Ô Cách - Làng nghề xe đay dệt thảm truyền thống

Làng Ô Cách, tương truyền được thành lập vào cuối thời Nhà Trần (thế kỷ XIII-XIV), cư dân chuyên làm nghề làm dây chuỗi, hàng hóa được buôn bán tại mấy quán trong làng, vì thế mà làng có tên nôm (tên Việt cổ) là Quán Chuỗi. Về sau, khi văn bản hành chính hóa, làng lấy tên là Ô Cách. Cho đến thời Nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX), làng thuộc xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc; từ sau năm 1831 là xã Ô Cách, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng những năm 1942-1943, khi lấy đất để làm sân bay Gia Lâm, dân làng Ô Cách buộc phải chuyển dời về phía Đông Bắc, sống nhờ trên đất các xã Trường Lâm, Lệ Mật, tổng Gia Thị, huyện Gia Lâm và thành lập xã Ô Cách, tổng Gia Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Lúc đó cả làng có chừng 50 hộ dân, chuyên sống bằng nghề xe đay truyền thống của mình. Sau hòa bình (năm 1954), là làng Ô Cách, xã Việt Hưng, quận Tám (8), ngoại thành phố Hà Nội; từ năm 1982 vẫn là làng Ô Cách, rồi khối 4 và các tổ dân phố 5 và 6, phường Đức Giang, huyện Gia Lâm, và từ năm 2003 là quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Nghề xe đay của dân làng Ô Cách có nguồn gốc cách ngày nay hơn 600 năm, khởi đầu chỉ xe bện dây chuỗi bằng tay, gồm các loại dây chảo, dây thừng dùng trong sản xuất nông nghiệp như kéo cày kéo bừa, dây để kéo tời trong xây dựng, xe dây lõi cung cấp cho các tràng được tiền kim loại của Nhà nước, để xâu tiền thành xâu, thành quan…và những công việc khác cần có sự tham gia của dây nhợ, bằng nguyên liệu truyền thống, thường là vỏ có dây của những loài thảo mộc, mà chủ yếu là vỏ cây đay, một loại cây công nghiệp được trồng nhiều ở trong vùng, như ở Hưng Yên và Bắc Ninh. Các công đoạn đều làm bằng tay, từ tách bóc chế biến nguyên liệu cho đến khâu xe bện sợi thành phẩm đem vào sử dụng cho cuộc sống. Cùng với yêu cầu ngày càng nhiều sản phẩm của thị trường, các thợ thủ công xe đay Ô Cách, từ lâu đã chú ý cải tiến quy trình xe đay, đã chế biến máy quay tay bằng gỗ, đưa năng suất xe đay lên gấp nhiều lần so với xe bằng tay; những năm trước  1945, nghệ nhân xe đay Phan Đức đã nhập máy quay sợi bằng sắt từ bên Pháp vào, và cũng từ đó nghề xe đay ở Ô Cách phát triển mạnh mẽ và ngay từ  thời kỳ đó, thợ thủ công Ô Cách đã tự nguyện thành lập Hội Chấn hưng Công nghệ, một tổ chức làng nghề, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong cơ chế cạnh tranh trên thị trường.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), và đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1964-1975), sản phẩm dây đay của Ô Cách không những đã phục vụ nhu cầu cho sản xuất ở địa phương, mà đã có mặt trên các chiến trường, từ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) cho đến chiến trường miền Nam trước ngày toàn thắng (30.4.1975), với những dây thừng loại to, có đường kính 50mm, được sản xuất hàng loạt tại Ô Cách, chở liên tục ra chiến trường, để kéo xe, kéo pháo, kéo tàu thuyền, làm dây tời cho những đoàn quân vượt đèo vượt thác, và chuyển tải hậu cần qua sông qua suối; không chỉ có thế, thợ thủ công Ô Cách, còn khéo tay xe được những sợi dây đay có đường kính 1,5mm dùng để làm dây cháy chậm cho mìn và bộc phá rất hiệu nghiệm, mà thương hiệu của mặt hàng này của Ô Cách được mệnh danh là “dây gai quốc phòng”. Cũng không thể bỏ qua một loại sản phẩm rất phổ biến cho các chiến sĩ trên chiến trường từ Bắc cho đến Nam, đó là “lưới ngụy trang”, được sản xuất tại Ô Cách, cũng bằng những sợi đay truyền thống, đã che chở cho các chiến sĩ an toàn trên đường hành quân ra chiến trường.

Bắt đầu từ nghề xe các loại sợi đay, thợ thủ công Ô Cách đã phát triển thêm nghề dệt thảm, mà cơ sở nguyên liệu của thảm là các loại dây đay, dây làm bằng rơm, bằng bẹ ngô, bằng vỏ quả dừa…là những vật liệu thảo mộc rất sẵn có ở nông thôn trong vùng. Quy trình làm các loại thảm phải tùy theo đặc điểm của nguyên liệu: Nếu là thảm ngô, trước hết phải phơi khô bẹ ngô, rồi ủ mềm khi tết đuôi sam, rồi ủ diêm sinh để chống nấm mốc, tùy theo thẩm mỹ, có thể nhuộm màu hoặc để trắng đuôi sam, sau đó ken vào bàn rồi khâu thành thảm theo kích thước khác nhau theo đơn đặt hàng; Nếu là thảm rơm, phải phơi khô và làm sạch rơm rạ, tết sợi làm sam 3, rồi ken vào khuôn, khâu thành thảm nhỏ cỗ 30cm x 30cm, sau đó mới khâu thành những tấm thảm lớn theo yêu cầu. Nếu là thảm dừa làm bằng sợi vỏ quả dừa, phải tách se thành sợi, nối các sợi với nhau sau đó cho vào khung dệt, và theo quy trình kỹ thuật làm ra  những tấm thảm dừa, chỉ có điều nguyên liệu vỏ dừa phải nhập từ miền Nam mà nhiều nhất là ở tỉnh Bến Tre, vỏ dừa được ép thành từng miếng, rồi đóng thành kiện, mỗi kiện 50kg, chuyên chở ra.. Một mặt hàng cao cấp hơn được sản xuất tại Ô Cách là thảm len, mà quy trình công nghệ không có gì khác với các loại thảm truyền thống; tất cả các loại thảm đều được dệt thành bằng khung cửi chuyên dụng.

Nghề xe đay dệt thảm Ô Cách một thời vang bóng, hàng hóa tấp nập mọi nhà, suốt ngày đêm tấp nập khách hàng, xe lớn xe nhỏ ăn hàng rộn rã; Không những nghề khởi sắc ở Ô Cách, mà thợ thủ công Ô Cách còn truyền dạy nghề cho nhiều địa phương khắp cả nước, và cho các tỉnh bạn tận Campuchia. Ngay từ său ngày giải phóng miền Nam, một đoàn thợ thủ công gồm 10 người, do bà Nguyễn Thị Tước làm Trưởng đoàn vào truyền nghề dệt thảm cho một số làng nghề tại thành phố Đà Nẵng (lúc đó còn thuộc tỉnh Quảng Nam); một đoàn khác do bà Nguyễn Thị Chiến và ông Xuân dẫn đầu lên tận huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn truyền dạy nghề làm thảm ngô; lại một đoàn khác do ông Quy dẫn đầu sang tận Campuchia và một đoàn nữa dobà Bồng và bà Minh dẫn đầu lên Thái Nguyên, để mở mang truyền bá nghề truyền thống của dân làng Ô Cách.

Từ  Hội Chấn hưng Công nghệ năm 1941, dân thủ công làng Ô Cách luôn luôn hợp tác với nhau trong cuộc sống, đặc biệt là trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như sau hòa bình, năm 1955 thành lập Tập đoàn Sản xuất Dây Ô Cách, ngày 29.7.1956 được UBND thành phố Hà Nội công nhận là HTX Cung tiêu Sản xuất, là HTX hàng đầu về tiểu thủ công nghiệp của Hà Nội, mọi nhân khẩu của HTX đều được cấp sổ gạo như cán bộ CNV nhà nước. Về sau HTX mang tên là HTX Thảm Đay Ô Cách, và từ những năm 1958-1959 ký hợp đồng xuất khẩu thảm đay (và các loại thảm khác) sang Liên Xô và các nước Đông Âu, trong nhiều thập kỷ liền, với số lượng hàng hóa ngày càng gia tăng, đảm bảo thu nhập ổn định cho xã viên, chẳng hạn, năm 1990, thu nhập bình quân của xã viên là 300.000 đ/tháng. HTX nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành Tiểu thủ Công nghiệp Hà Nội, được tặng 2 Huân chương Lao động (hạng Hai và hạng Ba).

Với sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, thị trường thảm dệt ở nước ngoài của Ô Cách không còn, thêm vào đó là quá trình hội nhập mở rộng, nhiều nguyên liệu mới thay thế nguyên liệu truyền thống của xe đay dệt thảm Ô Cách, làm cho nghề không còn thị trường tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến sự mai một ngành nghề truyền thống Ô Cách. Tuy vậy đến với Ô Cách, bóng dáng nghề xưa như vẫn còn âm ỷ trong vài ba nếp nhà của những người thợ thủ công từng sống với nghề như một định mệnh; đó là gia đình ông Tùng và gia đình bà Diên, ngày ngày vẫn miệt mài với các thao tác nghề cũ, thu nhập chẳng là bao, nhưng những mặt hàng vĩ thanh này vẫn có ích cho ai đó, như những kỷ niệm của một thời xe đay dệt thảm.

Bùi Thiết - Phạm Thị Phồn Thịnh

Top