“Sofia Yabonska - Hành trình xuyên thế kỷ”
Cắt băng khai mạc Triển lãm
Triển lãm giới thiệu 55 tư liệu, hình ảnh được chụp và chia sẻ qua lăng kính của Sofia Yablonska, nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia và quay phim chuyên về đề tài du lịch người Ucraina.
Khách tham quan Triển lãm
Thông qua triển lãm, công chúng sẽ đến với một hành trình ngược dòng quá khứ, tìm hiểu về những khoảnh khắc cuộc sống, phong cảnh và con người Việt Nam trong giai đoạn 1930-1940, mang tới những hiểu biết và cảm xúc sâu sắc về một thời kỳ lịch sử cách đây gần một thế kỷ. Những bức ảnh dẫn dắt công chúng theo chân Sofia Yablonska trong hành trình khám phá vùng đất Việt Nam, nơi bà và gia đình đã dành tình cảm sâu sắc trong 10 năm sinh sống. Công chúng sẽ dễ dàng bắt gặp khung cảnh về cuộc sống nông thôn với những cánh đồng trải dài tít tắp và con người cần cù lao động, danh thắng Vịnh Hạ Long với sự hoang sơ kỳ vĩ hay vừa lạ vừa quen với không gian của Hoàng thành Thăng Long, cầu Long Biên, hồ Hoàn Kiếm. Sự đa dạng văn hóa các dân tộc cũng được Sofia Yablonska ghi lại qua vẻ đẹp của phụ nữ Thái, Mông, Dao Tiền và người Hà Nội xưa...
Một góc Triển lãm
Bên cạnh những bức hình đen trắng, triển lãm còn khám phá chiều sâu cảm xúc của tác giả Sofia Yablonska với cảnh vật và con người Việt Nam qua những dòng chia sẻ trích từ cuốn nhật ký “Phương trời xa xôi” được bà ghi lại trong thời gian trải nghiệm nơi đây.
Những dòng chia sẻ trích từ cuốn nhật ký “Phương trời xa xôi”
Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Thật tuyệt vời khi chúng ta cùng nhau hội ngộ trong không gian văn hóa tại Bảo tàng để khám phá một hành trình ngược dòng thời gian về với những khoảnh khắc lịch sử Việt Nam thông qua triển lãm ảnh và những chia sẻ của nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia và quay phim chuyên về đề tài du lịch người Ucraina. Sự kiện này được tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và U-crai-na...”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm
Đại sứ Ucraina tại Việt Nam, ông Oleksandr Gaman chia sẻ: “Tôi rất xúc động trước nỗ lực giới thiệu hành trình đáng chú ý của một phụ nữ Ucraina can đảm và nổi tiếng. Triển lãm này nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Sofia Yablonska. Đó cũng là minh chứng cho tình hữu nghị bền chặt giữa Ucraina và Việt Nam. Công việc bảo tồn di sản mà Sofia để lại vẫn đang được tiến hành. Tư liệu cho cuộc triển lãm được giới thiệu bởi cháu của Sofia, Natalie, người có cha sinh ra ở Việt Nam. Phần lớn kho lưu trữ vẫn chưa được khám phá. Có thể sau khi nghiên cứu hoàn tất, chúng ta có thể khám phá ra những hiện vật thú vị và có giá trị tạo tác. Có lẽ chúng tôi sẽ có cơ hội giới thiệu đến các bạn một bộ sưu tập trọn vẹn trong tương lai...”
Đại sứ Ucraina tại Việt Nam, ông Oleksandr Gaman phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm
Sofia Yablonska (1907-1971) sinh ra tại làng Hermaniv (nay là Tarasivka), gần Lviv, trong gia đình linh mục công giáo Hy Lạp Ivan Yablonskyi. Sofia Yablonska thực hiện chuyến đi xa đầu tiên đến Maroc (Bắc Phi). Maroc không chỉ là một điểm đến trong hành trình phiêu lưu mà còn là bước ngoặt trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của bà. Các nhật ký về cuộc hành trình này đã in trong cuốn tiểu thuyết du lịch đầu tay “Sự quyến rũ của Maroc”, xuất bản lần đầu ở Lviv năm 1932.
Sofia Yablonska ký hợp đồng với một công ty ở Paris chuyên sản xuất phim tài liệu ngắn và bắt đầu chuyến đi mơ ước vòng quanh thế giới từ Pháp đến New York qua Châu Phi và châu Á. Khi du hành tại các nước Đông Dưiơng, Sofia đã thực hiện chuyến du lịch xuyên Việt từ đồng bằng sông Cửu Long đến miền núi phía Bắc. Hà Nội, Sài Gòn, Huế là những điểm dừng chân quen thuộc của bà. Trong thời gian đi du lịch, Sofia đã ghi chép lại thành các tư liệu, đồng thời viết nhiều bài báo. Sau này những bài viết đó được xuất bản thành hai cuốn sách trong đó có cuốn “Phương trời xa xôi”.
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng tham quan đến hết ngày 30/4/2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hoàng Vân