Trao đổi về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Nhân dịp Hồ sơ khoa học Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã đuợc chuyển đến Tổ chức UNESCO, đoàn chuyên gia nước ngoài (đại diện Tổ chức UNESCO) về thẩm định Dân ca Ví, Giặm tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chuẩn bị Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ lần thứ hai và đón Bằng công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia đối với Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Ban Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản có cuộc trao đổi với Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An), Ủy viên Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên: Thưa Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, thời kỳ công tác ở Nghệ An, ngoài nhiệm vụ quản lý (Giám đốc Sở) còn tham gia làm chuyên môn (nhạc sĩ), ông đã đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ như thế nào?

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới (NS. HHT): Như các bạn đã biết, tôi được đào tạo khá bài bản ở một trường chính quy của đất nước (Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc Viện Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, bạn bè khuyên tôi nên ở Hà Nội, nhưng tôi vẫn quyết định về Nghệ An công tác; Và Nghệ An đã trở thành quê hương sáng tác của tôi, ngôn ngữ chủ đạo là dân ca xứ Nghệ, trong đó có Ví, Giặm. Mặc dù bận rộn về công tác quản lý văn hóa như phụ trách Đoàn Ca múa Nghệ An, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghệ Tĩnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghệ An (sau khi chia tỉnh)… nhưng tôi không thể quên được nghề nghiệp của mình là sáng tác âm nhạc. Tôi đã tranh thủ ngoài giờ quản lý để làm chuyên môn. Phải bằng nhiều biện pháp để thay đổi tư duy như: khi làm quản lý thì tạm gác tư duy sáng tác, ngược lại khi làm sáng tác thì tạm gác tư duy quản lý. Mới đầu thì rất khó nhưng làm nhiều cũng dần quen, đôi khi còn hỗ trợ cho nhau để cả hai cùng phát triển. Tôi đã viết hàng trăm ca khúc, trong đó phần lớn phát triển chất liệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Viết nhạc cho hàng chục vở diễn sân khấu, nhất là sân khấu kịch hát dân ca. Tôi đã tham gia thể nghiệm nhiều vở diễn, trong đó có vở “Mai Thúc Loan”, một mốc son quan trọng để khẳng định loại hình kịch hát mới của dân tộc (kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh). Đặc biệt, đã phối hợp với các ngành Giáo dục- Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh và Truyền hình tỉnh, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trong nhiều thập kỷ qua.

Phóng viên: Nhạc sĩ có thể cho độc giả biết cụ thể hơn về các hình thức bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh?

NS. HHT: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng như dân ca các vùng miền khác trong cả nước có một số hình thức bảo tồn và phát huy. Hình thức thứ nhất: Ví, Giặm trong đời sống tự nhiên (dân gian thuần thúy), hình thức này đã tồn tại và lưu truyền trong đời sống cộng đồng từ xưa đến nay. Trong từng gia đình cha truyền cho con, ông truyền cho cháu, từ đời này sang đời khác, trong đó có người hát hay, có năng khiếu diễn xướng, trở thành người hát chính, người cầm càng trong các cuộc hát, phường hát. Trong các cuộc hát, phường hát bên cạnh người biết hát còn có những người chưa biết hát nhưng thích chầu rìa, dần dà cũng trở thành người biết hát và hát hay. Ở Nghệ Tĩnh, theo thống kê gần đây có hàng chục nghệ nhân hát Dân ca Ví, Giặm đã có công truyền dạy theo hình thức này; Có hàng chục phường hát, cuộc hát trong quá khứ đã góp phần bảo tồn và phát huy, lưu truyền Dân ca Ví, Giặm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Hình thức thứ hai: Ví, Giặm trong câu lạc bộ, trong trường học. Hình thức này là khôi phục Dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại (gọi là dân gian hóa). Trong câu lạc bộ thường diễn ra những buổi nói chuyện, trao đổi về giá trị và hình thức diễn xướng của Ví, Giặm, những giờ truyền dạy của các nghệ nhân, nghệ sĩ đối với các làn điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, những chương trình hát Dân ca Ví, Giặm tái hiện các trò diễn xướng dân gian. Trong trường học, gần hai chục năm nay đã thực hiện có nề nếp chương trình dạy hát dân ca (chương trình ngoại khóa). Hàng tuần, các trường phổ thông vẫn đảm bảo giờ dạy hát dân ca. Hàng năm, các khối trường cấp1, cấp 2 ở các huyện, thành, thị vẫn duy trì việc tổ chức liên hoan hát dân ca. Hai năm một lần, Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức liên hoan hát dân ca các trường phổ thông trong toàn tỉnh. Như vậy, hát dân ca trong trường học đã đi vào đời sống học sinh, từ đó sẽ lan tỏa khắp cộng đồng, trở thành một phong trào hát dân ca rộng khắp, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.

Những người thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học cũng như câu lạc bộ hát dân ca đều mong muốn xây dựng một phong trào hát dân ca rộng khắp trong toàn tỉnh. Phải có phong trào hát dân ca mới có điều kiện để phát huy, phát triển phục vụ cuộc sống mới. Quá trình xây dựng phong trào hát dân ca điều quan trọng là phải làm cho mọi người hiểu được đâu là giá trị gốc, đâu là giá trị cải biên, phát triển. Biết được điều đó họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của ông cha để lại.

Hình thức thứ ba: Đưa Dân ca Ví, Giặm lên sân khấu hay nói đúng hơn là sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Gần 40 năm nay, chúng ta đã thể nghiệm đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu, từ những vở kịch ngắn (một màn) đến kịch dài (4 màn), từ những đề tài dân gian, truyền thống đến lịch sử, giả sử, hiện đại…Xây dựng kịch hát dân ca cũng theo nguyên tắc của ca kịch truyền thống như tuồng, chèo… Ưu tiên sử dụng tối đa các làn điệu gốc, những lớp kịch có xung đột gay gắt, làn điệu gốc không đáp ứng được thì phải sử dụng các làn điệu cải biên, ca khúc phát triển do các nhạc sĩ sáng tác. Như vậy, đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu vừa làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị gốc được tái hiện trên sân khấu, đồng thời vừa làm nhiệm vụ cải biên, phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc sống của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của thời kỳ hội nhập và phát triển. Có người hỏi rằng: “Đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lên sân khấu có sử dụng phương pháp ngẫu hứng như ngày xưa ông cha ta đã từng làm”. Đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lên sân khấu là phải tuân theo kịch bản có trước, bài ca có trước, không như các phường hát của ông cha ta ngày xưa “tức cảnh thành lời”, tùy hoàn cảnh để có những lời ca ứng tác hợp tình, hợp cảnh.

Phóng viên: Theo Nhạc sĩ, thời gian tới nên tiếp tục như thế nào đối với 3 hình thức trên? Riêng cá nhân Nhạc sĩ có dự định gì mới?

NS. HHT: Ba hình thức trên hiện nay vẫn tồn tại và phát triển, nhưng mỗi hình thức đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Hình thức truyền dạy trong từng gia đình, từng phường, hội đã dần vắng bóng, vì không có phong trào, không còn môi trường diễn xướng. Thay vào đó là các em nhỏ học hát dân ca ở nhà trường, người lớn tuổi học hát dân ca ở câu lạc bộ, thỉnh thoảng họ vẫn hát cho nhau nghe khi gia đình, làng, xóm có cuộc vui. Tuy nhiên, trong hàng trăm làng, thôn, xã, huyện hiện nay vẫn còn nghệ nhân hát dân ca, họ vẫn truyền dạy cho con cháu của mình và những người thân khi có yêu cầu. Nhất là các câu lạc bộ hát dân ca vẫn thường xuyên mời họ về truyền dạy. Dù không được như xưa nhưng người lao động hát dân ca, hát ngay trong nhà mình, làng mình vẫn gần gũi với cuộc sống hơn là hát trên sân khấu, sàn diễn. Vì vậy, cần duy trì hát dân ca trong đời sống người lao động, vừa trực tiếp phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, vừa gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng một cách tự nhiên như bản chất vốn có của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Nếu cần phục dựng một lối hát, cuộc hát xưa để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy cũng phải dựa vào hình thức hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống thực tế này.

Hình thức thứ hai là hát dân ca trong câu lạc bộ, trong trường học. Hát dân ca trong câu lạc bộ, ngoài nhiệm vụ xây dựng các chương trình hát dân ca phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, tham gia liên hoan hát dân ca các cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh…Cần quan tâm đến việc đào tạo hạt nhân hát dân ca. Trong các lớp truyền dạy hát dân ca ở câu lạc bộ, không phải người nào cũng trở thành hạt nhân nòng cốt hát dân ca. Phải là người có năng khiếu hát, đam mê âm nhạc dân gian xứ Nghệ mới trở thành hạt nhân nòng cốt hát dân ca. Cần quan tâm giới thiệu cho các thành viên câu lạc bộ những giá trị đặc sắc, riêng có của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Từ đó họ có thể trở thành người nòng cốt để vận động phong trào hát dân ca, góp phần bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Muốn làm được những việc trên cần xây dựng hệ thống câu lạc bộ hát dân ca thật quy củ, có chương trình kế hoạch hoạt động thường xuyên, cụ thể và thiết thực.

Riêng hát dân ca trong trường học, bước tiếp nối cũng cần nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh chương trình, giáo án một cách hợp lý, khoa học, để chương trình đưa dân ca vào trường học thu được kết quả cao hơn. Mỗi năm nên tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy hát dân ca một lần. Ngoài việc tập huấn cách dạy hát dân ca, cần bồi dưỡng thêm cho giáo viên kiến thức về di sản đặc sắc Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Định kỳ có thể mời các nghệ nhân, nghệ sĩ đến giới thiệu và minh họa cho các em những trò diễn xướng dân gian cổ, để các em hiểu biết và yêu quý hơn Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.

Về hình thức đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lên sân khấu, đây là một hình thức mới không có trong dân gian xứ Nghệ, vì dân ca ra đời trong lao động sản xuất. Ngày nay chúng ta đưa Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ lên sân khấu là một bước tiến vượt bậc: đưa âm nhạc dân gian xích gần với âm nhạc chuyên nghiêp, đưa diễn xướng dân gian xích gần với sân khấu chuyên nghiệp. Bước phát triển này của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được khảng định bằng một hình thức ca kịch mới (kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh), được công chúng cả nước yêu mến. Hình thức này vừa lưu giữ được vốn cổ truyền thống của dân tộc, vừa phát triển đến mức tối đa vốn Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ để phục vụ cuộc sống mới. Tuy nhiên, cũng phải dè chừng đừng để đi quá xa, trở thành kịch nói có hát, hoặc kịch hát mới không phải kịch hát dân ca.

Về phần mình, là một người con của quê hương xứ Nghệ, một nhạc sĩ chuyên sáng tác về dòng dân gian, trong đó Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là ngôn ngữ chủ đạo, và là nhà báo đang công tác tại Tạp chí Thế giới Di sản, tôi đã và đang tuyên truyền, quảng bá cho Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, kêu gọi bạn bè cùng tham gia viết bài tuyên truyền, quảng bá cho Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, viết các ca khúc tuyên truyền về Ví, Giặm xứ Nghệ, tham gia các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm trao đổi về Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ…

Hy vọng  một ngày không xa, Ví, Giặm xứ Nghệ được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lúc đó không những tôi mà mọi người trong chúng ta, nhất là những người dân xứ Nghệ sẽ hạnh phúc biết chừng nào.

Hẹn gặp nhau trong ngày hội vinh danh Ví, Giặm  Nghệ Tĩnh.

Phóng viên: Cảm ơn Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới

Trang Anh (thực hiện)

Top