Đi tìm nguồn gốc lịch sử và ông Tổ nghề đan cói Chi Lăng

Không giống với các làng nghề truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa có nghề mây tre đan cổ truyền, thôn Quế Ổ và một số thôn khác ở xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh lại có nghề đan các sản phẩm từ cói. Nguồn gốc lịch sử nghề đan bị cói

Theo “Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Võ”, Quế Võ xưa có nghề đan bị dó và nghề dệt chiếu buồm ở Đại Toán. Sách “Phong thổ Kinh Bắc” thời Lê ghi: “Bốn thôn Đại Toán đều dệt chiếu buồm, nhưng chiếu buồm xã Quế Ổ thật là tốt”.

Truyền thuyết về danh nhân dưới thời Lê kể về Nguyễn Đăng như sau: Ông quê ở xã Đại Toán, tổng Đại Toán, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn. Từ lúc thiếu thời, ông làm nghề đan và bán bị, ró. Đến tuổi 40 vẫn chưa được đi học. Một lần ông đi bán hàng qua sông Đuống thấy đứa trẻ bị mẹ mắng vì tội không chịu đi học, do đó ông quyết tâm đèn sách. Khi lên Thăng Long bán hàng, ông lân la đến hàng sách rồi làm ướt sách, xin phơi đền. Ông vừa giở từng trang đem phơi vừa phơi vừa học thuộc lòng ngay tại chỗ. Sau đó Nguyễn Đăng liên tiếp đỗ đầu các kỳ thi: thi Hương, thi Hội và khoa Nhâm Dần (1602) ông đỗ Hoàng giáp. Sau đó, Nhà vua mở thêm khoa thi“ứng chế” kén chọn nhân tài ngoại giao, ông lại đỗ đầu nên người đời gọi ông là “Tứ nguyên”. Năm 1613, ông được cử đi sứ sang bang giao với nhà Minh, với tài ứng đối kiệt xuất, Vua nhà Minh phong ông là “Trạng nguyên”. Trí sĩ về quê, ông mở trường dạy học tại làng Hán Đà, xã Hán Quảng, huyện Quế Võ. Hiện tại địa phương thôn Mai, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ còn ngôi từ đường của dòng họ có thờ Hoàng giáp Nguyễn Đăng. Lăng mộ ông được đặt tại thôn Đồng cùng xã. Đền thờ ông được dân làng Hán Đà xây dựng và thờ phụng.

Sách “Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm” của nhóm tác giả Đinh Gia Thuân, phần nghề thủ công dân gian có đoạn viết: Huyện Quế Dương có nghề đan chiếu buồm (đan chiếu cói, bị, ró) ở các xã Đại Toán, Quế Ổ, Mai Ổ, trong đó chỉ có xã Quế Ổ làm khéo nhất.

Những sản phẩm của làng nghề đan cói ở Chi Lăng bao gồm: bị, ró, chiếu buồm, vỉ buồm… cũng được đưa vào giải thích trong Từ điển tiếng Việt.

Tổ nghề đan cói ở Chi Lăng

Đan cói là nghề thủ công được truyền từ đời này sang đời khác, không có bí quyết làm nghề mà phổ biến để ai cũng có thể làm được (chỉ khác nhau ở mức độ đẹp xấu, cái này do trình độ và khả năng của mỗi người quy định) và chưa ai có tay nghề để được phong tặng nghệ nhân. Chưa có tư liệu nào cho biết ông Tổ của nghề đan cói là ai. Người dân thôn Đồng kể rằng, xưa làng thờ bà tổ truyền nghề đan cói cho dân làng vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm nhưng cũng không rõ lai lịch của bà Tổ nghề.

Trong “Quế Ổ Nguyễn Đức tộc phả” của dòng họ Nguyễn Đức ở đây có tư liệu ghi chép về Quế quận công Nguyễn Đức Uyên là đời thứ 10, thuộc chi Ất, là con của Ân quận công Nguyễn Đức Nhuận. Hiện không rõ năm sinh năm mất của ông, chỉ biết ông sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, phục vụ cho thế lực Chúa Trịnh: Dương vương Trịnh Tạc (1606 - 1682), Khang vương Trịnh Căn (1633- 1709) và Nhân vương Trịnh Cương (1709 - 1729). Ông là người trí dũng song toàn, thuở nhỏ đã theo cha là là Ân quận công Nguyễn Đức Nhuận Nam chinh đánh Chúa Nguyễn Hiền và tiễu trừ họ Mạc ở Cao Bằng, nhiều lần lập được công lớn. Đến khi Ân quận công mất, ông lại thay cha nắm binh quyền, lập nhiều kỳ tích được Chúa Trịnh vô cùng yêu mến, thăng chức Thự vệ, ban tước Quận công, lại đi dẹp yên giặc ở Ninh Thiếp ở châu Bố Chính, sau 3 năm hoàn thành công việc, quay về Triều, ông được Vương hết lời khen ngợi, ban cho chức Đề lĩnh tứ thành quân vụ, kiêm trấn thủ các xứ: Lạng Sơn, Hải Dương, An Quảng.

Khi làm quan Đề lĩnh tứ thành ở Hải Dương, ông đã có công lao lớn trong việc đắp đê ở 2 xã Dương Am và Ngãi Am, tổng Ngải Am, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) được nhân dân ở đây tôn làm Thành hoàng và nhang khói thờ phụng.

Vùng đất Trấn Dương xưa là một xã nằm ở vùng cửa sông ven biển, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, đặc biệt là vùng cửa sông, với các bãi bồi luôn rộng mở nên rất thuận lợi cho việc trồng cói và làm nghề đan lát chiếu cói. Làng nghề phát triển mạnh mẽ trong những năm 1960 - 1970 với sản phẩm chiếu cói Trấn Dương nổi tiếng. Có thể, nghề đan cói ở Quế Ổ xuất hiện từ thời gian này và do Quế quận công Nguyễn Đức Uyên mang về truyền nghề cho dân làng.

Bệ đá dùng để giã cói hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh

Giá trị văn hóa (lễ hội) của nghề đan cói

Khảo sát 5 làng nghề đan cói ở xã Chi Lăng cho thấy, các làng đều có lệ làng vào tháng 2 Âm lịch hàng năm. Chỉ riêng thôn Đồng có ngày giỗ Tổ nghề đan cói vào ngày 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm - là ngày hóa của bà Tổ truyền nghề cho dân làng. Đây cũng là ngày lễ khai xuân, sau nghi lễ thờ cúng này, dân làng mới tiến hành cày cấy trồng trọt và làm nghề đan lát.

Vào ngày lễ, dân làng tổ chức dâng lễ vật gồm hoa quả, trầu cau, cỗ mặn để tưởng nhớ về công lao của bà Tổ truyền nghề, sau đó xin lộc về ban cho con cháu. Trước năm 1945, dân làng tổ chức lễ hội quy mô lớn gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có tổ chức tế lễ và rước sắc. Phần hội có các trò chơi cờ tướng, tuồng, chèo. Đặc biệt, ở phần hội có tổ chức hội thi đan cói (chỉ tổ chức được 1 cuộc thi vào năm 1939). Ở 5 làng (Đại Toán, Đồng, Mai, Thủy, Mão), mỗi làng chọn ra một người đan giỏi nhất trong một thời gian nhất định phải đan xong 1 chiếc bị và 1 chiếc ró. Làng nào đan nhanh và đẹp thì giành phần thắng và nhận được phần thưởng của Ban tổ chức. Người dân qua cuộc thi cũng học được cách đan nhanh và đan đẹp về phát triển nghề của địa phương mình. Ngày nay, nghi lễ thờ cúng bà Tổ nghề đan được tổ chức kết hợp với ngày lệ làng (mồng 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm) với phần tế lễ, rước thánh ở đình và mở hội. Sau đó dân làng tổ chức ăn uống và thắp hương tưởng nhớ về bà tổ truyền nghề cho dân làng.

 Điều đặc biệt, từ chiếc bị ró của xã Chi Lăng mà dân làng Guột, Việt Hùng đã có trò chơi chạy Ró truyền thống. Gọi là chạy Ró vì hoạt động của trò chơi cần dùng đến chiếc Ró - một chiếc túi rộng được đan bằng cói hoặc thân cây bèo tây và thường dùng đựng thóc lúa. Trong trò chơi thì chiếc ró dùng để đựng một bộ trang phục của đủ mọi giới, mọi ngành nghề như bộ quần áo nam nữ công nhân, bộ đội hay trang phục của người Kinh Bắc xưa: áo tứ thân, áo the khăn xếp… Khi chơi trò này, mọi người vừa chạy vòng tròn vừa hóa trang mà không được đặt chiếc ró xuống đất. Kết thúc trò chơi, ai mặc trang phục nhanh, hoàn chỉnh và đẹp thì được trao giải nhất. Từ đời này sang đời khác, người dân làng Guột vẫn giữ gìn truyền dạy cho con cháu đời sau trò chơi dân gian chạy Ró. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quế Võ cũng lập hồ sơ đưa chạy Ró vào danh sách những trò chơi cần được bảo tồn.

Không rõ trò chơi chạy Ró hay nghề đan bị ró ở Chi Lăng có trước nhưng có một điều chắc chắn rằng, chiếc ró của người dân Chi Lăng là sản phẩm không thể thiếu của trò chơi truyền thống nơi đây và cho đến khi nào những chiếc bị ró này không còn thì trò chơi truyền thống này mới được thay thế bằng những sản phẩm hiện đại hơn.

Nghề đan bị dó ở xã Chi Lăng xuất hiện vào thời Lê, cách ngày nay khoảng hơn 400 năm, sản phẩm của làng không chỉ được tiêu thụ trong vùng mà còn khắp nơi trên cả nước trong đó có vùng Kẻ Chợ Thăng Long. Cho đến nay, với xu thế yêu chuộng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, làng nghề vẫn được duy trì và phát triển, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa.

                             Phan Thị An Ngọc

Top