Thư viện sách cổ bên bờ sông Seine

Nhắc tới Paris, người ta thường nghĩ ngay tới tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, Bảo tàng Louvre hoành tráng, lâu đài Versailles tráng lệ hay những cửa hàng thời trang sang trọng,... nhưng chắc chắn không nhiều người biết đến một hoạt động mang đậm chất Paris, biểu tượng văn hóa tinh thần trong lành nhất trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây, được UNESCO công nhận Di sản Văn hoá Thế giới từ năm 1992, đó là những hiệu sách cũ nhỏ bé nằm khiêm nhường dọc hai bờ sông Seine hay còn gọi là những “bouquinistes” của Paris.

Trải dài trên 3km dọc bờ kè đá có nhiều người đi bộ nhất Paris, “thư viện” với chừng 300.000 đầu sách cổ, sách cũ cùng hàng nghìn ấn phẩm báo chí đã phát hành khá lâu, là điểm tham quan thú vị cho du khách từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những người đam mê, yêu thích sách, những nhà sưu tầm đồ cổ, nếu may mắn rất có thể họ sẽ bất ngờ tìm thấy những món đồ thú vị có giá trị tinh thần to lớn hơn nhiều so với giá bán của một món hàng cũ kỹ.

Tập trung chủ yếu từ Quai Du Louvre tới Quai de L’Hôtel de Ville bên phía bờ phải và từ Quai Voltaire tới Quai de la Tournelle bên bờ trái của sông Seine, gần 250 người bán sách với khoảng một nghìn chiếc “hộp xanh” đặc biệt đã làm nên một thư viện độc đáo nhất thế giới dưới bầu trời xanh trong của Paris lãng mạn và cổ kính. Những chiếc hộp xanh có đánh số thứ tự chính là kho chứa sách báo, và khi được mở ra, chúng sẽ biến thành gian hàng xinh xắn của những người bán sách cũ.

Những quầy sách cũ bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XVI, thời điểm xây dựng cầu Pont Neuf - cây cầu cổ nhất Paris và cũng là cây cầu bằng đá đầu tiên của thành phố. Trải qua thăng trầm lịch sử, từ lúc bị coi là những tên trộm vặt cho đến khi trở thành những thương gia kinh doanh sản phẩm văn hóa, đội ngũ bán sách bên bờ sông Seine ngày nay đã tạo cho hiệu sách của mình những nét đáng yêu, duyên dáng và lãng mạn giữa kinh đô ánh sáng; nét văn hóa truyền thống này được bảo tồn và phát huy trong lòng một Paris hiện đại, sang trọng. Các quy định và quy hoạch của những quầy sách này rất rõ ràng, khoa học và cẩn trọng.Thư viện sách bên bờ sông Seine có khoảng 1.000 chiếc hộp màu xanh lá cây đậm với kích thước đúng quy định: dài 2m, rộng 0,75m. Mỗi người bán sách có thể sở hữu nhiều nhất 4 chiếc hộp xanh và mỗi hiệu sách phải mở cửa tối thiểu 4 ngày/tuần, bất kể thời tiết nào. Thứ Tư hàng tuần là thường ngày tốt nhất để có thể săn tìm những quyển sách quý giá hay món đồ cổ độc đáo.

Chủ sở hữu của những chiếc hộp xanh bên bờ sông Seine phần lớn được thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ và hiếm có người nào từ bỏ cơ nghiệp được thừa kế của mình. Không đặt lợi nhuận kinh doanh lên hàng đầu, phần đông trong số các chủ cửa hàng sách là những người yêu sách, sống và đam mê với sách vở văn chương từ thơ bé, muốn được tiếp tục công việc truyền thống của gia đình. Tất nhiên không thể không kể đến những người mong muốn có “chiếc hộp xanh” phải chờ đợi nhiều năm để được cấp giấy phép sở hữu một hoặc vài chiếc hộp xanh và gia nhập đội ngũ những người bán sách cũ bên bờ sông Seine.

Hàng trăm người đi qua nhưng chỉ khoảng chục người dừng lại ngó nghiêng và may ra mới có một người mua. Công việc tuy không đem lại nhiều lợi nhuận nhưng danh sách chờ đợi để được cấp giấy phép sở hữu những chiếc hộp xanh mỗi năm một dài thêm. Ngày nay, để tăng thu nhập, các hiệu sách còn bán thêm những món đồ lưu niệm cho du khách, tuy nhiên chính quyền thành phố quy định ít nhất 3/4 số lượng hàng hoá bày bán trên quầy phải là sách báo, để những chiếc hộp xanh bên bờ sông Seine vẫn bảo tồn được truyền thống lưu giữ giá trị tinh thần chứ không chỉ là nơi bán những vật lưu niệm thông thường vốn dĩ được bày bán khắp mọi nẻo đường của thành phố. 

Hầu như các quầy sách cũ đều mở cửa từ 11h30 sáng, đóng cửa khi mặt trời lặn, và sẽ luân phiên mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Chính quyền thành phố Paris cố gắng duy trì những quầy “bouquinistes” này vì đây là một truyền thống đẹp và là hình ảnh về sinh hoạt văn hoá - tinh thần truyền thống của Paris. Những người bán sách cũ bên bờ sông Seine đã góp phần nâng cao trí tuệ của con người, truyền lại cho hậu thế những di sản của tiền nhân với những tư tưởng đẹp đẽ.

Đi dọc bờ sông Seine, nhìn những quầy gỗ đựng sách báo cũ gá trên những lan can đá bên bờ sông, cảm giác như mấy trăm năm nay, những cửa hàng này vẫn thế, không có gì có thể thay đổi. Trong quầy không có nhiều sách, chỉ một số tác phẩm văn học quen thuộc, xuất bản cách đây 50 - 70 năm. Thêm một vài tờ báo cũ, vài tranh quảng cáo cũ. Người xem thì nhiều nhưng người mua thì chẳng có mấy ai. Người bán sách cũ phần lớn là người cao tuổi, họ sống bằng trợ cấp của nhà nước, làm thêm nghề này cho vui vì bản thân họ là những người yêu sách. Chính quyền thành phố Paris cố gắng duy trì những quầy sách báo cũ bên bờ sông Seine vì đây là một truyền thống tốt đẹp, một hình ảnh về sinh hoạt văn hóa và tinh thần từ lâu đời của Paris.

Bên bờ sông, vài cụ già đang nhẩn nha thu lại những chồng sách báo cũ cho vào chiếc hòm sắt sơn xanh, kết thúc một ngày nhẹ nhàng như mọi ngày. Ai đó từng nói rằng “Tôi yêu những gì đã cũ, sách cũ, rượu cũ, bạn lâu năm”. Bởi thế, cái cách người Paris cố tình vương vấn những sạp báo cũ bên bờ sông Seine là để họ níu kéo lòng mình với quá khứ, với hoài niệm, thay vì chỉ mải miết chạy theo ánh sáng hào nhoáng trên Đại lộ Champs-Élysées hay những mặt hàng xa xỉ trong các cửa hàng sang trọng của kinh đô thời trang Paris.

Thu Hà

Top