"Báu vật sống" của núi rừng
Đến bây giờ, khi tuổi đã ngoài ngũ tuần, tài sản quý giá nhất ông có được là 4 bộ sử thi đã được biên soạn, xuất bản và hơn 300 băng ghi âm của 4 bộ sử thi Raglai khác. Là cán bộ Phòng Truyền thống của Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Khánh Sơn, ông Tiến chính là người đi đầu trong việc sưu tầm và bảo tồn văn hóa Raglai ở nơi đây. Miệt mài hơn 25 năm sưu tầm, ông chia sẻ về niềm đam mê ấy: “Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng lời ru của bà, của mẹ. Lúc đưa nôi, hay nằm trên lưng mẹ lên rẫy, từng tiếng ru dìu dặt, dịu dàng ngấm dần vào tâm hồn, để rồi khi lớn lên những âm sắc ấy vẫn không sao phai nhạt trong tâm trí. Cả cuộc đời qua những năm kháng chiến, hòa bình, hội nhập kinh tế, đời sống đồng bào ngày càng phát triển ấm no, hạnh phúc... tôi chứng kiến và lo ngại là nền văn hóa Raglai ngày càng mai một. ...”
Sử thi của người Raglai thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Ảnh: Baokhanhhoa
Để tìm lại lời ru, chuyện kể một thời nuôi lớn tâm hồn mình và bảo tồn sử thi Raglai không để rơi dần vào quên lãng, ông Tiến đã cất công sưu tầm lại những lời ru ấy từ các già làng, các bà, các mẹ. Từ năm 1985, ông Tiến bắt đầu tiến hành việc sưu tầm sử thi Raglai cùng với sự giúp sức của cụ Nguyễn Thế Sang, cụ Trần Vũ (nguyên là Cán bộ Văn hóa của tỉnh, huyện). Năm 1987, tác phẩm đầu tiên “Bảo tồn chữ viết và văn hóa Raglai” của ông Tiến đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá cao, mở đầu cho một loạt kế hoạch bảo tồn văn hóa Raglai của ông. Năm 1999, phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, tác phẩm “Akhàt jucar Raglai” đầu tiên của ông được xuất bản. Trong 10 năm kế tiếp, 3 bộ sách “Udai- Ujac,“Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi,” “Awơi nãi tilơr” ra đời. Tổng cộng 4 bộ sử thi được xuất bản dày hơn 10.000 trang giấy, viết bằng 2 thứ tiếng Raglai và tiếng Việt. Ông Tiến đã sưu tầm được 8 bộ sử thi, ngoài 4 bộ đã xuất bản thành sách, còn 4 bộ được ghi ở hơn 300 băng thu âm đang nằm ở Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam chưa được gỡ ra và dịch lại. Để sưu tầm lại 8 bộ sử thi trên quả không dễ dàng chút nào, với chiếc cassette cầm tay, tuần nào ông cũng đến các làng bản để gặp các mẹ, thu lại các bản sử thi qua trí nhớ của họ. Lúc đầu còn nhiều người biết, còn nhiều người nhớ nên việc thu âm còn thuận lợi nhưng những năm gần đây công việc trở nên rất khó khăn. Các bà, các mẹ bây giờ tuổi đã cao, trí nhớ mai một, sức khỏe yếu lắm, rất nhiều người đã khuất núi. Huyện Khánh Sơn chỉ còn hai bà nắm rõ sử thi Raglai nhưng đều đã yếu rồi.
Không chỉ là sử thi, để thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa Raglai, ông còn sưu tầm và dịch ra hai thứ tiếng Raglai và Việt một loạt các tác phẩm khác được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cấp bằng chứng nhận như “Truyện cổ Raglai,” “Tri thức bản địa của người Raglai,” “Thành ngữ, tục ngữ Raglai,” “Khánh Hòa diện mạo văn hóa một vùng đất”… Hiện tại ông Tiến còn là người dịch thuật, phụ trách chương trình tiếng dân tộc Raglai ở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Khánh Hòa.
Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến với những tác phẩm sử thi Raglai được in thành sách - Ảnh: Nguyễn Chung
Để bảo tồn và phát huy văn hóa Raglai, huyện đã mở nhiều lớp dạy sử thi cho con em Raglai và các cán bộ huyện, xã. Tuy nhiên, do hạn hẹp về kinh phí, huyện tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ việc mở lớp dạy sử thi Raglai, văn hóa Raglai trong thời gian tới. Ghi nhận sự đóng góp của ông Mấu Quốc Tiến cho nền văn học dân gian, đầu năm 2012, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho ông Tiến. Có được vinh dự này, ông Tiến phấn khởi lắm. Mỗi ngày, những bước chân của “Người giữ hồn sử thi Raglai” Mấu Quốc Tiến lại thêm phần miệt mài hơn. Ông lại rong ruổi khắp thôn làng để tìm, ghi chép, lưu giữ những lời ru của núi rừng với ước muốn làm sao để những Akhàt Jucar, Udai- Ujàc, Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi, Awơi nãi tilơr… không chỉ lưu giữ trên văn bản mà mãi vang lên trên nương, rẫy, trong những đêm bên bếp lửa ấm áp của người Raglai.
Những nỗ lực của ông đang góp phần làm cho nền văn hóa văn nghệ dân gian Raglai luôn được bảo tồn và phát triển rực rỡ, lung linh sắc màu. Ông được mọi người cảm phục, yêu mến gọi là “báu vật sống” của núi rừng Khánh Sơn.
PV (Tổng hợp)