Ảnh hưởng của người Thái đối với các tộc người Môn - Khơme ở miền Bắc Việt Nam

Nhóm cư dân Môn - Khơme có 5 tộc người: Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun, cư trú ở các tỉnh Tây Bắc, tộc người Ơ Đu ở Nghệ An. Họ đã dần hòa vào khối người Thái: nói tiếng Thái, ở nhà sàn kiểu Thái, mang trang phục của người Thái…

Khu vực Tây Bắc Việt Nam và miền núi các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người khác nhau, trong đó chiếm số lượng đông đảo nhất là người Thái. Ở đó, các dân tộc khác luôn chịu sự chi phối khá mạnh mẽ của hệ thống quản lý xã hội truyền thống Thái, chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn hóa Thái. Tiếng Thái trở thành công cụ giao tiếp chung của vùng. Điều này thể hiện rõ nhất ở nhóm cư dân Môn - Khơme.

Ngôn ngữ Thái

Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme ở Bắc Việt Nam đều có ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống cạnh người Thái, họ đã bị ảnh hưởng ít nhiều ngôn ngữ của người Thái, nhất là đối với các dân tộc có số dân ít.

Sự “đồng hóa” về mặt ngôn ngữ ở Tây Bắc diễn ra khá rõ ràng. Tiếng Thái trước đây được coi là ngôn ngữ phổ thông của khu vực này. Trong quan hệ tộc người, các chúa đất Thái đã từng là “chẩu đin” (chúa đất) và các nhóm cư dân Môn - Khơme trong đại bộ phận các trường hợp đã biến thành cuông, nhốc, tày thín (lệ nông).

Người Ơ Đu ở Nghệ An là tộc người điển hình của sự “Thái hóa”. Họ chỉ còn ý thức về tộc danh Ơ Đu của mình, còn toàn bộ các tiêu chí về đặc trưng sinh hoạt - văn hóa, ngôn ngữ thì đã hoàn toàn giống người Thái. Tại xã Kim Đa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi có 337 người Ơ Đu đang sống tập trung tại 2 bản Kim Hoà, Xốp Pột và rải rác ở 3 bản còn lại. Người Ơ Đu sớm định cư, sống theo từng gia đình nhỏ, đời sống của họ chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, làm mộc, đan lát và buôn bán nhỏ… Dân tộc Ơ Đu có tiếng nói riêng theo ngữ hệ Môn - Khơme, có pha trộn nhiều yếu tố Việt - Mường. Hiện tại chỉ còn 4 cụ già người Ơ Đu biết nói và am hiểu tiếng mẹ đẻ của mình, những người Ơ Đu còn lại đều sử dụng tiếng Thái, Khơ Mú và tiếng phổ thông làm ngôn ngữ giao tiếp.

Tiếng Xinh Mun vay mượn khá nhiều từ của tiếng Thái. Về hệ thống số đếm, tiếng Xinh Mun chỉ giữ được 4 số đếm đầu, những số đếm còn lại đều dùng tiếng Thái. Người dân Xinh Mun đều biết và thông thạo tiếng Thái. Cá biệt, một số bản, người dân đã không biết, hoặc không nói mà chỉ nghe được tiếng mẹ đẻ. Đa số các tên riêng của người Xinh Mun đều gọi theo tiếng Thái.

Người Mảng sử dụng tiếng Mảng trong giao tiếp nội bộ dân tộc. Khi giao tiếp bên ngoài, họ sử dụng tiếng Thái và tiếng phổ thông.

Tộc người Kháng trong trang phục dân tộc gần giống với người Thái. Ảnh: Trí Bằng

Văn hóa Thái

Tây Bắc là khu vực có kết cấu tộc người đa dạng được coi là khu vực lịch sử - văn hóa. Ở vùng này, người Thái chiếm vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa và dân số nên những ảnh hưởng của văn hóa Thái nổi trội hơn cả. Nếp ăn, nếp ở đã tác động sâu sắc đến các cư dân láng giềng mà rõ nhất là các cư dân Môn - Khơme.

Đồng bào Khơmú chưa biết dệt loại vải may quần áo nên thường mang sản phẩn đồ đan lát của mình đổi lấy vải hay quần áo của người Thái để mặc. Vì vậy, cách ăn mặc của người Khơmú giống người Thái, chỉ có thể phân biệt họ với người Thái trên áo cánh của người phụ nữ Khơmú thường trang trí hàng tiền bạc và vỏ ốc. Trang phục của người Kháng cũng gần giống với trang phục người Thái, đặc biệt là Thái Đen với chiếc khăn piêu.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng bào Xá thường bị lệ thuộc vào xã hội người Thái, cư trú trong các mường của người Thái. Nhà của người Khơmú cũng có khau cút ở 2 đầu hồi nhà.

Người Kháng làm thuyền ngoài việc để dùng còn để bán cho người Thái. Người Thái có câu “thuyền tốt không bằng thuyền người Kháng, dao tốt không bằng dao người Lào”. Người Kháng cũng ăn xôi và làm món dưa chua bằng là ráy ngứa được gọi là ba tắm. Người Thái cũng làm món ba tắm và cho đây vốn là của người Kháng. Xã hội người Kháng nằm trong chế độ phìa tạo của người Thái và họ là đẳng cấp pụa, cuông, nhốc.

Người Ơ Đu có quan niệm về thế giới bên kia với những yếu tố Thái như: Then Luôn, Then Vi, Then Bắc, đặt các vị thần của mình vào điện thần của người Thái như Then Na. Số phận của con người ở trần gian bị chi phối bởi Then Bắc, một thứ Nam Tào, Bắc Đẩu theo quan niệm của người Thái.  Họ người Ơ Đu là vay mượn của người Thái.

Người Xinh Mun cũng mượn một số họ Thái như Lò, Vì, Lường, Cút, Mè, Hoàng…Trước đây, người Xinh Mun không biết nghề rèn và dệt, sau này, qua quá trình tiếp xúc, họ được học của người Thái. Người Xinh Mun cũng có tục làm nhà mồ như người Thái. Sau khi chôn cất xong, trước khi ra về, họ hàng mỗi người nhặt một hòn đá xếp quanh mộ.

Lãnh thổ tộc người và quan hệ dân tộc

Đồng bào Xinh Mun sống thành từng bản xen kẽ với bản của người Thái. Không ít trường hợp người Xinh Mun sống trong các bản làng của người Thái hết đời này qua đời khác, dần dần con cháu họ được coi là người Thái. Và như thế họ cũng sử dụng tên họ của người Thái.

Người Mảng chia làm hai nhóm địa phương là Mảng Hệ và Mảng Gứng. Mảng Hệ ở dưới thấp nên gần với người Thái, tiếp thu một số yếu tố văn hóa Thái, còn Mảng Gứng ở sườn núi lại gần gũi với người Hà Nhì, Mèo.

Việt Nam là một quốc gia đa tộc người. Trong quá trình lịch sử, các tộc người luôn có thay đổi về địa bàn sinh sống. Quá trình này diễn ra hàng nghìn năm cho tới tận ngày nay vẫn còn tiếp diễn và để lại bức tranh phân bố tộc người rất phức tạp. Trong bức tranh phân bố đó, việc cư trú xen kẽ làm xuất hiện những mối quan hệ giữa các tộc người, tạo ra những sự ảnh hưởng lẫn nhau, các tộc người nhỏ chịu sự ảnh hưởng từ các tộc người lớn hơn.

Sự ảnh hưởng của người Thái đối với các cư dân xung quanh, cụ thể là nhóm cư dân Môn – Khơme cũng là sự tất yếu của hiện tượng này. Hiện nay, trong lãnh thổ Việt Nam, 53 dân tộc đều chịu sự ảnh hưởng nhiều từ người Kinh và văn hóa Việt.

Ths Bùi Thu Loan

Top