Đền Hùng - Đỉnh cao giá trị và thực tiễn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Trước Cách mạng tháng Tám, các triều đại phong kiến giao cho dân Vy - Trẹo (xã Hy Cương, Chu Hóa, Tiên Kiên ngày nay) làm trưởng tạo lệ thay mặt cho đồng bào cả nước chăm lo hương khói cho tổ tiên trên khu vực núi Nghĩa Lĩnh, nơi có Mộ Tổ và các đền miếu.
Sau Cách mạng tháng Tám, trong những ngày Giỗ Tổ, phần lễ cũng là Quốc lễ, dâng hương là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện cho dân tộc, cùng đại diện các cộng đồng làng xã xung quanh Khu Di tích Đền Hùng tham gia. Đáng chú ý là ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2 - 9 - 1945 thì ngày Giỗ Tổ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước thay mặt Chính phủ chủ trì làm lễ dâng thanh gươm để trình báo với tổ tiên thề gìn giữ bảo vệ non sông Việt Nam. Sự kiện cực kỳ quan trọng này có ý nghĩa lịch sử văn hóa đối với đất nước, dân tộc trước cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, biểu tượng cho ý chí độc lập – toàn vẹn lãnh thổ của một nước Việt Nam thống nhất.
Ngày 19- 9-1954, trước khi về tiếp quản Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trăn trở suy nghĩ về sự toàn vẹn đất nước, dân tộc trước Hiệp định Giơneve chia cắt 2 miền Nam - Bắc. Người thăm viếng Đền Hùng, tại Đền Hùng, Người nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Năm 1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Cần phải tu bổ xây dựng Đền Hùng để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng”.
Lễ hội Đền Hùng
Một câu hỏi đặt ra tại sao lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn đến thăm viếng Đền Hùng sau mỗi biến cố sự kiện lớn của đất nước của dân tộc? Câu hỏi không dễ trả lời, nhưng có điều chắc chắn là các vị ấy trước thách thức của lịch sử, trước vận mệnh của đất nước tự thấy trách nhiệm lên thỉnh cầu tổ tiên để tìm bước đi cho dân tộc phù hợp với lịch sử. Điều đó nói lên rằng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là bệ đỡ, là cầu nối quá khứ - hiện tại, là bài học kinh nghiệm Tổ tiên trong thế ứng xử. Nhìn lại suốt chặng đường lịch sử thăng trầm của đất nước, dân tộc thì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam. Đó cũng là bản sắc dân tộc ta, một chiều sâu nhận thức và tư tưởng. Tư tưởng ấy là lấy dân làm gốc gắn bó cộng đồng là cơ sở dân chủ để bảo vệ và xây dựng đất nước. Hướng về một cội “uống nước nhớ nguồn” là giá trị, một hằng số của người Việt trong tiến trình lịch sử? Không phải ngẫu nhiên mà cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: Đền Hùng trên núi Hy Cương là “Thánh địa của cư dân Việt cổ”. Trong tiềm thức của người Việt, vùng đất Phú Thọ luôn được gọi là “miền Đất Tổ”. Sự phát hiện hệ thống tiền Đông Sơn và Đông Sơn trên vùng đất cổ là bằng chứng khoa học về Nhà nước Văn Lang, Kinh đô Văn Lang mà các nguồn thư tịch cổ ghi lại đã được ghi nhận của giới sử học, khảo cổ học trong và ngoài nước. Vì lẽ đó, Đền Hùng - nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc trở thành tâm điểm duy nhất của nhân loại khi mà hàng năm đến ngày Giỗ Tổ, đồng bào cả nước hành hương về nơi chôn rau cắt rốn. Giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức UNESCO tổ chức đánh giá cao là ở điểm này. Lịch sử đã chứng minh quá khứ dân tộc Việt Nam “3 lần dựng nước” với:
- Vua Hùng là Tổ bắt đầu dựng nước và giữ nước từ trước công nguyên.
- Vua Ngô Quyền là Tổ phục hưng dân tộc ở thế kỷ 10 sau chiến thắng sông Bạch Đằng kết thúc nghìn năm Bắc thuộc.
- Bác Hồ, Tổ dựng nước lần thứ 3 ở thế kỷ 20, Người đã đưa dân tộc Việt Nam từ thế giới truyền thống vào thế giới hiện đại.
Trong mấy thiên niên kỷ ấy, người Việt Nam vẫn bảo lưu được ngôn ngữ tiếng Việt và lưu giữ trong ký ức cộng đồng dân tộc huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ. Nhờ có cội nguồn ấy mà Việt Nam có được lối sống riêng, bản sắc văn hóa riêng ngay từ thời đại các Vua Hùng, dựa trên một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước với hạt nhân là cộng đồng làng xã. Bên cạnh sự bảo tồn bản sắc văn hóa, lối sống, cốt cách của người Việt thì sợi chỉ đỏ xuyên suốt chắc chắn là Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên có từ thuở dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng. Trong suốt hành trình của người Việt đi từ thời đại Vua Hùng tới thời đại Hồ Chí Minh, đất nước ta, dân tộc ta luôn bị phong kiến phương Bắc, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lăng đe dọa, hủy hoại nền văn hiến nhưng nhờ có tổ tiên ta đoàn kết lần lượt đánh bại, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Cái gì làm nên niềm tin, hy vọng ấy? Cái gì làm nên sức mạnh ấy? phải chăng nhờ có Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên các Vua Hùng.
Phương Xoan Thét rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng năm 2014
Để hiểu rõ hơn tính tư tưởng trong các mặt giá trị tinh hoa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng tôi thử bước đầu có vài suy nghĩ.
Thứ nhất, về thời gian tổ chức lễ hội: Các lễ hội được tổ chức trong thời gian của một năm âm lịch (lịch mặt trăng), nhưng chủ yếu tổ chức vào ba tháng mùa xuân. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu xuân của một năm, cùng với các hoạt động vui Tết, đón mùa xuân mới, các hoạt động lễ hội tín ngưỡng thờ Vua Hùng cũng được diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi của tiết trời xuân ấm áp, làm cho bức tranh quê hương thêm rực rỡ với muôn sắc hoa của đất trời, của người trảy hội, của thiên nhiên… Chính vì vậy, mùa xuân được coi là mùa quan trọng nhất trong một năm, là mùa sinh sôi vạn vật, giống nòi, là mùa của những hi vọng điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Khái niệm lễ hội mùa xuân đã từ lâu xuất hiện trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt như một quy luật tự nhiên của thời gian. Đó là động lực tinh thần thiêng liêng nhất của mỗi con người sống trong cộng đồng làng xã để vượt lên bao thử thách của thiên nhiên, giặc giã mà trường tồn cùng thời gian và năm tháng.
Thứ hai, tính chất bao trùm của các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ Vua Hùng: Xuất phát từ tín ngưỡng nông nghiệp với nghề trồng lúa nước, mà địa bàn vùng Đất Tổ là nơi cây lúa được biết đến và được trồng từ rất sớm. Vào dịp đầu xuân, khi thời vụ làm ăn vất vả, lam lũ đã kết thúc, những người nông dân vui vẻ, hồ hởi đón chào một mùa lễ hội với tất cả sự háo hức, mong chờ để quên đi bao nỗi mệt nhọc trong năm cũ. Lễ hội mùa xuân chính là sản phẩm tinh thần được hình thành từ nền sản xuất của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước mà cơ sở tổ chức đầu tiên chính là lễ hội làng. Nó được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời của các làng cổ từ thời Hùng Vương dựng nước. Những ngôi làng ấy chính là nền tảng vật chất và tinh thần để các lễ hội thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát triển, trở thành nét văn hoá dân tộc đặc sắc. Nét độc đáo sâu sắc nhất phản ánh tính chất nổi bật nhất của các lễ hội truyền thống miền Đất Tổ là hầu hết các lễ hội đều gắn với sự tích của thời kì Hùng Vương dựng nước và các truyền thuyết về thời kì Hùng Vương như Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, bánh chưng bánh dày… Nội dung của các lễ hội đã phản ánh khá rõ nét thông qua các trò diễn, hội thi đấu vật, kéo lửa thổi cơm thi hay lễ rước lúa thần, trò diễn trình nghề… Qua mỗi lễ hội, mỗi trò diễn đều có ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở mọi người ghi nhớ công ơn của tổ tiên xưa bao gian khổ hy sinh để có được giang sơn gấm vóc như ngày nay. Mỗi lễ hội đều thấy bóng dáng của một truyền thuyết, một sự kiện lịch sử oai hùng của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ thuở Vua Hùng dựng nước…Có thể nói, các lễ hội tín ngưỡng thờ Hùng Vương chính là một hình thức ghi chép, phản ánh trung thực lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, các lễ hội đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, lòng biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền nhân, biểu hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của các thế hệ người Việt Nam. Nét đặc trưng tiêu biểu khác của các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự phản ánh nhiều mặt sinh hoạt mang tính cổ sơ nhất được hình thành và lưu truyền từ thời Hùng Vương dựng nước thông qua các hoạt động trò diễn thể hiện những lễ nghi của thời Hùng Vương. Đó là tục kéo lửa thổi cơm thi, tục đánh phết, tục rước dâu… các trò diễn trong các lễ hội đã có sự tiến hoá từ hình thức thô sơ nguyên thuỷ như chạy địch, chạy tùng rí, săn lợn… đến hình thức các trò diễn đã có đạo cụ và trang phục mang nhiều yếu tố sân khấu, đó chính là nguồn gốc tạo ra các hoạt động văn nghệ dân gian như trò diễn trình nghề, bách nghệ khôi hài và tứ dân chi nghiệp… Qua đó cho ta thêm nhận xét về sự đa dạng, phong phú của trò diễn trong các lễ hội thờ Hùng Vương, thông qua hình thức và nội dung thể hiện nhằm chuyển tải những ước nguyện, mong muốn về sự may mắn do thần thánh, trời đất ban tặng thông qua các nghi thức cúng tế thiêng liêng của lễ hội.
Các làng xung quanh đền Hùng rước kiệu lên đền Thượng trong ngày giỗ Tổ
Một đặc điểm nổi bật nữa của các lễ hội gắn với Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, là sự duy trì khá đầy đủ các hình thức tế lễ, nghênh rước lễ vật quý dâng cúng lên các bậc thánh và thần linh cùng các bậc tiền nhân có công khai làng, lập nước. Đó là các hoạt động tế lễ để dâng hương, hoa, tửu, nước, trầu cau… và đọc chúc văn cùng với việc tổ chức lễ rước kiệu với các nghi trượng, bát bửu, tán, lọng, cờ thần… Trên cỗ kiệu bày các lễ vật như bánh chưng bánh dày, hình cây lúa thần hoặc rước sắc phong… làm cho không khí của lễ hội thêm trang nghiêm, hoành tráng với sự tham gia đông đảo dân cư, tạo nên bức tranh về lễ hội dân gian với màu sắc phong phú. Nhìn chung, các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn bảo lưu được những nghi thức tế lễ theo hình thức và nội dung cổ truyền, được các thành viên trong ban tổ chức cùng dân làng và khách thập phương tiến hành với nghi thức nghiêm trang, trọng thể, mang đậm yếu tố tâm linh linh thiêng. Bên cạnh các nghi thức tế lễ ấy là các lễ vật được chuẩn bị rất công phu, chu đáo và theo đúng với những quy định của truyền thống tín ngưỡng dân gian, cùng với việc chọn cử rất cẩn thận những người thay mặt dân làng tham gia các công việc hành lễ với những ước muốn tâm linh cao đẹp nhất để trời đất, thánh thần phù hộ cho quốc thái dân an, vật thịnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu…
Có thể nói Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa phi vật thể mang tính dân tộc dân chủ cộng đồng với giá trị tinh thần truyền thống hết sức đặc sắc. Đó không chỉ là giá trị đặc biệt của cộng đồng dân tộc Việt Nam mà cao hơn Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang giá trị nhân văn cao đẹp của nhân loại. Kể từ ngày Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại thì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng phát huy giá trị trong cộng đồng khắp trong Nam ngoài Bắc, thấm đẫm giá trị tinh thần truyền thống “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một”. Đó cũng là thành tựu thực hành Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và tiếp tục được cộng đồng người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước tiếp nhận.
Nguyễn Ngọc Ân