Thủ Huồng - Di tích và truyền thống

Có một cây cầu đá bắc qua một con rạch nhỏ trên sông Đồng Nai (đoạn chảy qua phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) mà dân gian gọi là cầu Thủ Huồng. Ngoài địa danh cầu Thủ Huồng, ở Đồng Nai còn có những địa danh khác như chùa Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng đều gắn liền sự tích một nhân vật có thật tên Thủ Huồng đã được ghi trong sử sách.

Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng. Theo sách Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu, quê quán của ông Thủ Huồng là ở Cù Lao Phố (do những di tích liên quan đến ông hiện còn ở vùng đất Biên Hòa).

Thủ Huồng là người Gia Định,  ở đất Gia Định còn lưu truyền câu ca dao: “Ai ơi có đến Nhà Bè/ Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng”. Dù ông mang tên Võ Hữu Hoằng nhưng dân chúng đọc “trại” Hữu thành Thủ, Hoằng thành Huồng nên tên thật bị đổi thành Võ Thủ Huồng, gọi tắt là Thủ Huồng.

Xung quanh nhân vật Võ Thủ Huồng bao trùm nhiều câu chuyện đầy huyền thoại kỳ bí: Ngày xưa, vào thế kỷ 18, ở Cù Lao Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông làm chức quan thơ lại trong bộ máy cai trị của nhà nước phong kiến đương thời. Trong 20 năm làm việc chốn nha môn công quyền, ông đã thâu tóm vơ vét được nhiều tiền của. Vợ mất sớm, lại không con cái mà tiền bạc thì quá thừa thãi, Thủ Huồng xin thôi chức quan về nhà ở ẩn. Thủ Huồng rất yêu thương người vợ sớm mãn phần, cho nên khi nghe người mách rằng, ở chợ Mãnh Ma, là nơi người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. Vợ chồng được hội ngộ mừng mừng tủi tủi, sau đó Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi cho biết một lần và được vợ đồng ý. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã tận mắt nhìn thấy một cái gông to, chúa cai ngục cho biết là để dành cho ông...

Có một cây cầu đá bắc qua một con rạch nhỏ trên sông Đồng Nai (đoạn chảy qua phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) mà dân gian gọi là cầu Thủ Huồng. Ảnh: internet

Khi quay trở lại dương trần, Thủ Huồng thấm thía thuyết lý luân hồi và quả báo nên mới đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi cho dân như xây cầu, nạo vét kênh rạch, xây dựng chùa chiền, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo dừng chờ nước triều ở ngã ba sông.

Sau đó ít lâu, ông Thủ Huồng lại đi thăm vợ và được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa thì thấy cái gông dành cho ông đã nhỏ lại rất nhiều và sau đó cái gông tự tiêu tan. Trở lại cõi tạm, ông tiếp tục làm nhiều việc thiện, việc nghĩa giúp đời hơn nữa cho đến khi ông mất.

Thời gian sau này, Đạo Quang (1782-1850), Hoàng đế thứ 8 của nhà Thanh (Trung Quốc) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch về một người ở Gia Định. Số là khi mới sinh, trong lòng bàn tay Vua đã có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi sứ tâu lại mọi chuyện, Nhà vua mới gửi cúng chùa Thủ Huồng một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương, hiện tượng Phật này vẫn còn ở ngôi chùa Chúc Thọ (tên cũ là chùa Thủ Huồng) tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa.

Trên địa phận Biên Hòa hiện nay có ba địa điểm gắn với tên Thủ Huồng: từ con rạch, chiếc cầu bên phường Bửu Hòa đến ngôi chùa ở vùng Cù lao Phố.

Con rạch chạy ngang qua đường Tân Vạn vòng qua Quốc lộ 1A đi Sài Gòn, do Thủ Huồng sai vét nên gọi là rạch Thủ Huồng. Chiếc cầu đá trên đường gần sông Đồng Nai đi Tân Vạn cũng gọi cầu Thủ Huồng vì nhờ ông mới có. Còn chỗ ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nơi mà Thủ Huồng cho kết bè nổi để khách thương hồ có nơi ăn nghỉ đợi chờ con nước, sau biến thành chợ trên sông. Do đó cái tên bến Nhà Bè, sông Nhà Bè, huyện Nhà Bè...chính là để ghi dấu “cái nhà bè” trên khúc sông vừa kể.

Cây cầu đá hình dáng theo kiểu hơi cong cong được xây dựng bằng chất liệu gạch, đá, bê tông cốt thép có chiều dài 10 m, chiều ngang cầu chưa tới 1 m, chỉ dành cho một chiều xe lưu thông mà thôi, còn xe đầu bên kia phải đứng đợi. Ảnh: internet

Cây cầu đá hình dáng theo kiểu hơi cong cong được xây dựng bằng chất liệu gạch, đá, bê tông cốt thép có chiều dài 10 m, chiều ngang cầu chưa tới 1 m, chỉ dành cho một chiều xe lưu thông mà thôi, còn xe đầu bên kia phải đứng đợi. Ba trụ cầu cao 4 m, đường kính 3 m là những khối bê tông rất kiên cố. Đến năm 1910, cây cầu ván đã xuống cấp nên có một phụ nữ tên Hai Ngời mới bỏ tiền ra xây dựng một cây cầu bằng đá theo nguyên bản và vị trí của cầu ván Thủ Huồng xưa. Cây cầu đá trụ vững từ đó cho mãi đến tận đến ngày hôm nay, ngót nghét đã hơn 100 năm. Ghi nhận việc thiện nguyện của bà Hai Ngời nên nhân dân mới dựng một tấm bia đá tạc công đức ở chân đầu cầu. Qua thời gian, tấm bia cũng đã phai mờ hàng chữ khắc trên đá.

Ngày nay, ở  Cù Lao Phố còn có một ngôi chùa liên quan đến Thủ Huồng. Chùa này ban đầu có tên là chùa Chúc Đảo, sau đổi là Chúc Thọ (vì chữ “Đảo” tự dạng giống chữ “Thọ” mà lại có ý nghĩa hơn) tọa lạc ở số 542A2, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa được dựng vào thế kỷ 19, còn có tên là chùa Thủ Huồng, do tích ông Thủ Huồng sau khi được người vợ quá cố dẫn đi thăm âm phủ, thấy tội ác của mình nên đã bán cả gia sản để làm phước, xây chùa. Trải qua nhiều đợt trùng tu, hiện nay chùa mang dáng vẻ hiện đại, được xây cất bằng các vật liệu kiên cố ... Kiến trúc của chùa theo hình chữ tam truyền thống, bề thế, thâm nghiêm. Trong khuôn viên chùa, còn hai ngôi tháp cổ loang lổ đổ nát là mang dấu ấn xưa nhất. Ngay cạnh chùa là nghĩa địa của làng, ngổn ngang lăng mộ lớn nhỏ, càng làm không khí chùa Thủ Huồng thêm u tịch vắng lặng mỗi buổi chiều tà. Chùa còn bảo tồn ba pho tượng Phật cổ bằng gỗ và bộ tượng A-la-hán cao 0,74m bằng đất nung ở thế kỷ 19.

Người dân Nam Bộ, hầu như ai cũng từng nghe qua câu ca dao Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về. Không chỉ địa danh Nhà Bè, mà cả chùa Chúc Thọ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) đều gắn với những giai thoại rất thú vị về Thủ Huồng...

Trần Hoàng

Top