Thành phố Arles
Trong suốt quá trình lịch sử, Arles trải qua nhiều lần chuyển giao, binh biến. Thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, người Ai Cập thành lập Arles. Năm 535 trước Công nguyên, Arles rơi vào tay người Celtic Salluvii và được đổi tên thành Arelate. Người La Mã chiếm Arles năm 123 trước Công nguyên và xây dựng kênh đào nối với Địa Trung Hải. Từ đó, Arles trở thành một hải cảng quan trọng nối Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Năm 46 trước Công nguyên, Hoàng đế La Mã Julius Caesar cho xây dựng các công trình kiến trúc quan trọng như: quảng trường chính, đấu trường, nhà thờ, nhà hát, khu lăng mộ, rạp xiếc... Thế kỷ XII, đô thị này trở thành vương quốc của người Tây Ban Nha, sau đó là thuộc địa của người Đức. Năm 1378, Hoàng đế Charles IV của Đế chế La Mã đã tặng Arles lại cho Pháp…
Arles hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều công trình kiến trúc có từ thời La Mã và Trung cổ như: quảng trường chính, được xây dựng khoảng năm 30 trước Công nguyên trong đợt quy hoạch đô thị lần thứ nhất của người La Mã; Nhà hát La Mã, được xây dựng vào cuối thế kỉ I trước Công nguyên ngay sau khi Arles trở thành thuộc địa của đế chế La Mã; rạp xiếc là công trình La Mã lớn nhất của thành phố tại thời điểm xây dựng năm 149; Khu lăng mộ Alyscamps, được xây dựng từ thời La Mã và được sử dụng đến hết thời Trung cổ; Nhà thờ Saint-Trophime, được xây dựng từ thế kỉ XII trên nền của một nhà thờ xây từ thế kỉ 5; nhà tắm công cộng được xây dựng vào thế kỷ thứ IV bên bờ sông Rhone….
Arles nằm bên bờ sông Rhone và được hưởng khí hậu mát mẻ của vùng Địa Trung Hải. (Ảnh:TL)
Công trình La Mã có nổi tiếng nhất ở Arles là Đấu trường Arène, được xây dựng ở phía Bắc thành phố vào những năm 70-80 sau Công nguyên. Công trình mang đậm dấu ấn La Mã cổ đại có sàn đấu hình oval, 34 hàng ghế ngồi bằng gỗ gắn trên nền đá, cầu thang và hành lang được thiết kế thông minh để tạo lối thoát nhanh nhất. Đấu trường uốn hai tầng có tổng chiều cao 136m với sức chứa 26.000 khán giả. Sân trung tâm hình elip được bao quanh bởi các dãy ghế, mặt tiền có dãy cuốn đôi với 60 cửa tò vò, mỗi cửa rộng khoảng 3,4m. Đến thế kỷ V, Đấu trường trở thành nơi sinh sống của người dân Arles và được xem như một pháo đài với nhiều tháp canh, sau đó phần lớn các tháp bị phá hủy và chỉ còn lại 3 tháp. Ngày nay, đấu trường Arène vẫn được sử dụng để tổ chức các trận đấu bò tót, đua ngựa, hòa nhạc... Du khách có thể leo lên tòa tháp gần cổng vào phía Bắc của Đấu trường, ngắm khu phố cổ và Nhà hát La Mã gần bên.
Một công trình cổ mang đậm đặc trưng văn hóa của Arles là Nhà hát La Mã được xây dựng vào đầu thế kỷ I, có sức chứa 8.000 người với 33 hàng ghế ngồi. Ban đầu Nhà hát được lát đá cẩm thạch xanh và đỏ, trang trí bằng nhiều tượng điêu khắc. Thời Trung cổ, Nhà hát bị bỏ hoang; người ta lấy đá từ Nhà hát đi xây tường thành. Ngày nay, Nhà hát chỉ còn hai cột trụ còn nguyên vẹn bên cạnh rất nhiều mấu cột. Các cuộc khai quật tại Nhà hát đã tìm thấy nhiều bức tượng cổ, trong đó tiêu biểu là bức tượng “Thần Vệ nữ vùng Arles” đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Paris. Ngày nay, Nhà hát là nơi diễn ra lễ hội Nhạc kịch của Arles vào tháng 7 hàng năm.
Cùng với Paris, Arles hiện là thành phố thu hút du lịch lớn tại Pháp. (Ảnh:TL)
Cột trụ La Mã phía trước Tòa thị chính của Arles cũng là một công trình La Mã đẹp. Cột trụ được xây dựng vào thế kỷ IV, cao 20m được làm bằng đá granite đỏ. Năm 1676, cột trụ được trùng tu, đặt trước Tòa thị chính trong thành phố cùng rất nhiều các dấu tích khác của kiến trúc thời La Mã.
Nhà thờ St. Trophime được xây dựng trên nền một nhà thờ cổ La Mã cũng là một điểm tham quan đặc biệt ở Arles. Gian giữa Nhà thờ cao khoảng 20m, các gian bên thấp hơn bao xung quanh. Nhà thờ có nhiều cửa sổ nhỏ và cao, bên trong có những bức tượng các vị thánh trong lịch sử Arles được điêu khắc sống động, mỗi tượng được ngăn cách bằng một cột đá xám, chân cột trang trí bằng các tượng sư tử. Phần đặc sắc nhất của Nhà thờ là hàng cột ở các dãy hành lang có phần mấu cột và chân cột trang trí nhiều tượng điêu khắc tinh xảo.
Đấu trường La Mã cổ, công trình tiêu biểu ở Arles. (Ảnh: TL)
Thành phố in đậm dấu tích La Mã này còn là nơi tạo cảm hứng cho họa sĩ lừng danh Van Gogh. Vào cuối thế kỉ 19, Van Goh đã từng sống ở đây trong vòng 15 tháng và sáng tác hơn 300 bức tranh sơn dầu, trong đó có nhiều tuyệt phẩm về hoa hướng dương. Ông say mê mảnh đất này bởi ánh nắng rực rỡ và khung cảnh tươi sáng của đồng cỏ, những khu phố hẹp, thanh bình mà vẫn không ngớt người qua lại.
Arles nằm trong vùng khí hậu Địa Trung Hải, mùa đông và xuân thường có gió lạnh và khô, mùa hè là thời điểm thích hợp nhất để tham quan nơi đây. Vào thời điểm này thời tiết rất đẹp, nhiều sự kiện văn hóa như lễ hội, đấu bò, ca hát, nhạc kịch, nhiếp ảnh… được tổ chức.
Với những công trình La Mã cổ còn được bảo tồn đến ngày nay, Arles được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1981. Nơi đây còn được mệnh danh là “Thành phố hoa hướng dương” trong tranh của Danh họa Vincent Van Gogh.
Bên trong Đấu trường La Mã cổ. (Ảnh: TL)
Cùng với kinh đô ánh sáng Paris, Arles hiện là thành phố thu hút lượng lớn du khách đến Pháp. Vào đúng mùa du lịch, Arles luôn chật kín du khách đến để tận hưởng không khí lễ hội đặc sắc cũng như tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của thành phố La Mã bên bờ Địa Trung Hải này.
Thu Hà