Đôi điều về việc sáp nhập tên phường xã ở Nam Bộ

Nhìn lại việc đặt tên do sáp nhập làng xã ở Nam Bộ cũng cho chúng ta nhiều bài học bối cảnh hiện nay, khi mà một số địa phương đã chọn những cái tên không phù hợp, gây bức xúc trong dân chúng.

Từ thời Pháp thuộc cho đến những năm gần đây, việc đặt địa danh hành chính cấp xã ở Nam Bộ diễn ra khá bài bản, hầu như không gây những phản ứng trái chiều, bởi có sự nghiên cứu khá kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Phường, xã, thị trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở. Việc sáp nhập tên cấp đơn vị hành chính này ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Tên làng xã ngày xưa (nay là phường, xã) mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa của một vùng đất, nó không chỉ là căn cước văn hóa", mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của địa phương về nhiều mặt. Do vậy cần rất thận trọng khi đặt tên do sáp nhập.

Có thể thấy việc đặt tên mới khi sáp nhập xã ở Nam Bộ diễn ra theo 3 phương thức sau:

Ghép các yếu tố trong địa danh cũ

Việc đặt tên xã mới nhưng vẫn thể hiện được các yếu tố trong địa danh cũ, có thể từ 1 đến 3 từ, tùy số lượng xã ghép lại, có khi ghép giữa tên làng (xã) và tên ấp. Đây là phương thức phổ biến nhất, không chỉ riêng ở Nam Bộ.

Xã An Cư (huyện Tịnh Biên, An Giang) do nhập 2 xã Thuyết Nạp và Yên .

Làng Bình Xuyên thuộc tổng Dương Hòa Trung, hạt Sài Gòn năm 1880, nay thuộc Q.8, TP. HCM. Bình Xuyên do ghép tên hai làng Khánh Bình và Tứ Xuyên. Xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP. HCM) do năm 1960 nhập 2 xã thôn Bình Đăng và Chánh Hưng thuộc quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định. Phường Tăng Nhơn Phú (Q. 9, TP. HCM) được ghép từ 2 làng Tân Nhơn Tăng Phú vào đầu thế kỷ XX. Phường Thạnh Xuân (Q. 12, TP. HCM) được  ghép từ 2 làng xưa An Thạnh và Quới Xuân.

Phường Phú Thuận (Q.7, TP. HCM) lập năm 1997, được ghép từ xã Phú Mỹ và một phần của thị trấn Nhà Bè (cũ), do nằm trên địa phận xã Phú Mỹ và xã Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây cũ của huyện Nhà Bè (cũ). Xã Phước Kiểng (huyện Nhà Bè, TP. HCM) do 2 xã Phước Long Đông và Long Kiểng nhập lại. Thường bị viết sai thành Phước Kiển. Xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP. HCM) được ghép từ 2 làng Bình Lý và Tân Mỹ.

Xã Bình Trưng (huyện Châu Thành, Tiền Giang) được ghép từ 2 làng Bình Sơn và Phong Trưng. Xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) do sáp nhập 2 thôn Hiệp Hòa và Tân Đức. Xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) được sáp nhập từ 2 xã Hội Sơn và Xuân Sơn. Xã Long An (huyện Châu Thành, Tiền Giang) được ghép từ 2 làng Long Hội và An Vĩnh. Xã Phước Thạnh (huyện Châu Thành, Tiền Giang) do nhập từ 2 làng An Phước và An Thạnh. Xã Trung Hòa (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) được sáp nhập từ 2 làng Trung Lộc và Phú Hòa từ đời Thiệu Trị - Tự Đức.

Xã An Điền (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) được nhập từ 2 xã An Thạnh và An Quy. Xã Phú Khánh (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) nhập từ 2 làng Đông Phú và Đông Khánh. Xã Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) do nhập 2 làng Phước Chánh và Trung Mỹ. Xã Định Hòa (huyện Bình Đại, Bến Tre) ghép từ 2 xã Long Định và Long Hòa. Xã Tường Đa (huyện Châu Thành, Bến Tre) do nhập 2 thôn Phước Tường và Phước Đa.

Xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) do nhập 2 thôn Hội Xuân và Thới Hiệp vào năm 1917. Xã An Phước (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) do sáp nhập 2 xã Chánh An và Phước Thủy của tổng Thanh Thiềng, quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long vào năm 1934. Xã Hòa Tịnh (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) do khoảng năm 1935 sáp nhập 2 làng Bình Hòa và Bình Tịnh thành xã Hòa Tịnh theo đề xuất của cai tổng Sô. Xã Long Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) ghép từ 2 thành tố đầu của xã Long Hồ và Phước Hậu. Xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) do ghép thành tố đầu của tên làng Mỹ Chánh với thành tố cuối của làng An Hòa. Xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) do ghép tên 2 xã Mỹ Hưng và Phú Lộc Cựu khoảng năm 1940. Xã Mỹ Phước (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) ghép từ 2 xã Mỹ An và xã An Phước. Xã Quới An (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) được ghép từ 2 thành tố đầu của thôn Quới Hiệp và thôn An Đông. Xã Tân An Luông (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) lập năm 1940 trên cơ sở nhập 2 thôn Tân An Tây và Hồi Luông. Xã Tân An Thạnh (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) do ghép xã Tân Lược với các ấp Tân An và Tân Thạnh.

Xã Trung Hiệp (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) do năm 1955, xã Trung Hiệp được thành lập trên phần đất của ba thôn Trung Trị, Trung Hưng (tổng Bình Trung) và Quới Hiệp (tổng Bình Quới) ghép thành tố đầu của tên 2 thôn trước với thành tố cuối của tên thôn sau. Xã Trung An (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) do ghép tên của làng Trung Hòa và tên các ấp An Lạc, An Phước và An Tập. Xã Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) do năm 1917, tổng Bình Trung với một phần đất thuộc ấp An Thành của làng Hiếu Thuận (tổng Bình Hiếu) thành xã Trung Hiếu. Xã Trung Thành (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) do năm 1899, nhập 4 thôn Đức Hòa, Quang Trạch, Trung Tính và Trung Hậu thành xã Trung Thành.

Xã Hậu Thạnh (h. Long Phú, Sóc Trăng) do 2 làng Nhơn Hậu và Hiếu Thạnh kết hợp. Xã Long Đức (huyện Long Phú, Sóc Trăng) do hai làng Long Điền và Hưng Đức kết hợp lại. Xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) do nhập 2 làng Mỹ Tú và Thuận Hưng. Xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) do nhập 2 làng Châu Thạnh Tây và Tế Quới. Xã Trung An (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) được ghép từ 2 làng Trung Lương và An Đức Đông.

Xã Hiệp Bình (Q. Thủ Đức và huyện Thủ Đức, TP. HCM trong thời gian 1939- 1987) do ghép từ 3 làng Bình Chánh, Bình Triệu, Bình Phước. Phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) do năm 1960, xã Long Bình hợp với xã Tân Bình thành xã Long Bình Tân.

Xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) do nhập 3 làng Long Thạnh, Bình Hạnh và Điền Trang. Xã Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách, Bến Tre) do nhập 3 làng Vĩnh Đức Đông, Vĩnh Đức Trung và Bảo Hòa.

Xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) được ghép từ thành tố đầu của 3 thôn: Bình Long, Hòa Ninh và Phước Định. Xã Đa Phước Hội (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) do nhập 3 thôn Đa Phước, Tam Phước Hội An.

Giữ lại tên cũ

Khi nhập tên các xã có thể giữ lại 1 tên xã cũ và đặt thêm tên xã mới, và cố gắng giữ lại “tên gốc”.

Xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang) do nhập 2 xã An Thái Tây và An Thái Trung vào khoảng năm 1892. Xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành, Bến Tre) do nhập 2 thôn Tiên Thủy Tiên Thủy Tây. Xã Tân Thủy (huyện Ba Tri, Bến Tre) ghép từ 2 làng Tân Hòa và Tân Thủy.

Đặt tên mới

Đối với các xã có yếu tố trùng nhau trong địa danh, như trùng từ đầu thì sẽ đặt tên mới với nghĩa bao hàm các xã ghép lại với nhau, như “nhị”, “song”, “tam”...

Xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn, TP. HCM) do nhập 2 thôn Bình Nhan và Bình Xuân. Xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ, TP. HCM) do 3 thôn Khánh Độ, An Thạnh và Tân Phước hợp lại năm 1945.

Xã Song Bình (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) do sáp nhập 2 làng Bình Hài và Bình Thạnh từ ngày 29- 11-1923.

Xã Song Phụng (huyện Long Phú, Sóc Trăng) do 2 làng Phụng Sơn và Phụng Trường kết hợp.

Xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) do ghép tên 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình và được tách ra từ làng Sóc Sơn. Xã lập năm 1942, do một người Pháp tên Polo đưa dân ngoài Bắc vào lập khu dinh điền.

Phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) do nhập 3 làng Bình An (Bình Đa, An Hảo), Vĩnh Cửu, Tân Mai.

Xã Long Mỹ (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) do từ năm 1987 đến 1981, xã Long Mỹ sáp nhập với các xã Long Đức và Long Thanh thành xã Tam Long.

Ở thành phố Hồ Chí Minh trong đợt này có 80 phường liên quan thuộc 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) sáp nhập lại thành 38 phường. Các quận này tên phường đặt theo tên số, nên chỉ lấy lại tên phường có đông dân số hơn để bớt xáo trộn khi làm giấy tờ. Chỉ riêng quận 8 có 3 phường mới đặt theo tên chữ, phản ánh được những nét lịch sử, văn hóa của vùng đất. Cụ thể nhập phường 1, 2 và 3 thành phường Rạch Ông; nhập phường 8, 9 và 10 thành phường Hưng Phú; nhập phường 11, 12 và 13 thành phường Xóm Củi.

Duy nhất có quận 3 có phường Võ Thị Sáu được sáp nhập từ các phường 6, 7, 8 từ năm 2020. Việc đặt tên phường này không theo một quy tắc nào trong khi các phường còn lại của quận 3 đều được đặt theo tên số.

Lịch sử đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mà chúng ta cần tiếp thu cho việc đặt tên xã phường mới hiện nay, từ việc chọn lọc ý nghĩa của địa danh, sự kết hợp hợp lý khi ghép tên, đến việc lưu giữ những địa danh gốc có ý nghĩa lịch sử, văn hóa lâu đời.

Nguyễn Thanh Lợi

Top