Bức phù điêu chùa Ưu Điềm

Vào một ngày tháng Tám năm 2010, trong khi dừng ở Huế công tác một vài hôm, tôi đã trở lại chùa Ưu Điềm ở làng Ưu Điềm, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngay sau lần chúng tôi đến đây vào giữa năm 2000, dân làng Ưu Điềm đã xây lại ngôi chùa của làng mình to hơn, đẹp hơn. Mặc dầu vậy, những hiện vật cổ bằng đá của ngôi đền Chămpa xưa vẫn được dân làng gìn giữ và thờ phụng ở một khu nhỏ trong khuôn viên của chùa. So với những gì mà tôi được biết từ những lần trước và so với cả những ghi chép từ đầu thế kỷ XX của những nhà khoa học Pháp, về cơ bản, những hiện vật cổ Chămpa ở chùa Ưu Điềm vẫn còn nguyên vẹn và đầy đủ như đã được biết.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, ông H.Parmentier đã có những khảo tả khá chi tiết về bức phù điêu đá cũng như các hiện vật Chămpa khác ở chùa Ưu Điềm: “Chiếc lá nhĩ còn tốt, nhưng người An Nam đã sơn lại, thể hiện, ở giữa, một bò Nandin có Siva và Uma cưỡi. Vị thần nam ngồi sau cái bướu của con bò hai chân thõng ra hai bên, một chân duỗi, một chân co, tay cầm một cái đĩa, hay đúng hơn là một cái vòng tròn, đưa lên, đầu đội một mukuta trông chỉ như là một búi tó cao, tai đeo hoa tai lớn. Ông ta mặc một kiểu giáp mỏng, ngoài quấn sampot, đeo ba kiềng lớn ở cổ, những vòng đơn giản trên bắp tay, và những vòng có trang trí ở trên cánh tay, trên cổ chân. Uma ngôi buông hai chân về một bên; tay trái thõng xuống, bàn tay uốn lên; tay kia gập trước ngực bàn tay gấp thẳng xuống. Trang phục và mũ đội giống của Siva, song sampot được thay bằng một chiếc sarong kép. Bà ta đeo đôi hoa tai lớn, một cái kiềng bó sát cổ, vòng ở bắp tay, cánh tay và cổ chân, vòng ở bắp tay trái có đính đóa hoa. Quanh nhóm trung tâm này có bốn hình. Trước hết, ở trên, bên trái, là Brahma ngồi xếp bằng trên một đài sen, dưới có một cuống mảnh lượn sóng đỡ lấy. Brahma có ba mặt, có thể coi như là có mặt thứ tư ở phía bên kia nữa. Tai đeo hoa, cổ tay và cổ chân đeo vòng, bụng thắt thắt lưng rộng, cổ đeo vòng lớn; mỗi cái đầu đội một mukuta, có lẽ là một cái búi tó cao. Quần áo không rõ ràng; tuy vậy có khả năng là chỉ có một chiếc sampot. Sóng đôi, ở phía bên kia, là Visnu bốn tay ngồi trên vai Garuda từ trong nền trán cửa nhô ra và cầm chân vị thần. Hai tay trước của Visnu chắp trước ngực; hai tay sau đưa lên, bàn tay ngang đầu; tay trái cầm một báu vật không trông rõ, có lẽ là một cái tù và; tay phải cầm một hình chữ T. Mũ là một chiếc mukuta; trang sức gồm có hoa tai, kiềng, vòng, thắt lưng. Con Garuda không có gì đặc biệt; thấy có đeo kiềng, vòng và hoa tai. Bên phải, dưới con Garuda, Skanda cưỡi một con công có mào, hai chân gập lại. Tay phải quàng lấy cổ chim; tay trái gập lại cầm một báu vật hình giống cái vợt. Trang phục giống với các vị thần trước. Mũ có ba mảng nằm ngang. Vị thần đeo vòng, kiềng, thắt lưng và hoa tai. Bên trái, dưới Brahma, là một chiến sĩ đứng, tay trái buông thõng; tay phải đưa lên cầm một cọc dài. Miệng rộng, mép ngoác ra mang tai. Trang phục, mũ đội và trang sức giống các nhân vật trước”. Như H.Parmentier đã nhận ra, trong bức phù điêu đá Ưu Điềm, đã xuất hiện cùng một lúc cả ba vị thần tối thượng của Bà la môn giáo là: Brahma, Visnu và Siva.  Dù rằng tất cả các nhân vật đều được thể hiện theo một kích thước gần như nhau, nhưng qua vị trí hiện diện, có thể dễ dàng nhận thấy nhân vật hay hình tượng trung tâm của bức phù điêu chính là thần Siva (thần Siva cùng Uma ngồi trên lưng con bò Nandin đang đứng thẳng chiếm toàn bộ khoảng không gian trung tâm từ trên xuống dưới của bức phù điêu).

(Ảnh: TL)

Theo các nhà nghiên cứu, trong nghệ thuật điêu khắc cổ Ấn Độ, quan niệm về triniti được thể hiện từ những thế kỷ đầu công nguyên, nhưng với sự có mặt của tất cả các vị thần chính yếu. Ví dụ, trong bức phù điêu đầu thế kỷ VI ở Deogarh, nhiều vị thần cùng xuất hiện ở phía trên đầu thần Visnu: thần Siva cùng Parvati ngồi trên bò Nandin, thần Brahma ngồi trên đóa hoa sen, thần Karttikeya (Skanda) ngồi trên con công… Vào thời kỳ đầu Pallava (cuối thế kỷ VI - đầu thế kỷ VII), chủ đề Somaskanda luôn luôn được thể hiện với hai vị thần Brahma và Visnu làm nền phía sau. Cũng theo các nhà nghiên cứu, vào thời Pallava, các tác phẩm điêu khắc thể hiện Somaskanda rất được ưa chuộng và bao giờ cũng được đặt tựa vào bức tường phía sau linh tượng Sivalinga trong gian thờ trung tâm. Như vậy là, theo chúng tôi, chủ đề hay hình ảnh mà bức phù điêu đá Ưu Điềm mô tả chính là Somaskanda. Hơn thế nữa, có thể dễ dàng nhận thấy truyền thống Ấn Độ, mà cụ thể là truyền thống Pallava, được thể hiện rất cụ thể ở tác phẩm điêu khắc Ưu Điềm. Có thể vì vậy mà, qua những tài liệu mà chúng tôi được biết, ngoài Ấn Độ ra, trong khu vực Đông Nam Á, nơi duy nhất có tác phẩm điêu khắc thể hiện Somaskanda là nghệ thuật Chămpa. Và bức phù điêu Ưu Điềm lại là tác phẩm điêu khắc Somaskanda đầu tiên và hiện là duy nhất được phát hiện và được biết đến. Cũng qua nghiên cứu so sánh, chúng tôi cho rằng, với kích thước lớn và hình dáng như chiếc “bình phong” của mình, xưa kia, tác phẩm điêu khắc Ưu Điềm, như ở Ấn Độ thời Pallava, có thể được đặt tựa vào bức tường trong lòng một ngôi đền để làm nền cho hình Sivalinga ở phía trước.
 

(Ảnh: TL)

Các thần thoại và truyền thuyết Hindu giáo có kể nhiều về chủ đề Somaskanda. Ví dụ, Siva Purana kể rằng, lần đó, khi bị các thế lức của quỷ lấn át, thần Visnu, thần Brahma và các thần tìm đến nơi ở của Parvati để cầu xin vị chúa tể tối cao cứu giúp. Để giúp các thần, vị thần vĩ đại ban cho họ tinh dịch của mình. Sau khi vơi đi nỗi khổ, các thần đều ca tụng vị thần vĩ đại nhất Siva. Riêng đối với thần lửa Agni, thần Siva ban cho một ân huệ là đặt tinh dịch lớn lao của Siva vào thân thể những người phụ nữ. Kết quả là sáu người vợ của sáu nhà hiền triết bị mang thai. Thế nhưng, như tất cả các thần, họ không chịu nổi sức nóng của tinh dịch Siva. Sáu người phụ nữ phải bỏ tinh dịch của Siva dưới dạng phôi thai ra và đem đặt chúng lên một đỉnh của Himalaya. Đến lượt mình, núi Himalaya  không chịu nổi và phải ném tinh dịch của Siva xuống sông Hằng. Rồi thì, sông Hằng cũng không chịu nổi và dùng sóng ném tinh dịch của Siva vào một bãi lau. sậy. Khi tinh dịch của Siva rơi xuống đó, thì ngay tức khắc, nó biến thành một cậu bé trai rất đẹp, linh thiêng, đầy tài ba và sinh lực- Skanda. Một sự kiện tốt lành diễn ra trên khắp ba thế giới, mang lại hạnh phúc cho người lành và những trở ngại cho những ai đồi bại, đặc biệt đối với quỷ thần. Như có phép lạ, Visnu, Brahma và tất cả các thần đều vui sướng.

Như vậy, qua những phân tích và nghiên cứu so sánh, chúng tôi cho rằng, bức phù điêu Ưu Điềm là một tác phẩm điêu khắc độc nhất vô nhị trong nghệ thuật cổ Chămpa và có thể trong cả khu vực Đông Nam Á, thể hiện Trimurti trong chủ đề Somaskanda. Vì vậy, bức phù điêu Ưu Điềm hoàn toàn có thể được xếp vào hàng ngũ những kiệt tác điêu khắc cổ Chămpa và rất cần phải được bảo vệ và trân trọng.

PGS. TS Ngô Văn Doanh

Top