Thú chơi diều dái của người làng Cao Hải

Người Việt từ lâu đã thích chơi diều, diều đã trở thành thú vui của nhiều người dân ở khắp các vùng trong cả nước. Theo một số nhà nghiên cứu: tục chơi diều xưa xuất phát từ việc xem dự báo thời tiết. Người xưa dùng diều để biết hướng gió, sự thay đổi của thời tiết…

Với vị trí cửa sông ven biển, người dân làng Cao Hải, từ rất lâu đã rất phát triển thú chơi thả diều. Diều ở Cao Hải không kiểu cách cầu kỳ và trang trí như diều của xứ Huế... nhưng nét đặc biệt và cuốn hút nhiều nhà nghiên cứu ở cách làm diều sáo, ý nghĩa của việc sử dụng diều sáo ở những vùng cửa sông ven biển, và còn ở cách gọi tên diều của làng mình: “diều dái”. Ông Hồ Hải Bích, thôn Cổ Đẳng, xã Tân Liên huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã đưa ra câu giải thích rất đơn giản và thú vị rằng: “ Dái chính là cái bánh lái, lái diều lên thẳng..”. Người điều khiển diều ngoài sức khỏe, sự thông minh, nhanh nhẹn còn phải quan tâm chú ý kỹ đến các bánh lái này.

Thả diều là thú chơi được nhiều người ưa chuộng.

Theo quy trình cấu tạo một chiếc diều, người thợ sẽ dùng thanh tre cứng, gò chắc khung diều. Nguyên tắc của một khung diều chuẩn là: khung cái phải cứng, khung con phải mềm. Người thợ làm diều vẫn bảo nhau:

“Mềm con, cứng cái thì lên

Cứng con mềm cái chẳng lên cái gì”.

Sau công đoạn làm khung và đan lưới là đến khâu phất giấy diều. Giấy diều ngày xưa được làm từ giấy nam hay còn gọi là giấy dó2. Giấy dó có tính năng nhẹ, xốp, giúp diều lên nhanh, bay cao. Để phất giấy diều, nghệ nhân thường dùng quả cậy hoặc quả hồng xiêm non giã nhuyễn, hoà với nước. Sự kết hợp đó tạo thành một chất kết dính để gián vào mép khung của chiếc diều. Giấy được gián kín tạo thành áo diều. Kỹ thuật phất giấy đòi hỏi phất giấy không quá căng cũng không được quá chùng.

Một chiếc diều được xem là hoàn hảo lại phải có một màu. Thông thường, nghệ nhân vẫn sử dụng các loại quả kể trên giã dập lấy nhựa làm sơn, quét lên lớp áo diều ba lượt. Lớp sơn này khi khô chuyển hoá áo diều thành màu nâu cánh dán, vừa đẹp mắt, vừa bảo vệ áo diều. Nếu diều có lên cao, gặp ẩm hoặc rơi xuống hồ ao vẫn không bị thấm nước.

Công đoạn cuối cùng trong quy trình tạo diều là làm dây buông diều. Dây buông diều xưa được tạo từ cật tre vót nhỏ, các đầu mối được nối lại với nhau, rồi được đem luộc chín bằng nước muối như đối với khung tre chiếc diều.

Diều Vĩnh Bảo có nhiều loại, nhưng người dân nơi đây chủ yếu vẫn chuộng loại diều sáo. Và để cõng được chiếc sao, diều thường làm rất to.

Vì phần bẹ độc đáo mà diều sáo nơi đây được gọi là “diều dái”.

Khi chế tạo chiếc sáo, người ta bắt đầu từ công đoạn tạo thân sáo. khi đã có thân sáo chuẩn về kích thước, nghệ nhân dùng sơn ta quét lên thân sáo nhiều lớp. Sơn ta có tác dụng vừa làm kín thân sáo, vừa tăng tính thẩm mỹ và độ bền của sáo.

Thân sáo có hai đầu rỗng dùng để làm nơi gắn miệng sáo. Sau công đoạn tạo thân là đến công đoạn tạo tấm chắn thuỷ. Một chiếc sáo phải có hai chiếc tấm chắn thuỷ mỏng, hình tròn, được chêm vừa khít vào giữa lòng ống sáo.

Nếu tấm chắn thuỷ và miệng sáo được xem là quan trọng thì khoét miệng sáo vẫn là khâu quyết định.

Khoét miệng sáo, nếu thiếu chính xác về tỷ lệ thì toàn bộ chiếc sáo trở lên vô dụng. Như tính toán của nhiều nghệ nhân Vĩnh Bảo, tỷ lệ miệng sáo bằng1/3 mỗi bên thân sáo. Miệng sáo gồm có hai phần: phần trên hay còn gọi là “môi trên” có tác dụng hứng gió hay rót gió; phần dưới hay môi dưới các tác dụng ngăn gió, giữ gió. Sự tác động qua lại theo nguyên tắc vật lý của luồng gió, khi đã lọt qua miệng sáo vào thân sáo rồi bật trở ra tạo lên tiếng kêu là kết quả tìm tòi, sáng tạo của bao lớp nghệ nhân tạo sáo diều.

Để thử âm thanh tiếng sáo, người thợ còn có cách kiểm tra khác như: cách dùng một lượng nước đổ đầy vào miệng của thân sáo. Nếu lượng nước hai bên thân sáo bằng nhau thì chất lượng chiếc sáo được đảm bảo. Người thợ sáo ở Vĩnh Bảo có cách kiểm tra sáo rất độc đáo:

Làm sáo diều, người thợ phải đảm bảo nguyên tắc đối xứng giữa âm thanh tiếng sáo với kích cỡ của nó. Muốn cho tiếng sao phát ra âm thanh gì thì người ta sẽ tạo hình cho chiếc sáo có thể phát ra âm thanh ấy.

Sáo diều được chia làm hai loại chính là sáo đơn và sáo kép. Sáo đơn theo âm thanh phát ra được gọi là sáo Bi- sáo một ống. Sáo kép khá phong phú về hình dạng, bao gồm: sáo đôi- loại sáo có hai ống ghép lại, còn được gọi là sáo chị em; sáo bộ ba có 3 ống ghép lại, thường được gọi là sáo con khóc mẹ ru; sáo bộ bốn có bốn ống sáo ghép lại với nhau

Khâu chế tạo diều tuy riêng rẽ nhưng lại được chuẩn hoá theo quy định: diều to cõng sáo to, diều nhỏ cõng sáo nhỏ; sáo nào thì diều ấy, diều nào thì sáo ấy.

Mùa hè trẻ em nông thôn thường được nghe lời ru:

“Bà ơi cháu muốn chơi diều,

Bà mua trăm giấy, bà liều cây tre.

Diều lên sáo thổi ve ve,

Bà ngồi bóng mát, bà nghe sáo diều”.

Thi diều sáo, sâu xa là nghi thức cầu tạnh phổ biến của cư dân nông nghiệp Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Diều sáo có sự liên quan đến tiết khí và mùa màng của nghề nông. Người xưa coi diều sáo là biểu tượng về sự khô ráo mà cư dân nông nghiệp mong đợi trong những ngày ẩm ướt, mưa lũ. Diều lên cao trên không trung, sáo kêu to, rõ tiếng sẽ báo một thời tiết tốt. Nó có tác dụng điều hoà âm dương, nối mối quan hệ giữa trời và đất; giữa cao và thấp, giữa khô tạnh và ẩm ướt. Diều sáo cũng như pháo đất làm cho thời khí nhẹ nhàng, dịch bệnh tan biến, như lời đúc kết của nhân dân:

“Diều sáo, pháo đất nhẹ thời khí”.

Nguyễn Trang

Top