Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế

Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc khởi nghĩa nông dân chống thực dân Pháp do Đề Nắm, Đề Thám lãnh đạo, bắt đầu nổ ra ở vùng rừng núi Yên Thế, sau đó lan rộng ra một số tỉnh Bắc Kỳ. Khởi nghĩa kéo dài gần 30 năm (1884-1913), chia thành 4 thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhất (1884-1892), nghĩa quân gồm nhiều toán hoạt động riêng lẻ dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh nông dân địa phương, trong đó nổi bật là toán quân do Đề Nắm (Lương Văn Nắm) cầm đầu. Với lối đánh du kích, lại biết lợi dụng địa hình rừng núi ở Yên Thế, nghĩa quân đã tổ chức các trận đánh phục kích trên đường giao thông, tập kích vào các đồn lẻ, đánh bại nhiều đợt càn quét của quân Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Điển hình là trận Cao Thượng (11.1890), trận Hố Chuối (12-1890)… làm chủ hầu hết vùng rừng núi Yên Thế. Năm 1892, Pháp huy động 2.200 quân càn quét căn cứ Yên Thế. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, sau nhiều trận giao chiến ác liệt, nghĩa quân buộc phải rút lên Đồn Hom. Lực lượng suy yếu dần, Đề Nắm bị sát hại. Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) đã đứng ra tổ chức lại phong trào và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân.

Thời kỳ thứ hai (1893-1897), Đề Thám hợp nhất những toán quân còn lại ở Yên Thế và mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang. Mặc dù vậy, lực lượng lúc này còn mỏng, để có thêm thời gian củng cố, tháng 10- 1894, Đề Thám quyết định thương lượng giảng hòa với quân Pháp. Chúng giao lại các tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng cho nghĩa quân quản lý để chuộc lại hai con tin người Pháp. Nhưng sau đó Pháp lại bội ước, tổ chức lực lượng tấn công. Đề Thám chia nghĩa quân thành những toán nhỏ, phân tán hoạt động trong rừng và ở các làng mạc. Quân Pháp truy lùng, vây ráp gắt gao, để bảo toàn lực lượng, Đề Thám xin giảng hòa với quân Pháp lần thứ hai (12- 1897).

Thời kỳ thứ ba (1898-1908) là thời kỳ hòa hoãn với quân Pháp, nghĩa quân vừa sản xuất tự túc lương ăn, vừa tích cực sắm sửa vũ khí, ra sức luyện tập, ổn định tinh thần, sẵn sàng đánh địch khi có thời cơ, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động, gặp gỡ nhiều nhà yêu nước lúc đó như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…

Thời kỳ thứ tư (1909-1913), sau 11 năm hòa hoãn, nguy cơ khởi nghĩa Yên Thế vẫn đe dọa quân Pháp và triều đình. Chúng quyết định huy động 15.000 quân mở cuộc tiến công vào Yên Thế. Nghĩa quân vừa chống đỡ vừa rút dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh rồi sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra trên đường lui quân của nghĩa quân. Tiêu biểu là trận Đồi Hom ở Yên Thế (30-1-1909), trận Núi Hàm Lợn ở Tam Đảo (15-3- 1909)… Mặc dù vậy, các trận chiến đấu không cân sức diễn ra liên tục đã làm nghĩa quân tổn thất nặng.

Hầu hết các tướng lĩnh của nghĩa quân đều hy sinh, bị bắt hoặc đầu hàng. Thủ lĩnh Đề Thám cũng bị sát hại (2-1913). Cuộc khởi nghĩa kết thúc.

Lễ hội đình Hả

Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc khởi nghĩa có qui mô lớn nhất, bền bỉ nhất trong phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thể hiện ý chí, sức mạnh của nông dân, một lực lượng to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Những dấu tích liên quan đến khởi nghĩa Yên Thế còn khá đậm nét trên vùng đất Bắc Giang. Hầu hết trong số đó là những đình, chùa, đền, miếu cùng các đồn lũy liên hoàn trải rộng trên địa bàn 4 huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng, tập trung chủ yếu ở Yên Thế. Đây là những di tích gắn liền với những chiến công hiển hách của cuộc khởi nghĩa và tên tuổi người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám - người được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Tiêu biểu có thể kể đến:

1. Đình Dĩnh Thép (xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế). Đình thờ thần Cao Sơn - Quý Minh, Minh Giang Đô Thống, sau này có phối thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế tử trận, những người có nhiều công lao với dân, với nước. Đây là nơi diễn ra Hội nghị ghi dấu thời điểm củng cố lại nghĩa quân Yên Thế sau những thất bại ban đầu (1888). Đây cũng là nơi Hoàng Hoa Thám qua lại những năm tháng cuối đời.

2. Chùa Lèo (xã Phồn Xương, huyện Yên Thế). Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI. Những năm 1890-1891, chùa là chốt điểm đóng quân của Pháp làm bàn đạp tấn công vào đồn Hố Chuối do nghĩa quân Yên Thế đóng giữ. Thời kỳ hòa hoãn lần thứ hai giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp (1897-1909), chùa giữ vai trò là vị trí tiền tiêu quan sát các bước xâm nhập của thực dân Pháp vào khu căn cứ Phồn Xương. Đây còn là điểm liên lạc thư từ qua lại thường xuyên của nghĩa quân, là nơi tụ họp của những người yêu nước tìm đến với nghĩa quân.

3. Đền Thề (thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế), nơi Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân thường tổ chức nghi lễ tế cờ, tổ chức hội thề. Đền còn là nơi cầu siêu cho các linh hồn nghĩa sĩ tử trận của nghĩa quân Yên Thế.

4. Đồn Hố Chuối (xã Phồn Xương, huyện Yên Thế). Đồn được xây dựng vào cuối năm 1889 trên bãi đất xung quanh là những đồi cao khoảng 40 đến 50m, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Hoàng Hoa Thám đã lợi dụng địa thế này để xây dựng một pháo đài phòng thủ kiên cố, tập trung đông lực lượng và có vai trò quan trọng nhất về quân sự của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa nghĩa quân và quân Pháp. Nổi bật nhất là cuộc chiến vào cuối năm 1890 đầu 1891, nghĩa quân do Hoàng Hoa Thám chỉ huy đã liên tiếp đánh bại 4 cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp, diệt 26 tên, làm bị thương 73 lính Pháp.

5. Chùa Thông (xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế). Đây là nơi ký hiệp ước điều đình giữa nghĩa quân và thực dân Pháp vào ngày 23- 10-1894, theo đó, hai bên ngừng chiến, nghĩa quân thả 2 người Pháp với tiền chuộc là 15.000 Frăng. Chùa Thông còn là nơi tuyển nạp, luyện tập binh sĩ của nghĩa quân Yên Thế.

Đồn Phồn Xương

6. Đồn Phồn Xương (thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế), được xây dựng năm 1894-1895. Đây được coi là Đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế. Nó là một cụm cứ điểm gồm đồn chính Phồn Xương và các đồn phụ Am Đông, Trại Cọ, Hố Lẩy, Cả Can, công sự Tổ Cú… là nơi đào tạo, tuyển nạp binh sĩ, đồng thời cũng là nơi thu hút các bậc tướng lĩnh, các lực lượng yêu nước từ các địa phương tới. Đặc biệt, tại đây diễn ra cuộc điều đình lần thứ hai giữa nghĩa quân Yên Thế với quân Pháp và cuộc chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân chống lại cuộc tấn công qui mô lớn của thực dân Pháp vào ngày 30-1-1909.

7. Đồn Hom (xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế), được xây dựng vào năm 1891. Đồn gồm một đồn chính do Đề Thám đứng đầu, 3 đồn khác do Bà Ba, Cả Trọng và Ba Bảy chỉ huy. Cả 4 đồn đều được xây dựng trên 4 ngọn núi hiểm trở trong dãy núi Cai Kinh bao bọc khu Đồng Khách trông giống hình chiếc hom giỏ nên được gọi là Đồn Hom. Tại đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt làm quân địch nhiều phen bạt vía, kinh hồn. Nổi bật là 2 trận đánh nổi tiếng diễn ra vào tháng 3-1892 và tháng 2-1909, chỉ riêng trận tháng 3.1892, nghĩa quân đã diệt hàng trăm tên, trong đó có nhiều sĩ quan khiến kẻ thù coi đó là “một thí dụ của những trận tập kích khốc liệt mà những người chỉ huy khôn ngoan và thận trọng nhất cũng thường vấp phải tại xứ Bắc Kỳ, nhất là ở trong rừng rậm”.

8. Đình Đông (thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên), nơi thờ tự Trương Hống, Trương Hát (hai vị tướng giỏi của Triệu Quang Phục đã tiêu diệt giặc nhà Lương thế kỷ VI). Tại đây, Đề Thám tập hợp nghĩa quân tổ chức lễ tế cờ để gây dựng lại phong trào khởi nghĩa sau khi thủ lĩnh Đề Nắm bị sát hại vào năm 1892.

9. Chùa Kem (xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng), nơi Đề Thám cùng nghĩa quân Yên Thế về đóng quân, đắp lũy, làm tường thành, nhà luyện tập quân sự, tạo thành một căn cứ chống Pháp. Chùa còn là nơi chiêu binh đánh Pháp, là nơi cất giấu lương thực, vũ khí và hội họp của nghĩa quân.

Chùa Kem (xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng)

10. Đình, chùa Hả (xã Tân Trung, huyện Tân Yên), nơi Đề Nắm làm lễ tế cờ chính thức phát động khởi nghĩa nông dân Yên Thế (16- 3-1884). Dưới ngọn cờ nghĩa của Đề Nắm, nông dân Yên Thế đã kề vai sát cánh trường kỳ chiến đấu trong gần 10 năm chống thực dân Pháp xâm lược khiến chúng tổn thất nặng nề và thừa nhận “Quân của Đề Nắm không mạnh như những toán quân của Lưu Kỳ nhưng lại là những người An Nam gan góc chống cự quân Pháp rất ngoan cường”. Đây không chỉ là nơi ghi dấu ấn của thủ lĩnh đầu tiên của khởi nghĩa Yên Thế, nó còn là một chứng nhân của lịch sử tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp xâm lược đang tâm phá hủy cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, triệt hạ xóm làng, giết hại dân thường.

11. Đình Dương Lâm (xã An Dương, huyện Tân Yên). Tại đây diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng giữa thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa như Thống Linh (làng Dương Lâm), Đề Trung (làng Hạ), Đề Thị (làng Thị), Thống Luận (làng Trũng)… Đình cũng là nơi đi về của nghĩa quân trong suốt thời gian diễn ra khởi nghĩa Yên Thế.

12. Đình Cao Thượng (thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên). Tại khu vực này, Hoàng Hoa Thám đã lập một căn cứ trên núi Yên Ngựa. Thực dân Pháp tổ chức cuộc tấn công lớn vào đây hòng tiêu diệt nghĩa quân, nhưng chúng đã thất bại. Khi chúng vào được Cao Thượng thì nơi đây chỉ còn trận địa không người.

13. Đình làng Chuông (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên). Tại đây trong những năm đầu khởi nghĩa Yên Thế, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng do Hoàng Hoa Thám chủ trì để bàn việc tổ chức những trận đánh lớn chống thực dân Pháp xâm lược.

14. Đền Gốc Khế (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên). Đây là nơi hoạt động của nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân trong những năm 1892-1894 như Đề Công (Tạ Văn Công), Đề Nguyên (Tạ Văn Nguyên), Đề Cần (Tạ Văn Cần), Thống Ngò (Tạ Văn Khấu), Quản Khối (Giáp Văn Khối).

15. Đền thờ Cả Trọng (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên), là nơi thờ Hoàng Đức Trọng - con trai cả của Hoàng Hoa Thám, vị tướng của nghĩa quân Yên Thế. Ông theo cha đánh Pháp từ nhỏ, cùng cha mình đánh nhiều trận và được cha tin cậy, được nghĩa quân mến phục.

16. Ao Chấn Ký (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên), là ao của một chủ cửa hàng gạo người Hoa có tên Chấn Ký ở chợ Nhã Nam. Tại đây, thực dân Pháp và tay sai đã thả tro cốt của Đề Thám và thuộc hạ của ông sau nhiều ngày chúng bêu đầu ông ở chợ Nhã Nam. Sự kiện này là dấu mốc khép lại cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài ngót 30 năm.

Ngoài 16 địa điểm như đã nêu, còn các điểm di tích khác như: Động Thiên Thai (xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế), Đền Cầu Khoai (xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế), Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên), Đình Nội (xã Việt Lập, huyện Tân Yên), Chùa Phố (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên), Nghĩa địa Pháp, Đồi Phủ (xã Nhã Nam, huyện Tân Yên).

Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Mỗi điểm di tích trong hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa này đều mang giá trị lịch sử to lớn, phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của nghĩa quân và các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa. Những điểm di tích này vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang tính lịch sử, nhân văn sâu sắc, có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam. Nhằm ghi nhận, tôn vinh những giá trị đặc biệt của khởi nghĩa Yên Thế và người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, tháng 5.2012, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận “Những điểm di tích khởi nghĩa Yên Thế” là di tích Quốc gia đặc biệt.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng

Top