60 năm Nhà sàn Bác Hồ

Bác Hồ - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho đất nước ta, dân tộc ta một Di sản vô giá, đó là Khu Di tích lịch sử về Người tại Phủ Chủ tịch. Trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu Di tích) có Nhà sàn, ao cá, vườn cây, có Phủ Chủ tịch và các nhà làm việc khác… Cảnh quan di tích đơn sơ nhưng đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, tất cả đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969).

1. Quá trình xây dựng Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch

Tháng 10 năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta thắng lợi hoàn toàn, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Cuối tháng 12 năm đó, Người chuyển về ở và làm việc tại khu vực Phủ Chủ tịch. 15 năm Người sống và làm việc tại đây là một giai đoạn có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống thất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại tầng 2 Nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch, tháng 4-1960

Sau 4 năm Người sống và làm việc tại ngôi nhà của người phục vụ điện cho Phủ Toàn quyền Đông Dương, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác ngôi nhà mới để Bác ở và làm việc được tốt hơn nhưng Bác đều từ chối, vì miền Bắc vừa được giải phóng còn gặp rất nhiều khó khăn khôi phục kinh tế, còn miền Nam đang tập trung đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đầu năm 1958 Bác tiếp đoàn cán bộ tỉnh Cao-Bắc-Lạng và được biết những ngôi nhà Bác ở và làm việc trước đây ở trên đó, bây giờ không còn nữa, do vật liệu được làm bằng tranh tre, nứa, lá đã bị mưa nắng, gió bão làm hư hỏng hết. Tháng 3 năm 1958, Bác có chuyến đi thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thấy đời sống nhân dân đã được nâng lên, đồng bào đã có thêm nhiều nếp nhà mới, Bác rất vui và nói với đồng chí Vũ Kỳ là thư ký và đồng chí Kháng là bảo vệ cho Bác rằng, nhiều lần Trung ương Đảng đề nghị làm cho Bác nhà mới, theo Bác nên làm 1 ngôi nhà nhỏ ở bên kia bờ ao cá theo kiểu của đồng bào Việt Bắc. Bác cho mời kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đến và nói rõ ý định làm nhà sàn để cho kiến trúc sư thể hiện trong bản vẽ thiết kế. Bác nói: nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho 1 người ở, gỗ làm nhà làm bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có 2 phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt. Sau hơn 1 tháng ngôi nhà được hoàn thành, ngày 17/5/1958, Bác Hồ chính thức chuyển về ở và làm việc tại Nhà sàn. Tuy đơn sơ, giản dị, nhưng ngôi nhà sàn đã trở thành một biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất.

Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong 11 năm cuối đời từ tháng 5-1958 đến tháng 8-1969, nhà sàn được xây dựng và khánh thành đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 68 của Người (1958). Việc xây dựng nhà sàn cho Bác ở và làm việc  thể hiện tình cảm và tấm lòng của Đảng và nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nguyện vọng của Người sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, Bác về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Thủ đô Hà Nội tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Không gian trước Nhà sàn được mở ra với một hồ nước mát rộng 3.320m2, đó chính là ao cá Bác Hồ với đủ loại: Chép, trắm, trôi, mè, rô phi… Sinh thời Bác, sau giờ làm việc hàng ngày Bác Hồ thường chăm sóc cây trên vườn, cá trong ao. Hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, khác biệt với các công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế như Phủ Chủ tịch và các ngôi nhà xây dựng bằng những nguyên liệu bền vững như sắt, thép, xi măng... trong khu vực, ngôi nhà sàn của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch trở nên hết sức gần gũi và quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là với đồng bào vùng núi phía Bắc.

2. Những năm tháng Bác Hồ ở và làm việc tại Nhà sàn

Nhà sàn được dựng lên trong khu vườn Phủ Chủ tịch, bên cạnh ao cá giữa vườn cây xanh tốt. Nhà sàn Bác Hồ có ba phòng nhỏ: Phòng làm việc tầng một là nơi Bác Hồ thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc và thỉnh thoảng Bác Hồ tiếp thân mật một số đoàn khách trong nước và nước ngoài. Quanh Nhà sàn trồng rất nhiều loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây bóng mát như: nhài, ngâu, dạ lan, mẫu đơn, phượng vĩ, cam, bưởi, chuối, dừa, vú sữa… đan xen với cây bóng mát: trường xanh, bụt mọc, ngân hoa, cơm nguội, xoài… Hàng rào râm bụt phía trước và sau Nhà sàn gợi nhớ tới cảnh làng quê Việt Nam và nơi Người đã sống những ngày thơ ấu. Tầng dưới Nhà sàn, Bác thường làm việc với các đồng chí Bộ Chính trị và tiếp thân mật một số cán bộ,  đoàn khách, đặc biệt là các đoàn cán bộ miền Nam. Tầng trên có hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng 10m2 với những tiện nghi sinh hoạt hết sức đơn giản: một giường, một bàn, ghế, giá sách, máy chữ, quạt lá cọ… Nổi bật hơn cả là hàng trăm cuốn sách gồm các chủ đề chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật được viết bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hán, Nga, Latinh… trong đó rất nhiều cuốn sách có bút tích của các tác giả kính tặng Người. Toàn bộ tài liệu hiện vật, nhà di tích, cảnh quan không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta mà còn cho chúng ta tận thấy những phẩm chất cao quý, tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ. Tài liệu trên bàn là những tập sách Bác đang đọc vào những ngày cuối, ở đây có sách viết về gương người tốt việc tốt, sách tiếng nước ngoài có sách của Lênin viết về Cách mạng tháng Mười XHCN, các tác giả nước ngoài viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, về cuộc đấu tranh ở ngay trong lòng nước Mỹ.v.v.

Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình thăm Nhà sàn, ngày 13-11-2017

Cũng tại ngôi nhà sàn này, vào những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, ngày 17-7-1966 Bác Hồ viết lời kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Lời của Người như lời của sông núi, lời của dân tộc thể hiện quyết tâm: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân ta quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In thăm Nhà sàn, ngày 23-3-2018

Tại Nhà sàn, từ năm 1965 cho đến 1969, từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 5, Bác Hồ đã dành thời gian viết Bản Di chúc lịch sử, để lại cho đời sau những lời căn dặn tâm huyết của mình.  Mỗi câu, mỗi chữ của bản Di chúc đều dạt dào cảm xúc, chứa chan tình yêu và sự gắn bó sâu xa với con người, cuộc đời và thiên nhiên. Di chúc là muôn vàn tình thân yêu của Người dành cho toàn dân, toàn Đảng, toàn thể bộ đội, các đồng chí, các bầu bạn, các cháu thanh niên, nhi đồng Việt Nam và quốc tế. Di chúc toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là một áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hoà bình, công lý,  cơm áo và hạnh phúc của con người.

Đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số thăm Nhà sàn

Những gì đã “chứng kiến”, những gì hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Di tích Nhà sàn, có thể nói rằng, ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là di sản về cuộc sống sinh hoạt của Người trong những năm sống cuối đời mà còn thể hiện được tư tưởng, đạo đức và những phẩm chất cách mạng của một con người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị, hoà bình và tiến bộ của nhân loại, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn đơn sơ của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hư­ơng thơm của hoa vư­ờn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.

3. Quá trình bảo quản và phát huy giá trị Di tích Nhà sàn

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969, một quần thể di tích lịch sử - văn hoá - danh nhân đã được hình thành trong khu vực Nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Ngày 25/11/1970, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 206 -NĐ/TƯ về việc hình thành Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Điều 2 có ghi: Bảo quản tốt khu lưu niệm các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Trên cơ sở đó, ngày 12-9-1977, Bộ Chính trị - BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 04-NQ/ TƯ về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, điểm 2 có ghi: Thông qua những di tích, những tài liệu và hiện vật có quan hệ với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện chức năng nghiên cứu và giáo dục, hướng dẫn tham quan. Ngoài ra, về chức năng quản lý chuyên ngành, ngày 15-5-1975, Bộ trưởng Bộ Văn hoá đã ra Quyết định số 38b/ VH-QĐ về việc xếp hạng Khu Di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, quyết định ghi rõ phạm vi bảo vệ, bảo quản và phát huy tác dụng (khu A do Khu Di tích quản lý, khu B và C là nơi hai cơ quan Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước đang sử dụng). Tiếp sau, để phù hợp với cơ chế tổ chức và hoạt động chung của ngành Bảo tồn, bảo tàng, ngày 25-10-1990, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin- Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 952/TC-QĐ, Điều 3 có ghi: Khu Di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch gọi tắt là Khu Di tích Phủ Chủ tịch hoạt động như Bảo tàng loại II. Qua hai năm hoạt động, ngày 6-11-1992, Bộ trưởng Bộ Văn hoá -Thông tin lại ký Quyết định số 1575/TC-QĐ chuyển Khu Di tích Phủ Chủ tịch trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ký quyết định số 51 QĐ/BVHTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng để Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch có những điều kiện thuận lợi và vị thế hợp lý để hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được các chức năng nhiệm vụ và ưu thế của Khu Di tích đặc biệt này.

Cán bộ Khu Di tích đang bảo quản thông thường tầng 1 Nhà sàn 

Bảo vệ, bảo quản và giữ gìn nguyên trạng, lâu dài Khu Di tích nói chung và Di tích Nhà sàn nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất công tác tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ hiện tại và tương lai.

Công tác bảo quản Di tích được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày, kết hợp giữa bảo quản thông thường với bảo quản khoa học. Tính đặc thù của công tác bảo quản di tích ở đây là vừa bảo quản tài liệu, hiện vật trong ngôi nhà, lại vừa bảo quản chính bản thân ngôi nhà đó và môi trường cảnh quan chung quanh. Hơn nữa, Khu Di tích lại nằm trong khu vườn có nhiều cây cối, một điều kiện hết sức thuận lợi cho côn trùng mối, mọt, sâu bệnh hại hoạt động mạnh, xâm hại trực tiếp đến tài liệu, hiện vật di tích. Khu Di tích còn có tính đặc thù riêng là công tác bảo quản được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản vừa làm công tác phát huy tác dụng phục vụ khách tham quan. Lượng khách vào thăm Khu Di tích đông, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cấp cao trên thế giới, do vậy công tác bảo quản không thể tiến hành theo đúng quy trình như một kho bảo quản thông thường khác. Các tài liệu hiện vật trong di tích luôn chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người. Trong khi đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản di tích lại còn hạn chế, nhất là đối với di tích Nhà sàn (Cho đến thời điểm này di tích Nhà sàn vẫn đang được bảo quản trong điều kiện môi trường khí hậu tự nhiên; không nhà kính, không điều hoà nhiệt độ, không máy hút ẩm, không công nghệ khí khô). Đó là những khó khăn, phức tạp của công tác bảo quản di tích và lãnh đạo Khu Di tích luôn phải quan tâm giải quyết.

Công tác bảo quản di tích được thực hiện theo các chế độ khác nhau: Chế độ bảo quản thông thường phục vụ khách tham quan Di tích là một việc làm thầm lặng được thực hiện trước và sau giờ phục vụ khách tham quan; Chế độ bảo quản định kỳ ngắn hạn, dài hạn cũng là những công việc bảo quản thông thường nhưng được thực hiện theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, quý, 6 tháng và năm.

Chế độ tu bổ định kỳ và chống xuống cấp di tích cũng được cơ quan kết hợp hài hoà trong nhiều năm qua. Khu Di tích đã thực hiện được một số công việc chống xuống cấp di tích như: Chống hiện tượng lún nứt nền nhà, mao dẫn làm mục chân cột nhà; tu bổ hệ thống sân, đường xung quanh di tích; xử lý chống dột, hệ thống thoát nước khu vực di tích; lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; tu bổ cải tạo nâng cấp vườn cây và ao cá v.v.

Trong công tác bảo quản, tu bổ Khu Di tích nói chung và Di tích Nhà sàn nói riêng, hàng năm, Khu Di tích luôn phối hợp và được sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các cơ quan chuyên môn như: Đoàn 5 - Tổng cục Hậu cần; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Bộ Tư lệnh Công binh; Xí nghiệp Gỗ Cầu Đuống, Viện Khoa học Thủy lợi v.v. Bên cạnh đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, của các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị khác.

Để có cơ sở khoa học trong việc bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị các di sản của Bác Hồ để lại, phục vụ công chúng đến tham quan, nghiên cứu và học tập về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 48 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Khu Di tích chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đã triển khai thực hiện hàng chục đề tài khoa học cấp Bộ và cấp cơ sở; tổ chức hàng chục hội thảo khoa học và tọa đàm khoa học; xuất bản hàng trăm đầu sách,... Cùng với việc xuất bản định kỳ Đặc san Thông tin tư liệu 2 kỳ/ năm, trang Website của Khu Di tích cũng đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy tác dụng tốt.

Để góp phần tuyên truyền ngày càng đầy đủ với nhân dân trong nước và khách quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống văn hoá cho thế hệ trẻ, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích đã thường xuyên nghiên cứu, chỉnh lý nội dung trưng bày, trưng bày bổ sung, nâng cao chất lượng trưng bày và mở cửa thêm một số di tích phục vụ khách tham quan như: Di tích Nhà 54, Di tích Nhà 67, Di tích nhà gara ôtô, Bếp A, nhà Y khoa và giàn hoa Phủ Chủ tịch… 

Công tác tuyên truyền giáo dục, được tiến hành ngay sau ngày Bác Hồ qua đời (02-9-1969) và đặc biệt là trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền - giáo dục được Khu Di tích rất coi trọng và có những bước phát triển mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh đến việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền. Có thể nói, trong hệ thống các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những di tích đặc biệt thu hút lượng khách đông nhất vì ngoài ưu thế về vị trí địa lý còn là giá trị văn hoá và nội dung lịch sử của di tích. Trong 48 năm qua Khu di tích đã đón tiếp và phục vụ chu đáo hơn 70 triệu lượt khách từ hơn 160 quốc gia trên thế giới (trong đó có hơn 100 đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng trăm đoàn cấp cao) đến tham quan, nghiên cứu và học tập về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhất là từ năm 2003 khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và năm 2006 phát động cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (với các Chỉ thị 03; 06 và 05) trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng nhân dân nghiên cứu, học tập và hưởng ứng các cuộc vận động này.

Từ thực tế công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích nói chung và Di tích Nhà sàn nói riêng, chúng tôi thấy cần làm tốt mấy vấn đề sau:

1. Chúng ta nhất thiết phải đánh giá đúng giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của Khu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng này.

2. Công tác bảo quản và tuyên truyền giới thiệu ở Khu Di tích phải được xác định là một khâu quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

3. Thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích, đặc biệt là đối với Di tích Nhà sàn - Di tích trung tâm của Khu Di tích, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào  bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích.

4. Luôn luôn quan tâm chăm lo đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích cả về đạo đức, trình độ và năng lực công tác ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

60 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại ngôi nhà sàn gỗ, trong 11 năm, Bác đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và 48 năm qua, công tác bảo vệ bảo quản, giữ gìn các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan, vườn cây, ao cá Khu Di tích vẫn được thực hiện chu đáo như khi sinh thời Bác, làm cho mỗi người khách khi vào tham quan nơi đây đều như thấy lại hình bóng Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hoá lớn vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nguyễn Văn Công

Top