trạch/trê om khế, cá quả kho tương, cua tôm nấu đậu… Về món gà có gà tiềm thuốc bắc, gà chiên sốt chanh, đùi gà rang me... Về món canh có canh chua thập cẩm, canh mướp mồng tơi, canh trứng khổ qua, canh đậu hũ cà chua... Về rau có cải thìa xào nấm, cà tím hấp tương, rau lang luộc chấm xì dầu...

Các gia vị là thành tố quan trọng nhất của cơm chay cũng đa dạng, gồm có muối trắng, bột ngọt, đường, mật, cà ri, nước tương, xì dầu, hạt tiêu, bạc hà, dầu chuối, vỏ quýt, vỏ quế... cùng các loại rau ghém như giá đỗ, thơm, mùi, tía tô, kinh giới....

Không những vậy, tên gọi món ăn cũng thấm đẫm triết lý nhà Phật như cơm bát nhã, chè ngũ giới, canh trí tuệ, lẩu thập thiện, bánh nhẫn nhục, chả thiền định,... cùng những cái tên gợi nhớ về quê hương thể hiện sự gần đời, vừa tu đạo vừa nhập thế tích cực.

Là cơm chay song vẫn đảm bảo dưỡng chất, gìn giữ sức khỏe và tránh được bệnh tật vì không chứa tác nhân gây béo, tiểu đường, rối loạn tim mạch, hô hấp hay tiêu hóa,...

Ngoài các nhà sư, du khách viếng cảnh chùa cũng là chủ thể sáng tạo của khá nhiều món chay. Thường đều đặn mỗi năm vài lần hoặc nhân dịp lễ tết hay sự kiện trọng đại Phật tử lại lên chùa sửa soạn mâm cỗ, mượn nồi xoong, bát đĩa trong nhà bếp của chùa tự nấu cỗ tiến cúng. Do điều kiện khá giả nên một lúc có thể làm được nhiều món lạ. Nhà chùa đón nhận những món chay đó song chỉ dùng một số món thông thường, còn những món quá cầu kỳ hay mang những cái tên quá đặc sắc hoặc ám chỉ động vật thì gửi lại cho du khách.

Thông thường các chùa có hai tiêu chí để làm món chay: món chay thuần chất dành cho nhà sư hành đạo và món chay phục vụ khách thập phương đến vãn cảnh chùa và do các nghệ nhân ẩm thực dân gian nhân các ngày lễ hội, ngày khánh thành đình chùa đến để giúp nhà chùa làm món ăn... Nhà chùa thường chỉ gợi ý tên món ăn, cách thức bày biện lên tam bảo hoặc cúng các bậc thần linh, ví dụ món xôi Bảy màu dựa theo bảy bước chân của Phật hoặc như món cơm Âm phủ vốn dĩ là món ăn từ thực vật để cúng các vị thần linh bằng việc thành kính không sát hại muông vật nhằm giúp gia chủ có người thân dưới địa ngục có thể giảm trừ tội lội nhờ lòng từ bi, bác ái và thanh tịnh của họ. Cũng gợi ý cho món ăn có tính chất đẹp mắt giúp mọi người nhớ lâu hơn về ngày lễ, cảnh chùa và con người địa phương.

Ngày càng có nhiều người thích ăn cơm chùa. Mọi người tìm đến chùa ăn chay không phải vì lòng tham lam mà để tìm về bản ngã, nhân chi sơ tính bản thiện, và triết lý nhân sinh sống sạch sẽ, trong môi trường nhà chùa luôn trang nghiêm, sạch đẹp tìm lại sự thư thái, và có thư thái thì ăn món gì đơn giản mấy cũng cảm giác ngon, no bụng và khỏe khoắn.

Cùng nhà chùa, nhiều gia đình cũng nấu cơm chay ăn hàng ngày hoặc hàng tuần nhằm tu tâm dưỡng tính. Khi đã định ngày thì người ta quyết tâm cả ngày đó chỉ ăn chay cho dù là giỗ Tết hay nhà có hiếu hỷ, yến tiệc. Ngày chay đó theo kỳ gọi là trai kỳ và nếu vào ngày rằm và mồng một là nhị trai. Đặc biệt ngày Phật đản, ngày Vu Lan, mọi nhà đều ăn chay. Ăn chay với nhiều người đã là ý thức tự nguyện cho lòng khỏi phiền bận, với ý nghĩa ăn gì cũng vui, sống ở đâu cũng thoải mái với cái tâm “không” của nhà Phật. Ăn chay cũng là để thực hành tiết kiệm, duy trì sự sống, tránh sát sinh khi mà hiện nay hiện tượng đánh bắt, tàn sát quá nhiều. Ăn chay cũng là để dưỡng thiện, tăng căn lành, từ bỏ tham, sân, si vốn trói chặt con người vào vòng khổ lụy. Ăn chay cũng là để cảm ơn, tưởng nhớ tổ tiên và bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, cầu an của bản thân đến gia đình và bạn bè.

Về với làng quê, với những ngôi chùa vào các ngày lễ, Tết du khách sẽ được tham gia trực tiếp làm những món chay dân dã trong một không gian hết sức thanh bình và tình cảm. Thật ý nghĩa khi được cùng các tăng ni và Phật tử nấu cơm trong sự trang nghiêm, thuần khiết, vừa nấu chay vừa niệm Phật, cầu chúc cho mọi người được ăn ngon và khỏe mạnh. Ai nấy không phân biệt sang hèn, nhường nhịn, chia sẻ cho nhau. Hòa mình vào không gian phù trì và bác ái ấy, trí tuệ bỗng nhiên rộng mở -tâm hồn cũng sâu lắng và bình an.

Chu Mạnh Cường

Top