Bảo vệ di sản văn hóa cần trở thành ý thức thường xuyên của mọi người
Phóng viên (PV): Với một cái nhìn toàn cảnh thì DSVH của Việt Nam hiện có những gì, thưa ông?
PGS. TS Đỗ Văn Trụ: Đất nước ta có kho tàng DSVH rất phong phú, đa dạng, cả vật thể và phi vật thể. Những di sản đó được các thế hệ người Việt xây dựng, vun đắp, truyền tiếp cho nhau tạo nên nền DSVH rất đồ sộ. Các DSVH không chỉ là niềm tự hào của dân tộc ta, mà nó còn là bộ phận hết sức quan trọng trong kho tàng DSVH thế giới. Nếu chúng ta làm tốt việc bảo vệ, phát huy kho tàng DSVH thì đó là việc làm hữu ích không chỉ cho dân tộc, đất nước ta, mà còn đóng góp vào tiến trình phát triển văn hóa của thế giới.
Chỉ ba tháng sau khi nước nhà độc lập, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 về bảo tồn di tích. Từ đó đến nay, hệ thống pháp luật về DSVH của chúng ta ngày càng toàn diện, hệ thống và phù hợp hơn với bối cảnh thế giới. Nếu so với các lĩnh vực văn hóa khác, hệ thống pháp luật về DSVH tương đối đầy đủ.
PV: Vậy theo ông, chúng ta nên có quan điểm như thế nào về DSVH? Thực tế, việc bảo tồn, phát huy DSVH ở nước ta thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm?
PGS. TS Đỗ Văn Trụ: Đảng và Nhà nước luôn xác định bảo vệ DSVH không phải là giữ lại cái cổ, cái cũ, mà bảo vệ DSVH là cơ sở để chúng ta xây dựng và phát triển nền văn hóa mới. Chúng ta không phải xây dựng nền văn hóa mới trên một bãi đất không, hư vô, mà chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại trên cơ sở kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta cũng xác định biến DSVH thành một trong những nguồn lực để xây dựng xã hội. Vì DSVH có sự đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đã là một nguồn tài nguyên quan trọng để chúng ta phát triển du lịch.
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận thì chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật. So với thực tế nhiệm vụ, thực lực cũng như xu thế chung của thế giới thì DSVH của chúng ta còn nhiều yếu kém. Nạn xâm phạm, hủy hoại di tích vẫn xảy ra, thậm chí cả những di tích nổi tiếng… cũng bị vi phạm. Chúng ta đã có nhiều hội thảo về du lịch kết hợp DSVH nhưng đến nay vẫn việc ai nấy làm. Bên tu bổ cứ tu bổ, bên khai thác cứ khai thác mà không có sự liên kết. Hay như khi có Luật Di sản năm 2001, nhiều người hào hứng và cho rằng đây là luồng gió mới thổi vào sự nghiệp bảo vệ di sản. Một số bảo tàng hăng hái thành lập nhưng rồi đóng cửa, một số thấy tình hình khó khăn cũng chững lại không thành lập nữa… Chúng ta mới đơn giản nghĩ là mở cho hoạt động nhưng thiếu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện đất đai, xác minh cổ vật… là những khâu không phải cá nhân, tổ chức nào cũng làm được.
Thêm vào đó, những hạn chế trong xử lý vi phạm trong DSVH còn yếu kém cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta khó thực hiện việc thượng tôn pháp luật về DSVH. Chúng ta nói nhiều về vi phạm nhưng chưa có xử lý nào về mặt hình sự với những cá nhân, tổ chức vi phạm DSVH gây bức xúc trong xã hội...
Ca nương Nguyễn Thu Thảo, CLB Thái Hà trình diễn nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
PV: Vậy, giải pháp nào là quan trọng nhất để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, thưa ông?
PGS. TS Đỗ Văn Trụ: Trong sự nghiệp phát huy, bảo vệ giá trị DSVH, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thể không nói tới vai trò của xã hội. Nhà nước và xã hội có thể ví như đôi cánh của con chim, mất một cánh thì con chim sẽ chao đảo. Kinh nghiệm thế giới cũng vậy, không một nước nào chỉ Nhà nước làm, kể cả những nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Việc đóng góp của xã hội không chỉ là về tiền mà còn cả kinh nghiệm, công sức, thời gian… Chẳng hạn như Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Hà Nội), Bảo tàng Cội nguồn (Kiên Giang)… các cá nhân tự bỏ tiền, đạp xe để đi sưu tầm hiện vật và họ làm rất tốt. Khi ý thức của người dân cho rằng DSVH là một phần máu thịt, là trách nhiệm, nghĩa vụ của họ thì họ đóng góp một cách tự nguyện, hiệu quả. Thêm vào đó, người dân là người bảo tồn, trông nom di tích. Nếu không có tai mắt của người dân thì Nhà nước không thể làm được công tác bảo tồn. Hiện nay, nhiều di tích, đặc biệt là các di tích tâm linh được người dân đóng góp phần lớn kinh phí tu bổ. Khi chúng ta biết khơi dậy tình yêu di sản từ người dân thì đó là nguồn lực rất lớn để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.
Do đó, chúng ta muốn thúc đẩy, đổi mới sự nghiệp bảo vệ và phát huy DSVH trong thời gian tới, cần có cơ chế thúc đẩy các tổ chức xã hội, làm sao để họ tham gia mạnh mẽ hơn. Nhà nước cần quan tâm, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội bằng cơ chế, chính sách, việc làm thiết thực để họ bình đẳng trên sân chơi. Nói đây là sân chơi vì những người làm DSVH nhiều khi không phải vì kinh tế mà họ coi đó là nơi thể hiện đam mê, tình cảm tâm huyết của họ.
Năm nay là năm thứ 12 chúng ta tổ chức Ngày DSVH Việt Nam 23-11. Mỗi năm đến ngày này là dịp để xã hội, Nhà nước hướng về các DSVH để hâm lại bầu nhiệt huyết. Đây là điều tốt nhưng chúng ta cần những việc làm thực chất hơn. Chúng ta phải làm sao giáo dục pháp luật để người dân thấy rằng bảo vệ DSVH phải là ý thức thường xuyên, không phải một năm một lần vào ngày 23-11, mà ngày nào trong năm cũng là ngày bảo vệ DSVH.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HUY AN (thực hiện)
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân