Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong 7 bảo vật quốc gia thuộc loại hình lịch sử chiến tranh cách mạng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có 4 Bảo vật là: Máy bay MiG- 21F96 số hiệu 5121, Xe tăng T54B số hiệu 843, Máy bay MiG 21 số hiệu 4324 và Bản đồ quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Luật Di sản văn hóa quy định: “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước”. Theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01-10- 2012 về việc công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam có 2 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Máy bay MiG-21F96, số hiệu 5121 và Xe tăng T54B số hiệu 843. Máy bay MiG-21F96 số hiệu 5121 là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có một “Siêu pháo đài bay” B52 do phi công Phạm Tuân lái đêm ngày 27-12- 1972. Xe tăng T54B số hiệu 843 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục tiến thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xe tăng 843 đã dẫn đầu đội hình phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch, húc đổ cổng phụ của Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: http://btlsqsvn.org.vn.

Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14-01- 2015 về việc công nhận Bảo vật quốc gia đợt 3, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thêm 2 hiện vật được công nhận là Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và Bản đồ quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Máy bay MiG 4324 là hiện vật có giá trị đặc biệt, biểu tượng chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, 8 trong số 9 phi công từng lái được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bảo vật Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ chí Minh là hiện vật minh chứng cho những tháng ngày hào hùng của dân tộc, ghi dấu sự kiện Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giành thắng lợi hoàn toàn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Là đơn vị đầu ngành trong hệ thống bảo tàng quân đội, Bảo tàng LSQS Việt Nam luôn chú trọng đến công tác, nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hồ sơ các hiện vật gốc có giá trị đặc biệt trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hoá quân sự nói riêng.

Máy bay MiG- 21F96 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Bảo vật quốc gia, Bảo tàng đã chủ động phối hợp với Xưởng Kĩ thuật X80 Bộ Tư lệnh Thủ đô khảo sát, nghiên cứu, phân tích đánh giá hiện trạng và nguyên nhân gây hư hại trên hiện vật xác định quy trình bảo quản kĩ thuật chuyên sâu đối với xe tăng T54B.

Với máy bay MiG-21, các cán bộ bảo quản của bảo tàng đã kết hợp với Phòng Kĩ thuật Lữ đoàn không quân 918 cùng bảo quản riêng biệt chuyên sâu cho 2 máy bay ngay sau khi được công nhận là Bảo vật quốc gia, đồng thời làm mái che bằng tấm nhựa thông minh tránh tác động mưa, nắng thất thường của thời tiết cho hai máy bay này bảo đảm cho hiện vật được kéo dài tuổi thọ tốt nhất. Xung quanh hiện vật được cải tạo cảnh quan bằng cách trồng các loại hoa, đặt các chậu cây cảnh làm tôn vinh giá trị của hiện vật. Hình ảnh và nội dung tóm tắt các bảo vật quốc gia được Bảo tàng in trên tờ gấp giới thiệu tóm tắt bảo tàng tới khách tham quan.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa quân sự là hai nhiệm vụ song song cần đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia đòi hỏi nhiều sự sáng tạo trong thời đại “công nghệ số” hiện nay. Nếu giới thiệu bảo vật đang được trưng bày với biển tóm tắt nội dung đơn thuần sẽ không chuyển tải đủ thông tin ý nghĩa lịch sử đặc biệt của hiện vật tới công chúng tham quan. Do vậy, cần có nhiều giải pháp trưng bày mới lạ, độc đáo để tạo sự hấp dẫn đối với những hiện vật đặc biệt này.

Xe tăng T-54B số hiệu 843 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Mỗi hồ sơ của 4 Bảo vật quốc gia này gồm nhiều tài liệu hiện đang lưu giữ tại Phòng Kiểm kê -Bảo quản/ Bảo tàng LSQS Việt Nam với đầy đủ hồ sơ lý lịch cả về lịch sử, kĩ thuật cũng như các tài liệu liên quan như các bài báo đã viết về các hiện vật này. Trong đó, có những phỏng vấn các nhân chứng lịch sử trực tiếp trao đổi về hiện vật được ghi chép, chụp ảnh, ghi hình là những tài liệu cơ sở quan trọng để phát huy giá trị các bảo vật về sau.

Đối với hiện vật có giá trị đặc biệt, cần phải có phương pháp giới thiệu tương xứng. Ngày nay, trên thế giới, nhiều bảo tàng đã giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật, hiện vật tiêu biểu bằng âm thanh và hình ảnh ngay tại nơi trưng bày hiện vật để công chúng tham quan có điều kiện tương tác với thông tin xung quanh hiện vật. Tại Việt Nam, với nền tảng công nghệ thông tin như hiện nay, chúng ta nên đưa thêm thông tin về Bảo vật quốc gia hay những câu chuyện xung quanh như phim tư liệu lịch sử về thời khắc lịch sử xe tăng T54B số hiệu 834 cùng hình ảnh các chiến sĩ Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn qua màn hình cảm ứng, màn hình vi tính hay Audio guide… để giới thiệu đầy đủ tới công chúng đến với bảo tàng ngay tại địa điểm trưng bày hiện vật thì giá trị của hiện vật dễ dàng được lan toả, thẩm thấu trong lòng công chúng hơn.

Bản đồ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh" trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia: “Các Bảo vật quốc gia có giá trị rất cao nhưng nhiều nơi chưa có điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị tương ứng của nó”.

Theo quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2009: “Bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản với chế độ đặc biệt” đồng thời Luật cũng quy định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia”. Tuy vậy, nhìn lại thực tế 5 năm qua kể từ khi các hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt đầu (ngày 01-10- 2012) đến nay Nhà nước chưa có một nguồn kinh phí nào dành riêng cho các hiện vật này. “Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đáp ứng nhu cầu về văn hoá ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới” (*), đề nghị Cục Di sản Văn hóa tiếp tục tham mưu đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cơ chế, chính sách cùng nguồn kinh phí riêng phù hợp với “hiện vật có giá trị đặc biệt” để các cơ quan, đơn vị có điều kiện thuận lợi hơn trong bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các bảo vật.

Hoàng Trung Hiếu

Top