Bí ẩn trống đồng ở Đắk Lắk

Trên đất tỉnh Đắk Lắk, từ 1984 đến nay đã phát hiện 16 trống đồng. Trong đó 14 trống được Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ.

1. Trống đồng là một cổ vật quý ở Việt Nam, thường được xem là nhạc khí của cư dân Việt cổ nói chung. Ở Đắk Lắk, trống đồng Đông Sơn được phát hiện rải rác từ năm 1984 đến nay.

Chiếc trống đầu tiên phát hiện năm 1984 trong một nhà dân hầu như còn khá nguyên vẹn, mặt trống có đường kính 0,63m, cao 0,47m hoa văn trên mặt trống rất phong phú có hình chim, cá, sóng nước… 4 góc là 4 con cóc cõng nhau, trên thân trống có chạm nổi 3 con voi. Chiếc trống này hiện thuộc sở hữu tư nhân. Chiếc trống thứ hai, chỉ còn lại mặt trống, phát hiện năm 1985 tại Bản Đôn, huyện Ea Súp (cũ) đường kính mặt trống 0,60 m, những khối tượng cóc đã mờ, ngôi sao ở giữa 12 cánh, các môtíp hoa văn trang trí trên mặt trống bao gồm những bông hoa, hạt lúa và như con chim thân to, cổ ngắn, kiểu mỏ vịt. Chúng tôi ngờ rằng, 2 chiếc trống này thuộc loại 3, có mối liên hệ mật thiết, truyền thống với trống loại một có niên đại muộn - chúng mang sắc thái địa phương độc đáo, riêng biệt của cư dân Đông Nam Á.

Chiếc trống Đông Sơn đầu tiên được phát hiện tình cờ ở xã Ea Riêng, huyện M’ Drăk vào tháng 5 năm 1996, trống chỉ còn có mặt, đường kính mặt 0,62 m, có dấu vết của 4 khối tượng cóc, tâm điểm mặt trống là ngôi sao 12 cánh, trống đã bị ôxy hóa nhiều nên hoa văn không rõ ràng.

Chiếc trống Đông Sơn thứ hai được phát hiện ở xã Ea Pan, huyện Ea Kar vào tháng 7 năm 1996 do một người dân trong quá trình làm vườn tìm thấy. Theo tường thuật của họ, trong khi đào hố cà phê đã gặp một cái trống được đậy kín bằng hai tảng đá to, bên trong trống có xương hài cốt, một số đồ đá và một số vòng đồng dùng làm đồ trang sức cùng những chuỗi hạt nhỏ. Đây là những đồ trang sức bằng đồng có trang trí hoa văn tinh tế và sắc xảo. Đây là chiếc trống còn khá nguyên vẹn, mặt kính có đường kính 77cm, cao 45cm, tâm trống là ngôi sao 10 cánh, có 9 vòng hoa văn, vòng thứ 4 là hình những con chim cổ dài, mỏ dài, cánh ngắn bay ngược chiều kim đồng đồng và 4 khối tượng cóc.

Lần phát hiện tiếp theo gồm 2 trống ở cùng 1 chỗ, tại huyện Krông Năng vào tháng 4-1997, trống nhỏ đường kính mặt 68cm, tâm gồm 10 cánh sao, có vòng chim hạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Chiếc trống lớn đường kính mặt 77cm, tâm gồm 12 cánh sao, có vòng hoa văn hình người hóa trang. Cả hai trống đã bị vỡ phần thân.

Năm 1998, những người dân đi tìm sắt phế liệu đã phát hiện tại huyện Krông Bông một chiếc trống nữa, chiếc trống này có sự khác biệt, đó là 4 tượng cóc hướng mặt ra phía ngoài, chiếc trống đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên.

Tháng 6 năm 1999, tại huyện Krông Pắc, người dân đã tìm thấy một chiếc trống trong khi vét bồn cà phê. Đường kính mặt trống 76cm, thân vỡ nát, mặt trống bị ôxy hóa nên khó nhận biết các hoa văn trên đó.

Năm 2004, tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng phát hiện một trống, bên trong lòng trống có một vòng đồng bị gãy đôi và một viên đá hình tứ giác, đường kính mặt trống là 78 cm, tâm trống có 12 cánh sao, trống bị rỉ đồng nhiều hoa văn nhận biết khó khăn, nhưng vẫn có thể thấy được những vạch thẳng song song, những vòng tròn có chấm ở giữa, hình những con chim…

Năm 2005, tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar phát hiện hai trống; Một trống có đường kính mặt là 75cm, tâm trống có 10 cánh sao, hoa văn vạch ngắn song song, các vòng tròn chấm giữa, có chim bay ngược chiều kim đồng hồ, rìa mặt trống có 4 khối tượng cóc ngồi ngược chiều kim đồng hồ (một cóc đã bị mất); Chiếc trống kia có đường kính là 66cm, tâm trống có 12 cánh sao, với các hoa văn vạch ngắn song song, những vòng tròn đồng tâm có chấm nhỏ ở giữa, những hình thoi lồng vào nhau, có chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Cả hai trống chỉ còn mặt nguyên vẹn.

Năm 2006, tại huyện Krông Pắc lại tìm thấy một mặt trống có đường kính là 65cm, tâm có 12 cánh sao, các họa tiết hoa văn cũng gần tương tự như những chiếc trống đã tìm thấy trước đó.

Năm 2007, tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng lại tìm được một trống đồng nữa. Đây là chiếc trống còn khá nguyên vẹn về hình dáng, có thể nhận biết được hoa văn dễ dàng. Đường kính mặt trống là 65cm, thân cao 52cm. Tâm trống gồm 12 cánh sao, các họa tiết hoa văn cũng tương tự như những trống khác đã được tìm thấy, chúng được chạm rõ nét, sắc sảo những hình người hóa trang, những con chim mỏ dài, đuôi dài, hai cánh xòe rộng, bay ngược chiều kim đồng hồ, những vòng tròn đồng tâm có chấm giữa….không có tượng cóc, thân trống thẳng, chân hơi choãi. Điều đặc biệt là, trong trống có xương người bị vỡ vụn.

Năm 2008, cũng tại huyện Krông Năng phát hiện liên tiếp hai chiếc trống nữa, chiếc thứ nhất có đường kính là 62cm, cao 42cm, tâm có 12 cánh sao. Trống thứ hai chỉ còn mặt, cũng có đường kính là 62cm, tâm có 12 cánh sao, các họa tiết hoa văn tương tự như các trống khác, cả hai đều không có tượng cóc.

Năm 2011, tại xã Ea Kmut, huyện Ea Kar phát hiện một trống nữa, mặt trống bị vỡ rời khỏi thân, tâm có 12 cánh sao, hoa văn tương tự như các trống khác, bên trong lòng trống có một đoạn xương cổ tay người còn bị mắc vào vòng trang sức.

2. Như vậy, trên đất tỉnh Đắk Lắk, từ 1984 đến nay đã phát hiện 16 trống đồng. Trong đó 14 trống được Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ  .

Trống đồng ở Đắk Lắk được phân bố tập trung tại vùng Đông Bắc và Đông Nam của tỉnh, giáp với hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Trong số các trống hiện biết ở Đắk Lắk có một số trống tìm thấy trong lòng trống di cốt người và đồ tùy táng như ở xã Ea Pan, huyện Ea Kar bên trong trống có xương người, một số đồ đá và một số vòng tay trang sức bằng đồng và những hạt nhỏ bằng đất nung.

Ở huyện xã Hòa An, huyện Krông Pác, xung quanh chỗ phát hiện trống tìm thấy xương và răng người cùng đồ trang sức giống như ở xã Ea Pan, huyện Ea Kar.

Ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, một số trống có khá nhiều xương người bị vỡ vụn lẫn với những mảnh vỡ của trống đồng và đồ trang sức, do những người dân đào trộm trống vứt lại trên mặt hố.

Ở xã Ea Kmut, Ea Kar có xương và vòng trang sức.

3. Với những tư liệu trên đây, chúng tôi cho rằng, trống đồng Đắk Lắk không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là quan tài dành cho người quá cố. Trong một ý nghĩa nào đó, mộ quan tài trống đồng ở đây giống kiểu mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh vùng duyên hải miền Trung.

Một số câu câu hỏi được đặt ra: Bằng cách nào mà trống đồng của người Việt cổ lại xuất hiện ở Tây Nguyên? Chủ nhân của những di cốt và các đồ tùy táng trong trống đồng này là ai? Người Việt cổ trực tiếp buôn bán, trao đổi với cư dân miền cao nguyên hay thông qua các thương nhân khác, thương nhân ấy là ai?

Có giả thiết cho rằng, cách ngày nay 2000 - 2200 năm ở Tây Nguyên đã có mặt người Việt cổ. Giả thiết này cần có thêm nhiều tư liệu kiểm chứng, tuy nhiên, Tây Nguyên trong những năm đầu Công Nguyên là nơi cộng cư của nhiều dân tộc, sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người là điều tất nhiên, kể cả trong tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” một cái nền chung của nhiều tộc người ở đây.

Hy vọng rằng, việc nghiên cứu chức năng trống đồng và trống đồng trong tâm thức người Thượng sẽ được làm sáng tỏ trong tương lai, góp phần giải mã bí ẩn trống đồng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Lương Thanh Sơn

Top