Tìm hiểu về Hội đồng Bảo tàng Quốc tế và ngày Quốc tế Bảo tàng

Nhân dịp 70 năm thành lập Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (1946-2016) và 39 năm ngày Quốc tế Bảo tàng (18-5-1977 / 18-5-2016), xin giới thiệu vài nét về 2 sự kiện này.

Hội đồng Bảo tàng Quốc tế  (International Council of Museums-ICOM), được thành lập năm 1946, theo sáng kiến của ngài Chauncey J.Hamlin (1881-1963), nhà hoạt động bảo tàng nổi tiếng của Mỹ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng Mỹ và là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) từ năm 1946 đến năm 1953. Trụ sở của ICOM đặt tại Thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp). Ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại các cuộc họp của ICOM là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Hội đồng Bảo tàng Quốc tế là tổ chức phi chính phủ của những người làm công tác bảo tàng trên toàn thế giới, với mục tiêu cao cả là thúc đẩy sự phát triển khoa học bảo tàng và những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và hoạt động bảo tàng; tạo điều kiện cho các bảo tàng và những người làm công tác bảo tàng trên thế giới trao đổi và hợp tác nghề nghiệp; phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tàng; đào tạo cán bộ; bảo tồn di sản văn hoá và đấu tranh chống buôn bán trái phép tài sản văn hoá… ICOM cũng là cơ quan tư vấn của UNESCO và giúp đỡ thực hiện các chương trình về bảo tàng của tổ chức này. Hiện nay, ICOM có trên 30.000 thành viên là tổ chức và cá nhân tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 117 uỷ ban quốc gia và 31ủy ban quốc tế, liên minh với 7 tổ chức khu vực và liên kết với 17 tổ chức quốc tế. Việt Nam gia nhập Hội đồng Bảo tàng quốc tế từ năm 2002 và đã thành lập “Hội đồng Bảo tàng Việt Nam” (ICOM Việt Nam).

Việc bảo tàng Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo tàng Quốc tế là bước tiến mới của hệ thống bảo tàng Việt Nam, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống bảo tàng Việt Nam hoà nhập với bảo tàng thế giới, là môi trường để bảo tàng Việt Nam học tập, nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bảo tàng với các nước; đồng thời tư cách  là thành viên của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế, hệ thống bảo tàng Việt Nam từng bước có tiếng nói, đóng góp vào hoạt động của tổ chức quốc tế này.   

Hội nghị toàn thể ICOM lần thứ 12 họp vào tháng 5 năm 1977 tại thành phố Lê-nin-grát, nay là thành phố Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga), theo sáng kiến của Liên Xô, ICOM đã quyết định lấy ngày 18-5 hàng năm là "Ngày Quốc tế Bảo tàng (International Museum Day - IMD). Ngày Quốc tế Bảo tàng hàng năm được tổ chức vào ngày 18 tháng 5, hoặc có thể kéo dài trong một ngày, cuối tuần hoặc một tuần với phương châm: Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc và nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội.

Nhằm không ngừng đa dạng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo tàng, từ năm 1992,  ICOM quyết định hàng năm chọn một chủ đề cụ thể cho ngày Quốc tế Bảo tàng để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động.

Ngày Quốc tế Quốc tế Bảo tàng năm 1992 có chủ đề "Bảo tàng và Môi trường", ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2006 có chủ đề "Bảo tàng và thế hệ trẻ", ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2009 với chủ đề "Bảo tàng và Du lịch", ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2010 với chủ đề “Bảo tàng vì sự hài hoà xã hội”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2011 có chủ đề “Bảo tàng và ký ức”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2012 có chủ đề “Bảo tàng trong một thế giới đang thay đổi: Thách thức mới, nguồn cảm hứng mới”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2013 có chủ đề “Bảo tàng (Ký ức + sáng tạo) =Biến đổi xã hội”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2014 có chủ đề là “Sưu tập bảo tàng tạo lập sự kết nối”; chủ đề ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2015 là “Bảo tàng vì một xã hội bền vững”, chủ đề ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2016 là “Bảo tàng và cảnh quan văn hóa”.

Các em học sinh đang tham quan bộ panô “Bác Tôn với biển đảo quê hương qua nét vẽ trẻ thơ” tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: TL

Với chủ đề ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2016, ICOM gửi đến tất cả các bảo tàng trên toàn thế giới một Thông điệp là: “Bảo tàng không chỉ có trách nhiệm đối với những sưu tập của mình, mà còn cả với môi trường của chúng, bao gồm các đô thị, các ngôi làng và cộng đồng ở đó. Bảo tàng có trách nhiệm phát huy và giao tiếp về bộ sưu tập và cả di sản văn hóa và tự nhiên xung quanh mình. Mọi bảo tàng có thể đóng góp vào phát triển bền vững bằng việc tăng cường mối liên hệ giữa con người và môi trường của họ.

Chủ đề “Bảo tàng và Cảnh quan văn hóa” yêu cầu các bảo tàng tham gia công tác nâng cao nhận thức, trở thành những đại sứ của khu vực địa lý của mình và tham gia tích cực vào công tác bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên”.

Từ khi ra đời đến nay, ngày Quốc tế Bảo tàng ngày càng có sức lan toả rộng lớn, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng bảo tàng trên toàn thế giới. Theo số liệu của ICOM, năm 2011, ngày Bảo tàng Quốc tế năm 2011 hơn 30.000 bảo tàng ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia tổ chức các sự kiện đã tổ chức các sự kiện.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

 

Top