Armenia

Armenia là một quốc gia nhỏ nằm trên giao điểm giữa châu Âu và châu Á, thuộc Tây Nam Á, được mệnh danh là viên ngọc quý của vùng Caucasus. Armenia sở hữu những cảnh đẹp tuyệt vời từ cao nguyên trải dài mênh mông, núi cao hùng vĩ cho đến những tu viện trầm mặc và những bia đá chứa đựng bí ẩn của lịch sử.

Là một trong những đất nước theo đạo Thiên Chúa đầu tiên trên thế giới, Armenia sở hữu hàng chục tu viện cổ nằm trên đỉnh núi và nhiều thánh đường ẩn khuất trong rừng sâu đã được xây dựng từ ngàn năm trước. Thủ đô Yerevan của Armenia có rất nhiều nhà thờ cổ lớn nhỏ với lối kiến trúc đặc sắc, mỗi công trình trong quần thể nhà thờ đều gắn liền với một điển tích tôn giáo nào đó. Nói đến kiến trúc nhà thờ thì thánh đường Surb Zoravor hoàn thành vào năm 1694 ở Thủ đô Yerevan, là niềm tự hào của người Armenia.

Thủ đô Yerevan được thành lập từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên cùng với việc thiết lập pháo đài Urartia Erebuni. Vùng đất dưới chân dãy Ararat này được coi là cái nôi của đạo Thiên Chúa, nơi Chúa Jesu đã chỉ tay vào một tảng đá và nói rằng: “Ðây là cái nôi của loài người”. Xung quanh tảng đá thiêng đó, vào thế kỷ XI, người ta đã xây dựng nhà thờ Saint Sarkis uy nghiêm, trái tim của Yerevan cho đến ngày nay.

Thủ đô Yerevan được thành lập từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên. Ảnh: internet

Yerevan ngày nay được quy hoạch rất hiện đại. Sau nhiều năm xây dựng, Yerevan đã có hàng loạt kiến trúc mới thay thế dần các công trình được xây trong thời kỳ Xô Viết. Thành phố êm đềm và rực rỡ, tràn sức sống với những nhà hàng, quán cà phê được trang trí ngập tràn hoa. Phụ nữ nơi đây rất quyến rũ với cặp mắt to đen, nụ cười rạng rỡ, trang phục thanh lịch. Sự hiếu khách chân thành của người Armenia có thể thấy ở bất cứ đâu. Khi đi qua khu chợ chuyên bán trái cây có đặc sản là trái cây sấy khô và trái cây muối, du khách sẽ được những người bán hàng niềm nở mời nếm thử đặc sản của Armenia.

Các tuyến du lịch vòng quanh Yerevan bắt đầu từ Quảng trường Cộng hòa được xây theo phong cách Tân cổ điển. Bao quanh Quảng trường có nhiều công trình kiến trúc lớn như Bảo tàng Quốc gia, Tòa nhà Quốc hội… Khu vực Quảng trường này đẹp, sang trọng, bề thế song vẫn toát lên vẻ thanh lịch. Gần Quảng trường tấp nập là khu chợ Vernisage chuyên bán đồ thủ công mỹ nghệ và nổi tiếng có nhiều tác phẩm tinh xảo độc đáo. Các mặt hàng tiêu biểu là đồ khắc gỗ, đồ cổ, đăng ten, tấm thảm dệt tay hoa văn sắc sảo, trang sức khảm Obsidian (một loại đá quý màu sẫm chỉ có tại địa phương).  Nghề kim hoàn Armenia có truyền thống lâu đời và có phong cách rất riêng, trong chợ có khu vực dành riêng để trưng bày và bán những bộ sưu tập bằng vàng. Chợ chỉ họp vào dịp cuối tuần.

Ảnh: internet

Lịch sử lâu dài của Armenia trên ngã tư đường của các đế chế cổ đại khiến nơi đây trở thành địa điểm tuyệt vời để khám phá di tích cổ. Các di chỉ khảo cổ thời Trung cổ, thời đại đồ sắt, đồ đồng và thậm chí thời đồ đá chỉ cách thành phố vài giờ đi xe.

Trái ngược với vẻ sang trọng, sầm uất ở Thủ đô, khu ngoại ô có vẻ đơn sơ đến mức nghèo nàn. Ở đó, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe đạp hoặc xe hơi Lada cũ kỹ, cồng kềnh thường thấy trong các bộ phim Liên Xô cũ. Nhưng bù lại, thiên nhiên miền quê của Armenia tuyệt đẹp. Sau khi băng qua nhiều con đèo rất ngoạn mục, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ với các dãy núi cao, ngọn phủ băng tuyết lấp lánh. Dưới chân núi là thung lũng bạt ngàn hoa dại đua nhau khoe sắc đón nắng ấm.

Một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất Armenia là hồ Sevan, hồ lớn nhất ở quốc gia này và cũng là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới nằm ở cao nguyên, có diện tích bề mặt là 940km2. Nước hồ xanh trong như ngọc bích, dọc đường ven hồ thi thoảng có những tu viện nhỏ cổ kính nhìn đẹp như tranh. Gần Hồ có nghĩa trang Noraduz, một nghĩa trang nổi tiếng có hàng loạt bia đá được tạo tác như những tác phẩm nghệ thuật. Truyền thống Công giáo lâu đời ở Armenia được thể hiện một phần không nhỏ qua những bia đá được làm vô cùng công phu và tinh xảo này. Trên diện tích chừng 7ha có khoảng một ngàn chiếc bia được chạm trổ cầu kỳ. Một số bia rất đẹp được làm từ thế kỷ thứ XVI và XVII khi mà Armenia còn là thuộc địa của người Ba Tư. Là nghĩa trang cổ nhưng Noraduz không có vẻ đìu hiu, cô quạnh, ngược lại rất tấp nập, đông vui.  Phía sau bia đá luôn có mấy cụ bà ngồi ngồi bán tất hay mũ len do chính họ đan. Còn những cô bé xinh xắn bán hàng lưu niệm thì ríu rít nhảy lò cò quanh các bụi hoa dại sặc sỡ.

Thiên nhiên miền quê của Armenia tuyệt đẹp. Ảnh: internet

Núi Ararat là núi cao nhất trong vùng và từng là một phần của Armenia cho tới khoảng năm 1915, khi nó rơi vào tay nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Người Armenia luôn coi núi Ararat là biểu tượng của họ. Ðứng ở bất kỳ nơi nào tại Yerevan người ta cũng nhìn thấy đỉnh núi huyền thoại này. Kinh Thánh kể rằng Noah đã dùng một con tàu để tránh bị diệt vong trong trận đại hồng thủy. Ngày nay, trên đỉnh núi Ararat vẫn còn dấu tích của con tàu đó. Người Armenia luôn coi núi Ararat là biểu tượng của họ. Trong con dấu xuất nhập cảnh của hải quan đóng lên hộ chiếu của du khách đều có biểu tượng núi Ararat. Do Armenia và Thổ Nhĩ kỳ vẫn hận thù nhau đến giờ nên Thổ Nhĩ Kỳ không mở cửa biên giới cho người Armenia qua. Vì thế, phần lớn dân Armenia chỉ có thể nhìn thấy mà không thể đến được Ararat. Ðiều an ủi người Armenia là tuy không còn được chạm tay vào Ararat song họ có góc nhìn ngọn núi này đẹp nhất. Dù thế nào đi nữa thì núi thiêng Ararat luôn là thánh địa trong tim người Armenia.

Tu viện Tatev là một trong những điểm tham quan ngoạn mục nhất ở Cộng hòa Armenia, được xây dựng từ thời Trung Cổ có nét đẹp cổ kính và huyền bí. Tu viện Tatev nằm trên cao nguyên bazan rộng lớn gần ngôi làng cùng tên trong tỉnh Syunik, ở phía Ðông Nam Cộng hòa Armenia. Tu viện Tatev kiên cố bao gồm ba nhà thờ, một thư viện, phòng ăn, tháp chuông, lăng mộ cũng như các tòa nhà hành chính và công trình phụ trợ khác.

Một trong những kỳ quan thiên nhiên trên sông Vorotan ở Armenia là cây cầu quỷ dữ. Ðây là một cây cầu đá tự nhiên tuyệt đẹp treo trên sông với chiều rộng 150m và chiều dài 170m. Cây cầu này được hình thành từ đá vôi và có bề mặt phẳng, chiều cao cây cầu nằm trên mực nước sông 50m, được kết nối với phía bờ bên kia để qua sông.

Ðến với Armenia, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những thảm cỏ xanh mướt trên triền núi, cao nguyên trải dài tít tắp, ngọn núi cao… là những di sản thế giới ở Armenia khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Armenia còn có nhiều sự kiện văn hóa đa màu sắc như: lễ hội dân tộc, triển lãm nghệ thuật, nhạc thính phòng, opera, múa ballet và múa hiện đại, nhạc nhẹ và jazz, thường xuyên được các nghệ sĩ địa phương biểu diễn ở  các nhà hát,  đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của từng thể loại. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, mến khách của người dân cũng chính là sức hút không nhỏ khiến Armenia trở thành điểm du lịch hút du khách.

Diện tích: 29.743 km2.

Dân số: 3.027.600 người (2013).

Thủ đô: Yerevan.

Ngôn ngữ: Tiếng Armenia; tiếng Nga cũng được sử dụng.

Tôn giáo: Ðạo Chính thống Armenia (94%).

Quốc khánh: 21-9 (1991).

Tổ chức nhà nước: Cộng hòa

Ðơn vị tiền tệ: đồng Dram (AMD). 1 USD = 410 AMD (tháng 12-2013).

Khí hậu: Lục địa cao nguyên, mùa hè nóng, mùa đông lạnh. Lượng mưa trung bình: 200-400 mm.

Ðịa hình: Cao nguyên nhiều núi; các dòng sông chảy xiết; đất phì nhiêu ở lưu vực sông Aras.

Tài nguyên thiên nhiên: Vàng (trữ lượng nhỏ), đồng, mô-lip-đen; kẽm, a-lu-min.

Các dân tộc: Người Armenia (93%), Azerbaijan (3%), Nga (2%), các dân tộc khác (2%)

Sản phẩm công nghiệp: Hàng điện tử, kim loại, thực phẩm, thuốc lá, đồ trang sức.

Sản phẩm nông nghiệp: Thuốc lá, thịt gia súc, sữa.

Thu Hà

Có thể bạn quan tâm

Top