Đăk Lăk bảo tồn và phát huy giá trị Di sản không gian Văn hóa Cồng chiêng

Quá trình cộng cư, giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc anh em đã tạo nên cho tỉnh Đắk Lắk một bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc. Niềm tự hào cho Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại (25-11-2005).

Đây là điểm rất thuận lợi để đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk nâng cao ý thức, trách nhiệm, gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế, gắn với văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, hướng tới sự phát triển bền vững. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, là tiếng nói tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, âm nhạc, khảo cổ học ở trong nước và nước ngoài đã từng đến Đắk Lắk nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, đều khẳng định: “Đắk Lắk có một nền văn hóa Cồng chiêng vô cùng độc đáo”.

Những năm qua, xác định vai trò đặc biệt quan trọng của cồng chiêng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp, triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng; đồng thời tổ chức các tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật liên quan đến Không gian Văn hóa Cồng chiêng, nhằm nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, ý nghĩa của cồng chiêng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể như: Chỉ thị 06/2012/CT-UBND, ngày 28-12-2012 “Về việc bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 10/NQ-HĐND, ngày 13-7-2007 “Về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2007 - 2010”, Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND, ngày 06-7-2012 “Về bảo tồn, phát huy di sản - Không gian Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015”…Các văn bản đều nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, giải pháp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.

Tính đến năm 2011, tỉnh Đắk Lắk đã thống kê được 2.307 bộ chiêng đủ; trong đó dân tộc Ê Đê có 2.064 bộ, dân tộc M’Nông 164 bộ, dân tộc J’rai 62 bộ, Sê Đăng 8 bộ, Bru -Vân Kiều 9 bộ; số nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng có khoảng 3.855 người; số nghệ nhân biết chỉnh chiêng có 393 người; số nghệ nhân biết dạy đánh cồng chiêng có 635 người; tên các bài chiêng có 139 bài; có 554 đội cồng chiêng truyền thống. Ở tỉnh 2 năm/lần, ở huyện, thị xã, thành phố 1 năm/lần đều tổ chức các hoạt động như: liên hoan Văn hóa Cồng chiêng; tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc; hội diễn văn nghệ quần chúng. Đây là lực lượng tham gia đắc lực, có hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng.

Bên cạnh đó từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã tổ chức 8 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho 500 con em đồng bào các dân tộc tại chỗ từ độ tuổi 7 đến 16. Kết quả, các em đã biết đánh thành thạo từ 3 đến 5 bài chiêng truyền thống để tham gia các sinh hoạt cộng đồng, các ngày hội văn hóa của địa phương và của tỉnh. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố tự mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em địa phương mình, qua đó góp phần giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho con em đồng bào các dân tộc bản địa.

Một số lễ hội truyền thống liên quan đến văn hóa cồng chiêng, như: lễ cúng bến nước, lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng vào nhà mới, lễ cúng lúa mới, lễ cưới.., được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư phục hồi, qua đó góp phần giáo dục ý thức cho đồng bào các dân tộc bản địa gìn giữ, phát huy các lễ hội truyền thống và không gian diễn tấu cồng chiêng của buôn làng.

Tỉnh đã tổ chức 2 cuộc Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng cấp tỉnh, 3 cuộc liên hoan văn hóa Cồng chiêng, nhạc cụ dân gian cấp cơ sở. Mỗi cuộc liên hoan có từ 1.200 đến 1.500 nghệ nhân và từ 30 đến 35 đội cồng chiêng thuộc các dân tộc Ê Đê, M’Nông, J’rai, Sê Đăng tham gia; đồng thời thu hút hàng ngàn đồng bào các dân tộc trong tỉnh đến xem và cổ vũ. Nhờ đó đã góp phần tôn vinh văn hóa cồng chiêng, tôn vinh các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng; nâng cao lòng tự hào dân tộc, giáo dục ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa cồng chiêng, không gian văn hóa cồng chiêng cho đồng bào các dân tộc.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, những năm qua tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực trang bị cho các nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc tại chỗ khu vực III, khu vực II và một số buôn làng khó khăn với tổng số 128 bộ cồng chiêng Ê Đê, M’Nông, J’rai, Sê Đăng. Những bộ chiêng này đã và đang phát huy có hiệu quả trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các buôn, làng.

Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương còn có sự tham gia phối hợp tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, tạo bước chuyển biến căn bản và tiến bộ rõ rệt về công tác xã hội hóa văn hóa, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch ở Đắk Lắk cũng thường tổ chức các hình thức du lịch sinh thái gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như: diễn tấu cồng chiêng, phục dựng một số lễ hội liên quan đến Không gian Văn hóa Cồng chiêng để phục vụ khách du lịch, nhằm quảng bá và tạo điều kiện để du khách trong nước và quốc tế hiểu thêm về không gian văn hóa cồng chiêng…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, những năm gần đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa đã làm ảnh hưởng đến không gian diễn tấu cồng chiêng và số lượng cồng chiêng. Hiện thực đáng lo ngại ở Đắk Lắk hiện nay nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dận tộc thiểu số tại chỗ đang bị mai một. Diễn tấu cồng chiêng, văn hóa sử thi, dân ca - dân vũ ngày một ít đi trong các dịp lễ hội. Tập quán, phương thức sản xuất thay đổi, không gian buôn làng bị thu hẹp làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội và Không gian Văn hóa Cồng chiêng. Vì đời sống kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân sẵn sàng bán đi những bộ chiêng quý để mua công cụ sản xuất; lớp trẻ lớn lên không mặn mà với nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình; nhiều nghệ nhân tài giỏi chưa kịp truyền dạy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ …

Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đã đặt ra yêu cầu cho các cấp, các ngành và người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển những giá trị đó trong quá trình xây dựng và phát triển, hội nhập. Để bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng, trong thời gian đến cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của cồng chiêng, văn hóa Cồng chiêng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu cồng chiêng, có các biện pháp để xử lý nghiêm đối với các hành vi trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về cồng chiêng và văn hóa Cồng chiêng, đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác, giao lưu văn hóa để quảng bá, giới thiệu về Không gian Văn hóa Cồng chiêng. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng.

Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào của cả nước và đồng thời vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của nó cũng lại là vấn đề không kém phần quan trọng, đây cũng là nhiệm vụ của tất cả mọi người chúng ta. Làm tốt công tác này không những chỉ có ý nghĩa đối với hôm nay mà còn ảnh hưởng sâu sắc cả với thế hệ mai sau.

V.T.Phượng

Top