Truyền thống dạy chữ Nôm Dao, nghề bốc thuốc Nam của người Dao Đỏ ở Lào Cai

Người Dao ở Lào Cai có 88.379 người , gồm ba ngành Dao khác nhau: Dao Đỏ (Dao đại bản, Dao Coóc Ngáng), Dao Họ (Dao quần trắng), Dao Tuyển (Làn tẻn); cư trú ở các xã vùng cao của huyện: Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương. Người Dao Lào Cai được biết đến khá nổi tiếng vì sở hữu kho sách cổ quý giá với hàng vạn quyển được lưu giữ tại các hộ gia đình. Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản sách cổ và nghề bốc thuốc Nam cho đến ngày nay là nhờ truyền thống dạy chữ, nghề bốc thuốc cho thế hệ sau vào dịp Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán người Dao gọi là “xí nhất chầu dặt sển”, không chỉ là tết to nhất trong năm mà còn có ý nghĩa sâu sắc bởi tập quán giáo dục truyền thống giàu tính nhân văn và độc đáo của tộc người. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, trong từng gia đình người Dao lại diễn ra các lễ trao truyền, giáo dục ý thức tu luyện đạo đức, lối sống, cụ thể là việc dạy các con cháu học chữ Nôm Dao. Đặc biệt là nghi thức truyền nghề thuốc cho các thế hệ kế tiếp diễn ra tại gia đình các thầy thuốc trong thôn. Tết Nguyên đán của người Dao là dịp để cộng đồng tôn vinh việc học hành, lễ nghĩa, học nghề và học cách làm người.

 

Trai - gái Dao Đỏ hát giao duyên trong ngày Tết. Ảnh: TL

Nhà nhà người Dao đón Tết bằng những hàng câu đối đỏ, giấy dán ở cửa nhà, xà, cột, cửa chuồng nuôi gia súc và gia cầm kể cả các dụng cụ sản xuất. Trong nhà, gian thờ đặt hoa mận, hoa đào mâm ngũ quả đón mừng xuân sang, đón tổ tiên ông bà về dự lễ đầy trang trọng và ấm cúng. Sáng sớm mùng Một Tết “xầy nhiết nhẳng”, theo cái lý của người Dao trong từng gia đình người già, người chủ gia đình tổ chức dạy bảo con cái học chữ. Con trai tuổi từ 12 – 13 trở lên sẽ được học chữ. Trong quan niệm của họ, con trai sáng thức dậy không được phép ăn gì vì lý của dân tộc nếu ăn bánh hay bất cứ thứ gì khác trước khi học chữ sẽ không thông minh, sáng dạ, học chữ không nhớ được. Với người Dao dạy chữ không chỉ đơn giản ở việc dạy cho con biết đọc biết viết chữ của tộc người mà còn dạy con học biết cái tình cái lý, không quên gốc rễ tổ tông. Con trai học chữ, con gái học thêu thùa, khâu vá. Nơi các cô gái ngồi thêu hoa, cũng là điểm hẹn để các chàng trai đến ném còn và tìm hiểu để kết duyên đôi lứa. Đây là tập quán có từ rất lâu đời của người Dao, việc dạy bảo cho con cái lễ nghĩa để tránh mắc tội với tổ tiên, con cái luôn có ý thức tự hào dân tộc. Người Dao đỏ còn chọn ngày tốt để dạy chữ cho con, những ngày từ mùng Một Tết đến 15 tháng 1 theo quan niệm của họ đều là ngày tốt nhưng chọn ra ngày hợp với tuổi của con thì việc học hành sẽ tấn tới, học tập thành công để trở thành thầy cúng - người mà cả cộng đồng tôn trọng. Tập quán dạy chữ vào sáng sớm mùng Một Tết người Dao đỏ gọi là “tu xô hiu”, “tu” có nghĩa là học còn “xô hiu” có nghĩa là chữ; tiếng Dao tuyển gọi là “châu dặt hô đăng” có nghĩa là mùng một học chữ.

Bên cạnh việc học chữ, nam thiếu niên trong cộng đồng người Dao trong dịp Tết cổ truyền họ còn được truyền dạy phép thuốc (học nghề thuốc). Kho tàng văn hoá người Dao rất phát triển thể hiện qua hệ thống chữ viết và cả một di sản sách cổ Nôm Dao vô cùng giá trị. Tuy nhiên, có một điều lạ là dù có rất nhiều sách về phong tục tập quán, cưới xin, tang lễ, hát giao duyên, thơ ca... nhưng sách về y học rất ít và hiếm. Hơn nữa, người Dao cũng nổi tiếng về y dược, chữa bệnh cứu người vậy thì trao truyền nghề y như thế nào khi không có sách ghi lại cho đời sau. Đó chính là việc truyền nghề thuốc vào đúng dịp Tết Nguyên đán đầy ý nghĩa linh thiêng.

 

Điệu nhảy truyền thống trong ngày Tết của người Dao (Ảnh: TL)

Sở dĩ chọn đúng ngày 1 tháng Giêng vì theo quan niệm của người Dao đó lá ngày Thượng nguyên - ngày của sư phụ. Trong một năm có những ngày sau có thể truyền dạy nghề thuốc đó là ngày Thượng nguyên (ngày 1-1, 15-1), ngày Trung nguyên (ngày 1-7 và 15-7) và ngày Hạ nguyên (ngày 1-10 và 15-10), ngoài những ngày kể trên thì những ngày khác truyền nghề thuốc sẽ không có giá trị.

Những người học nghề thuốc theo lý dân tộc họ phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu nghiêm ngặt mà cha ông truyền lại. Một điều cấm kỵ cho những ai học là phải kiêng ngủ với phụ nữ trước đó 2 ngày để cơ thể được trong sạch. Người học chữ nhất thiết phải là những người đã ốm, hoặc chưa ốm thì sẽ bị ốm một trận rất nặng. Khi ốm họ đi đến nhà thầy chữa bệnh khỏi thì sẽ đi học nghề thuốc. Do đó, người bị rắn cắn thì đi học thuốc chữa rắn cắn, người bị đau xương, gãy xương thì học thuốc chữa gãy xương, học chữa các loại bệnh khác như: đau dạ dày, hậu sản, gan, tim... Tuyệt đối không truyền nghề cho những ai không tin vào chữa bệnh bằng cây thuốc và cả các phép truyền khi chữa bệnh, không tin vào thuốc thì không thể học thuốc. Lý do là bởi trước khi chữa bệnh cho người ốm, thầy thuốc cũng đã xem số cho họ nếu hợp số thì thuốc chữa khỏi bệnh. Ngay cả trong quá trình chữa trị, người ốm chỉ phải trả ít tiền hoặc lễ ban đầu để thầy thuốc trả lý cho cây thuốc khi đi hái, khi đã khỏi hẳn thì mới lấy tiền của người ốm. Vì vậy, có những bệnh mà thầy thuốc người Dao chữa khỏi nhưng cũng không đòi hỏi tiền xá, tuỳ tâm vào người ốm. Những người đi học làm thầy thuốc cũng đã từng là bệnh nhân của họ nên càng phải hiểu về ý nghĩa của việc chữa trị cứu người là trên hết.

Lễ truyền nghề thuốc tiếng Dao đỏ gọi là “piếc đỉa xè tìe”, “piếc” có nghĩa là học, truyền phép, “đỉa” có nghĩa là thuốc, “xè tìe” là sư phụ, dịch nghĩa là học lấy thuốc truyền lại cho người có đời kiếp. Người Dao tuyển gọi lễ truyền thuốc là “chỏm má cỏn” (lấy thuốc gốc) hay “đau má cỏn” (truyền thuốc gốc). Bởi những quy định cho người học nên ai học gì sẽ đem lễ vật đến nhà thầy khác nhau. Thông thường trước ngày học, người học đã đến nhà thầy để xin học và hỏi về lễ vật. Nếu học thuốc nhiều thì sẽ mang theo từ 2 đến 10 đồng bạc, một con lợn con, con gà, rượu, hương. Mùng Một, học trò đến nhà thầy mang theo lễ vật, mổ lợn gà và bày lễ vật lên bàn thờ, thầy cúng khấn nội dung mời các sư phụ của thầy, các cây thuốc, tổ tiên, các thần thánh về dự và truyền nghề thuốc cho học trò. Khi thầy khấn học trò quỳ ngay bên dưới, dứt bài cúng thầy ra lệnh bài 3 lần, được sự đồng ý của thần thánh, sư phụ, các cây thuốc thì thầy lập tức cầm nắm thuốc đặt vào vai trái của học trò. Học trò đưa tay đón lấy, thế là nghi thức truyền phép thuốc đã đến được với người học. Nắm thuốc này theo yêu cầu của học trò là học chữa bệnh gì thì lấy thuốc đó và phải đi lấy bí mật không để người khác thấy. Khi thầy truyền thuốc vào vai trái của học trò có niệm một câu thần chú, câu phép nội dung của câu thần chú đó chỉ có hai thầy trò biết được.

(Ảnh: TL)

Ngay khi kết thúc buổi lễ thì miếng thịt gà đầu tiên được dành cho người học ăn, có như vậy thì việc học nghề thuốc mới thành công. Người học được ăn trước thầy vì đó là miếng dành cho họ, theo quan niệm của người Dao, việc học có thành công hay không phụ thuộc vào việc người học có được ăn miếng thịt gà đầu tiên, đó là miếng mở màn, mở đầu cho con đường chữa bệnh cứu người của các học trò, nối tiếp nghề của sư phụ. Sau khi lễ truyền phép kết thúc phải đốt giấy tiền cho các sư phụ, các thần thánh và các cây thuốc để tạ ơn vì đã gọi tất cả họ về chứng kiến lễ truyền nghề. Người Dao tuyển sau khi kết thúc lễ truyền đã hướng dẫn người học cách lấy cây thuốc và các quy định của nghề y. Người Dao đỏ trong buổi truyền nghề đó còn dắt học trò lên rừng tìm cây hái thuốc, để học trò nhận diện cây thuốc đồng thời cũng là hình thức truyền dạy bí mật với những bí quyết diễn ra ở nơi rừng vắng. Sau đó, thầy thuốc người Dao đỏ còn dẫn học trò vào rừng đi lấy thuốc 3 lần, những lần đi đều phải chọn ngày tốt là ngày không gặp người chết, người xấu, không có ma âm phủ trên đường đi.

Những người đã được truyền phép thuốc khi hành nghề tuyệt đối phải tuân thủ theo những quy định của nghề, đó là:

1. Không được làm bậy bạ, cứu chữa không đúng bệnh mà mình biết, lừa người ốm.

2. Thuốc quý không được coi thường, đi đâu cũng quảng cáo khoe khoang thì sau một thời gian tự nhiên thuốc không còn tác dụng nữa.

3. Thề không được phản thầy, nếu phản thầy coi khinh thầy rằng mình giỏi hơn thầy thì có khi bị ốm tự chữa cho mình cũng không thể khỏi, hoặc giả như đi lấy thuốc chữa rắn cắn thì bị rắn cắn mà chết.

4. Đi lấy thuốc phải lấy ngày lẻ mùng 1, 5, 7, 17 vì đó là ngày sát Tam Nương mới khỏi được bệnh, cấm kỵ đi lấy thuốc ngày chẵn.

5. Mỗi lần đi lấy thuốc đều phải trả tiền thuốc vào gốc cây thuốc 1, 2 đồng xu, nếu nhiều lần không trả tiền vào gốc cây thuốc tự nhiên mất tác dụng.

6. Cứu người trong quan niệm của người Dao cũng là một tội, vì chỉ những người bị phạm tội, có tội thì Ngọc Hoàng mới bắt tội bị rắn cắn… nếu chữa bệnh cho họ tức là đã chống lại Ngọc Hoàng cho nên khi đã cố tình cứu họ thì cẩn thận có khi cũng bị tội giống y như họ và khi tránh tội thì cũng không tránh được.

7. Cứu người là việc chính, không được lừa dối để lấy tiền hay lười biếng, dù họ có ở xa, khó khăn vẫn phải chữa trị khi người ta tìm đến. Nếu không làm tròn trách nhiệm cũng có tội và bị Ngọc Hoàng phạt.

Tóm lại, phong tục truyền dạy chữ và nghề bốc thuốc Nam trong các gia đình, thầy thuốc người Dao đỏ thể hiện nét đẹp trong văn hoá giàu bản sắc tộc người Dao ở Lào Cai nói chung. Đây là phong tục tốt đẹp, độc đáo của người Dao với mục đích trao truyền, gìn giữ và phát huy tinh hoa của vốn tri thức văn hoá dân gian phong phú của họ được lưu giữ cho muôn đời sau.
 

Nguyễn Thị Minh Tư

Top