10 sự kiện di sản văn hóa Việt Nam 2016

Năm 2016, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam tiếp tục có những bước tiến mới. Trên cơ sở các thông tin cập nhật đến cuối 12-2016, Tạp chí Thế giới Di sản bình chọn và giới thiệu 10 sự kiện dưới đây.

1. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vào hồi 17g15 giờ địa phương (tức 21g15 giờ Việt Nam) ngày 1-12-2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến nay, tại Việt Nam có 9 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

2. Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang trở thành Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại phiên họp ngày 19-5-2016, Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), diễn ra tại thành phố Huế, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và Mộc bản Trường học Phúc Giang (tỉnh Hà Tĩnh) trở thành Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đến nay, Việt Nam có 6 di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tình)

3. Thêm 13 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 7 đối với 13 di tích.

Đến thời điểm này, đã có 85 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

4. Thêm 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2496/QĐ-TTg công nhận Bảo vật quốc gia đợt 5 đối với 14 hiện vật, nhóm hiện vật.

Đến thời điểm này, đã có 118 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

5. Quy định mới về việc đưa Bảo vật quốc gia ra nước ngoài và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh và Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên tuyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Ngày 1-7-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện kinh doanh, giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.

- Ngày 6-7-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2016/QĐ-TTg Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản.

- Ngày 22-12-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2493/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên tuyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2020.

6. Thêm 35 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Năm 2016, đã có 35 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến nay, sau  16 đợt, đã có 191di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

7. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực hơn các năm trước. Các hiện tượng phản cảm trong lễ hội từng bước được chấn chỉnh.

8. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11-2016 diễn ra sâu rộng trong cả nước, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được tổ chức ở Trung ương và địa phương. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, thông qua Tạp chí Thế giới Di sản - Cơ quan ngôn luận của Hội, có bước tiến mới, trên cả 2 loại hình in và điện tử, cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

9.  Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đã được thẩm định, đề nghị đăng ký vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2018.

Tại kỳ họp thứ IV, ngày 30-11-2016, Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia đã đã thẩm định Hồ sơ Di sản Di sản văn hóa phi vật thể Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cử, để đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình UNESCO đăng ký vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2018.

10. Tình trạng xâm hại di tích, cháy nổ và mất trộm hiện vật tại di tích tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có cả các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, gây tổn thất cho di sản văn hóa dân tộc.

Top