Phong tục tang ma của người Mông ở Hà Giang
Khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người Mông gọi là “tùa” hay “ninh tùa” (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau. Khi người nhà mất, họ bắn chỉ thiên ba phát súng kíp báo hiệu cho dân bản biết có người chết, con cháu trong gia đình đi mời gọi anh em dân bản, thầy khèn, thầy trống, thầy cúng đến. Cắt một miếng vải lanh mới làm khăn rửa mặt và tắm rửa cho người chết, sau đó thay quần áo cho người chết. Phần cúng lễ người chết của người Hmông rất dài.
Cảnh treo xác trong nhà của người Mông (Ảnh: TL)
Về nghi thức nhập tang, cúng tế được tiến hành tuần tự theo các bước. Trước tiên, người ta đặt áo quan tại gian giữa nhà ngay trước bàn thờ tổ tiên. Lễ vật gồm: cơm, bánh, thức ăn rượu thịt, các thức ăn được cho vào bát chén. Bài vị là giấy bản làm thành tua buông trùm và rủ xuống đầu quan tài. Thầy cúng có vai trò quan trọng nhất vì có khả năng liên hệ được giữa người sống và người chết. Người chủ tang là người có quyết định mọi việc về kinh tế trong ngày tang lễ. Khi người chết được khâm niệm xong thì thầy trống, thầy khèn liên tục thổi và đánh trống để tổ tiên biết là gia đình có người chết. Thầy cúng tóm tắt tiểu sử của người chết tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Mấy thanh niên mỗi người cầm một nén hương quỳ ở cửa, thầy cúng thổi khèn đi ba vòng quanh nhà, sau đó mới khiêng quan tài ra huyệt, đội kèn thổi đưa ma đi. Đến huyệt khiêng quan tài vòng ba vòng quanh huyệt rồi mới đặt quan tài xuống huyệt mở nắp quan tài cho anh em xem lần cuối, thầy cúng phun ba hớp rượu rồi đóng nắp quan tài, tiến hành lấp đất. Trong ba ngày đầu mới chôn, mỗi buổi sáng sớm người nhà phải mang cơm cho người chết, lần một đem đến mộ, lần hai đến nửa đường, lần ba đến gần nhà.
Đặc biệt, trong các thủ tục tang ma của người Mông một số vùng ở Hà Giang có lễ “đám ma khô”. Đám ma khô có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Đồng bào quan niệm, nếu chưa được làm ma khô thì người chết sẽ không hòa nhập được với tổ tiên, người chết không thể hóa kiếp, hồn người chết sẽ quanh quẩn đâu đây để có thể phù hộ nhưng cũng có thể quấy nhiễu con cháu, mọi tội lỗi của người chết lúc sống chưa được tha thứ.
Sau thủ tục phơi xác dưới ánh nắng mặt trời, người Mông mới đưa thi thể đi chôn (Ảnh: TL)
Người Mông quan niệm, phải chờ sau mười ba ngày thì người chết mới biết mình đã chết. Theo phong tục của người Mông, lễ ma khô là tục lệ tiễn linh hồn người chết về quê cha đất tổ của người Mông. Trong lễ tang người chết, thầy cúng hứa với ma sẽ làm lễ ma khô (làm lễ chay) 12 ngày sau khi chôn cất. Nếu đến ngày đó mà gia đình chưa có điều kiện thì sẽ phải hứa lại, nếu không làm sẽ bị ma quấy rối không cho làm ăn.
Thời gian đám ma khô phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình mà quyết định ngày, giờ làm. Việc đầu tiên là gia chủ gọi anh em dòng họ, anh em trong xóm đến uống rượu bàn bạc ngày tổ chức, phải tránh trùng ngày giờ chôn cất. Sau đó, gia đình nhờ những người trong ban tang lễ cũ đi mời thầy cúng, thầy khèn, kèn, trống, những người trong ban giúp việc tang lễ (phải là đội hình cũ lúc đám ma tươi). Khi đội giúp việc đến, gia đình phải quỳ lạy rót rượu mời họ uống như lúc làm ma tươi.
Lễ rước “ma khô” ra đồng diễn ra rất nhanh, sau khi hoàn tất, mọi người đều nhanh chóng trở về nhà gia chủ và tham gia bữa tiệc cúng ma. (Ảnh: TL)
Để tiến hành lễ ma khô, không thể thiếu Cẩu vá. Đây là hình nộm được làm bằng tre vót tròn uốn cong biểu tượng cho chiếc quan tài chứa người đã khuất. Đầu buổi sáng, sau khi đã chuẩn bị sẵn gà, lợn, xôi, gia đình người làm lễ ma khô tập hợp anh em tiến hành nghi lễ. Một chiếc cột được dựng ngay trước nhà, một người trong gia đình mang ra một chiếc trống treo lên cột và bắt đầu đánh. Một người khác mang khèn ra thổi. Trong lúc đó, một số người mang rơm và cành cây đến để dựng một chiếc lều nhỏ, tượng trưng cho ngôi nhà dành cho những người đã mất. Trong lúc dựng lều, thầy cúng cùng người thổi khèn đi vòng quanh chiếc lều, vừa đi vừa hát. Sau khi dựng lều xong một chiếc chiếu được mang ra trải phía trong. Trên chiếu có Cẩu vá, xôi, một chén đựng rượu, một ống trúc bị chẻ làm đôi và một cái muôi nhỏ để múc rượu. Cùng lúc đó, gà, lợn và một con nghé được mang ra để làm lễ tế.
Thầy cúng vừa hát bài ca Hu gàu - Hu Ply vừa rót rượu rồi tung ống trúc. Hu gàu- Hu Ply ý nghĩa chung là hát gọi hồn và hát trong nghi thức tang lễ. Nếu sau khi tung hai mảnh trúc tách rời nhau ra nghĩa là người chết chưa ưng còn nếu sau khi rơi xuống chiếu, hai mảnh trúc vẫn dính vào nhau nghĩa là lời cầu xin đã được ưng thuận.
Sau gần 1 tiếng thầy cúng tiến hành gọi hồn, những người tham dự bắt đầu cắt tiết gà và bê để làm lễ tế. Sau buổi lễ, gia đình người làm lễ ma khô nấu cỗ mời anh em họ hàng tới ăn. Với những gia đình có điều kiện, lễ ma khô có thể kéo dài hàng tuần, cứ có họ hàng hoặc khách tới chơi là gia đình mổ lợn gà làm cỗ để mời cơm. Người Hmông tin rằng lễ ma khô sẽ giúp người chết được siêu thoát và sẽ không quấy nhiếu gia đình người sống nữa.
Đám ma khô của người Mông là nghi lễ và ứng xử để lý giải cho quá trình siêu thoát, sự tồn tại, trưởng thành của linh hồn ở thế giới bên kia, phù hợp với tín ngưỡng của đồng bào về vũ trụ. Điều quan trọng hơn cả là tang ma thể hiện đạo hiếu, đạo lý của con cháu đối với cha mẹ, biểu hiện sâu lắng tình cảm, sự sẻ chia của người thân, gia đình và cộng đồng, củng cố đạo đức, đạo hiếu - những điều rất cần cho xã hội hiện đại hôm nay.
Hồng Phượng