Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ IV (2020-2025) thành công tốt đẹp

Ngày 13-8-2024, tại TP Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ IV (2020-2025). Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Hội, các Ủy viên Thường vụ, Ủy viên BCH Hội, đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp, chi hội, câu lạc bộ thuộc Hội, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu và một số đơn vị liên quan.

Trước khi tiến hành phiên họp, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị đã nghe Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội trình bày Báo cáo hoạt động Hội từ tháng 8-2023 đến tháng 8-2024 và Phương hướng hoạt động từ tháng 8-2024 đến tháng 8-2025.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội trình bày Báo cáo hoạt động Hội

Theo đó, tuy còn nhiều khó khăn của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội vẫn đảm bảo phát triển toàn diện và vững chắc, có những hoạt động mới nổi bật hơn những năm trước. Tiếp tục khẳng định vị thế của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và xã hội đánh giá cao, thông qua hoạt động các tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương và các thành viên của Hội. Về công tác tổ chức xây dựng Hội, từ tháng 8-2023 đến nay, đã kết nạp Hội DSVH tỉnh Ninh Bình; thành lập, kết nạp mới 7 tổ chức, hội viên tập thể; chú trọng các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghiên cứu và hợp tác quốc tế với các cuộc hội thảo và phối hợp tổ chức hội thảo như: Hội thảo khoa học thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và phát huy giá trị”, Tọa đàm Giáo dục di sản Kéo co với Hội Kéo co Gijisi và Triển lãm ‘Chung một sợi dây” tại đến Trấn Vũ có sự phối hợp của Hội Kéo co Gijisi, Hàn Quốc và cộng đồng kéo co ngồi đền Trấn Vũ, Long Biên; Hội thảo “20 năm di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ  UNESCO đến cộng đồng”; Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)”. Các hoạt động thường niên của Hội được duy trì hiệu quả: Trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam”, Chương trình “Linh thiêng Quốc Tổ cội nguồn – Lễ dâng dương báo công các vua Hùng”... Nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt nam 23-11-2023, Đoàn đại biểu Hội DSVH Việt Nam gồm 100 cá nhân đã tham dự Cuộc gặp mặt của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Năm vừa qua cũng đánh dấu lần đầu tiên Hội phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trịnh Gia tổ chức tổ chức rất thành công cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa - năm 2023”, trao giải cho 30 tác phẩm đạt giải và 70 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo với tổng giải thưởng Cuộc thi lên đến hơn 1 tỉ đồng...

Trong phương hướng hoạt động, Hội đề ra mục tiêu: Chuẩn bị về mọi mặt tiến tới Đại hội Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030; tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (23-4-2004 / 23-4-2024). Tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương nghiệp di sản văn hóa Việt Nam" đợt VII-2024. Xuất bản và phát hành ấn phẩm "Hội Di sản Văn hóa Vies Nam - 20 năm xây dựng va phát triển", vào tháng 11-2024. Phát động Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội hoạ" lần thứ II - năm 2025. Chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam hoàn thiện hồ sơ về Điều lệ Quỹ, Hội đồng Quản lý Quỹ nhiệm kỳ III (2024-2029) trình Bộ Nội vụ phê duyệt. Phát triển hội viên, thành lập, kiện toàn các tổ chức, đơn vị thuộc Hội. Chỉ đạo Tạp chí Thế giới Di sản tăng cường phát triển Tạp chí điện tử Thế giới Di sản (thegioidisan.vn) xây dựng chuyên mục "Hoạt động Hội Di sản Văn hóa Việt Nam" trên tạp chí in và điện tử. Từng bước triển khai thực hiện Biên bản hợp tác về di sản văn hoá giữa Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Phổ biến, quán triệt và triển khai Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 5, nhiệm kỳ IV (2020-2025) vào tháng 8-2025.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo hoạt động Hội. Đồng thời, từ hoạt động thực tiễn, nhiều ý kiến đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong phối hợp với các cơ quan, tổ chức.

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội, khẳng định 3 điểm nhấn trong hoạt động chuyên môn của Hội. Một là, tiếp tục tổ chức những hội thảo tầm quốc gia. Hai là, là đơn vị kiên trì, bền bỉ nhất đóng góp vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đem lại lợi ích cho cộng đồng. Ba là, tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế, năm vừa qua Hội đã kết nối với các cộng đồng kéo co, năm nay, Hội lại đưa cộng đồng dự các cuộc liên hoan ở Hàn Quốc. Thời gian tới, Hội sẽ tham gia lập danh mục di sản ASEAN, đem tiếng nói của của cộng đồng, của quốc gia để xây dựng sự đa dạng văn hóa.

Cũng theo TS Lê Thị Minh Lý, sau khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ quán triệt, phổ biến luật mới trên toàn bộ hội viên của Hội; phối hợp chuyên môn với các Hội địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước về di sản văn hóa; tiếp tục duy trì, kết nối và phát triển các đối tác chuyên môn.

ThS Tô Văn Động - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

ThS Tô Văn Động - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, cho rằng, Hội đạt được những kết quả tốt bởi chính sức mạnh từ các Hội địa phương, các đơn vị trực thuộc.

Ông Tô Văn Động mong Hội tiếp tục đẩy mạnh cả 2  lĩnh vực: Hoạt động chuyên môn với các cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học; tổ chức sự kiện để Hội được biết đến nhiều hơn. Mặt khác, rà soát, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc, bổ sung và rà soát lại các Ủy viên BCH...

Từ góc độ Hội địa phương, ông Nguyễn Ngọc Minh - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang, Ủy viên Thường vụ Hội DSVH Việt Nam để xuất: Trung ương Hội có hướng dẫn về cơ cấu tô chức, nhân sự, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về công tác di sản văn hóa, sự phối hợp giữa Hội của các cơ quan tổ chức Nhà nước như thế nào...

Ông Nguyễn Ngọc Minh - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang, Ủy viên Thường vụ Hội DSVH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

ThS Lê Tú Cẩm, Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ 2 hoạt động bà thích nhất trong số rất nhiều các hoạt động của Hội DSVH Việt Nam, đó là: Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa qua hội họa” và việc thành lập câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam và CLB áo dài ở các tỉnh thành trong và ngoài nước. Bà Cẩm cũng chia sẻ với Hội nghị niềm vui khi Hội Di sản Văn hóa TP Hồ Chí Minh là một trong 2 tổ chức Hội được UBND TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, Ủy viên Thường vụ Hội DSVH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Thường vụ Hội DSVH Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, đồng tình quan điểm của TS Lê Thị Minh Lý về việc tổ chức tập huấn, cấp nhật cảc quy định, công ước, văn bản hay viếc định nghĩa, khái niệm về Di sản văn hóa cho hội viên là thực sự cần thiết. Các chi hội sẽ đóng vai trò là nòng cốt trong việc lan tỏa các các tri thức di sản được lĩnh hội tới các hội viên. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm của Huế trong việc đưa di sản vào giáo dục trong trường học.

Tại Hội nghị, các đại biểu biểu quyết 100% tán thành bổ sung thêm 1 Ủy viên BCH là bà Lê Thị Phượng - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Các đại biểu dự Hội nghị cũng chứng kiến Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghệ Á Châu trong việc tài trợ cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa”. Giá trị tài trợ là 2.500.000.000 đ.

Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghệ Á Châu

Cũng nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tặng Bằng khen cho ông Trịnh Thanh Giảng - Ủy viên Thường vụ, Trường ban Kinh tế Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; ông Phạm Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Cổ phần Á Châu; Nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy vì đã có đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổng kết Hội nghị

Kết luận Hội nghị, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, khẳng định: Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá hoạt động thời gian một năm vừa qua và bàn phương hướng, nhiệm vụ cho năm cuối cùng kết thúc nhiệm kỳ IV chuẩn bị cho Đại hội Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2025-2030).

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, trong 20 năm xây dựng và phát triển thì năm vừa qua là năm đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Hội, một năm khẳng định vị thế, uy tín của Hội trong xã hội, một năm đầy ắp các sự kiện cả bề rộng và chiều sâu trên tất cả các mặt hoạt động từ Trung ương Hội đến các hội cấp tỉnh và các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội. Công tác tổ chức, phát triển hội viên, cơ sở Hội được duy trì đều đặn. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền quảng bá về di sản văn hóa được quan tâm và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phương pháp. Tạp chí Thế giới Di sản – Cơ quan ngôn luận của Hội khắc phục khó khăn, đảm bảo định kỳ xuất bản mỗi tháng/số, nội dung và hình thức được bạn đọc ghi nhận. Câu lạc bộ di sản Áo dài Việt Nam ra đời và hoạt động có hiệu quả. Nhiều cuộc trưng bày, triển lãm lan tỏa áo dài Việt Nam được tổ chức ở các tỉnh, góp phần đa dạng hóa các hoạt động của Hội. Đặc biệt, lần đầu tiên Hội đứng ra tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” có sức lan tỏa và tiếng vang lớn. Hoạt động giám định cổ vật cũng mở ra một hướng mới trong hoạt động của Hội. Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam có nhiều hoạt động khởi sắc với các cuộc trưng bày, triển lãm. Các trung tâm, doanh nghiệp của Hội có nhiều cố gắng duy trì hoạt động...

“Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế mà chúng ta cần rút kinh nghiệm, đó là chế độ thông tin báo cáo của một số đơn vị chưa kịp thời, một số tổ chức cơ sở hoạt động chưa hiệu quả. Chúng ta cần tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích là Hội xã hội – nghề nghiệp, hoạt động hướng tới cộng đồng; phải đa dạng hóa các hình thức và phương phảp hoạt động; xây dựng và củng cố sự đoàn kết vì mục đích chung trong toàn Hội...” - Chủ tịch Hội nhấn mạnh.

Lễ ra mắt CLB Áo dài Việt Nam TP Đà Nẵng

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tham dự Lễ ra mắt CLB Áo dài Việt Nam TP Đà Nẵng (thuộc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam) và Chương trình "Áo dài Show" của Đạo diễn Nguyễn Lan Vy.

Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Trước đó, hôm qua, ngày 12-8, Ban Tổ chức Hội nghị đã tổ chức để các đại biểu tham quan Hội An và thưởng thức Chương trình thực cảnh Ký ức Hội An.

Bài: Hoàng Quỳnh Hương

Ảnh: Lê Thanh Bình - H.Q.H

 

 

Top