Bảo tàng Hồ Chí Minh - 46 năm giữ gìn và phát huy Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh
1- Công tác nghiên cứu tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh
Sau 20 năm chuẩn bị khoa học, giữ gìn và phát huy Di tích Phủ Chủ tịch, xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức…, ngày 19-5-1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song, để tiếp tục phát huy những giá trị to lớn của công trình văn hóa lịch sử, xứng đáng là một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng, tuyên truyền tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các thế hệ hôm nay và mai sau Bảo tàng phải cố gắng rất nhiều. Trong nhiều năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều công sức cho việc mở rộng các hình thức tuyên truyền và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Liên tục 7 ngày trong tuần, kể cả những ngày lễ, tết và chủ nhật, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn là “giảng đường”, là địa chỉ mở rộng cửa đón và hướng dẫn khách tham quan một cách chu đáo hiệu quả. Từ tháng 1-2005 đến tháng 11-2010, Bảo tàng đã đón và phục vụ 6.770.188 lượt khách, trong đó có 1.138.420 lượt khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
Để đáp ứng cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả và chất lượng, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học. Các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học thường xuyên được tổ chức. Từ năm 2005 đến 2010, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công 12 cuộc hội thảo và tọa đàm khoa học về Hồ Chí Minh, thực hiện thành công 4 đề tài khoa học cấp bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở. Sản phẩm của các đề tài được đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn, góp phần bổ sung, đính chính những tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng bản thảo, tổ chức biên tập, xuất bản 19 đầu sách, 28 số Nội san với các nội dung phong phú, thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu tuyên truyền. Đáng chú ý là hai cuốn sách Kỷ niệm về Bác và Bác Hồ sống mãi với chúng ta đã phát hành rộng rãi, được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao.
Nhiều năm qua, Bảo tàng cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng chục cuộc triển lãm quy mô lớn tại Hà Nội, các địa phương và nước ngoài nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và những sự kiện đặc biệt. Đây là hình thức tuyên truyền phổ biến và rất hiệu quả ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Du khách đến tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh - Ảnh: Joerg Reichel
Công tác tuyên truyền ngoài bảo tàng ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về hình thức, thể loại và đạt hiệu quả, chất lượng cao. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng nhiều chương trình giới thiệu về bảo tàng và các hoạt động của Bảo tàng, viết bài đăng báo, tổ chức các buổi nói chuyện về Hồ Chí Minh, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng nội dung các chương trình như: Theo dòng lịch sử, Hành trình văn hóa, Vượt qua thử thách, Giáo dục học đường, Mỗi ngày một cuốn sách, Chào buổi sáng…
2- Công tác bảo quản di sản văn hóa Hồ Chí Minh
Bằng sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, trong những năm qua, công tác sưu tầm, kiểm kê bảo quản, nghiên cứu xác minh tư liệu hiện vật của Bảo tàng đã được tiến hành nghiêm túc và khoa học. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức các đoàn đi sưu tầm ở Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Đài Loan và nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ tính từ năm 2005 đến 2009, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm được 3.424 tài liệu, hiện vật, trong đó có hàng trăm tài liệu bút tích và tài liệu gốc rất quý. Cùng với việc đi sưu tầm, Bảo tàng đã tổ chức nhiều lễ tiếp nhận và nhận được hàng ngàn tài liệu, hiện vật của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước trao tặng. Năm 2006, Tổng thống Nga Putin đã tặng hơn 50 tài liệu, ảnh quý về Bác Hồ, năm 2008, tiếp nhận 57 phim do nhà báo Đức tặng qua Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, tiếp nhận 140 tài liệu ảnh do Đại sứ quán Bungari tại Việt Nam trao tặng.
Nhằm bảo quản lâu dài và quản lý chặt chẽ các tài liệu, hiện vật đang lưu giữ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu, kiểm kê, xây dựng các hồ sơ khoa học, và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác kho, thực hiện tin học hóa các sưu tập tài liệu, hiện vật giúp cho công tác quản lý và phục vụ khai thác các tài liệu hiện vật một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ hơn 13 vạn tài liệu hiện vật; kho Tư liệu Thư viện lưu giữ hàng vạn tư liệu và sách báo về Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều năm, qua Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cung cấp hàng ngàn tài liệu, hiện vật, phim ảnh cho các đơn vị, cá nhân, nghiên cứu triển khai các công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ về Hồ Chí Minh và xây dựng những bộ phim, tổ chức các triển lãm chuyên đề về Người.
Tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh bằng đồng bên trong bảo tàng - Ảnh: Keegan Govender
3- Công tác phát huy di sản Hồ Chí Minh ở các Bảo tàng và Di tích lưu niệm trong cả nước
Sau ngày Bác Hồ đi xa, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng đã cho phép khôi phục các khu lưu niệm về Người. Cùng với việc giữ gìn, bảo quản Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, trong các năm 1970-1971, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương xây dựng nhà trưng bày bổ sung di tích ở các khu di tích Kim Liên, Pác Bó, Tân Trào. Một số di tích lưu niệm khác như: Nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, Hà Đông, Khu mộ cụ Phó bảng, Di tích Bến cảng Nhà Rồng, các Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Huế, Đà Nẵng, Gia Lai… cũng dần dần được khôi phục, xây dựng và mở cửa đón khách.
46 năm qua, hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến hết sức mình, không ngừng học tập để phát triển và đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng: gìn giữ, sưu tầm hàng nghìn tài liệu, hiện vật bổ sung cho kho cơ sở và cho trưng bày, hoàn thành việc kiểm kê phổ thông cho 663 di tích về Hồ Chí Minh trong cả nước. Đặc biệt, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp và giới thiệu cho hàng chục triệu đồng bào trong cả nước và bạn bè quốc tế tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ tính từ năm 2005 đến 2009, các bảo tàng và di tích lưu niệm thuộc hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón tiếp 17.969.607 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
4- Phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh ở nước ngoài
Gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài và sau này là những chuyến đi thăm hữu nghị các nước anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên 42 nước trên thế giới ở khắp các châu lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ. Trong những năm tháng ấy, ở mỗi nơi Người đi qua đều ghi lại những dấu ấn quan trọng.
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân, các nhà khoa học ở một số nước như Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào, Nga… nghiên cứu, bảo tồn các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và sưu tầm các tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người.
Phần trưng bày về quê hương, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh bên trong Bảo tàng Hồ Chí Minh - Ảnh: Brenton Sewart
Điển hình là ở Pháp, những năm 80 của thế kỷ trước, theo quy hoạch của thành phố Pari, ngôi nhà số 9 ngõ hẻm Compoint, Pari, nơi Nguyễn Ái Quốc đã sinh sống và làm việc bị phá đi để xây dựng lại. Nhờ sự vận động giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và sự ủng hộ của kiều bào, chính quyền địa phương đã đồng ý gắn biển lưu niệm ghi dấu nơi này.
Năm 2000, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã hợp tác với chính quyền thành phố Montreuil và Bảo tàng Lịch sử sống Montreiul khánh thành không gian Hồ Chí Minh. Năm 2005, tiến hành đặt tượng Hồ Chí Minh tại Công viên Montreauil (thành phố Montreuil).
Ở Trung Quốc, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử cách mạng Quảng Đông tổ chức khôi phục, tôn tạo di tích nhà số 13.1 (nay là 248-250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, phối hợp với Bảo tàng thành phố Liễu Châu tổ chức khôi phục và trưng bày di tích nhà số 2 đường Liễu Thạch, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, phối hợp với Viện KHXH tỉnh Quảng Tây nghiên cứu và xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Tây v.v…
Tại Thái Lan, đầu năm 2004, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Thái Lan, Trung tâm Văn hóa và Thương mại tỉnh Nakhon Phanom khôi phục lại Di tích Bản Mạy. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp với bạn nghiên cứu để bảo tồn và phát huy tác dụng di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Noọng Ổn, huyện Mương, tỉnh Uđon Thani.
Tại Lào, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu khẳng định sự kiện Thầu Chín (Chủ tịch Hồ Chí Minh), trong thời gian hoạt động ở Thái Lan những năm 1928-1929 đã tới Lào và hiện nay đang cùng Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản triển khai dự án xây dựng công trình ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Xiêng Vang, huyện Noọng Bôôc, tỉnh Khăm Muộn và ở thị xã Xavẳnnakhệt.
Đồng thời với việc phối hợp nghiên cứu bảo tồn, phát huy các di tích về Hồ Chí Minh ở nước ngoài, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các cơ quan, cá nhân các nhà khoa học ở nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Mêhicô tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, triển lãm, đặt tượng v.v.. về Hồ Chí Minh.
5- Công tác giữ gìn, bảo quản công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh
Năm 2000, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã hợp tác với chính quyền thành phố Montreuil và Bảo tàng Lịch sử sống Montreiul khánh thành không gian Hồ Chí Minh. Năm 2005, tiến hành đặt tượng Hồ Chí Minh tại Công viên Montreauil (thành phố Montreuil). (Ảnh: TL)
Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 31-8-1985, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể. Với tốc độ thi công “thần tốc”, liên tục, không lệ thuộc vào thời tiết, vượt mọi khó khăn thử thách, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19-5-1990.
Bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình hữu nghị biểu hiện tình cảm kính trọng của nhân dân Liên Xô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và đó cũng là sự đóng góp hết sức to lớn của toàn Đảng và toàn dân ta, đặc biệt là của cán bộ, chiến sĩ, các nhà khoa học, các họa sĩ, kiến trúc sư… những người trực tiếp tham gia xây dựng công trình.
Hiểu được ý nghĩa to lớn đó, trong suốt 40 năm qua, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn được các thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh chăm sóc, giữ gìn, bảo quản, nâng cấp, chỉnh lý. Cây luôn xanh tươi và trổ hoa, tòa nhà luôn khang trang sạch đẹp, gần gũi, an toàn với hàng triệu đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập.
Những hoạt động cụ thể của Bảo tàng Hồ Chí Minh trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trong 40 năm qua là những đóng góp tích cực, bền bỉ vào sự nghiệp lớn lao của Đảng và nhân dân ta. Ghi nhận những đóng góp trên, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều phần thưởng cao quý:
- Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2010;
- Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2005;
- Nhiều cờ thưởng Luân lưu của Chính phủ;
- Nhiều Bằng khen, Cờ thưởng của Chính phủ và của Bộ VHTTDL;
- Đảng bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tiêu biểu và nhận được nhiều Bằng khen của Đảng bộ khối các cơ quan TW và Đảng bộ Bộ VHTTDL.
- Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Trung đội Tự vệ Bảo tàng Hồ Chí Minh hàng năm đều được cấp trên khen thưởng.
TS Chu Đức Tình