Truyền thống và tín ngưỡng thờ Vua Hùng: trung tâm đoàn kết dân tộc Việt Nam

Giỗ Tổ Hùng Vương - từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc; đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt.

1. Thờ Vua Hùng là một truyền thống lâu đời của dân tộc. Truyền thống ấy thấm sâu vào lòng người, trở thành một nhu cầu về tình cảm, một biểu hiện về mặt đạo đức. Đặc biệt, truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần của dân tộc ta để vượt qua mọi gian nan, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong tâm thức của người dân Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng là vị Tổ dựng nước, là tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam. Vua Hùng có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể và hoàn toàn khác với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới.

Mọi tín ngưỡng và tôn giáo từ xa xưa đến nay bao giờ cũng là những hình thái ý thức xã hội phản ánh những điều kiện sinh hoạt xã hội. Chỉ có thể giải thích nguồn gốc ra đời của truyền thống và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam từ những nét đặc thù trong hoàn cảnh về mọi mặt của con ngư­ời Việt Nam từ xa xưa.

Thờ Vua Hùng là biểu hiện của lòng biết ơn và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên. Đây là một việc làm vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa thể hiện ý thức đạo đức cũng như chứa đựng những ý nghĩa tâm linh cao đẹp của mỗi người dân Việt Nam. Với sự linh thiêng và uy nghi của tín ngưỡng thờ Vua Hùng, ý thức cộng đồng dần được hình thành từ trong gia đình, củng cố trong làng xã rồi phát triển trong toàn quốc theo quan hệ huyết thống: dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng...

Truyền thống thờ Vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ tổ tiên ở mỗi gia đình Việt Nam là một tín ngưỡng sâu sắc, tồn tại từ lâu đời như một tôn giáo bản địa. Truyền thống này ra đời ngay trước khi xuất hiện ở Việt Nam những tôn giáo như: đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng và các tôn giáo khác sau này.

Nói đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì không phải chỉ ở Việt Nam mới có mà tín ngưỡng này cũng tồn tại ở một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… Nhưng ở Việt Nam lại có điểm khác biệt đó là cả dân tộc Việt Nam đều thừa nhận các Vua Hùng là Quốc Tổ và lấy ngày 10-3 Âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ.

Thờ Vua Hùng là một truyền thống lâu đời của dân tộc. (Ảnh: LT)

Vào ngày này, nhân dân ta từ khắp mọi nơi trên đất nước lại kéo về dự Giỗ Tổ, tưởng niệm cha Rồng, mẹ Tiên và mười tám đời Vua Hùng. Những người không có điều kiện về Giỗ Tổ thì cùng nhau đến dâng hương tại những đền Vua Hùng được dựng ở nhiều địa phương trong toàn quốc.

Được về dự ngày Giỗ Tổ tại đền thờ chính ở Phú Thọ hoặc tại các đền thờ ở địa phương, người Việt Nam cảm thấy lòng mình thanh thản, được làm tròn chữ hiếu đối với tổ tiên mình, trước hết là Tổ của cả nước, Tổ của các dòng họ, Tổ của các gia đình.

Trong truyền thống Việt Nam, gia đình luôn gắn bó với Tổ quốc, coi Tổ quốc là gia đình lớn. Dòng họ tập hợp các gia đình, bảo vệ lợi ích của gia đình, đặt lợi ích của mỗi gia đình nhỏ, gắn liền với lợi ích chung của gia đình lớn. Cũng vì thế mà mỗi dòng họ ở Việt Nam đều sống hòa thuận và đoàn kết với dòng họ khác, cùng đấu tranh cho sự phồn vinh và an toàn của dòng họ lớn tức là Tổ quốc Việt Nam.

Tinh thần trên đã được phản ánh trong một truyền thống lâu đời của Việt Nam. Bà Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đã đẻ ra một bọc trăm trứng. Một trăm trứng nở ra trăm con, trăm con trở thành những vị tổ của trăm dòng họ.

Phải chăng truyền thuyết đã tạo ra sự gắn bó anh em giữa trăm dòng họ hay chính sự gắn bó giữa trăm dòng họ đã tạo ra truyền thuyết trăm con. Dù sao, truyền thuyết ấy và sự gắn bó ấy đã tồn tại lâu đời như một sức mạnh trường tồn mang một đặc điểm của bản sắc văn hóa Việt Nam.

2. Huyền thoại Vua Hùng đã xuất hiện như một biểu trưng của tình anh em ruột thịt trong cả nước và tồn tại như một hiện thực trong tâm tư và tình cảm ở mỗi con người Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam gọi nhau là đồng bào có nghĩa là những anh em cùng một bọc sinh ra: Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước phải thương nhau cùng. Hành động nhường cơm sẻ áo, chị ngã em nâng, thương người như thể thương thân, bầu ơi thương lấy bí cùng, lá lành đùm lá rách... là cung cách ứng xử không chỉ trong gia đình mà còn trong toàn quốc.

Những câu ca dao trên đây cùng với hàng ngàn câu ca dao và tục ngữ khác đã từ lâu đời lưu truyền trong dân gian Việt Nam như một chân lý không bao giờ thay đổi.

Chân lý ấy thể hiện ở tinh thần quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và nói như Bác Hồ thì còn một tên xâm lược là còn phải đánh đuổi nó đi. Đó cũng là tinh thần đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một: không thể nào chia cắt được. Tình cảm giữa người và người được nâng cao lên mức độ sâu sắc nhất đã tạo nên biết bao tấm gương hy sinh cao cả, thà chết không chịu làm nô lệ, quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ cộng đồng và Tổ quốc. Chống lụt thì nghiêng đồng đổ nước ra sông. Chống hạn thì vắt đất ra nước thay trời làm mưa. Tinh thần ấy bắt nguồn từ nhu cầu đại đoàn kết trở thành sức mạnh trường tồn của cả dân tộc.

Tình cảm và ý chí nói trên, sức mạnh trường tồn ấy đã được thường xuyên củng cố, khai thác và nâng cao trước mọi thử thách qua các chặng đường lịch sử của dân tộc.

Khi Hai Bà Trưng giương cờ khởi nghĩa đánh đuổi ngoại xâm thì Hai Bà đã nêu lên sự nghiệp của Vua Hùng để cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn thể quân dân với quyết tâm giành lại giang sơn Vua Hùng.

Khi Bác Hồ cách đây 50 năm về thăm Đền Hùng, Bác đã nhắc nhở mọi người hãy quyết tâm giữ lấy nước để thực hiện trách nhiệm của mình trước công lao dựng nước của Vua Hùng. Dân tộc ta trong mỗi bước khó khăn của lịch sử, lại nhắc nhở tới Vua Hùng, lại củng cố thêm tình cảm anh em ruột thịt với đồng bào toàn quốc, được coi như anh em từ một bọc trăm trứng sinh ra.

Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta đã nói: bốn ngàn năm lịch sử đang cùng ta chống Mỹ, thì đồng chí đã nói lên khí phách anh hùng của dân tộc ta được xây dựng từ truyền thống Vua Hùng.

Lễ Hội Đền Hùng - một sự kiện lớn của nước ta hàng năm (Ảnh: TL)

Khi thực dân Pháp đến xâm chiếm nước ta thì quân và dân ta ở mọi miền đều cùng nhau bảo vệ Tổ quốc thân yêu với tinh thần anh em ruột thịt. Từ Bắc vào Nam, Phạm Văn Nghị mộ quân xin nhà vua cho lên đường chống giặc và Tuần phủ Đỗ Quang đã chiến đấu kiên cường bên cạnh Trương Công Định. Cũng với tinh thần ấy, từ Nam ra Bắc, Nguyễn Tri Phương và sau ông là Hoàng Diệu đã chỉ đạo quân dân ta bảo vệ Thành Hà Nội và anh dũng hiến thân cho Tổ quốc.    

Khi Huỳnh Văn Nghệ viết: “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” và Tố Hữu viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì tình thương yêu khí phách ấy chính là phẩm chất tinh thần và tình cảm anh em ruột thịt giữa những con cháu Vua Hùng.

Truyền thống và tín ngưỡng thờ Vua Hùng đối với người dân Việt Nam chính là “sợi dây tâm linh” gắn kết toàn dân tộc như cây một cội, như con một nhà, đồng thời góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Từ đây sức mạnh đoàn kết đang là động lực để đất nước ngày một phát triển vững bước đi lên      trước mọi thử thách và biến cố của thời cuộc, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công thành công, đại thành công.

 Từ xưa đến nay, người Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn sống với nhau có tình có nghĩa, có thủy có chung, có sau có trước, có trên có dưới, có xóm có làng, có nước có nhà, có tổ có tông, sống khoan dung, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các thành phần xã hội, cùng nhau chín bỏ làm mười…, thể hiện một lối sống có văn hóa và mang tính cộng đồng. Không ai bảo ai nhưng mỗi người dân Việt Nam đều tự nhủ rằng: chúng ta đều được sinh ra trong cùng một bọc (đồng bào). Phàm là người dân Việt Nam thì chúng ta đều là anh em một nhà bởi:

Con người có Tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn

Chính vì quan niệm có chung nguồn gốc, cùng là anh em nên trong lịch sử Việt Nam đã không diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu mang tính chất chủng tộc và tôn giáo. Sau này cũng vậy, quan niệm đó sẽ không thay đổi.

Tín ngưỡng thờ Vua Hùng vì thế cũng đã phát triển không chỉ trên vùng đất Tổ mà còn lan rộng ra khắp các địa phương trong toàn quốc, thậm chí còn lan sang cả các cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Người Việt mỗi khi lập làng ở đâu thường xây đền thờ Tổ và cúng giỗ Tổ nơi đó để cùng tri ân công đức Tổ tiên, đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Người Việt Nam sống ở nước ngoài mỗi khi có dịp trở về quê cha đất Tổ cũng đều về thăm đền thờ Vua Hùng, thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành kính nhớ về cội nguồn và cũng là để báo cáo với Quốc Tổ về tình hình của con cháu khi sống xa Tổ quốc. Có những ng­ười còn trân trọng “thỉnh” chân hương từ Đền Hùng rồi mang sang nơi mình sinh sống thờ để luôn nhớ về cội nguồn và nhắc nhở mình phải sống làm sao cho xứng đáng với công đức của Tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: TL)

3. Ngày nay, trên con đường đổi mới và hội nhập kinh tế, nhân dân ta không chỉ đứng trước những thuận lợi cần khai thác mà còn phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn phải vượt qua. Trước những thử thách này làm thế nào để đạt tới thành công và tránh được thất bại? Trước hết vẫn là truyền thống bất diệt mà tổ tiên ta đã từ đời Vua Hùng để lại cho chúng ta: đó là truyền thống gắn bó yêu thương lẫn nhau giữa toàn thể nhân dân, truyền thống đã trở thành động lực cho tinh thần dũng cảm và sáng tạo để hoàn thành mọi nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, tiêu diệt mọi kẻ thù. Chính truyền thống này đang được phát huy và được nâng cao hơn nữa để nhân dân ta làm chủ được mọi tình thế phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa và trước những diễn biến phức tạp trên thế giới ngày nay.

Trong tình hình ngày nay, nhiều lúc cá nhân đã không kiềm chế được tham vọng của mình, chạy theo lợi ích cá nhân và sa vào chủ nghĩa ích kỷ. Từ đó cá nhân đã gây tổn hại cho cộng đồng và cuối cùng đi tới sự suy thoái về lý tưởng, đạo đứclối sống của bản thân và gia đình đồng thời đầu độc không khí trong lành của xã hội. Trong tình hình này, củng cố tính cộng đồng và lòng nhân ái từ truyền thống Vua Hùng là điều kiện quan trọng bậc nhất.

Ngày nay, trên đất nước ta, truyền thống thờ cúng Vua Hùng không mất đi ý nghĩa sâu sắc của nó. Ngược lại, nó cần được giữ gìn như một truyền thống tốt đẹp, một điều kiện tồn tại và phát triển của dân tộc. Từ uống nước nhớ nguồn, từ lòng biết ơn các thế hệ ông cha, biết ơn những anh hùng dân tộc, những danh nhân làm vẻ vang cho đất nước, nhân dân ta càng nâng cao niềm tự hào đối với Tổ quốc Việt Nam và tình yêu thương đối với nhân dân trong cả nước. Gần đây, những việc làm từ thiện, sự quan tâm đến những thành phần bất hạnh, những người nghèo túng, những nạn nhân của chất độc da cam, những người khuyết tật đang là những hành vi nuôi dưỡng truyền thống Vua Hùng, cần được cổ vũ và khuyến khích.

Cũng vì những lẽ trên mà việc thờ cúng Vua Hùng đang được Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đặc biệt quan tâm, càng được tổ chức một cách nghiêm túc và đạt được những kết quả tốt đẹp trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Thờ cúng Vua Hùng đang phát huy sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, n­ước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đồng thời góp phần vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hạnh phúc của toàn thể nhân loại.

GS Vũ Khiêu

Top