Ấn Đồng "Phụng mệnh Bình hải tường quân chí ấn" thời Hồng Đức Vua Lê Thánh Tông
Ấn có kích thước 10x10x 1,5cm. Núm ấn hình chuôi vồ, cao 10cm, có mặt cắt hình ô van và được đúc khá cầu kỳ: giữa thót, trên và dưới phình tròn, khiến cho quả ấn đường bệ, uy nghi. Lưng ấn khắc hai dòng lạc khoản:
- Bên trái: “Hồng Đức thập niên nguyệt nhật tạo”;
- Bên phải: “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn”
Mặt ấn đúc 8 chữ triện “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn” với kĩ thuật đúc vô cùng tinh xảo, khiến cho người chiêm ngưỡng có cảm giác như từng con chữ được đúc rồi ghép lại trên mặt phẳng mà thành. Tuy nhiên, quan sát kỹ, mới hay, đây là kỹ thuật đúc thông phong, khiến cho cả khối chữ như nằm trên một mặt phẳng rỗng và mỗi con chữ như có một chân đế đỡ, tạo nên một triện thư tuyệt mĩ, ít thấy trên ấn chương Việt Nam mọi thời đại.
Qua dòng lạc khoản và tám chữ triện trên mặt ấn, ta có thể biết được đây là quả ấn được đúc vào Thời Hồng Đức, đời Vua Lê Thánh Tông và quả ấn này do một vị tướng phụng mệnh Nhà Vua làm nhiệm vụ chỉ huy một đội quân để bình yên vùng biển đảo của quốc gia Đại Việt, ít nhất là từ những năm 1479 đến 1497, sau 10 năm Vua Lê Thánh Tông lập niên hiệu thứ hai của thời đại ông trị vì.
Bình Hải hay Bình Di, Bình Nhung là một hiện tượng khá phổ biến ở thời Hồng Đức. Đó là một trong những thời kì vàng son nhất của lịch sử Việt Nam nói chung và Thời Lê sơ nói riêng, với rất nhiều những cuộc cải cách về hành chính, quân đội và luật pháp, đem đến những thành tựu rất đáng tự hào trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và nghệ thuật.
Bình Hải theo tư liệu hiện biết cho đến nay, thì đây là chứng cứ duy nhất còn lại, trong khi Bình Nhung đã được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng, năm 1479, có hai sự kiện quan trọng là: Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1479) Vua xuống chiếu nói về việc đi đánh Bồn Man là Cầm Công (ở phía Tây giáp Lào). Trong Chiếu nói, lần đánh Bồn Man “sai Thái úy Sùng quận công Lê Thọ Vực, Đoan Vũ hầu Trịnh Công Lộ, Diên Hà Bá Lệ Huy Cát, đeo ấn Tướng quân, trao cho 20 vạn quân tinh nhuệ, hẹn đến tháng 8 năm nay, chia đường tiến quân. Đến tháng 7, Vua xuống chiếu, thân đi đánh Bồn Man. Trong chiến dịch này Toàn thư còn cho hay: Chính Tây Tướng quân Lê Thọ Vực làm tiên phong đi đường chính và Phò mã Đô úy Đông quân đô đốc Phủ chưởng Phủ sự Đoan Vũ hầu Trịnh Công Lộ làm Chinh Di Tướng quân, đeo ấn Tướng quân.
Sự kiện năm 1479, Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Bồn Man là một sự kiện lớn, làm rung chuyển cả Vân Nam, Trung Quốc, ghi một cột mốc chói lọi thời đại Lê Thánh Tông.
Sự kiện này, có sự tham gia của Vua Lê Thánh Tông, lại được giao cho Phò mã Trịnh Công Lộ, nên đã được chính sử ghi chép kỹ càng. Tuy nhiên, ngoài chính sử, chúng ta cũng còn một chứng cứ thuyết phục khác, đó là quả ấn “Bình Nhung tướng quân chi ấn”, cũng được đúc vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479), hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, như là một minh họa không chỉ cho sự kiện nói trên mà còn là một minh chứng cho “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn” cũng nằm trong chiến lược chung của Vua Lê Thánh Tông trong việc phiên chế, củng cố, tăng cường lực lượng quân đội để giữ vững chủ quyền đất nước, giữ yên vùng biên viễn miền Bắc - Tây - Đông và mở rộng Đại Việt xuống phương Nam. Việc vị Vua đầu triều Lê Lợi, rồi đến Lê Thánh Tông và các vua kế vị, vượt qua lam sơn trướng khí vùng núi non Tây Bắc, Đông Bắc…đề thơ trên vách núi cũng nằm trong chiến lược bảo vệ và xác định chủ quyền quốc gia Đại Việt – như một nét hằng xuyên trong lịch sử dân tộc ta.
Bình Hải là một đội quân giống như Bình Man, Bình Di, Bình Nhung, nhưng có người cho rằng, đó là một sự mô phỏng mô hình Vệ Bình Hải, có từ Thời Hồng Vũ (1368 - 1398), Nhà Minh, khi người ta còn đọc được trong Minh sử, Thanh sử rằng, ở tỉnh Phúc Kiến từ đầu Thời Minh đã có một Vệ Bình Hải, để rồi, sau đó, xây nên một ngôi thành Bình Hải to lớn và đồ sộ, giữ vai trò trấn giữ vùng duyên hải nơi đây.
Việc có hay không sự tham bác một thiết chế Bình Hải Thời Hồng Vũ, hẳn còn phải tiếp tục nghiên cứu. Nhưng, như tôi đã nói, việc giữ gìn biên viễn, đặc biệt là biển đảo, dường như là một hằng số của chiến lược dựng nước và giữ nước của cha ông ta, theo đó, Lê Thánh Tông có sự tiếp thu trực tiếp từ Thời Trần.
Sau khi bình Nguyên, Nhà Trần đã cho xây dựng đội quân do Trần Khánh Dư đứng đầu, tạo giả một đội thuyền bán than ở vùng biển đảo Quảng Ninh ngày nay, có thể coi là tiền thân của Bình Hải sau này, chắc chắn được ông vua anh minh sáng láng Lê Thánh Tông mô phỏng.
Biển đảo phía Đông của Đại Việt còn nhận được sự quan tâm của Đức Trần Nhân Tông, khi ông còn ở tuổi sung mãn, nhưng đã từ bỏ ngai vàng để làm Thái Thượng Hoàng, lập thiền phái Trúc Lâm, cùng môn đệ, tu hành ở vùng núi non Yên Tử. Việc chọn Yên Tử để tu hành, đâu chỉ riêng mục đích tu hành, mà ở đây, ông đã tạo được một vọng gác biển quan trọng để bảo vệ cho Thăng Long - Đại Việt. Nhiều người cho đây là tinh thần nhập thế của Trúc Lâm Phật giáo. Song, có lẽ, tinh thần ấy, phải trước hết nằm trong chiến lược bảo vệ biển đảo của vua tôi Nhà Trần, khi những cuộc kháng chiến chống Tống, chống Nguyên đều diễn ra quyết liệt ở vùng biển Đông.
Rồi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lấy Kiếp Bạc, thuộc vùng đất Chí Linh (Hải Dương ngày nay) làm phủ đệ, trong khi có biết bao vùng đất khác thuận lợi hơn, thì rõ ràng, Kiếp Bạc đâu chỉ là phủ đệ. Với những xưởng thuyền, kho lương, xưởng gốm, vườn thuốc… tạo thành một khu kinh tế quân sự trấn giữ cửa Lục Đầu. Tôi đã hơn một lần khảo sát, đào thám sát khảo cổ học ở Dược Sơn, thuộc hệ thống phòng ngự Kiếp Bạc đã phát hiện một vọng gác vô cùng tuyệt hảo với cửa Lục Đầu - nơi chiến thuyền Nguyên Mông thường vào Thăng Long qua ngả ấy, thì mới thấy, cái gọi là phủ đệ Kiếp Bạc thực chất là một chốt chặn của quân dân Nhà Trần cho Kinh đô Thăng Long - Đại Việt.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) cũng đã nhìn thấu chiến lược ấy của tổ tiên, để rồi trong bài Cư Ngao Đối Sơn ở Bạch Vân âm thi tập có hai câu đúc kết tài tình :
“Vạn Lý Đông Minh quy bả ác
Ức niên Nam cực điện long bình”
(Biển Đông vạn dặm giang tay giữ - Đại Việt muôn năm vững trị bình)
Quanh chiếc ấn “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn” còn bao điều cần phải khảo cứu về danh xưng, tước hiệu cùng các trận đánh của vị tướng đeo quả ấn này, cũng như chiến lược giữ yên vùng biển đảo của tổ tiên với bao điều chưa nói hết. Xin bước đầu công bố phát hiện quan trọng này như là tiền đề cho những bài viết sau kỹ lưỡng hơn.
TS Phạm Quốc Quân