Chùa Côn Sơn
Tương truyền, chùa Côn Sơn có từ thời Đinh. Tuy nhiên, chứng tích vật chất cung cấp từ khảo cổ học, của kia ký và sử biên niên, thì ngôi chùa này chắc chắn có từ thời Trần với một quy mô khá hoàn chỉnh và hoành tráng: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, hai dãy hành lang, hậu hành lang, Cửu phẩm liên hoa, các tòa tháp, am Bạch Vân, Ngũ Nhạc linh từ. Đó là nơi tu hành của các vị thiền sư thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nhân Tông và Trần Duệ Tông. Đó là một trung tâm Phật giáo lớn vào thời Trần, sánh ngang với Quỳnh Lâm, Yên Tử.
Thế rồi, đến thế kỷ 15, quân xâm lược nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, toàn bộ công trình kiến trúc tôn giáo nơi này đã bị tàn phá cùng với hệ thống bia ký và kinh sách, mà chỉ dụ của Minh Thành Tổ gửi bạo tướng Trương Phụ ngày 21 tháng 8 năm 1406 đã minh định: “Một khi binh lính vào nước Nam…thì hết thảy sách vở, bia ký mà nước ấy dựng lên…đều phải phá hủy hết, chớ để sót lại”.
Nhưng, sau khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, trung hưng Đại Việt, nhà nước đã đầu tư xây dựng lại ngôi chùa này và cử vị đại quan Nguyễn Trãi đến trông coi và quản lý khoảng những năm 1437 đến 1442. Tại đây ông đã lập trường dạy học và tham gia cùng các cao tăng giảng kinh, truyền đạo. Côn Sơn vẫn vẹn nguyên là một quốc tự và có một vị trí vô cùng quan trọng đối với triều đình thời Lê sơ.
Sang thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17, đất nước ổn định, kinh tế phồn thịnh, Phật giáo phục hồi, các vua chúa, phi tần, quan lại triều đình đua nhau theo đạo Phật, đã góp tiền, cúng ruộng tham gia sửa chữa, xây dựng chùa. Ở Côn Sơn, năm 1603, vị sư trụ trì Mai Trí Bảo đã vận động nhân dân đóng góp tiền của xây dựng lại tam quan và phòng ban. Năm 1607, cũng vị sư này, cùng nhiều hội chủ ở các Phủ như Khoái Châu, Thường Tín, Từ Sơn đóng góp tiền của, tu bổ nhiều công trình và hệ thống tượng Phật. Bia niên hiệu Hoằng Định, năm thứ 15 (1614) hiện còn ghi khá đầy đủ về công lao của nhà sư Mai Trí Bản cùng nhiều công trình đã được tôn tạo và mở rộng ở Côn Sơn.
Giữa thế kỷ 17, dưới sự trụ trì của nhà sư Đỗ Công Triều, Côn Sơn lại tiếp tục được tu sửa. Tấm bia dựng năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) và Thịnh Đức tứ niên (1657) ghi như sau: “Chùa Côn Sơn được sửa chữa đài Cửu phẩm liên hoa, nhà Thiêu hương…tạo ra một quy mô rộng lớn. Từ gác chuông cao chót vót đến Tiền đường, Hậu đường…đều nguy nga tráng lệ”.
Đến thế kỷ 18, giai đoạn trụ trì của các hòa thượng Tĩnh Trần, Bùi Trù và Hải Ấn…, Côn Sơn được triều đình quan tâm, và các quan viên như Đô chỉ huy sứ Lập quận công, Tăng thống Nguyễn Đăng Trạc, Vược lộc bá Nguyễn Thọ Viên hưng công, theo đó là một sự hoàn chỉnh, đã được văn bia niên hiệu Bảo Thái thứ 3 (1723) ghi: “Trùng tu, chỉnh đốn Bảo điện…sửa chữa hậu đường, giải vũ nguy nga cùng hai bên tả hữu hành lang, trùng tu lại Cửu phẩm liên hoa như hòn ngọc biếc, tô lại hơn 300 tượng pháp, làm mới tượng Giác Hoa, Địa Tạng, Mục Liên, Dược Sư, Như Lai, sơn thếp lại các pho tượng Phật cùng các tòa tam vị thánh tổ hoàng kim lấp lánh, công nghiệp vẹn toàn…”
Có thể nói, đây là thế kỷ, Côn Sơn đã hoàn thành về bình đồ kiến trúc với một quy mô rộng lớn hơn nhiều so với khi khởi dựng, với một Phật điện đông đúc, nguy nga và tráng lệ.
Thế nhưng, cũng như bao số phận các di sản văn hóa khác của đất nước, chiến tranh lại một lần nữa hủy hoại, tàn phá Côn Sơn. Ngôi chùa dường như bị bình địa vào năm 1947, khi thực dân Pháp ngày đêm nã pháo từ Phả Lại vào hủy diệt. Và, như một sự trỗi dậy của một dân tộc trên đống tro tàn và đổ nát, Côn Sơn được nhân dân và chính quyền hàn gắn lại sau hòa bình, để rồi, ngày 15 tháng 2 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm với một lời chia sẻ chí tình: “Xây dựng Côn Sơn thành chốn tùng lâm đẹp của đất nước”.
Ý nguyện ấy của Người đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân thực hiện, để đến hôm nay, Côn Sơn đã hoàn chỉnh với một bình đồ kiến trúc nguy nga: Hồ bán nguyệt, Tam quan ngoại, Tam quan nội, nhà bia, Phật điện (gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện), Tổ đường, Tả hữu hành lang.
Giờ đây, nhiều hạng mục của Côn Sơn thời đã cũ, đang được khảo cổ học làm rõ, cùng với sự bổ sung của sử liệu thành văn và bia ký, với mong muốn hoàn thiện Côn Sơn của một thời vang bóng. Thế nhưng, với một phức hợp Kiếp Bạc - Côn Sơn được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, thì mọi ứng xử với nơi đây rất cần sự thận trọng tối đa, theo đó Ban Quản lý khu di sản này đang từng bước thực hiện với thái độ cầu thị và khoa học để hoàn thiện cho một Côn Sơn như mong muốn của Bác Hồ.
TS Phạm Quốc Quân