Dân tộc Chăm ở Tây Ninh

Theo báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể loại hình tập quán xã hội dân tộc Chăm năm 2014 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng gần 4.000 nhân khẩu, trên 850 hộ là dân tộc có số dân đứng thứ 3 trong 22 dân tộc anh em ở Tây Ninh, sau người Kinh và Khmer; sống tập trung ở huyện Tân Châu, Tân Biên và thành phố Tây Ninh.

Dân tộc Chăm nói riêng, đồng bào thiểu số ở Tây Ninh nói chung, vốn có truyền thống gắn bó lâu đời, sống gần gũi, chan hòa và có mối quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết với đồng bào Kinh và các cộng đồng dân tộc thiểu số khác. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh biên giới Tây Nam, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Ninh trong đó có đồng bào Chăm đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (30-4-1975) thống nhất đất nước. Trong hòa bình, các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh cùng với đồng bào người Kinh tiếp tục hưởng ứng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà.

Tập quán xã hội và luật tục của người Chăm ở Tây Ninh

Người Chăm ở Tây Ninh thuộc cộng đồng người Chăm Nam Bộ, đa số theo đạo Hồi và tự gọi mình là Chăm Asulam (Islam) có nghĩa là Chăm có phúc. Họ sống tập trung thành từng làng quanh Thánh đường (majid). Theo kết quả kiểm kê, tập quán xã hội của người Chăm ở Tây Ninh có 13 nghi lễ chính, đó là: Nghi lễ cầu an, Lễ hỏi, Lễ cưới, Lễ dâng hiến, Lễ cắt tóc và đặt tên cho trẻ, Lễ lên nhà mới, Lễ mừng sinh nhật Đấng Nabi Mohammed, Lễ Ramadan, Lễ tạ ơn, Lễ tang, Lễ thăng thiên, Lễ xả chay và Lễ mừng học trò thuộc kinh Coran. Ngoài ra, họ còn 7 tập tục hình thành một hệ thống luật tục trong xã hội Chăm ở Tây Ninh đó là: Tín ngưỡng dân gian, Tục tập quán - cư trú, Tục ăn uống - ẩm thực, Tục mặc, Tục sinh đẻ, Tục cắt da quy đầu, Tục ly dị.

Tưng bừng lễ hội Kate của người Chăm Ninh Thuận. Ảnh: internet

Hiện nay, đa phần các tập tục của đồng bào Chăm ở Tây Ninh đều được các gia đình, dòng tộc giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ nối tiếp. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống của người Chăm, một số tập quán và tục lệ của họ đã bị pha tạp; một số tục lệ có nguy cơ mất gốc, bởi lẽ trong quá trình cộng cư, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau, người Chăm đã và đang ảnh hưởng các tập tục của người Kinh và người Hoa sống lân cận, nhất là lễ hỏi, lễ cưới và lễ tang … Do đó, Sở VHTTDL đã thực hiện nhiệm vụ kiểm kê tập quán xã hội và tục lệ người Chăm ở Tây Ninh; lập hồ sơ khoa học nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm theo Thông tư 04 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tập tục đồng bào Chăm ở Tây Ninh
Cùng với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, tập quán xã hội và luật tục của người Chăm ở Tây Ninh cũng chỉ được lưu giữ bằng trí nhớ và lưu truyền chủ yếu bằng hình thức truyền miệng. Vì vậy, nếu không nhận thức đúng đắn và có giải pháp bảo tồn, rất có thể nhiều tập quán xã hội của người Chăm sẽ dần mai một; thậm chí sẽ biến mất trong một thời gian không được tái hiện trong cộng đồng thường xuyên.

Điệu múa truyền thống của người Chăm trong lễ hội Kate. Ảnh: internet

Giải pháp trước tiên là cơ quan chức năng chuyên môn các cấp cần phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, vị trí tập quán xã hội của người Chăm ở Tây Ninh nhằm phát huy ý thức cộng đồng trong việc chung tay giữ gìn tập quán xã hội của cộng đồng; quan tâm đến những già làng, người cao niên uy tín, các gia đình; động viên các hoạt động truyền dạy về nghi lễ, tục lệ tốt đẹp cho các thế hệ trẻ; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nghệ nhân, người có công lưu giữ và truyền dạy các phong tục, tập quán xã hội tốt đẹp của cộng đồng người Chăm.  Ngành VHTTDL cần chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức kiểm kê định kỳ, nhận diện, phân loại và nghiên cứu các giá trị tập quán xã hội của người Chăm để có đề xuất cụ thể các chính sách kịp thời chăm lo, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của người Chăm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, cần tập trung giải pháp đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức văn hóa học tập và sử dụng thành thạo tiếng dân tộc; mở các lớp tập huấn hướng dẫn công tác bảo tồn di sản văn hóa ở cơ sở nhằm phát huy các tập quán xã hội truyền thống đã và đang được cộng đồng các dân tộc lưu giữ trong các cộng đồng dân cư; tạo mọi điều kiến cho nghi lễ truyền thống, các tập tục tốt đẹp của các dân tộc anh em phát triển đồng bộ và cần thiết phải lập hồ sơ khoa học kiến nghị Bộ VHTTDL xem xét đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ cưới dân tộc Chăm, phường I, thành phố Tây Ninh.

Đồng bào Chăm dâng lễ tạ ơn trời đất và thần linh. Ảnh: Văn Trãi

Kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ cưới truyền thống của dân tộc Chăm ở phường I, thành phố Tây Ninh”

Theo báo cáo kết quả kiểm kê và căn cứ tiêu chí quy định tại Thông tư số 04 về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở VHTTDL Tây Ninh đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL xem xét công nhận: “Lễ cưới truyền thống của dân tộc Chăm ở phường I, thành phố Tây Ninh” để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vì đây là một trong những tập quán truyền thống của người Chăm ở Tây Ninh đã được lưu truyền và thực hiện thường xuyên trong cộng đồng dân tộc Chăm, có đầy đủ tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng và địa phương; phản ánh sự đa dạng và sáng tạo của đồng bào Chăm; được kế tục qua nhiều thế hệ, được cộng đồng đồng thuận gìn giữ; tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Từ ngày 14-7 đến 18-7-2016, Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh đã cử một đoàn văn hóa - nghệ thuật của tỉnh tham gia “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Chăm năm 2016 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang”. Đây cũng là dịp Tây Ninh giới thiệu các hoạt động văn hóa - văn nghệ mang đậm dấu ấn truyền thống người Chăm Nam Bộ của đồng bào người Chăm tỉnh nhà đến với cộng đồng người Chăm cả nước. 
 

Võ Hòa Minh

Top