Tháp Bánh Ít - Quần thể tháp Chăm lớn nhất ở Bình Định

Tháp Bánh Ít là quần thể tháp Chăm được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI - XII tại một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là quần thể tháp Chăm lớn nhất còn hiện hữu trên đất Bình Định.

Truyền thuyết và hiện trạng

Người Pháp gọi cụm tháp này là “Tháp Bạc”. Việc này có thể xuất phát từ sự nhầm lẫn của ông Navelle - người đầu tiên đưa ra cái tên “Tháp Bạc” - với tên một ngôi tháp xưa của người Việt ở quả đồi bên cạnh: tháp Bạt trên đồi Bạt.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia từng có cuộc thi xây tháp giữa người Việt và người Chăm, mà sản phẩm của người Chăm là tháp Bánh Ít, còn người Việt dùng mẹo làm khung tháp bằng tre gỗ, dùng bạt phủ bên ngoài - chính là tháp Bạt. Về sau người Việt dựng chùa và xây tháp thờ Phật trên đồi Bạt. Chùa Bạt và tháp Bạt đã bị phá hủy trong thời chiến tranh bởi bom Mỹ.

Con đường cũ lên tháp, đi vòng qua tháp Bia trước

Từng ngôi tháp ở cụm tháp Bánh Ít không lớn, nhưng quy mô của quần thể tháp Bánh Ít (với các tầng, các lớp phế tích từng được biết đến qua công tác khảo cổ) lại trải trên cả một quả đồi lớn. Quần thể tháp Bánh Ít hiện còn lại 4 ngôi tháp, được bố trí trên một diện tích rộng lớn: Tháp Trung tâm và tháp Hỏa trên đỉnh đồi; Tháp Bia ở chếch phía Đông Nam và nằm thấp phía giữa sườn đồi; Tháp Cổng nằm xa nhất ở phía Đông, và thấp hơn vị trí của tháp Bia một chút.

Những năm 2010 về trước, để lên tháp phải đi vòng con đường lát đá phía Đông Nam khu tháp để đến tháp Bia đầu tiên, rồi theo con đường đất đi vòng lên phía mặt sau của tháp Trung tâm trên đỉnh đồi. Muốn tới tháp Cổng rẽ tay phải qua tháp Bia để đi tới.

 Tháp Cổng nằm thấp nhất và xa nhất về phía Đông - đúng với chức năng là “Cổng” của khu tháp. Trước đây, rất ít khi có người đi đến tháp Cổng, cây dại mọc cao trên đỉnh tháp. Sau này, người ta đã đầu tư làm các bậc cấp từ chân đồi lên cụm tháp theo hướng tháp Cổng từ phía Đông - con đường cổ xưa - lên bình đài lưng chừng đồi và tiếp tục lên đỉnh đồi thẳng tới tháp Trung tâm.

Tháp Cổng cùng tháo Trung tâm nằm trên trục Đông - Tây của khu tháp

Tháp Bia nằm ở cao độ lưng chừng đồi. Ngôi tháp này cũng có 4 cửa thông ra 4 mặt như tháp Cổng, nhưng cấu trúc các tầng trên khác hẳn tháp Cổng, trông khá đẹp mắt.

Tháp Trung tâm cao 29.6 mét, trông đường bệ với các cột ốp, các đường gồ nhô ra dọc các mặt tường, trên các đỉnh cột có các diềm trang trí dải dây hoa; các vòm cửa, cửa giả hình mũi lao với những nét họa tiết điêu khắc sống động dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân Chăm xưa - tuy đã bị thời gian, chiến tranh, và cả con người tàn phá - là những di sản vật thể quý giá mà người xưa để lại.

Tượng thần Shiva được thờ trong tháp Trung tâm

Trong lòng tháp Trung tâm có đặt thờ một bức tượng thần Shiva bằng đá. Bức tượng này mới được phục chế và đưa vào lòng tháp gần đây, theo nguyên mẫu hiện đang nằm ở Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở Paris - đây là một bức tượng lớn, được đánh giá là tác phẩm điêu khắc đẹp nhất tại quần thể tháp Bánh Ít, và có lẽ là bức tượng thờ chính của cả quần thể này.

Tháp Hỏa là một kiến trúc đặc biệt tại cụm tháp Bánh Ít với mặt bằng hình chữ nhật và bộ mái hình yên ngựa, giống tháp Hỏa Po Klaung Garai và một vài tháp ở Mỹ Sơn.

Tháp Trung tâm và tháp Hỏa nằm trên đỉnh đồi

Bộ mái tháp Hỏa Bánh Ít không còn nguyên vẹn bằng tháp Hỏa Po Klaung Garai ở Phan Rang, nhưng điểm đặc sắc của nó so với tháp Hỏa Po Klaung Garai là phần đế tháp, thân tháp và hai đầu hồi mái tháp đều có những họa tiết điêu khắc trang trí. Tuy các điêu khắc tượng thần phần đế tháp và các hoa văn hai đầu hồi mái tháp đã bị xói mòn nhiều bởi thời gian, nhưng các hoa văn khắc trên thân tháp còn khá rõ nét và tinh xảo.

“Hồi sinh” trong cộng đồng Chăm

Sau thời gian được tu bổ, làm mới đường lên tháp và đặt lại tượng thờ trong tháp Trung tâm, Cụm tháp Bánh Ít đã bắt đầu “hồi sinh” trong đời sống tinh thần của cộng đồng Chăm. Những người Chăm tận vùng Ninh Thuận, Bình Thuận bắt đầu trở lại dâng lễ ở tháp Bánh Ít mỗi dịp đi qua Bình Định - nhất là vào dịp đầu năm Chăm lịch của họ. Lễ vật (khá đơn giản) được chuẩn bị bày biện ở tháp Hỏa, rồi dâng cúng ở tháp Trung tâm.

Dâng lễ trên tháp Trung tâm

Sau khi thành kính dâng lễ, những người Chăm dành khá nhiều thời gian dùng bàn tay xoa lên pho tượng thờ rồi lại xoa vào mặt, vào người mình như một nghi thức cầu may đầu năm. Họ để lại lễ vật trong tháp, quét dọn lòng tháp rồi mới dời đi. Trước khi rời tháp, những phụ nữ Chăm vái chào tượng thần theo một nghi thức vô cùng thành kính.

Ngày nay, với sự quan tâm chăm sóc và đầu tư của ngành Văn hóa, Quần thể Di tích tháp Bánh Ít đã trở nên khang trang hơn nhiều, xứng với vị trí của nó trong số các cụm di tích tháp Chăm cổ còn lại ở miền Trung.

Bài và ảnh: NGÔ NAM

 

Top