Chùa Bà Mã Châu

Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cà Mau, chùa Bà Mã Châu được xây dựng từ năm 1882, là biểu tượng văn hóa tâm linh của người Hoa nơi này.

Chùa có tên chữ là Thánh Hậu Cung. “Cung”, trong tiếng Hán có nghĩa là “miếu”, nhưng người Việt không quen sử dụng từ “miếu” mà chỉ quen dùng từ “chùa” với ý nguyện nâng giá trị tâm linh của miếu lên một bậc. Theo phong thủy, chùa tọa lạc nơi có địa thế “giao long đắc địa”. Được cất vào năm 1882, khi những lưu dân người Hoa từ Trung Quốc thuộc nhóm di thần nhà Minh không thần phục chế độ Mãn Thanh lên cai trị đất nước, di dân sang định cư tại đây. Cũng như các địa phương khác, người Hoa ở Cà Mau chỉ lập chùa thờ Ông và thờ Bà, rất hiếm khi họ có chùa thờ Phật, theo chính danh, mà họ gọi là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Chùa Ông thờ Bổn đầu công Trịnh Hòa, còn chùa Bà thờ Bà Mã Châu. Cho nên, người ta thường gọi chùa Bà Mã Châu vừa ngắn gọn vừa không văn hoa chữ nghĩa như Thiên Hậu Cung.

Có một vài truyền thuyết về ngôi chùa này. Bà Mã Châu là một phụ nữ quê ở Phù Điền (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), tên thật là Lâm Mật Nương. Lên 6 tuổi, Bà làu thông kinh Thư, kinh Thi, lại giỏi y lý, bốc thuốc chữa bệnh thật đại tài cho dân không lấy tiền. Vốn xuất thân từ một gia đình đánh bắt cá, cha lại là Tổng quản tuần tra trên biển, nên Bà có biệt tài dự đoán chính xác mọi rủi ro trên biển. Nhờ vậy mà tàu thuyền trước lúc ra khơi đều đến tham vấn Bà. Bà mất ngày 9 - 9 Âm lịch, năm 988, khi mới 28 tuổi. Tương truyền, khi Bà qua đời, vẫn còn hiển linh nơi biển cả và thường cứu giúp những ngư dân gặp nạn ngoài trùng dương nên được Vua Càn Long phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Và Bà được lập đền thờ, khắp những nơi nào có người Hoa định cư. Người Hoa gọi Bà là “A Phò”, “Phò Miếu”, có nghĩa là “Đức Bà”.

(Ảnh: TL)

Lại có truyền thuyết kể rằng, Bà là con út trong gia đình có một trai và sáu gái của ông Lâm Nguyện và bà Vương Thị. Từ khi sinh ra đến lúc đầy tháng, người ta chẳng hề nghe thấy tiếng bà khóc, vì vậy bà có tên là mặc nương. Lúc lên bốn, năm tuổi bà đã tỏ ra rất thông minh và từ tám tuổi, bà được theo thầy học chữ. Tất cả những sách đã đọc, bà thuộc rất lâu và hiểu rõ ý nghĩa của từng cuốn. Lớn lên, bà quyết chí không lập gia đình, ở vậy và làm việc thiện gúp người cứu đời. Bà thường xuyên nghiên cứu y lý, chừa bệnh và chỉ dạy người đời biết cách phòng ngừa ốm đau, trị bệnh. Do được sinh ra và lớn lên ở vùng biển nên bà tinh thông khí tượng, thủy văn, thủy triều, thường chỉ giúp các ghe đánh cá, thương thuyền về tình hình thời tiết. Đến 16 tuổi, một hôm khí trời biến đổi, cuồng phong nổi đậy, sóng biển gầm thét, cha và anh của bà đi biển nhưng không về, bà linh cảm có chuyên không may xảy ra cho hai người thân ấy của mình. Bà đã khóc ròng khẩn cầu và như có phép lạ, gió to sóng lớn tự nhiên tan biến, trời yên biển lặng trở lại. Bà chèo ghe ra biển tìm cha và anh. Cuối cùng, trong biển cả mênh mông ấy, bà đã tìm cứu được cha đem vào bờ, sau đó lại trở ra biển tìm vớt xác anh để đem về chôn cất. Ngày 9 tháng 9 năm Đinh Hợi (năm 987 Dương lịch), vào lúc hoàng hôn, bà lên núi Mỹ Sơn và đã thoát phàm trần, nhập thiên thai, đắc đạo. Từ đó về sau, những ngư dân đi biển thường nhìn thấy bà mặc áo bào màu đỏ bay lượn trên biển cả để cứu giúp người gặp nạn. Vì vậy, những người đi biển và cư dân vùng biển đều thỉnh hình bà để thờ cúng, cầu xin bà phù hộ được bình an, làm ăn thuận lợi. Thần nữ là danh truyền của bà qua nhiều triều đại. Bà còn được sắc phong là Thuận Tế thời nhà Tống, Linh Tế thời nhà Nguyễn, Hộ Quốc Tí Dân Thiên Phi thời nhà Minh và Thiên Hậu thời nhà Thanh… thời nay, dân gian sùng phụng bà là Thiên thượng Thánh mẫu.

(Ảnh: TL)

Chùa Bà Mã Châu đầu tiên là một mái lá đơn sơ. Đến mùa hè năm 1903, Hội quán Ban Tiều Cà Mau đã chung sức xây dựng lại với lối kiến trúc đậm sắc thái Trung Hoa, đặc biệt là nét kiến trúc cuối đời Minh, với hình quả ấn nhìn từ chánh điện. Mái chùa có những đầu đao cong vút. Bên trong chùa có lối kiến trúc theo thế Thiên tỉnh (Giếng trời). Chùa cất bằng các bệ đá được chở từ cảng Hạ Môn - Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) sang. Giữa tiền sảnh chùa có dòng chữ đỏ Thiên Hậu Cung (Miếu Thiên Hậu), Hà thanh hải yến (Thiên hạ thái bình), đôi con kỳ hươu tả hữu tượng trưng cho sự bằng an kiết tường. Trong chính điện, không khí hết sức trang nghiêm, xung quanh có nhiều câu đối màu đỏ, khói nhang luôn nghi ngút, huyền ảo. Giữa chánh điện thờ tượng Bà, bên dưới điện thờ thần Hổ, hai bên tả hữu thờ Thổ thần và Thần hoàng bổn cảnh. Qua các đợt trùng tu, chùa Bà vẫn giữ nét uy nghiêm, cổ kính ban sơ với những hình tượng, con người… đi từ truyền thuyết. Vẫn mái ngói uốn hình rồng bay, vẫn cột gỗ nhẵn bóng trụ trên phiến đá đẽo gọt công phu, vẫn những bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng ẩn trong quần thể chung đạt nét trầm rất riêng tư…

Ngày nay, chùa bà Mã Châu được xem là một trong những hội quán xôm tụ của cả cộng đồng, gồm người Kinh, người Hoa và người Khmer.

                                                Hồng Chinh (Tổng hợp)

Top