Di tích Quốc gia Đình Bình Mỹ

Đình thần Bình Mỹ nằm cạnh rạch Hóa Cù, thuộc ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ngôi đình được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000 và trở thành Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2015.

Theo tài liệu của Ban Quý tế đình Bình Mỹ ghi lại, thôn Long Mỹ và ngôi đình ra đời năm 1786. Ðến năm 1816, thôn Long Mỹ tách thành hai thôn Bình Long và Bình Mỹ, đình được xây dựng lại và đặt tên là đình Bình Mỹ. Chi tiết này không chính xác.

Nếu tính theo địa bàn Châu Phú ngày nay, thời Gia Long ở vùng đất này có ba thôn là Bình Thạnh Tây, Bình Trung, Bình Lâm. Ðến thời Minh Mạng, thôn Bình Thạnh Tây trở thành Vĩnh Thạnh Trung, Bình Trung trở thành Bình Mỹ và có thêm thôn mới là Mỹ Ðức. Ðịa danh Bình Long xuất hiện từ khoảng năm 1876, vậy không hề có thôn Long Mỹ như tài liệu của Ban Quý tế Ðình Bình Mỹ đã lưu truyền.

Ngôi đình Bình Mỹ như kiến trúc hiện nay được xây dựng vào năm 1890, đến năm 1928 được trùng tu lại theo mẫu kiến trúc của đình Châu Phú (TP. Châu Ðốc). Nóc đình dạng cổ lầu gồm bốn bộ chính và sáu bộ phụ, mái tam cấp lợp ngói ống, trang trí nhiều hình tượng bát tiên, linh thú, hoa văn… Mặt tiền trang nhã với các đường cong mềm mại của dạng cửa vòm, nền vàng viền chỉ trắng, xen lẫn liễn đối và hoa văn trang trí.

Ngôi đình Bình Mỹ như kiến trúc hiện nay được xây dựng vào năm 1890, đến năm 1928 được trùng tu lại theo mẫu kiến trúc của đình Châu Phú (TP. Châu Ðốc). Ảnh: internet

Nội thất đình kết cấu bởi cột gỗ tròn làm từ danh mộc. Chánh điện được trang trí nổi bật bởi các hoành phi, liễn đối chạm khắc cầu kỳ, sơn son thếp vàng sống động. Về bày trí thờ tự, đi từ ngoài vào có hai bàn thờ đối xứng hai bên là Hữu văn ban và Tả võ bá, khoảng giữa là bàn thờ Hội đồng, trên cao nhất phía trong cùng là bàn thờ Thành hoàng Bổn Cảnh, thờ vọng chân dung Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Hai cặp vách là hai dãy bàn thờ đối xứng gồm: Tả ban - Hữu ban, Tiền hiền - Hậu hiền, Tiền cố hương lão - Chúa xứ sơn quân. 

Ðình tổ chức Lễ Kỳ Yên ngày 18-19-20 tháng 4 Âm lịch, Lễ Lạp Miếu ngày 19-20 tháng 12 Âm lịch. Ðình có Sắc phong cho Thành hoàng Bổn cảnh vào năm Khải Ðịnh thứ 9 (1924) với nội dung:

Sắc Châu Ðốc tỉnh, An Lương tổng, Bình Mỹ thôn phụng sự Bổn cảnh Thành hoàng tôn thần hộ quốc tý dân. Nẫm trứ linh ứng, tứ kim chánh trực, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ phong vi Ðôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Khải Ðịnh cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhựt”.

Dịch nghĩa:

Sắc cho thôn Bình Mỹ, tổng An Lương, tỉnh Châu Ðốc, được thờ phụng vị thần sở tại đã từng giữ nước giúp dân. Xưa từng linh ứng, nay nhân dịp Trẫm tứ tuần đại khánh, ban chiếu báo mở rộng ân đức, phong là Ðôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Cho phép thờ phụng để thần che chở dân ta. Kính nghe! Khải Ðịnh năm thứ chín ngày hai mươi lăm tháng bảy.

Vĩnh Thông

Top